Hồi ức Khánh Hòa xưa - thời "chúa sơn lâm" cai trị

Khánh Hòa xưa nổi tiếng về cọp, vậy nên mới có câu "cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận". Viên toàn quyền Đông Dương hồi năm 1897 cũng từng ghi nhận thực tế này trong cuốn hồi ký của mình.

Đỗ Thu Nga
09:00 07/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vùng hổ

Thời xưa, tỉnh Nha Trang, hay nói đúng hơn là tỉnh Khánh Hòa, không quá giàu có cũng không quá đông dân. Dưới sự cai trị của triều đình An Nam cũ, xứ này thậm chí còn mang tiếng xấu, nhưng không phải vì nơi đây là nơi lưu đày của những người sống ở miền Bắc, miền Trung của Đế chế An Nam/ Vùng núi đồ sộ ở quá gần biển khiến đồng bằng trở nên nhỏ hẹp. Mảnh đất màu mỡ nhưng ít dân cư, nơi chính xác hơn là rất ít người ở.

Thế nhưng, động vật ở đây lại rất đa dạng, và trước hết cần nói đến hổ, chúa sơn lâm của châu Á. Chúng thống trị gần như tuyệt đối và không thể thách thức tại các vùng quanh Nha Trang và cả ở những vùng đất xa phía Bắc và phía Nam. Nhưng sĩ quan đã từng cập tàu vào đây thời xưa không có nhiều thông tin về đất nước này, đã gọi khu vực này bằng cái tên “Vùng hổ.”

Chuyen-ve-Khanh-Hoa-thoi-chua-son-lam-cai-tri-0
Một góc Nha Trang đầu thế kỷ 20

Nói không phải ngoa chứ nơi đây thời xưa là "lãnh địa" của những con hổ. Chúng ngủ ngày, cày đêm. Khi ánh nắng nhạt đi, bóng tối dần bao phủ, chúng đi săn mồi, kiếm bạn tình. Một khi lãnh địa thuộc về chúng, chẳng có gì khiến chúng e ngại. Ai muốn giữ mạng thì hãy chạy hoặc trốn. Máu chảy, thịt rơi dưới móng vuốt của chúng là chuyện thường xuyên xảy ra vào thời đó.

Lũ hổ săn mồi rất hung hăng, chúng giết chóc để lấy thức ăn và cả khi cơn đói kết thúc, chúng vẫn tiếp tục giết, cắn xé theo bản năng và hứng thú. Nếu chúng rơi vào giữa một bầy bò, ngựa hay bất cứ loài nào khác, nếu không có gì làm phiền chúng, thì sau khi đã giết một con để ăn thịt, chúng sẽ giết những con khác rồi bỏ trốn. Dù đã no căng và thỏa thuê, nếu gặp một sinh vật trên cung đường chúng đi qua, chúng vẫn nhảy đến kết liễu nạn nhân.

Ở Khánh Hòa khi ấy không thiếu động vật để săn bắt, nhất là những loài mà hổ ưa thích như hươu và công. Loài công là món mồi ngon, một thứ thức ăn như người ta nói rất được vua ưa chuộng, tức là lũ hổ cũng vậy. Khi công xuống đất tìm thức ăn và không kịp bay lên thì hổ sẽ xông ra vồ chúng. 

Và đương nhiên, loài hổ Khánh Hòa khi ấy chẳng sợ người. Dù đói dù không, hổ vẫn giết người khi con người rơi vào tầm mắt của nó. Người dân Khánh Hòa thời xưa rất sợ hổ. Khi nhá nhem tối nhà nào nhà nấy đóng kín cửa. Theo một số ghi nhận, số người An Nam chết vì hổ ở Khánh Hòa rất đáng kể. 

Chuyen-ve-Khanh-Hoa-thoi-chua-son-lam-cai-tri-7
Rào tre để chắn hổ dữ

Một người nông dân làm việc về muộn trên đồng, lơ đãng khi chiều tắt nắng, khi hoàng hôn thay thế ánh sáng ban ngày, có thể bị hổ vồ trên đường về nhà. Thế là xong.

Nếu con hổ đang đói cồn cào, người đó sẽ may mắn được chết ngay bởi miếng đớp đầu tiên, một kết thúc nhanh chóng cho cái chết kinh hoàng. Nhưng nếu hổ ăn no rồi, và người đó không phải con mồi đầu tiên thì cuộc giết chóc sẽ tàn ác hơn nhiều.

Nó sẽ từ từ cắn xé nạn nhân, đôi khi vờn con mồi như con mèo vờn chuột. Kẻ xấu số sẽ phải hứng chịu nỗi sợ hãi khủng khiếp tận cùng dưới móng vuốt loài thú...

Lòng hận thù và cuộc chiến cam go

Lòng thù hận sâu sắc khiến người Khánh Hòa xưa không chỉ muốn giết hổ mà còn muốn loài cầm thú này phải chịu đau đớn thật lâu, thật tàn bạo.

Trong một ngôi làng ở Khánh Hòa xưa, một anh chàng An Nam 18 tuổi đang đi làm về như mọi người khi ánh nắng mặt trời dần tắt. Những người lao động khác, trong đó có cha cậu cũng về cùng, đi trước cậu chỉ chừng vài bước. Vài người quay lại để gọi cậu, bảo đi lên cùng mọi người, ngay lúc đó học chỉ kịp nhìn thấy một con hổ lao ra từ khu rừng gần đó, và chỉ bằng hai bước nhảy đã vồ được kẻ xấu số, ngoại gáy cậu và tót vào rừng.

Một tiếng la khủng khiếp vang lên, chỉ một tiếng duy nhất. Tất cả mọi người hoảng sợ, chạy về nhà mình, chỉ trừ một người, đó là cha của chàng trai. Ông như chết đứng tại chỗ, vừa khóc, vừa rên rỉ, vò đầu bứt tóc, bất lực khi con trai chết dưới nanh vuốt của loài cầm thú trước mắt mình.

Vừa hay khi ấy có một toán lính trong làng, đó là một đội lính bản xứ, đang hành quân để đến Nha Trang trước đêm. Họ gồm khoảng 12 người, do một viên Đội chỉ huy. Người này là một cựu biệt kích. Tiếng hét của những kẻ đang chạy trốn khiến ông lệnh cho toán lính dừng lại. Người ta kể ông nghe chuyện bị hổ vồ, cầu xin ông tiêu diệt con vật quái ác để cứu nạn nhân, hay nếu đã quá muộn thì trừng trị con vật đó.

Chưa đến 15 phút kể từ khi thảm cảnh xảy ra, những người lính mang súng trường đã tới trước vạt rừng - nơi con hổ vồ người. Cha mẹ của chàng trai cũng theo đội lính, trong khi những người dân khác tụ tập một cách cẩn trọng ở phía sau.

Nếu đúng như những gì người ta suy đoán, dựa vào thời điểm bất thường mà con hổ săn mồi, thì nó đang rất đói và hẳn sẽ đang hưởng thụ bữa ăn ngay gần chỗ nó vồ mồi. Trong khi quanh đó là đất trống, còn những bụi cây và cánh rừng có thể ẩn náu thì cách khá xa chỗ đó. Suy đoán này chính xác. Con hổ chưa đi xa, nó đang thưởng thức chiến lợi phẩm. Thấy người đến nó không sợ hãi bỏ chạy.

Chuyen-ve-Khanh-Hoa-thoi-chua-son-lam-cai-tri-9
Một con cọp vừa bị bắn hạ

Ông Đội cho lính dàn hàng ngang, ông đứng giữa, tất cả đều giương lê, súng đã lên đạn, ngón tay lên cò. Họ tiến đến mép vạt rừng, và đứng yên một lúc. Ông Đội dò xét, lắng nghe và nhận ra ở giữa khoảng hẹp phủ kín cây cỏ có tiếng cành cây gãy, đó là con hổ đang thu mình chuẩn bị vồ. Ông Đội đưa tay dùng súng chỉ hướng cho lính.

“Bắn.” Ông hô lên.

Hai mươi phát súng xé toạc không gian bằng âm thanh cực lớn. Đáp lại là tiếng gầm vang động núi rừng. Người ta nghe tiếng cành cây gãy, một khối gì đó đang di chuyển rồi dần hiện ra trong bóng hoàng hôn. 

“Nạp đạn. Bắn!” Ông Đội ra lệnh

Một loạt súng mới vang lên.

“Nạp đạn.”

Các khẩu súng lên đạn, lưỡi lê đan chéo theo chiều ngang, những người quân nhân thận trọng tiến vào vạt rừng. Họ không còn phải ngại gì nữa. Con vật khổng lồ giãy giụa dưới đất, trong một vũng máu, đầu vỡ, thân xác thủng lỗ chỗ. Hầu như không viên đạn nào trượt

Loạt bắn đầu tiên vào lúc con vật hướng đầu về cuộc tấn công, chuẩn bị tung mình, đã phá nát quai hàm nó, bắn thủng một mắt, rạch nát sọ. Con hổ bị đẩy lui và đổ vật sang một bên. Loạt đạn thứ hai xé nát bụng con vật. Loạt đạn đúp này, xét ra, đạt kết quả tuyệt vời. Ông Đội tự hào, và ông có lý để tự hào.

Không xa cái xác dài không dưới dưới ba mét của con thú khổng lồ, người ta thấy phần còn lại của nạn nhân... Nhìn thấy cảnh đó, bố mẹ chàng trai điên cuồng vì đau đớn và giận dữ, gào thét bằng cả nỗi đau đớn và lòng căm hờn con thú dữ, chửi rủa, giẫm đạp nó, trách những người lính đã giết con hổ nhanh quá, không để lại cho họ một chút sự sống của con thú, để họ, cha mẹ của người bị sát hại, có thể tra tấn kẻ sát nhân.

“Đồ chó chết, đồ khốn kiếp!” Người cha gào lên, băm vằm con vật bằng con dao phát rừng của mình; con thú im lìm. “Trả con cho tao! Mày đã làm gì nó, đồ đáng nguyền rủa”. Trong bóng đêm dần buông, cảnh tượng đau buồn ấy khiến tất cả phải rùng mình kinh sợ.

Nỗi sợ của Công sứ tỉnh Nha Trang

Người Pháp ở Nha Trang cũng bị hổ vồ khi đang đi trên đường vào cuối ngày. Anh ta cưỡi ngựa. Hai con hổ lao đến cùng lúc, một con vồ người, một con vồ ngựa. Anh người An Nam phía sau kịp chạy trốn. Trước khi bị tha đi, anh ta còn kịp bắn hai, ba phát bằng súng lục, nhưng vô ích. 

Người ta cũng thấy thật lạ thường khi có người bị hai con hổ tấn công cùng lúc. Rất hiếm khi thấy loài thú hung dữ này sống theo bầy đàn, chúng là những kẻ đơn độc.

Chuyen-ve-Khanh-Hoa-thoi-chua-son-lam-cai-tri-6
Căng da hổ

Có một viên Công sứ người Pháp từng làm việc ở Nha Trang cũng nói rằng: Những con mãnh thú đã tỏ ra đặc biệt dữ dằn, thù địch đối với những vị đại diện Pháp trong tỉnh của mình. Thấm nhuần tư tưởng đó, ông ta đã làm những gì cần thiết để chấm dứt truyền thống này và để không rơi vào móng vuốt của kẻ thù. Chẳng ai có thể kết tội ông. Nhưng sự thận trọng quá đáng của ông đã đến mức giống như một trò trẻ con.

Một ngày nọ, viên Công sứ đi thăm một cao nguyên trong dãy Trường Sơn thuộc tỉnh Khánh Hòa, đó là cao nguyên Lâm Viên. Đi cùng có bác sĩ Yersin và Đại úy pháo binh Langlois. Tất cả đều cưỡi ngựa, trừ viên Công sứ ngồi kiệu. 

Khi buổi tối buông xuống, mọi người không còn tâm trí nghĩ đến chuyện trừ hổ. Nhưng viên Công sứ lại rất quan tâm. Ông ta vẫn không an tâm dù xung quanh là những phu khiêng kiệu và toán lính vệ binh. Ông cảm thấy lũ hổ đang lượn xung quanh và tự nhủ rằng, vị Công sứ tỉnh Nha Trang, đang bị đe dọa nhiều nhất.

Nói như thế là đủ thấy, thời xưa, Khánh Hòa nhiều hổ thế nào và "chúa sơn lâm" khi ấy hung tợn ra làm sao.

Xem thêm: Huyền thoại ly kỳ về tháp Bà Po Nagar nổi tiếng ở Nha Trang

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận