Cho đi là còn mãi: Mơ ước đơn sơ của mẹ có con hiến tạng
Con trai 22 tuổi đăng ký hiến tặng giác mạc, mô với tâm niệm, đó là việc thiện tạo phước cho mẹ và em bớt khổ.
Mẹ của chàng trai có tấm lòng nhân hậu đó là bà Võ Thị Sương. Bà sống trong căn nhà nằm sâu nhất trong con hẻm phường 9, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Chỉ mong đừng phải liên tục dời bàn thờ
Tiếp tôi là một người phụ nữ ngoài 50 tuổi. Gánh cả sự nhọc nhằn của một gia đình đầy biến cố nhưng trong ánh mắt bà vẫn đầy nghị lực.
Mấy chục năm trước, khi bà Sương và chồng đến với nhau, cả hai có được một ngôi nhà nhỏ, dẫu không khang trang nhưng rộn tiếng cười. Từ ngày con trai lớn Nguyễn Võ Anh Tuấn mắc bệnh hiểm nghèo năm lên 7 tuổi, bà phải bán căn nhà ấy để lấy tiền chữa bệnh cho con. Kể từ lúc ấy, gia đình bà bước vào những tháng ngày ở trọ.
"Đâu ở nơi nào được lâu. Chủ nhà cho thuê một thời gian rồi sợ con tôi bệnh hiểm nghèo sẽ chết trong căn nhà của họ nên tìm cách đuổi đi. Tôi chuyển không biết bao nhiêu căn nhà nữa" - bà Sương cám cảnh.
Năm 2009, chồng bị tai biến rồi mất, gánh nặng gia đình đè thêm lên vai bà Sương. Mỗi lần di chuyển chỗ ở trọ, bà lại phải di dời chiếc bàn thờ nhỏ có di ảnh chồng. Đến bây giờ, bà không nhớ đã dời bàn thờ chồng bao nhiêu lần.
Chị Huỳnh Thị Tuyết, đồng nghiệp cùng Trường Mầm non Sen Vàng (TP Tuy Hòa), cho hay nhiều lần phụ giúp chuyển chỗ trọ cho bà Sương, lần nào chị cũng khóc. "Tội lắm! Chỗ thờ phụng là thiêng liêng mà cứ phải dời hết chỗ này đến chỗ nọ. Mỗi lần thấy chị Sương bê chiếc bàn thờ nhỏ vừa đi vừa khóc là chúng tôi không cầm được nước mắt" - chị Tuyết xúc động.
Bà Sương cho biết ngày con trai Nguyễn Võ Anh Tuấn quyết định hiến giác mạc, mô, tạng để cứu người, nằm trên giường bệnh, em đã thủ thỉ với bà là mong làm được một việc thiện để lại, nhằm tạo phước cho mẹ và em gái bớt khổ. "Nhưng tôi không nghĩ nhiều như vậy đâu. Tôi chỉ mong có được chỗ thờ phụng ấm áp cho chồng và con, đừng phải mang bàn thờ đi tìm chỗ trọ" - mắt bà Sương ngân ngấn nước.
Vừa qua, thấy bà Sương cứ phải ở trọ nên mấy anh chị em ở quê góp lại chia cho bà một mảnh đất cỏn con để khi nào có điều kiện sẽ dựng căn nhà nhỏ. "Nhưng nói thiệt, xưa giờ tôi không dám mơ sẽ có được ngôi nhà vì nghĩ mình có tiền đâu mà làm" - bà tâm sự.
Ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, cho rằng sẽ thật ý nghĩa nếu xây được một ngôi nhà tình thương cho bà Sương. "Tuy nhiên, để cấp đất cho chị sẽ rất khó vì tỉnh Phú Yên đã lâu không còn chính sách hỗ trợ đất ở cho tất cả các đối tượng" - ông Huy băn khoăn.
Khi 2 mẹ con cùng vào đại học
Bà Sương cho hay đến giờ, bà vẫn chỉ mới có bằng trung cấp sư phạm mầm non. Năm 2005, khi bà đăng ký học liên thông lên cao đẳng thì con trai ngã bệnh. Bà phải gác lại toàn bộ việc học để lo cho con. "Tôi yêu nghề dạy trẻ và biết rằng để sống với nghề, mình phải học thêm, phải chuẩn hóa. Vì vậy, khi chồng và con trai đã mất, tôi quyết học lại. Bây giờ đã là năm thứ 2 đại học sư phạm mầm non rồi" - bà cho hay.
Theo chân bà Sương vào lớp mầm non, thấy cảnh các cháu ùa chạy lại như mừng mẹ đi xa về, để rồi bà dang tay ôm lấy các cháu, tôi mới hiểu tình yêu của người phụ nữ này dành cho nghề dạy trẻ lớn đến dường nào. Thế nhưng, để nuôi tình yêu ấy lúc này quả chật vật.
Bà tính toán: Lương, phụ cấp tất tần tật tròm trèm 6,5 triệu đồng/tháng. Để học đại học, phải đóng học phí cả khóa 48,3 triệu đồng. Rồi bà phải lo cho con gái út Nguyễn Võ Anh Tú, sinh viên năm 3 Trường Đại học Luật TP HCM, mỗi tháng 3-4 triệu đồng, chưa kể tiền thuê nhà 1 triệu đồng/tháng.... "Chi li như vậy mà vẫn thiếu trước hụt sau. Cũng may cháu Tú học tốt, suốt 3 năm đều có học bổng, tiền học bổng đủ đóng học phí, chứ không chẳng biết ra sao" - bà bộc bạch.
Trong căn phòng nhỏ vừa để thờ vừa tiếp khách, vừa là phòng ăn, bà Sương treo đầy bằng khen của con gái - không chỉ trân trọng việc học của con mà như còn để răn mình phải học. Nói về mẹ, giọng Anh Tú đầy niềm tự hào. "Mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ. Gia đình trải qua nhiều biến cố nhưng mẹ cố vượt qua để lo cho em. Mẹ không nghĩ về bản thân mà lúc nào cũng nghĩ về gia đình" - Anh Tú hãnh diện.
Anh Tú cho biết mong ước lớn nhất của em là có được một căn nhà nhỏ để có chỗ mẹ con ra vào, thờ phụng cha và anh được ấm cúng. "Bây giờ chắc khó nhưng em sẽ cố gắng ra trường, kiếm được công việc có thu nhập, tiết kiệm cùng mẹ làm điều đó" - Anh Tú bày tỏ.
Người gánh việc cho trường
Bà Võ Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sen Vàng, cho biết cả trường xem bà Sương như người chị cả. "Dù khó khăn như thế nhưng cô Sương lo chu toàn hết tất cả những công việc ở nhà trường. Không chỉ hoàn thành công việc của mình, cô còn gánh vác cả những công việc cho chị em khác trong trường. Khi có cô giáo nào khó khăn vì con nhỏ hay đau ốm, bệnh tật, cô Sương đều đứng lớp thay. Cô là người gánh việc cho trường" - bà Dung nhìn nhận.
Với bà Dung, việc bà Sương vượt lên hoàn cảnh khó khăn, học đại học để chuẩn hóa cũng đủ thấy nỗ lực của một cô giáo yêu nghề dạy trẻ.
(Theo Người lao động)
Xem thêm: Cho đi là còn mãi: Trên cả nước có hơn 70.000 người đăng ký hiến tạng sau khi chết
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận