Chi tiết nghệ thuật - thứ "tuy nhỏ nhưng có võ" trong văn học

Chi tiết nghệ thuật mang sức ảnh hưởng vô cùng quan trọng cho các tác phẩm văn học. Dưới đây là một số chi tiết nghệ thuật quen thuộc nhất định phải ghi nhớ.

Đỗ Thu Nga
10:00 17/03/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đôi nét về chi tiết nghệ thuật

Văn hào vĩ đại người Nga Macxim Gorki từng phát biểu: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Có nghĩa là, cái làm nên tầm vóc của nhà văn không hẳn là quy mô tác phẩm mà chính là "chi tiết" - yếu tố đôi khi được coi là vặt vãnh... 

Chi tiết nghệ thuật không chỉ là yếu tố cấu thành tác phẩm mà còn là nơi gửi gắm những quan niệm nghệ thuật về con người, về cuộc đời... của nhà văn, nơi ký thác niềm ưu tư, trăn trở của nhà văn trước cuộc đời.

Nhà văn chỉ thực là "người thư ký trung thành của thời đại' khi anh ta có khả năng làm sống dậy cuộc đời trên trang sách bắt đầu từ những chi tiết nhỏ nhặt. Việc lựa chọn chi tiết để xây dựng nên tác phẩm nghệ thuật không chỉ thể hiện bản chất sáng tạo của người nghệ sĩ mà còn bộc lộ tài năng, tầm vóc của người cầm bút.

"Nếu tình huống truyện tạo ra bước ngoặt của tác phẩm thì chi tiết nghệ thuật lại là cái bánh lái bẻ nên đường cua tuyệt diệu ấy" (Leonit Leonov).

Một số chi tiết đặc sắc trong các tác phẩm văn học quen thuộc

CHUYẾN TÀU ĐÊM (Truyện ngắn Hai đứa trẻ - Thạch Lam)

“Hai đứa trẻ” được biết đến là một trong những truyện ngắn tiêu biểu nhất của “bóng hoàng lan” Thạch Lam. Truyện được kể dưới giọng văn đầy trìu mến và tình cảm khiến chúng ta bỗng nhận ra rằng thời gian như một cái bình lọc kỳ diệu, nó chỉ để lại trong tâm hồn đa cảm và tinh tế của Thạch Lam những chi tiết điển hình, những cảm giác sâu lắng, những ấn tượng không thể phai mờ. Sự xuất hiện của hình ảnh đoàn tàu ở cuối tác phẩm được coi là một chi tiết giàu ý nghĩa, góp phần làm nên giá trị đặc sắc cho tác phẩm này. Đoàn tàu xuất hiện trong hoàn cảnh đầy tối tăm, trở thành nguồn sáng to lớn nhất của những kiếp người đang chìm ngập trong bóng tối nơi phố huyện nghèo xác xơ, tàn tạ.

Chi-tiet-nghe-thuat-thu-tuy-nho-nhung-co-vo-trong-van-hoc-0

Ở phố huyện ấy, con người ta đã quen với cái ánh sáng của những ngọn đèn dầu le lói, của cảnh tối tăm mịt mù và nguồn sáng của chuyến tàu đêm là chút hy vọng mong manh, một dấu ấn nhỏ nhoi trong một ngày dài vô định của họ. Với hai chị em Liên thì đoàn tàu chính là những gì mong mỏi nhất trong một ngày dài. Hình ảnh đoàn tàu hiện lên từ xa với “ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất, như ma trơi”. Rồi đoàn tàu đến gần trong âm thanh dồn dập, ồn ào, tiếng ghi rít mạnh lên với những làn khói bừng sáng chiếu sáng xuống mặt đường. Một thứ âm thanh huyên náo và một thứ ánh sáng thắp sáng của phố huyện tĩnh mịch. Nhưng đoàn tàu đi qua trong khoảnh khắc rồi dần dần mất hút vào khoảng sâu của đêm tối, trả lại cho phố huyện cái đêm đen vô tận như trước đó. Chi tiết đoàn tàu xuất hiện đã góp phần thể hiện tâm trạng các nhân vật, đặc biệt là chị em Liên. Cái ánh sáng to lớn của con tàu như dội vào khoảng sâu vô tận của thiếu nữ mới lớn này một nguồn gió lạ về một thế giới mới, cái hy vọng ấy tuy không rõ ràng nhưng cũng đã le lói trong Liên. Đây còn là chi tiết giàu ý nghĩa biểu tượng, góp phần thể hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm.

Chuyến tàu đi về từ Hà Nội, nơi mà trước đây Liên và An đã từng có những ngày tháng tuyệt vời. Vì thế, nó nhen nhóm lên trong lòng Liên những mơ ước đáng trân trọng về những điều tốt đẹp, về sự mong đợi về một cuộc sống mới, không còn lầm lũi giữa cái nghèo, cái tối tăm như hiện tại. Dù đó chỉ là một hy vọng mong manh nhưng cũng rất đáng nâng niu. Bởi cái đáng sợ nhất của con người đó là bị gục ngã trước hoàn cảnh, là cam chịu trước số phận và một khi hy vọng được nhen nhóm, những điều tốt đẹp mới thật sự khởi đầu. Và thế giới ấy còn giúp những người dân nơi phố huyện nhận ra còn có một cuộc sống đáng sống hơn nơi phố huyện nghèo – cái ao đời phẳng lặng kia. Chi tiết đoàn tàu xuất hiện đã đánh thức khát vọng mơ hồ trong cõi vô thức của hai tâm hồn thơ dại: khát vọng vượt thoát, khát vọng đổi thay, khát vọng kiếm tìm. Nhưng rồi đoàn tàu ấy lại biến mất. Ước mơ thoát khỏi hiện tại vốn đã rất mong manh, xa xôi. Hình ảnh đoàn tàu như niềm vui, tia hi vọng chợt lóe lên rồi vụt tắt. Tất cả trở nên mơ hồ hơn và càng khắc sâu vào nỗi khổ của chừng ấy con người nơi phố huyện nghèo.

Chi tiết “Chuyến tàu đêm” kết thúc tác phẩm cũng là kết thúc cho một ngày dài mệt mỏi, gợi lên cho chúng ta biết bao trăn trở, suy tư về tương lai của những con người mịt mù ấy. Qua đó, thể hiện lòng nhân đạo, niềm xót thương vô hạn đối với những kiếp người tàn lụi, vô vọng và bế tắc của Thạch Lam với những mong muốn cao đẹp. Đó là khát vọng mang đến cho con người những hy vọng, nguồn động lực về khát vọng sống, khát vọng vượt thoát, khát vọng đổi thay, một tấm lòng và tư tưởng nhân văn đáng được ca ngợi và tôn vinh.

ĐÀN CÁ MẬP (Ông già và biển cả - Hemingway)

Hemingway là một trong những nhà văn vĩ đại nhất nước Mỹ thế kỉ XX. Ông là người khai sinh ra nguyên lí sáng tác: coi tác phẩm nghệ thuật như một tảng băng trôi, người đọc tự khám phá phần chìm để thấy được ý nghĩa và giá trị đích thực của tác phẩm. “ Ông già và biển cả” là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Hemingway, từng giúp ông đạt được giải “Nobel Văn học” danh giá. Cuốn tiểu thuyết tuy chỉ có tầm cỡ của một truyện vừa nhưng lại là tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Hemingway bởi nó đã chứa đựng thông điệp quan trọng được coi là tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn: Con người được sinh ra không phải để dành cho thất bại. Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị đánh bại. Truyện kể về cuộc hành trình đi săn con cá kiếm khổng lồ đầy khó khăn, vất vả của ông lão Xan-ti-a-go. Ông lão đã vượt qua biết bao sóng gió của đại dương để thu về thành quả là con cá kiếm to nhất trong lịch sử đi săn của ông, thế nhưng thành quả này lại không may bị đàn cá mập “cướp” mất.

Chi-tiet-nghe-thuat-thu-tuy-nho-nhung-co-vo-trong-van-hoc-7

Chi tiết “đàn cá mập” xuất hiện ở gần cuối tác phẩm, đàn cá chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc và cũng khiến cho tất cả những nỗ lực trong mấy chục ngày đêm của ông lão biến mất trong một tích tắc. Đàn cá mập hiện lên theo lời mô tả của ông lão hết sức hung tợn, và dù đã cố hết sức nhưng ông lão Xan-ti-a-go cũng chẳng thể nào chống lại được sức mạnh của cả đàn cá, phải chấp nhận thành quả mà ông đã trả giá bằng mồ hôi và máu trong những ngày qua trở nên tan biến. Đàn cá mập lao vào rỉa thịt con cá kiếm trước sự vô vọng của ông lão, chỉ để lại cho Xan –ti-a-go một bộ xương- một thứ rác thải chẳng ai cần đến. Đàn cá mập trong tác phẩm chính là những kẻ “cơ hội” đã cướp đi thành quả lao động chân chính của ông lão. Hình ảnh “đàn cá mập” gợi cho chúng ta liên tưởng đến những khó khăn, cách thức cản trở con người trên con đường thực hiện ước mơ, lý tưởng. Nó là biểu tượng cho những cái xấu xa, tồi tệ đáng lên án. Đặt tác phẩm trong hoàn cảnh sáng tác của nó ta còn thấy được hình ảnh của bọn tư sản thời đại bấy giờ qua biểu tượng “đàn cá mập”, đó là những kẻ có sức mạnh, quyền lực; và chúng dùng sức mạnh ấy để bóc lột của cải, thành quả lao động của người dân một cách tàn nhẫn và vô lý. Đây chính là ý nghĩa hiện thực của tác phẩm, thể hiện tiếng nói tố cáo của Hemingway về bọn tư sản đương thời. Đồng thời, chi tiết “đàn cá mập” cũng thể hiện thông điệp sâu sắc của tác phẩm, dù có khó khăn, thất bại, con người cũng sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Đó chính là một chân lý sống, một bài học ý nghĩa cho con người.

NẮM LÁ NGÓN (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)

Sống và gắn bó với núi rừng Tây Bắc, nhà văn Tô Hoài đã có những chiêm nghiệm hết sức độc đáo và sâu sắc về miền đất này trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Trong đó, hình tượng “lá ngón” trở thành một trong những chi tiết nghệ thuật đặc trưng, mang nhiều tầng ý nghĩa và để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm tưởng độc giả Việt Nam. Hình ảnh “lá ngón” xuất hiện ba lần trong tác phẩm và gắn liền với nhân vật Mị - người con gái miền cao lương thiện, xinh đẹp, tài hoa nhưng cuộc đời nhiều bất hạnh. Mị tìm đến lá ngón – độc dược của rừng xanh lần đầu tiên khi Mị khóc tức tưởi chạy về nhà để gặp lại người cha tội nghiệp của Mị với ý định tự tử để chấm dứt cái cuộc sống khổ sở đó, nhưng với những lời lẻ của cha cùng đạo hiếu ở đời, người con gái này đã nuốt nước mắt vào trong mà bỏ nắm lá ngón xuống đất. Nắm lá ngón trong tay Mị chính là biểu tượng cho lối thoát duy nhất của những con người mong muốn chấm dứt số phận nghiệt ngã của mình. Vì thế, với ý nghĩa đầu tiên, hình ảnh lá ngón chính là biểu tượng cho sự phản kháng quyết liệt nhưng vô vọng của người phụ nữ, cùng lời tố cáo sâu sắc về xã hội phong kiến đã ép con người ta tìm đến cái chết, cũng là sự lên tiếng về những nỗi thống khổ mà con người phải chịu đựng dưới chế độ này.

Chi-tiet-nghe-thuat-thu-tuy-nho-nhung-co-vo-trong-van-hoc-5

Hình ảnh “nắm lá ngón” hiện lên lần thứ hai trong tác phẩm khi thể hiện cái ý thức mong manh về sự sống của Mị. Đó là khi người thân duy nhất của chị cũng đã từ bỏ cuộc đời khiến cho sự sống của Mị bây giờ chẳng còn một ý nghĩa gì. Lá ngón phai mờ tượng trưng cho sự ham sống đã nguội lạnh. Nỗi ám ảnh về cái chết giờ đây không còn gặm nhấm tâm hồn mà nhường chỗ cho sự tự do của lí trí. Nhưng đối với Mị, đó lại là nỗi đáng sợ khi giờ đây, sự phản kháng bị thay thế để chấp nhận sự chịu đựng. Mị buông xuôi nhưng không phải là chấp thuận, mà sự thả trôi kia chính là kết cục của cuộc tự đấu tranh trong đơn độc, dai dẳng cuối cùng kết thúc bằng sự mỏi mệt và tuyệt vọng đổ ập xuống đôi bờ vai yếu ớt. Phải chăng, hình ảnh lá ngón khắc họa cuộc đời nhân vật xuất hiện ở đây chính là ngụ ý ngầm của Tô Hoài về cuộc cách mạng đang xảy ra, là cái nhìn về sự phản kháng và đấu tranh của nhân dân, chỉ riêng lẻ thì sẽ chẳng thể nào chiến thắng? Và hình ảnh nắm lá ngón lại tiếp tục xuất hiện như đẩy nỗi buồn tủi, tuyệt vọng của người con gái tội nghiệp lên đỉnh cao. Đó là khi Mị nhớ về những kỉ niệm đẹp trước đây, khi nàng vẫn còn được phiêu diêu tự tại, vẫn còn là “đóa hoa ban bung nở trắng ngần của núi rừng Tây Bắc”.

Hình tượng nắm lá ngón xuất hiện lần thứ ba trong tác phẩm lại quay trở về với ý nghĩa giải thoát, vùng lao ra khỏi địa ngục trần gian. Những kĩ niệm đẹp của cuộc sống tự do trước đây hiện lên càng rõ ràng bao nhiêu thì cuộc đời hiện tại của Mị càng bi kịch bấy nhiêu. Và “lá ngón” lại nâng tầm ý nghĩa lên một nấc nữa, đó là “sự tự ý thức”. Đánh dấu sự trở lại của ý thức sống, đánh dấu sự thức tỉnh của một tâm hồn tưởng chừng như đã “chết đi trong cõi sống”. Có lẽ lần xuất hiện này của lá ngón là quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất. Bởi lẽ, lá ngón bây giờ chính là phương tiện đánh dấu sự trở lại của ý thức sống, đánh dấu sự thức tỉnh của một tâm hồn tưởng chừng như đã “chết đi trong cõi sống”. Chi tiết “nắm lá ngón” xuất hiện 3 lần trong tác phẩm với ba tầng ý nghĩa ngày càng sâu sắc hơn, dữ dội hơn, không chỉ thể hiện tâm trạng, tính cách nhân vật, góp phần thúc đẩy tình tiết truyện diễn tiến mà còn góp một phần không hề nhỏ trong việc bộc lộ giá trị tư tưởng của tác phẩm, tấm lòng của người cầm bút. Cái độc của lá ngón còn thua cái độc của xã hội. Lá ngón chính là sự tố cáo quyết liệt của nhà văn Tô Hoài về xã hội miền núi, là cái thể hiện tấm lòng nhân đạo, sự cảm thương sâu sắc đối với những số phận người, một cõi lòng đáng trân trọng và tri ân.

Xem thêm: Một số mẩu chuyện vui về Nguyễn Tuân [Kỳ 6]: Mừng hụt

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận