Cha nuôi vĩ đại: Tuổi cao sức yếu vẫn nai lưng làm đủ thứ nghề để chăm lo cho hơn 100 đứa trẻ "vô thừa nhận"
128 đứa con của ông Đinh Minh Nhật chủ yếu là trẻ mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi không nơi nương tựa hoặc hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí có cả trẻ bị khiếm khuyết, không làm chủ được hành vi.
Cái "duyên" với những đứa trẻ "vô thừa nhận"
Nhà ông Đinh Minh Nhật (60 tuổi, ngụ thôn 1, xã Ia H’lốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười giống như một trường học thu nhỏ. Sáng nào cũng vậy, có khoảng chừng chục đứa trẻ khoảng 7 - 16 tuổi ngồi học bài trước sân. Khi thấy có người, chúng lễ phép mời vào uống nước, chờ ông Nhật đang trở về.
Vừa thấy ông Nhật xuất hiện trước cổng, bọn trẻ ùa ra đón. Đứa nắm tay, đứa kéo vạt áo, mấy đứa nhỏ nhất chạy tới sà vào lòng ông. Ông Nhật ân cần xoa đầu từng đứa, bảo vào phòng học để ông tiếp khách cho dễ.
Hơn 16 năm qua, ông Đinh Minh Nhật đã nhận nuôi trẻ từ sơ sinh bị bỏ rơi đến trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Trong số 128 đứa trẻ được ông Nhật cưu mang, hiện có 13 em đang học đại học và 17 em học nghề. Đứa con lớn nhất của ông nay đã 22 tuổi và đang học đại học tại Huế.
Do biết ông phải chăm cùng lúc rất nhiều em nhỏ ở nhà nên những người con đó đã tự kiếm việc làm thêm để trang trải sinh hoạt phí cũng như đỡ đần kinh tế cho mái nhà chung.
"Nuôi các con bao nhiêu năm tôi chỉ mong nhìn thấy các con nên người, thành công, như vậy tôi mãn nguyện lắm rồi", ông Nhật chia sẻ với báo Tổ quốc.
Nói về cái "duyên" giữa ông Nhật và những đứa trẻ, theo VnExpress, nó bắt đầu từ năm 2005, khi người đàn ông này từ Sài Gòn về xã la Hlốp nhậm chức linh mục. Ông thường cùng bạn vào những ngôi làng sâu trong rừng, tìm hiểu về đời sống nhân dân.
Một lần nọ, gặp đám ma của người Gia Lai, ông thấy một đứa trẻ đỏ hỏn khóc dữ dội cạnh thi thể người phụ nữ đang chuẩn bị được mai táng. người bạn đi cùng giải thích, mẹ cháu bé này chết, theo tục của người Gia Rai thì con mới sinh sẽ phải chôn theo mẹ.
Nghe câu chuyện, ông Nhật cảm thấy xót xa vô cùng. Ông lao vào giành lại đứa trẻ từ tay già làng. Sau một hồi thương thảo, già làng chấp nhận đổi đứa trẻ bằng một con heo để cúng Giàng. "Lúc đó tôi chỉ muốn giật lại đứa trẻ để cứu nó chứ không nghĩ gì đến việc sẽ cho ai hay sẽ nuôi nó như thế nào", ông nhớ lại.
Về nhà, người đàn ông độc thân bỡ ngỡ khi ẵm trên tay đứa trẻ 2 ngày tuổi khóc ngặt vì khát sữa mẹ. Thương con, ông đến từng nhà trong làng, hỏi thăm từng phụ nữ đang cho con bú để xin sữa. Nhiều người không dám cho vì sợ xui xẻo, họ vắt sữa ra chén nhỏ chẳng được bao nhiêu, đút được vài muỗng là hết, đứa trẻ lại khóc.
"Cũng có người cho bú, nhưng thấy bú nhiều lại sợ hết sữa, nên từ chối cho thêm", ông nhớ lại.
Đứa trẻ đó gầy gò đen nhẻm, ông Nhật không biết tìm ai để cho làm con nuôi. Vả lại, nó quen hơi ông nên ông bỗng thấy thương và có cảm giác gắn kết với nó. Không suy nghĩ nhiều, ông quyết định giữ lại nuôi, đặt con tên là Đinh Hồng Phúc. Vì nhận con nuôi nên ông Nhật không thể tiếp tục làm linh mục.
Tình yêu thương của người cha mồ côi lớn dần, ông đi khắp nơi tìm hiểu hoàn cảnh rồi nhận nuôi các cháu mồ côi cha mẹ. Tiếng lành đồn xa, các bác tài xe ôm, xe khách cứ thấy trẻ sơ sinh bị bỏ rơi là đem về cho ông Nhật.
“Có khi họ gọi vào nửa đêm, giữa lúc trời mưa gió, tôi cũng lên xe đi ngay. Vừa chạy vừa lo những bất trắc trên đường, nhưng nghĩ đến những đứa trẻ bất hạnh có thể không qua khỏi vì đói, vì lạnh, tôi như có động lực thôi thúc chạy cả trăm cây số giữa đêm khuya. Đến nơi là quấn khăn ấm đưa cháu bé về nhà chăm sóc ngay, rồi thông báo với chính quyền”, ông Nhật kể với tờ Sài Gòn Giải Phóng.
"Cha già" làm đủ thứ nghề để nuôi con
Ba năm sau, nghe người làng nói ở huyện Chư Pưh có hai vợ chồng người Gia Rai vừa qua đời để lại 5 đứa con, đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ mới 2 tháng. Chạy xe máy hơn 40 km đường rừng, ông chứng kiến cảnh 5 đứa nhỏ đói chẳng có gì ăn, một tuần liền vào rừng mót mủ cao su đổi lấy bánh ăn, ông quyết định dẫn về bọn trẻ về nhà.
Để nuôi bọn trẻ, ngoài trồng cà phê, ông Nhật còn đi làm thuê đủ thứ nghề. Hồi đầu năm 2008, ông xin được việc chăm người già ở bệnh viện vào ban đêm. Vậy là, tối tối, ông khóa cửa để những đứa lớn ở nhà, địu những đứa nhỏ đến viện, trải chiếu ở hành lang cho chúng ngồi chơi còn mình bắt tay vào làm việc.
Công việc chăm người bệnh không hề nhẹ nhàng, thậm chí thường xuyên bị quát tháo và mắng chửi thậm tệ. Thấy ông cực quá, những đứa trẻ níu áo khóc lóc nói: "Thầy ơi đừng làm nữa, mình về đi".
Khi các con lớn hơn, ông dẫn chúng lên rẫy. Hết làm cho nhà mình lại làm thuê cho nhà khác. ""Dẫn theo để tụi nhỏ biết quý trọng lao động thôi, chứ chúng còn trông nhau, làm được bao nhiêu", ông kể với VnExpress.
Bọn trẻ hầu hết là người dân tộc nên ông phải học tiếng Gia Rai để hiểu các con hơn. "Sau 14 năm, tôi tự hào mình có thể viết đúng chính tả hơn tụi nhỏ", ông nói và luôn khuyến khích các con nói tiếng dân tộc mình, nhắc nhở các con không quên nguồn cội. Bé Hồng Phúc ở với ông từ nhỏ nên không giỏi tiếng dân tộc. Có lần, Phúc tỏ ra coi thường những đứa em ở cùng, ông Nhật giải thích: "Con cũng là người dân tộc, dù con không giỏi tiếng Gia Rai, nhưng máu chảy trong con là máu của núi rừng", người cha nuôi vĩ đại tâm sự.
Trong hơn 16 năm nuôi các con, ông Nhật day dứt nhất là chuyện cậu bé tên Hiệp. Em bị cha mẹ bỏ rơi khi mới 6 tháng tuổi. Ông Nhật đưa Hiệp về nuôi 1 thời gian thì cặp vợ chồng hiếm muộn đến năn nỉ xin con nuôi. Mong con có được mái ấm với đủ cha mẹ nên ông đồng ý.
Những tháng sau đó, ông vẫn thường đến thăm Hiệp. Sua 7 tháng, ông nhận thấy cứ mỗi lần đến thăm con lại thấy trên người thằng nhỏ có nhiều vết bầm tím. Hỏi hàng xóm thì mới vỡ lẽ, con bị cha mẹ nuôi bạo hành.
Sau hôm đó, ông quyết đưa con về. Giờ Hiệp đã lớn, đã đi học, nhưng ánh mắt con lúc nào cũng buồn, chẳng mấy khi thấy cười. Nhìn Hiệp lặng lẽ bên các anh chị, ông hối hận vì trao con cho người khác. "Nên bây giờ dù thế nào tôi vẫn giữ con bên cạnh. Cực khổ một chút nhưng có được tình thương", ông tâm sự.
Không chỉ day dứt vì "cho con" nhầm chỗ, ông Nhật còn có lúc bị hiểu lầm, gặp chuyện không vui, giống như hồi ông đưa cháu Thúi (11 tuổi) vào TP Hồ Chí Minh chữa bệnh. Ông nhận nuôi Thúi từ lúc còn đỏ hỏn. Cháu mắc bệnh down, không có hậu môn, việc chăm sóc vô cùng khó khăn, vất vả. Muốn cháu tiện sinh hoạt cá nhân, ông Nhật đưa cháu vào TP Hồ Chí Minh chữa bệnh. Vài người nhìn ngó, mỉa mai ông. “Họ nói sao cha tốt tướng thế mà đẻ con không có hậu môn. Tôi nghe thấy đau lòng lắm! Khi biết tôi đưa con nuôi đi chữa bệnh, họ xin lỗi. Tôi cũng xác định đâu phải ai cũng hiểu việc mình làm”, ông Nhật trải lòng.
Khi cha bệnh, các con sẽ chăm lo
Bây giờ, những đứa trẻ của ông Nhật đã có căn nhà khang trang. Mỗi đứa có 1 chiếc giường với chăm ấm để ngủ, không còn phải lót chiếu ngủ nền đất như trước nữa.
Bữa cơm của các em thường chỉ có canh rau và cá khô, chỉ hai ngày cuối tuần mới có thịt. Mấy năm nay, những đứa trẻ đã lớn hơn, đã biết tự nấu cơm, dọn dẹp nhà. Đi học về các em học cấp 3 chia nhau nấu cơm, những em cấp 2 thì trông các em nhỏ hơn. Tắm xong, mỗi đứa tự giặt quần áo của mình.
Năm ngoái, có một đứa con của ông Nhật vừa tốt nghiệp đại học, tưởng chừng ông Nhật sẽ đỡ khổ hơn nhưng đó cũng là lúc ông phát hiện mình bị bệnh u não ác tính. Khi những lần ngất xỉu của ông Nhật đến thường xuyên hơn, những đứa lớn bắt đầu thấy lo lắng. H’Ra, 18 tuổi nói: "Em học xong lớp 12 rồi sẽ đi học nghề. Em không học đại học vì sợ tốn nhiều tiền, tiền đó để thầy mua sữa cho các em nhỏ".
Những đứa trẻ không quen ngủ trưa, sau giờ cơm, chúng rủ nhau ngồi tụm năm tụm ba ngây ngô rỉ tai nhau rằng: "Bệnh của thầy không chữa được". Bọn trẻ không biết làm gì hơn ngoài việc bảo nhau xoa đầu để thầy đỡ đau.
Xem thêm: Cha vĩ đại: 12 năm làm "đôi chân" cõng con đến trường tìm tri thức
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận