Giai thoại ít biết về mỹ nhân giả điên để không phải sánh duyên cùng vua Gia Long

Để từ chối tình cảm của vua Gia Long, mỹ nhân Nguyễn Thị Ngọc Mai đã giả điên, lấy bùn đất, lọ than bôi lên mặt, xõa tóc rũ rượu, làm những điều quái dị.

Đỗ Thu Nga
06:00 01/09/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Sử sách có chép, sau nhiều lần thất bại trước quân Tây Sơn và phải ẩn náu ở Thái Lan, năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn Ánh quyết định lựa chọn vùng đất thích hợp trong nước để xây dựng căn cứ. Làng Tân Long (tỉnh Sa Đéc, tức vùng Nước Xoáy - tên chữ Hồi Oa, nay là ấp Hưng Mỹ Tây, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) để hoạt động. Sau này chỗ đó được gọi là "đồn cũ Hồi Oa".

Đại Nam thực lục chánh biên có chép: "Tháng 8 năm Ðinh Mùi (1787), Nguyễn Vương trở về đóng ở Hồi Oa, sai binh tướng đắp xây thành lũy bằng đất. Hoàng Văn Trương và Tống Phước Ngạn đóng bên tả, Nguyễn Văn Trương và Tô Văn Ðoài đóng bên hữu. Quân Tây Sơn kéo đến đắp lũy bao vây, hai bên đánh nhau suốt mấy ngày không phân định thắng thua…”.

Nói về cái tên Nước Xoáy, theo báo Pháp luật Việt Nam: Sở dĩ gọi như vậy là bởi tại đây có 2 nguồn nước Tiền Giang và Hậu Giang giáp nối, cùng các sông rạch khác chảy vào khiến con nước chảy vòng lại. Tiền nhân đặt tên là Nước Xoáy, tên chữ là Hồi Oa. Nguyễn Ánh thấy nơi đây địa linh nhân hòa có thể giúp ông trung hưng phục nghiệp nên đã đổi tên từ Nước Xoáy thành Long Hưng.

chuyen-my-nhan-gia-dien-de-khong-phai-sanh-duyen-cuang-vua-gia-long-6
Chân dung vua Gia Long qua nét vẽ của họa sĩ người Pháp

Trong thời gian đóng quân tại đây, Nguyễn Ánh tạo được thiện cảm với dân chúng. Nhiều gia đình đã không tiếc tiền của để giúp đỡ quân đội. Một trong những người có công lớn phò tá Nguyễn Ánh lúc đó là ông Nguyễn Văn Mậu ((1727 - 1809) còn có tên là Hậu, là một phú hào trong làng. Ông Hậu làm Tri thâu trong làng (thu các sắc thuế), được tín nhiệm nên kiêm luôn chức Trùm cả.

Khi Nguyễn Ánh vừa dẫn binh đến trú ở Hồi Oa, ông Hậu đã đến gặp và thầm khen: "Đây là một vị chơn chúa đang lúc phong trần, mai sau thanh vân đắc lộ, quyết chẳng ai hơn nổi".

Sau đó, ông Hậu đã đồng ý xuất tài sản, lúa gạo nuôi quân của Nguyễn Ánh ròng rã suốt 3 tháng trời. Ngoài dốc của dốc lòng chu cấp cho binh sĩ, ông còn vận động người trong làng theo về ủng hộ cho vị chơn chủ này. 

Trong nhà ông Hậu có cô con gái út tên là Nguyễn Thị Ngọc Mai, có nhan sắc, đoan trang, thùy mị cũng hết lòng giúp cho trong việc lo hậu cần cho quan quân của Nguyễn Ánh. Nhờ sự hỗ trợ của gia đình ông Hậu mà quan binh của Nguyễn Ánh yên tâm xây thành đắp lũy, lập nhiều chiến công.

Cảm nhận được nghĩa cử hào hiệp, chí tình của ông Hậu, Nguyễn Ánh xem ông như một người cha nuôi, gọi là "ông Bõ". Dân làng cũng vì thế mà kính trọng ông Bõ Hậu hơn. Có chuyện lưu truyền rằng, ông Bõ Hậu không những giúp tài lực cho Nguyễn Ánh mà còn có ý định muốn gả con gái út Ngọc Mai cho chúa.

Lúc bấy giờ, Nguyễn Ánh cũng rung động trước người con gái hiền lành, nết na và xinh đẹp này. Sau khi ông Bõ ngỏ ý, Nguyễn Ánh đã thuận ý lấy cô làm thứ phi. Thế nhưng, Ngọc Mai lại dành cho Nguyễn Ánh một thứ tình cảm khác.

chuyen-my-nhan-gia-dien-de-khong-phai-sanh-duyen-cuang-vua-gia-long-0
Khu lăng mộ hai cha con ông Bõ Hậu ở Đồng Tháp

Cô nói với ông Bõ Hậu: "Bấy lâu con vẫn có lòng thương mến Ngài (Nguyễn Ánh) như tình anh em mà thôi. Vả chăng, ai cũng biết cha con ta đã hết lòng giúp đỡ Ngài trong lúc bôn tẩu, đó là một nghĩa cử cao đẹp, nên giữ cho trọn tình cao cả...”.

Ngọc Mai từ chối việc kết duyên vợ chồng với Nguyễn Ánh, để giữ nguyên hình ảnh chúa như một người anh hùng trong lòng. Mặt khác cũng để trọn vẹn nghĩa cử cha mình đối với chúa Nguyễn như trước đây.

Thấu hiểu tình cảm của Ngọc Mai dành cho mình, Nguyễn Ánh tôn trọng quyết định. Nhưng Ngọc Mai lại vì chuyện này mà phiền muội, thường trầm mặc sầu tư, từ ấy cố ý tránh mặt chúa., Một hôm vô tình gặp nàng, chúa hỏi nguyên cớ ủ dột. Thấy vậy, Ngọc Mai lại nghĩ, ngày nào nhan sắc mình còn thì ắt có lúc chúa đắm say mà cợt nhả, hư thể thống quân thần, để lại tiếng xấu cho cả 2 người. 

Vì vậy nàng quyết định hủy hoại nhan sắc của mình. Nàng giả điên, thường lấy bùn đất, lấy lọ than bôi lên mặt, xõa tóc rũ rượu, làm những điều quái dị. Thậm chí có dị bản còn kể rằng, nàng đã lấy lá mía cào lên mặt rồi hơ lửa cho vết thương làm độc. Sau lần tự hủy hoại chính mình, Ngọc Mai lâm bệnh và qua đời trong sự thương tiếc của gia đình, làm xóm và cả chúa Nguyễn.

Cũng có lưu truyền khác cho rằng, nàng Ngọc Mai không giả điên mà khi thuyền đi rước cô ra chốn hành cung của Nguyễn Ánh, thuyền đi đến giữa đường thì đêm tối nàng đã nhảy xuống sông mất tích. Cũng có chuyện khác kể rằng, ai đó đã tổ chức cuộc đánh tráo, đem theo hòn đá trên thuyền, thừa đêm tối ném hòn đá xuống sông rồi báo rằng người con gái ấy đã từ chối cuộc hôn nhân bằng cái chết.

chuyen-my-nhan-gia-dien-de-khong-phai-sanh-duyen-cuang-vua-gia-long
Cây đa cổ thụ cạnh miếu Gia Long trên nền bản doanh Hồi Oa xưa

Liên quan đến giai thoại trên, sách sử có chép: Năm 1892, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu Gia Long. Nhớ ơn ông Bõ Hậu, vua sắc phong cho ông tước Đức hầu. Năm Gia Long thứ 8 (1809), ông Bõ Hậu qua đời, được tin vua hết sức thương tiếc. Nhớ công lao thuở trước, vua phong cho ông tước Hầu và lịnh cho bộ Công đưa người và vật tư từ Phú Xuân vào xây mộ cho ông.

Lần đó, vua Gia Long đã lệnh cho xây một ngôi lăng nhỏ của cô con gái út của ông Bõ Hậu bên cạnh cha. Ngày nay, người dân địa phương gọi là "Lăng bà Hoàng cô". Lăng mộ khá đồ sộ, được xây bằng đá ong, lối kiến trúc đơn giản với các trụ lăng thấp, vạm vỡ, đầu trụ đắp hình búp sen, mấm mộ lớn, đắp bằng. Ở đầu và cuối mộ xây hai bức bình phong, bức trước nhỏ, bức sau lớn.

Cách lăng cha con ông Bõ Hậu chừng 2km là “Đồn cũ Hồi Oa” – nơi năm xưa chúa Nguyễn đóng binh. Thành lũy năm xưa giờ đã không còn dấu tích, tuy nhiên sau này trên nền bản doanh cũ, người ta đã dựng một ngôi miếu thờ có tên là Cao hoàng thái miếu (hay Đức Cao hoàng Miếu) tục gọi là miếu Gia Long, để thờ vua Gia Long.

Ở phía trước miếu, bên cạnh bờ sông là chỗ "Cây đa Bến ngự", ngày nay có cây đa cổ cao lớn. Tương truyền, đây là nơi chúa Nguyễn thường ngồi câu có trong lúc nhàn rỗi. Miếu Gia Long, Cây bến ngự cùng với lăng mộ hai cha con ông Bõ Hậu ngày nay là dấu tích lưu dấu thuở bôn đào cùng những giai thoại xoay quanh vị vua mở đầu triều đại nhà Nguyễn.

Xem thêm: Chuyện công chúa "đem thân vào hang cọp" làm tình báo cho nhà Trần, có công không có thưởng

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận