"Bụt" giữa đời thường: Bà trông trẻ thuê nuôi con người dưng suốt 16 năm

Dù không phải máu mủ của mình nhưng người phụ nữ nghèo vẫn nuôi dạy, chăm sóc con người dưng suốt 16 năm trời. Giờ đây, bà chỉ mong cháu có cuộc sống cuộc sống ổn định rồi nhắm mắt xuôi tay cũng an lòng.

Đỗ Thu Nga
10:21 03/09/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Từ người trông trẻ thuê thành "bà nuôi"

Năm 2002, vì muốn kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình, bà Đặng Thị Bình (SN 1955, trú tại thôn Ngọc Loan, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đã xuống thuê trọ ở khu vực Long Biên (Hà Nội) và nhận trông trẻ thuê cho các gia đình xung quanh. Trong số những đứa trẻ bà nhận trông có 1 bé gái được mẹ gửi lại và không bao giờ đến đón nữa. Như thế, bà Bình bất đắc dĩ trở thành người mẹ cưu mang, nuôi nấng con gái của chủ cũ suốt 16 năm trời.

Đến nay, bà Bình vẫn nhớ như in ngày 8/1/2004, chị Nguyễn Huyền Trang (SN 1979) bế theo bé Hoàng Huyền Thương (5 tháng tuổi) đến nhờ bà trông giúp với tiền lương 600.000 đồng/tháng. Thời điểm đó, chị Trang lấy lý do đi chữa bệnh nên nhờ trông cả ngày lẫn đêm.

chuyen-ba-trong-tre-thue-nuoi-con-nguoi-dung-suot-16-nam
Dù không có "máu mủ" nhưng bà Bình vẫn nuôi Huyền Thương như cháu ruột

Trong vòng 1 năm đầu, vợ chồng Trang ngày nào cũng sang thăm con. Nhưng Trang không cho con bú sữa mẹ với lý do "mới đi mổ về, uống nhiều thuốc kháng sinh". Nhiều đêm Huyền Thương khát sữa mẹ khóc ngặt khiến bà Bình vô cùng xót xa. Thương cháu, bà Bình lại đi gõ cửa từng nhà trong xóm trọ để xin sữa. 

"Tôi vẫn nhớ ngày 22/2/2005, hôm đó là ngày ăn hỏi con gái tôi, tôi gọi cho Trang sang trông cháu nhưng không liên lạc được, ban đầu tôi tưởng ốm đau, nằm viện nên cố chờ đợi. Nhưng 1 tuần, 2 tuần trôi qua vẫn không thể liên lạc được. Sốt ruột, tôi đến phòng trọ cô ta tìm thì chủ nói người này đã chuyển đi chỗ khác rồi", bà Bình kể lại.

Những ngày sau đó, bà Bình đi khắp các bến xe, ga tàu để hỏi thăm, tìm mẹ cho đứa trẻ tội nghiệp nhưng không có kết quả. Nhiều người khuyên bà nên gửi Thương vào trại trẻ mồ côi để giảm bớt gánh nặng. Nhưng thương cháu, bà Bình không đành lòng.

“Tôi nuôi cháu từ lúc nó còn đỏ hỏn, khóc ngằn ngặt trên tay tôi vì khát sữa đến khi con cứng cáp, bà cháu bện hơi nhau nên tôi chẳng lỡ xa cháu. Dù có nghèo nhưng tôi vẫn quyết tâm nuôi dạy cháu nên người”, bà Bình nói.

chuyen-ba-trong-tre-thue-nuoi-con-nguoi-dung-suot-16-nam-4
Huyền Thương ngắm lại bức hình của mẹ

Cuộc sống khi ấy nghèo khó lắm vì thế bà Bình mới phải lên Hà Nội kiếm sống. Nuôi thân đã khó rồi mà giờ còn "đèo bòng" thêm đứa trẻ mới vài tháng tuổi. Nhưng bà không nỡ để cháu vào trại trẻ mồ côi nên quyết tâm tự nuôi.

Thời gian đầu nuôi Thương, không có tiền mua sữa công thức, bà Bình đành mua sữa ông Thọ pha ra cho cháu uống. Cuối tháng có tiền lương người ta trả thì mua hộp sữa tươi cho cháu thay đổi. Đến khi cháu ăn dặm, thèm thị, bà cũng chỉ dám mua nửa lạng cho cháu ăn, còn mình ăn rau qua ngày cũng được.

Vốn đã nghèo rồi giờ nuôi thêm 1 đứa trẻ nhỏ khiến cuộc sống gia đình bà Bình càng bi đát hơn. Bà là trụ cột chính trong gia đình, đằng sau có đàn con thơ và thêm cả Thương nữa. Tiền ăn uống, tiền sinh hoạt, tiền học... của các con dồn hết lên đôi vai gầy gò của bà.

Vậy mà ông trời chẳng thương, năm 2006, Thương ốm đau triền viên, tiền thuốc thang tốn kém khiến bà Bình phải vay mượn khắp nơi cho cháu đi viện: "Cứ vài ngày cháu lại ốm, lại đi viện. Vì thế người ta cũng không thuê tôi trông trẻ nữa. Tôi phải cõng Thương đi nhặt đồng nát, ngày nào nhiều cũng được 30 nghìn đồng. Đây cũng là quãng thời gian khó khăn nhất của hai bà cháu”, bà Bình nhớ lại.

Ước mong của bà Bình

Nuôi Thương vốn đã khó vì hay ốm đau, giờ đây việc làm giấy khai sinh cho cháu còn gập ghềnh hơn nhiều bởi mẹ cháu bỏ đi, không để lại giấy tờ tùy thân. Khi Thương sắp bước vào lớp 1, cháu vẫn không thể làm được giấy khai sinh vì không có bố mẹ và không thuộc hộ khẩu nhà ai.

chuyen-ba-trong-tre-thue-nuoi-con-nguoi-dung-suot-16-nam
Chật vật mãi, bà Bình mới làm xong giấy khai sinh cho cháu

Bà Bình khi đó phải đi "gõ cửa", khóc lóc, lạy van khắp nơi, mất mấy tháng trời ngược xuôi để làm cho cháu cái giấy khai sinh. Khi đó có nhiều người thương bà vất vả nên cho tiền. Nhưng bà Bình nói: "Cho 1 tỷ tôi cũng không cần, nhưng làm ơn cho tôi xin cái giấy khai sinh cho cháu”.

Sau cùng, với nhiều sự giúp đỡ, bà Bình đã làm được giấy khai sinh cho cháu. Nhưng tờ giấy này để trống tên bố mẹ. Và từ một người dưng, bà Bình chính thức trở thành người giám hộ, người thân duy nhất của Thương. Bà yêu Thương như cháu ngoại, thậm chí còn hơn thế. 

Bà Bình từng kể, có lần bà treo thưởng cho Thương, nếu được 10 điểm thưởng 10.000 đồng để bỏ lợn, cuối năm mua quần áo. Vậy mà có lúc Thương được 4 con 10 liền mà bà chẳng có nổi vài cắc lẻ để cho cháu bỏ lợn.

"Mỗi lần nghĩ lại quãng thời gian đó, tôi lại thấy ứa nước mắt vì thương con quá. Nếu như bà không nghèo khó thì có phải cháu đỡ khổ không", bà Bình xúc động kể.

chuyen-ba-trong-tre-thue-nuoi-con-nguoi-dung-suot-16-nam-0
Những tấm giấy khen của Thương là sự đền đáp đối với công dưỡng dục và sự hy sinh vô bờ ấy của bà Bình

Năm Huyền Thương học lớp 3, lần đầu tiên câu chuyện của hai bà cháu được lên báo. Lớp trưởng đọc bài báo đó trước cả lớp như một tấm gương sáng cho các bạn noi theo. Đó cũng là lúc Thương biết sự thật về mối quan hệ của mình với bà. Từ hôm đó về nhà, em bỏ ăn, nằm quay mặt vào góc tường khó. Những ngày sau đó, Thương trầm tính hơn, ít nói chuyện hơn.

Thương cũng từ từ hiểu ra rằng, mình lớn lên trong tình yêu thương của một "người dưng". Nhưng người dưng đó yêu em hơn cả những người ruột thịt chung máu mủ. Và cũng năm ấy, khi Thương thấy xưởng gạch thuê người bốc xếp nên đã trốn đi làm thuê. Lúc về tay sưng rộp, rớm máu. Bà Bình giận lắm nhưng không đánh, hai bà cháu ôm nhau khóc.

Ấy vậy mà thời gian thấm thoắt đưa thoi, giờ đây, Huyền Thương đã trưởng thành hơn, chín chắn hơn và đã trở thành thiếu nữ với mái tóc dài, đôi mắt mang đậm tâm tư. Còn bà Bình giờ tóc đã trắng đen lẫn lộn, sức khỏe yếu hơn do bệnh thoái hóa cột sống.

chuyen-ba-trong-tre-thue-nuoi-con-nguoi-dung-suot-16-nam-3
Đây là ngôi nhà che mưa chắn nắng của hai bà cháu

Lớn lên trong nghèo khó và tình thương của bà, Huyền Thương hiểu bà đã vất vả nhiều như thế nào. Vào năm 2002, em về quê ở cùng bà và mỗi ngày phải đi xe bus quãng đường gần 20km từ Văn Lâm (Hưng Yên) lên Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) để đi học.

“Sau này em muốn đi làm người mẫu để có thể kiếm được nhiều tiền phụng dưỡng bà. Em không muốn gặp bố mẹ, dù họ có giàu cỡ nào đi nữa thì em cũng chỉ cần có một mình bà thôi”, Huyền Thương nói.

Giờ bà Bình đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn nhận trông trẻ con hàng xóm để lấy tiền trang trải cuộc sống và để hỗ trợ cháu học tập. Trong sâu thẳm trái tim bà vẫn luôn mong ước một ngày nào đó, Thương và mẹ ruột sẽ được đoàn tụ.

“Suốt 16 năm qua, tôi luôn chờ cuộc điện thoại của mẹ Thương. Tôi hiểu, dù bà có thương cháu đến đâu cũng không bằng tình cảm mẹ con ruột thịt được. Hiện tôi chỉ mong được sống đến ngày chứng kiến Thương học xong đại học, có việc làm, lập gia đình ổn định cuộc sống. Lúc đó, có nhắm mắt xuôi tay tôi cũng cam lòng”, bà Bình xúc động nói.

Xem thêm: Cô giáo Quảng Trị hơn 20 năm cưu mang "người dưng" nửa mê nửa tỉnh, coi như chị em ruột

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận