Tình bạn của Huy Cận - Xuân Diệu: Cuộc đời của 2 thi sĩ được lồng vào nhau như hình với bóng
Cuộc đời của hai thi sĩ được lồng vào nhau như hình với bóng. Tình bạn ấy hiện hữu trên văn đàn như một sự sắp đặt từ muôn kiếp trước.
Việt Nam có một nhà thơ lớn, được mệnh danh là ông hoàng thơ tình với những áng thơ tình khi thì lãng mạn, dịu êm, khi thì mãnh liệt, dữ dội, đôi lúc là cảm giác muốn người yêu kề cận bên mình, gần gũi, ái ân không ly biệt, đôi lúc lại là sự hòa hợp, gần gũi cả thể xác lẫn tâm hồn.
Ông chính là Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu). Ông sinh ra và lớn lên ở Bình Định, sau khi tốt nghiệp tú tài thì đi dạy học. Ông tốt nghiệp cử nhân luật năm 1943 và làm tham tá Thương chánh ở Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) một thời gian trước khi chuyển ra Hà Nội. Ông là 1 thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn, là địa biểu xuất sắc của phong trào Thơ mới với 2 tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió.
Còn nhà thơ Huy Cận (tên đầy đủ là Cù Huy Cận, 1919 - 2005) là một chính khách, từng giữ nhiều chức vụ lãnh đạo cao cấp trong chính phủ Việt Nam như Bộ trưởng Bộ Canh nông (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Thứ trưởng Bộ Văn hóa Nghệ thuật, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Kinh tế, Bộ trưởng Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng (nay là Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), ngoài ra ông còn là một nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng Dân chủ Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những thi sĩ xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới. Ông từng là Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ Thế giới và Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp các Hiệp hội Văn học Việt Nam giai đoạn 1984-1995.
Không chỉ kể chuyện đời mình, Huy Cận còn viết cả cuộc đời của Xuân Diệu
Hồi ký song đôi (NXB Hội Nhà văn) là một tập sách độc đáo. Không chỉ kể lại chuyện đời mình, Huy Cận còn viết cả cuộc đời của Xuân Diệu. Cuộc đời của hai thi sĩ lớn được lồng vào nhau như hình với bóng. Tình bạn ấy hiện hữu trên văn đàn như một sự sắp đặt từ muôn kiếp trước.
Lúc đang dự hội nghị hợp tác văn hóa tại Dakar, thủ đô của Senegal, bất ngờ nhà thơ Huy Cận trào máu mũi, ngất đi. Ai nấy đều hoảng hốt. Sự cố này xảy ra vào lúc 7 giờ 40 ngày 18/12/1985, đó là lúc tại Hà Nội, nhà thơ Xuân Diệu vừa tắt thở. “Điều mà người ta gọi là thần giao cách cảm là có thật”, Huy Cận nhớ lại.
Cả hai thân quen nhau từ lúc còn học ở Trường Quốc học (Huế). Thường mỗi chiều sau giờ học, họ hay rủ nhau ra sân cỏ phía sau trường đi dạo, đọc thơ mới sáng tác cho nhau nghe. Vừa chia sẻ mà cũng vừa góp ý, "rút kinh nghiệm" nhằm nâng cao trình độ về thơ.
Bất ngờ trên Báo Ngày Nay (số tết năm 1938), Huy Cận ngạc nhiên khi thấy bài thơ Chiều xưa của mình được đăng. Đây là một trong những bài thơ mà Huy Cận đã gửi riêng cho Xuân Diệu.
Rồi Xuân Diệu lại viết bài giới thiệu Thơ Huy Cận đăng trên Ngày Nay, có những đoạn rất nồng nhiệt: “Huy Cận! Một tâm hồn đặc biệt quá, nồng cháy bên trong, e lệ bên ngoài, hay nói nhớ và hay làm thinh, để men lòng càng rạo rực hơn nữa...”.
Khi Huy Cận tập thơ đầu tay Lửa thiêng năm 1940, cũng chính Xuân Diệu viết tựa, gửi gắm một cảm tình sâu lắng, chân thành: “Đời xưa có một người thi sĩ lành như suối nước ngọt, hiền như cái lá xanh; gần chàng, người ta cảm nghe một nỗi hòa vui, như đứng giữa thiên nhiên, tâm hồn thơ thới”.
Cuối 1939, Xuân Diệu và Huy Cận ở căn gác 40 Hàng Than (Hà Nội). Bây giờ, Phủ Toàn quyền có mở cuộc thi tuyển một số tham tá ngành thương chính, nói nôm na là “nhà đoan” và những ai làm việc gọi là “Tây đoan”. Xuân Diệu bàn với Huy Cận: “Ta cứ đi thi xem sao, nếu đậu có được đồng lương để yên thân về cuộc sống, thì làm thơ mới thoải mái được, mới theo lý tưởng văn chương của mình được”. Đúng thế, bởi cả hai đang sống trong hoàn cảnh mà Xuân Diệu đã thốt lên chua chát: “Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt/Cơm áo không đùa với khách thơ”.
Sau khi nộp đơn và thi đậu, Xuân Diệu được bổ làm viên chức Nha Thương tỉnh Mỹ Tho. Huy Cận viết: "Về sau, tôi mới hiểu ra rằng, sở dĩ chính quyền thực dân Pháp bổ nhiệm anh Diệu đi xa vì chúng nghi rằng nhóm làm Báo Ngày Nay là một nhóm hoạt động cách mạng chống Pháp, chúng nó tách nhóm này được chừng nào hay chừng ấy cho chúng”.
Khoảng thời gian này, Xuân Diệu có gửi tặng Huy Cận xấp vải để may bộ quần áo mặc mùa hè. Huy Cận xúc động cảm tạ bằng bài thơ, có câu: “Mở thư một sáng lạnh lùng/Hai chiều vải dệt tao phùng Huy - Xuân/Dọc ngang tơ chỉ sát gần/Đi về mấy dạo hai thân một hồn/Một mai ta chết xin chôn/Hai ta sát cạnh xương luồn qua xương”.
Xin từ chức để về sống chung với bạn
Hơn ai hết, Huy Cận hiểu rất rõ những bức xúc, ngậm ngùi mà nhà thơ Xuân Diệu khi "“phải bám vào cái khổ nhục mà sống”, không thể còn cảm hứng để làm thơ nữa. Hiểu được nỗi lòng của bạn trong tình huống “Bỗng dưng thi sĩ hóa Tây đoan”, Huy Cận rất áy náy.
“Cho nên lúc tôi thi đậu kỹ sư canh nông và bắt đầu đi làm, có tiền lương (trong lúc đó tôi vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng bí mật), thì tôi mời anh về sống với tôi tại Hà Nội. Anh Diệu đánh điện cho tôi: Diệu từ chức được chưa?, thì tôi trả lời tức khắc: Từ chức ngay và về Hà Nội”. Vậy là đầu năm 1943, anh Diệu thôi làm Tây đoan, về Hà Nội cùng sống với tôi ở số nhà 61 Hàng Bông, hai người chi tiêu chung một đồng lương của tôi” (Huy Cận - Hồi ký song đôi).
Khi Kháng chiến toàn quốc (1946) bùng nổ, Xuân Diệu - Huy Cận vào Hà Đông rồi lên Việt Bắc. Khi ấy, Huy Cận ở ATK (An toàn khu) của Chính phủ; Xuân Diệu làm Báo Văn nghệ. “Nhưng cứ khoảng một tháng một lần, Diệu vai mang ba lô đi xe đạp và đi bộ về gặp tôi ở ATK”. Huy Cận còn cho biết thêm: “Giải phóng miền Bắc, chúng tôi về Hà Nội, được bố trí ở 24 đường Cột Cờ, nay là phố Điện Biên Phủ”.
Tại căn nhà này: “Đêm đêm trên gác đèn chong/Cận ngồi cặm cụi viết dòng thơ hay/Dưới nhà bút chẳng rời tay/Bên bàn Diệu cũng miệt mài trang thơ/Bạn từ lúc tuổi còn tơ/Hai ta hạt chín trong mùa nắng trong/Ánh đèn trên gác dưới phòng/Cũng là đôi kén nằm trong kén trời” (Huy Cận).
Trở lại với lúc ở Dakar, khi hay tin Xuân Diệu mất, Huy Cận đánh điện tín gửi về ban tổ chức tang lễ đề nghị: “Thế nào cũng chờ tôi về rồi hãy chôn bạn tôi”. Có thêm chi tiết này nữa, Huy Cận kể: “Xe tang có về qua nhà 24 Điện Biên Phủ, dừng lại mươi phút để anh Diệu thăm ngôi nhà trước khi về an nghỉ. Xe tang vừa đi qua thì bát hương trên bàn thờ anh Diệu bốc cháy. Và lạ lắm, sau khi anh Diệu mất đêm 18 thì cả chùm hoa Ăng-ti-gôn trước nhà anh héo khô hết, trong khi đó cũng chùm hoa Ăng-ti-gôn nhà bên cạnh vẫn còn tươi tắn”.
Với tình bạn tri âm, tri kỷ cùng Xuân Diệu nửa thế kỷ, Huy Cận cho biết là “hương trầm tỏa từ tâm hồn đồng điệu”. Và từ trước năm 1940, với tình bạn ấy, thi sĩ Lửa thiêng đã thốt lên chân thành, da diết: “Hỡi ai đó, có nhớ lòng Huy Cận/Gọi gió trăng mà thỏ thẻ lời trên/Rất thương yêu, xin nhớ gọi giùm tên/Rất an ủi của bạn chàng: Xuân Diệu”.
Xem thêm: Say đắm bài văn phân tích nhận định của nhà thơ Huy Trụ: "Thơ là rượu của thế gian"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận