Chuyện về tộc người bí ẩn hàng trăm năm vẫn tìm chưa ra nguồn gốc ở Khánh Hòa

Trong suốt dặm dài lịch sử, nguồn gốc tộc người Đàng Hạ ở Sơn Đừng (xã Vạn Thạch, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) vẫn là bí ẩn chưa có lời giải thỏa đáng. 

Đỗ Thu Nga
07:00 08/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tộc người bí ẩn nhất Khánh Hòa

Đến thôn Sơn Đừng (xã Vạn Thạch, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) ai cũng sẽ thấy thấp thoáng những căn nhà xập xệ, đậm nét hoang sơ cùng vài chiếc thuyền thúng nỏ neo đậu bên bờ biển. Đây chính là nơi sinh sống của người dân Đàng Hạ - tộc người bí ẩn nhất ở tỉnh Khánh Hòa.

Ông Bảy Đinh (77 tuổi, người Đàng Hạ gốc) là thủ từ ngôi đình Sơn Đừng đã gần 40 năm chia sẻ: "Theo ông bà kể lại thì tộc người chúng tôi ít nhất có từ hơn 300 năm trước. Nhưng nguồn gốc, tên gọi về bộ tộc của mình cho đến giờ vẫn chưa thể xác định xuất phát từ đâu.

Có nhiều giả thuyết khác nhau được truyền lại qua lời kể của những lão làng. Người thì nói gốc người Đàng Hạ xưa kia là người Chiêm Thành lưu lạc vào đây, sau những biến cố của chiến tranh. 

Chuyen-ve-toc-nguoi-bi-an-hang-tram-nam-van-tim-chua-ra-nguon-goc-0

Cũng có người lại nói người Đàng Hạ là những ngư dân Indonesia trên đường hành nghề đánh bắt hải sản, gặp cơn bão giữa khơi xa xô đẩy, trôi dạt vào những đảo nhỏ ở Vạn Thạnh. Sau đó không thể về được nên đã ở lại nơi này lập nghiệp”, ông Bảy nói.

Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian như Trần Việt Kỉnh hay Giáo sư Trần Quốc Vượng thì người Đàng Hạ là tộc người dân tộc thiểu số. Nhà nghiên cứu Việt Kỉnh có nhắc đến người Đàng Hạ trong cuốn "Người Hẹ - Văn hóa tộc người". Theo đó, người Đàng Hạ mang trong mình chút tính chất Nam Đảo, nên khi tới vùng đất mới họ dễ hòa nhập với người bản địa.

Bởi nhờ có chung hệ ngôn ngữ Môn - Khmer và văn tự phạn (Sanskrit). Họ sống trầm lặng, ưu tư; đầy tự ti, mặc cảm. Nhưng tất cả những câu chuyện này vẫn mang một màu sắc huyền bí mà cho tới nay chưa có tính xác tín.

Còn trong Tạp chí "Thông tin cuộc sống" số 2/1989 của Trung tâm Cổ động tỉnh Phú Khánh, tác giả Trần Ngọc Quang mô tả, những người Đàng Hạ có da đen, tóc quăn, mày rậm, con ngươi vàng. Người Đàng Hạ không biết làm ruộng, đi biển, nuôi gia súc, không có nghề thủ công, không có ngôn ngữ, chữ viết riêng. Vì lẽ đó mà các nhà nghiên cứu khó lòng tìm ra được nét văn hóa đặc trưng của họ.

Những điều lạ của người Đàng Hạ

Không chỉ mơ hồ về nguồn gốc của người Đàng Hạ, ở Sơn Đừng còn có những điều rất lạ. Ông Trần Trò (90 tuổi), người sống ở Sơn Đừng cho biết, dọc bờ cát mịn sát mép biển, khi thủy triều lên xuống, người dân chỉ cần cào lớp cát mỏng là có thể uống được nước ngọt.

“Ngày trước, nghe các cụ truyền tai nhau, khi vua Gia Long (lúc đó còn chưa lên ngôi) trên đường bị quân Tây Sơn truy đuổi đã dạt vào bán đảo Sơn Đừng. Nhà vua đã phát hiện ra mạch nước ngọt sát mép biển, chiều chiều cùng quân lính lấy nước về sinh hoạt trong một thời gian dài. Sau đó, vua ban thưởng cho dân làng người Đàng Hạ bằng cách đặt họ cho con trai mang họ Đinh, còn con gái mang họ Trần”, ông Trò kể. Hiện nay, Sơn Đừng vẫn có đền thờ vua Gia Long.

Chuyen-ve-toc-nguoi-bi-an-hang-tram-nam-van-tim-chua-ra-nguon-goc-0
Người Đàng Hạ lấy nước ngọt ngay sát mép biển

Nói về cuộc sống của người Đàng Hạ, ông Bảy chia sẻ: Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, khu vực Sơn Đừng có 7 hộ dân sinh sống. Cuộc sống khó khăn, họ dựa vào việc săn bắn, hái lượm, lên núi Khải Lương chặt củi đốt than, cũng không đi biển. Phụ nữ thì chỉ quanh quẩn ở nhà. Xóm nhỏ không có đường đi, không điện thắp sáng, nhà cửa chỉ lợp tranh, người dân cũng không học hành…

Theo ông Lê Hoàng Vương - Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết, mãi đến năm 1999, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp kinh phí xây 7 ngôi nhà cho 7 hộ dân người Đàng Hạ. Mỗi hộ dân còn được cấp 40 con tôm hùm giống, 1 con bò và giao đất để trồng điều. Nhưng cũng chỉ được 1 thời gian, tôm đến vụ thu hoạch họ bán đi tiêu xài, không tái sản xuất.

Cũng có một vài người mua được ghe và bắt đầu đi đánh bắt hải sản để phát triển kinh tế. Hiện nay, nơi đây đã có điện lưới quốc gia, có sóng điện thoại, con em đã được học hành nên cuộc sống tiến bộ đáng kể.

Cùng với chính quyền địa phương, lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng đang tích cực giúp đỡ bà con Sơn Đừng cải thiện cuộc sống. Từ năm 2000 - 2006, Đồn Biên phòng Đầm Môn đã mở và duy trì các lớp học tình thương ở Sơn Đừng, sửa chữa các phòng học cho các cháu; thường xuyên khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân; dạy họ cách làm ăn, phát triển kinh tế.

Cho đến nay, những người Đàng Hạ vẫn luôn trăn trở về nguồn cội của mình. Những người gốc Đàng Hạ thuộc thế hệ lão làng chỉ còn duy nhất ông Trần Chớ (90 tuổi). Nhưng hiện nay, ông không còn minh mẫn và chỉ nằm một chỗ. 

Ở Sơn Đừng nay có 47 hộ, trong đó có 2 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo. Tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng những người Đàng Hạ ở Sơn Đừng vẫn luôn có ý chí vươn lên làm giàu. 

Nhiều người đã biết nuôi tôm thương phẩm, một số rời đến khu vực Đầm Môn phát triển kinh tế, có của ăn của để, xây được nhà kiên cố. 

Xem thêm: Hồi ức Khánh Hòa xưa - thời "chúa sơn lâm" cai trị

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận