Cơm chay 0 đồng và những tấm lòng lớn lao
Đều đặn vào thứ 4 và chủ nhật hàng tuần, các thành viên của bếp ăn thiện nguyện An Yên lại dậy từ sớm, tất bật nấu nướng, chuẩn bị suất ăn 0 đồng cho hàng trăm bệnh nhân nghèo...
Căn bếp nhỏ với những tấm lòng lớn lao
Chính thức đi vào hoạt động từ mùng 1 tết Nguyên đán 2023, căn bếp nhỏ trên đường Cầu Bươu, Hà Đông, Hà Nội là nơi mang đến hàng trăm suất ăn miễn phí cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô.
Cứ đều đặn vào thứ 4 và chủ nhật hàng tuần, hàng chục thiện nguyện viên lại có mặt tại bếp cơm thiện nguyện An Yên, tất bật chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế, cùng nhau làm công việc thầm lặng nhưng chứa đầy tình yêu thương.
Chia sẻ về lý do thành lập bếp, chị Nguyễn Thị Vân (Hà Đông, Hà Nội) - Bếp trưởng bếp ăn từ thiện An Yên cho biết: “Cách đây 10 năm, tôi có theo đoàn thiện nguyện Hà Nội phát tâm ở bệnh viện K2. Tôi nhớ như in có một bệnh nhi ung thư xương thủ thỉ với tôi rằng 'cô ơi con không có phiếu, cô có thể cho con xin một suất không'. Chứng kiến những mảnh đời như vậy tôi đã có một mơ ước, sẽ mở một quán cơm chay để bán lấy tịnh tài, kinh doanh có lãi thì mình sẽ lấy để đi phát tâm”.
Thời điểm Tết Nguyên Đán 2023 khi các hàng quán, nhóm từ thiện đều dừng hoạt động. Nghỉ Tết, nhận thấy nhu cầu của bệnh nhân tăng cao, chị Vân cùng với một số người quen đã đứng ra thành lập bếp ăn từ thiện với tên An Yên, nhằm giúp hàng trăm bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được nhận tận tay những suất cơm thiện nguyện, giúp họ có thêm động lực đấu tranh với bệnh tật.
Vậy là sau 10 năm, ước mơ đẹp của chị Vân giờ đã trở thành thành hiện thực. Thời gian đầu khi mới đi vào hoạt động, căn bếp nhỏ còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực cũng như nguồn tài trợ từ các mạnh thường quân, mỗi ngày bếp chỉ nấu được từ 100-120 suất ăn.
“Thời gian đầu mới mở bếp rất khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ. Thế nhưng lâu dần, nhận được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình từ các tình nguyện viên trong đó có nhiều bạn trẻ, cũng như các cô chú lớn tuổi, bếp đã dần ổn định và lớn mạnh hơn. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đó không chỉ là sự ủng hộ về mặt vật chất mà còn là về mặt tinh thần, giúp bếp ăn luôn đỏ lửa phục vụ được tốt nhất cho người bệnh”, chị Vân nói.
Được biết, nguồn kinh phí được thành viên tự đóng góp hoặc kêu gọi, vận động từ các mạnh thường quân qua Facebook, Zalo, kênh TikTok của nhóm. Có người tài trợ tiền mặt, có người góp gạo, góp thực phẩm sạch. Thường kỳ, nhóm lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Các hoạt động đều công khai minh bạch, những khoản vận động, đóng góp cũng như chi tiêu.
Hiện tại, mỗi ngày bếp nấu từ 500 - 600 suất ăn phục vụ cho bệnh nhân tại bệnh viện K, cơ sở Tân Triều và Viện Huyết học - Truyền máu Trung Ương. Nguyên liệu được chị Vân cùng các cộng sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo về dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như cân đối món ăn để phù hợp cho cả trẻ em và người lớn..
Trước khi lên thực đơn mỗi buổi, chị Vân sẽ xin ý kiến từ các bác sĩ, chuyên gia tìm hiểu để biết bệnh nhân ăn gì, kiêng gì. Mỗi nhóm bệnh nhân sẽ có thực đơn riêng để phù hợp với tình trạng điều trị của người bệnh.
“Bệnh nhi sẽ có thực đơn riêng, bệnh nhân lớn tuổi cũng có thực đơn riêng. Ví dụ như bệnh nhân bệnh viện K3 là các con bị ung thư xương, ung thư phần mềm, thì các con ăn được thịt bò. Nhưng các con ở viện huyết học trung ương thì không ăn được thịt bò, vì vậy quá trình lên thực đơn phải rất chuẩn chỉ", chị Vân chia sẻ.
Có lẽ chính sự tận tâm, chu đáo đó mà Bếp An Yên nhận được rất nhiều sự ủng hộ thiết thực. Từ khi hoạt động, hàng trăm thiện nguyện viên từ những cô bác đã nghỉ hưu, tới những bạn học sinh, sinh viên còn rất trẻ, đều lựa chọn căn bếp làm “ngôi nhà chung” để cùng san sẻ tình yêu thương và lòng nhân ái.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) là một trong những thiện nguyện viên đồng hành cùng Bếp An Yên ngay từ những ngày đầu thành lập, bà Mai chia sẻ: “Từ khi thành lập đến giờ, Bếp An Yên làm việc rất quy củ, minh bạch. Tôi yêu Bếp An Yên ở chỗ mọi người nhiệt tình, lúc nào cũng nói cười, hôm nào không đến được bếp thì rất buồn. Có những lúc mà quỹ gần như đã hết, bếp trưởng lại bảo có khi chị em mình phải nghỉ rồi vì quỹ bếp đã hết. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, các mạnh thường quân lại chuyển tiền về, bếp lại tiếp tục hoạt động và phát triển cho đến hôm nay”.
Mỗi người trong nhóm thiện nguyện có một hoàn cảnh, điều kiện cuộc sống khác nhau. Nhiều người cũng vất vả trăm bề với cuộc sống riêng. Tuy nhiên, với tâm niệm sẻ chia khó khăn cùng bệnh nhân nghèo, ngọn lửa của thiện tâm, bếp cơm từ thiện của họ vẫn luôn được duy trì, mở rộng.
Trao đi yêu thương sẽ nhận lại hạnh phúc
Để chuẩn bị những phần cơm, các thành viên của bếp đã phải sơ chế nguyên liệu từ sáng, nấu cơm từ trưa, dọn dẹp và bày biện bàn ghế từ đầu giờ chiều. Những suất cơm sau khi được hoàn thiện và đóng gói cẩn thận, sẽ được các thành viên phát tận tay tới từng bệnh nhân. Giá trị mỗi suất cơm tuy không lớn, nhưng đủ để cho các bệnh nhân cảm nhận được sự sẻ chia, lòng nhân ái.
Bà Đỗ Thị Thủy, 72 tuổi hiện đang điều trị ung thư vú tại bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội), người phụ nữ quê Hưng Yên nhập viện từ tháng 1 năm 2023, đối với bà Thủy mọi sự giúp đỡ, hỗ trợ từ cộng đồng đều quý báu, tiếp thêm cho bà động lực để chiến đấu với bệnh tật.
“Hoàn cảnh của tôi cũng như nhiều bệnh nhân mắc K đang điều trị trong viện đa phần khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy mọi sự giúp đỡ đều quý báu, hôm nay nhận phần cơm từ Bếp An Yên, tôi cảm thấy rất vui, chỉ mong bếp tiếp tục hoạt động để giúp đỡ, hỗ trợ được nhiều bệnh nhân hơn nữa”, bà Thủy chia sẻ.
Mỗi lần phát cơm xong, chị Vân đều nhận được phản hồi rất tích cực từ bệnh nhân và người nhà. Mỗi một ý kiến đều được chị lắng nghe, ghi nhận, qua đó cải thiện hơn nữa chất lượng của từng bữa ăn, làm sao phù hợp với khẩu vị cũng như đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân trong quá trình điều trị.
Bên cạnh việc phát cơm từ thiện, hàng tháng Bếp An Yên còn tổ chức sinh nhật cho các bệnh nhi đang điều trị trong viện với bánh sinh nhật và những phần quà ý nghĩa.
“Trước đây khi tham gia hoạt động thiện nguyện, chứng kiến các bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhi luôn đau đớn vì bị bệnh tật dày vò, phải điều trị trong bệnh viện. Cuộc sống đối với các con nhiều khi rất mong manh, nay được mai mất, vì vậy tôi tự nhủ làm sao mang lại cho các con những bữa ăn ngon, những khoảnh khắc ý nghĩa, hạnh phúc để các con có kỷ niệm đẹp, tuổi thơ hạnh phúc như những đứa trẻ khác”, chị Vân ngậm ngùi.
Đôi tay run run nhận lấy chiếc bánh sinh nhật, bé Nguyễn Thành Lợi (6 tuổi) hiện đang điều trị tại bệnh viện K Tân Triều không khỏi vui mừng, vì đây là sinh nhật đầu tiên của em trong viện. Anh Nguyễn Văn Thông bố của Lợi cho biết: “Tôi thực sự xúc động trước tình cảm mà các cô, các chú của Bếp An Yên dành cho bé. Lần đầu tiên được thổi nến sinh nhật trong viện bé rất vui, trước mặt đông người bé có hơi rụt rè, thế nhưng khi về tới phòng bệnh, mở quà sinh nhật bé cứ khoe với tôi suốt, thật sự biết ơn chị Vân và các anh chị rất nhiều”.
Theo chị Vân, làm việc thiện tùy theo sức của mình, được đến đâu thì cố gắng làm, ngày nào còn hơi thở, còn sức khỏe, còn được mọi người ủng hộ thì còn làm thiện nguyện.
“Chỉ cần nhìn các con, các mẹ hay các bệnh nhân lớn tuổi bảo là bác ơi, nay Bếp An Yên phát tâm ngon lắm, là mình cảm thấy hạnh phúc. Thông qua việc này, mình cũng muốn gieo duyên tới những bạn trẻ về việc thiện nguyện, lan tỏa tâm thiện. Tôi luôn quan niệm rằng cho đi yêu thương sẽ nhận lại hạnh phúc. Biết đâu sau này một trong số các bạn lại sẽ mở nhóm thiện nguyện giúp đỡ người khác như mình đang làm", chị Vân chia sẻ.
Mỗi suất cơm trao đi đều kèm với những lời dặn dò, sẻ chia tới các bệnh nhân. Đáng quý nhất đối với Bếp An Yên không gì hơn ngoài những nụ cười, những lời cảm ơn. Trao đi để nhận lại. Niềm vui từ những bệnh nhân cũng chính là động lực để các thành viên tiếp tục giữ lửa cho Bếp An Yên.
(Theo Sức khỏe & Đời sống)
Xem thêm: Giỏ bánh mì 0 đồng - Hành trang đặc biệt khi đi dạy của thầy giáo thương học trò như con
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận