"Chênh vênh tuổi đôi mươi" - bài văn nghị luận hay nên đọc 1 lần trong đời

Đây bài viết được thực hiện bởi bạn Dương Thị Bảo Ngọc - thành viên đội tuyển quốc gia môn Ngữ Văn 2 năm (2019-2020 và 2020-2021). Đây là một bài viết hay và rất đáng để tham khảo, suy ngẫm. 

Đỗ Thu Nga
10:13 12/08/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

“Thế kỷ hai mươi. Ai phiêu bạt trên đường

Giữa lửa cháy có khi nào sực nghĩ

Làm thú vật, làm thánh thần cũng dễ

Chỉ có làm người khó biết bao nhiêu!”

(Evghenhi Vinokurov)

Ở độ tuổi đôi mươi, đi qua quãng tư cuộc đời, chưa thực sự tự mình bước đi mà ta đã thấy chênh vênh như thế. Nhưng cũng ở độ tuổi hai mươi ấy, ta nhận ra, con người phức tạp và đa đoan hơn bất kì định nghĩa, quy chuẩn nào: Không hoàn toàn là “thú vật” với lối sống hoang dã, bản năng; cũng chẳng phải là “thánh thần” luôn cao khiết, đắc đạo. Con người là tổng hòa của cả hai yếu tố đó: “Trong mỗi con người đang sống, có lẫn người tốt, kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ” (Nguyễn Minh Châu). Phần “con” bản năng và phần “người” thanh cao luôn đan xen và đôi khi lấn át lẫn nhau. Khi một con hổ được sinh ra, nó đã mang bản năng của loài. Nhưng khi một đứa trẻ được sinh thành, chúng chưa phải là con người ngay, nó còn cần phải được nuôi dưỡng, giáo dục để trở thành một con người với ý nghĩa tuyệt đối. Và hành trình sống là quá trình ta vừa đi tìm mình, vừa gắng gỏi đấu tranh để ngăn phần bản năng, thú tính lấn át nhân cách. Với người trẻ, hành trình ấy còn khó khăn hơn gấp bội…

Chenh-venh-tuoi-doi-muoi-bai-van-nghi-luan-hay-nen-doc-1-lan

Như một vòng lặp luẩn quẩn, đoạn kết của đa số cuốn sách kỹ năng, bí kíp thành công hay sách cho giới trẻ đều kết lại bằng những mẫu câu cổ động đầy hào sảng mà sáo rỗng: “Bạn còn trẻ, hãy sống là chính mình đi, đừng để những dư ba, náo động bên ngoài tác động đến quyết định của bạn”. Xin lỗi, nhưng… “CHÍNH MÌNH” nào cơ? “Chính mình” nào khi tôi còn đang chật vật để tự hiểu xem mình thực sự là ai. Một thế hệ trẻ được cho là năng động, nhiệt huyết đi tìm những câu trả lời cho những vấn đề lớn lao của xã hội, nhưng khi đêm về, chính họ lại vật lộn, dằn vặt với câu hỏi “Tôi là ai trong đời?”. Thay vì sống là chính mình, chúng tôi phải tự đi tìm mình, tìm cái tôi đích thực trước. Trớ trêu thay, biết tìm “tôi” ở đâu khi tôi còn chẳng tự nhìn được chính mình? Suốt hàng triệu năm tiến hóa, con người vẫn tự nhận là giống loài cao quý nhất vũ trụ, là động vật bậc cao được đấng tạo hóa ưu ái,.. Nhưng rồi thì, ngoài trí tuệ, cảm xúc và khả năng nhận thức, ta cũng chả khác loài vật là bao. Tạo hóa cho muôn loài đôi mắt để nhìn ngắm thế giới. Nhưng không cho bất kỳ ai khả năng dùng con mắt đó để thấu thị chính mình. Muốn tìm mình thì phải thấy gương mặt của mình trước đã. Không phải ngẫu nhiên mà Chí Phèo khi đến trả thù Bá Kiến, đòi làm người lương thiện lại mưu cầu: “Làm thế nào cho mất được những vết manh chai trên mặt này?”. Nhân tính và nhân hình luôn đi song song với nhau là vì vậy. Một khi đã mất đi nhân hình thì nhân tính sẽ không thể vãn hồi.

Nhưng gương mặt mà tôi đang nói tới không chỉ đơn thuần là dung mạo bên ngoài, được cha sinh mẹ tạo mà sâu xa hơn, đó là gương mặt nội cảm, khuôn mặt bên trong; là nội tâm, nhân cách; là cái tôi với ý nghĩa tuyệt đối nhất của nó. Con người không thể tự nhìn thấy khuôn mặt xác thịt của mình và đồng thời cũng không thể tự thấu thị cái tôi sâu thẳm bên trong. Có lẽ vì thế nên trên hành trình đi tìm mình, tự khám phá bản thân, người trẻ đành bất lực thở dài: Vì con người không thể tự nhìn thấy gương mặt của chính mình…

Vì con người không thể tự nhìn thấy gương mặt của chính mình… nên con người mới thật chênh vênh.

“Tôi là tôi

Một bản thể đầy mâu thuẫn”

(Vi Thùy Linh)

Trong quãng thời gian bồng bột, bỡ ngỡ của tuổi trẻ, ta chấp chới đứng giữa những lằn ranh của tâm trí. Người ta cứ mãi chê trách những kẻ sống hai mặt. Những nghĩ mà xem. Tất thảy chúng ta thật ra đều ẩn chứa nhiều hơn hai khuôn mặt cơ đấy. Mỗi khuôn mặt đại diện cho một giá trị sống, lối tư duy, ý niệm về thế giới; chúng khác nhau và thậm chí đôi khi còn đối lập, xung đột lẫn nhau. Ta băn khoăn trước những giá trị và tự hỏi: đâu mới thực là điều mà mình hướng đến? Con người phức tạp như một khối rubik. Mỗi một lần xoay là một lần đổi thay, mỗi một lần xoay thì mặt rubik lại đổi khác. Ta không cần quá bận tâm cưỡng cầu đến vòng xoay hoàn hảo để các màu cùng tụ về một mặt. Khi còn trẻ, ta được phép xoay lại nhiều lần, thử và sai, sai và thử. Mỗi một lần sai, ta lại thấy một khả thể khác của bản thân nhưng không biết đâu mới là khả thể gần với giá trị mà mình đang tìm kiếm nhất. Bởi lẽ đó, ta bước đi một cách chấp chới, chênh vênh và rơi vào cái đường hầm mang tên “Khủng hoảng của tuổi trẻ”. Tôi đồ rằng, con người bộc lộ mình rõ nhất khi buộc phải đứng giữa các lựa chọn. Vào những khoảnh khắc như thế, tâm trí tôi bị giằng xé bởi muôn vàn câu hỏi: Điều mình đang làm là đúng hay sai? Liệu có còn con đường nào khác hay không? Lý trí nói một đằng nhưng trái tim lôi kéo một kiểu. Những lúc ấy, nếu có tấm gương để soi lại chính mình, có lẽ tôi sẽ bình tâm hơn chăng?

Vì con người không thể tự nhìn thấy gương mặt của chính mình… nên ta buộc phải tìm lấy “gương soi”.

“Life is a mirror, it doesn’t give you what you want, it gives you what you are” (Cuộc đời là một tấm gương, nó không phản chiếu thứ mình muốn, mà nó phản chiếu chính mình) (Robin S. Sharma). Lại nói đến khuôn mặt với ý nghĩa nguyên bản của nó. Loài người không thể tự nhìn mình không có nghĩa là chịu đầu hàng. Từ khi chàng Narziss soi ngắm và mê đắm nhan sắc của chính mình dưới mặt nước, khi con người tập vẽ tranh chân dung cho đến khi gương phẳng và rồi sau đó là máy ảnh ra đời, chúng ta đã học cách nhìn mình qua những vật trung gian để tự soi chiếu. Không dám tự nhận mình là một người yêu thích văn học Nhật Bản, nhưng phải nói rằng, những trang văn Nhật luôn khiến cho tư duy của tôi không ngừng “vỡ” ra một điều gì mới mẻ, nhất là những tác phẩm mang đậm chất thiền như của Kawabata Yasunari. Trong rất nhiều câu chuyện của ông, tôi cũng bắt gặp những hình tượng vật trung gian. Không chỉ đơn thuần là hình ảnh chiếc gương soi như trong “Thủy nguyệt” hay “Cánh rừng trong gương” mà vật trung gian ở đây tồn tại dưới rất nhiều dạng thức khác nhau: tấm kính cửa sổ toa tàu, tuyết, lửa, mặt nước, cặp chén Raku,... Chúng đóng vai trò như một vật phản chiếu, soi rọi và thanh lọc nội tâm con người. Mỗi khi soi mình qua những vật trung gian ấy, nhân vật như được bừng tỉnh, khai ngộ, vỡ ra trong nhận thức về những giá trị và cái đẹp mà mình đã bỏ lỡ.

Vì con người không thể tự nhìn thấy gương mặt của chính mình… nên ta buộc phải nhìn mình qua kẻ khác.

Chenh-venh-tuoi-doi-muoi-bai-van-nghi-luan-hay-nen-doc-1-lan-0

Ở lứa tuổi đôi mươi, tôi vẫn đang băn khoăn đi tìm những hệ giá trị để quy chiếu bản thân. Vào trường hợp của hầu hết mọi người, hệ quy chiếu ấy được nhìn nhận thông qua cái nhìn, sự đánh giá của người ngoài để từ đó ta nhận ra phần nào con người mình. Đặt bản thân vào mối quan hệ với cộng đồng là cách để tạo nên sợi dây kết nối và sàng lọc giữa các hệ giá trị; bởi suy cho cùng, mọi nhận xét của người khác về ta đều chỉ là khách quan, không thể vì mấy lời phán xét, quy kết của người khác mà vội đóng khung chính mình. Ở khía cạnh nào đó, nhìn mình qua người khác không chỉ là nhìn qua đánh giá mà chính trong cách ta nhìn nhận người khác cũng đã phần nào bộc lộ ra tính cách, con người của mình.

Tôi từng nghe câu chuyện kể về ông lão nọ chiều chiều vẫn ngồi nơi hiên nhà ngắm cảnh làng mạc vào mỗi buổi chiều. Hôm ấy, có một cặp vợ chồng từ phương xa đi qua vùng này. Họ dừng chân lại và hỏi ông lão: “Chúng tôi muốn chuyển đến đây để sinh sống lâu dài, ông thấy nơi này có ổn không?” Ông lão không trả lời mà chỉ hỏi ngược lại họ: “Vậy nơi hai người vừa rời đi là nơi như thế nào?”. “Chúng tồi tàn, lạc hậu và tẻ nhạt lắm. Chính vì thế nên chúng tôi mới phải chạy trốn khỏi nơi đó”. “Ồ tiếc quá, vùng này cũng tệ hại như như thế” - Ông lão đáp. Nghe vậy, hai vợ chồng bỏ đi. Lúc sau, một gia đình nữa mới chuyển tới cũng hỏi ông lão câu tương tự. Ông vẫn hỏi lại câu hỏi cũ: “Nơi hai người vừa rời đi ra sao?”. Họ vui vẻ trả lời: “Chúng tôi rất thích cuộc sống ở đó, hàng xóm hòa thuận, thân thiết và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Vì hết cách nên chúng tôi mới phải rời đi”. Bấy giờ ông lão mới từ tốn trả lời: “May quá, nơi này cũng tuyệt vời như vậy, chào mừng mọi người đến với nơi đây”.

Câu chuyện thoạt nghe có vẻ vô lý, làm sao cùng một lúc ngôi làng ấy lại vừa buồn tẻ vừa hạnh phúc được? Nhưng nếu để ý câu trả lời của những người mới đến, ta sẽ hiểu ra vấn đề! Đôi khi ngoại cảnh chưa chắc đã đóng vai trò quyết định mà chính cách ta nhìn nhận, đánh giá vấn đề đã phản ánh chính con người và thái độ của người nói. Một người thân thiện, vui vẻ sẽ mang chính con mắt đó để nhìn mọi người xung quanh và ngược lại. Nói rộng ra, trong quá trình sống và tương tác giữa cộng đồng, cách ta đánh giá người khác phần nào cũng phản ánh luôn cả con người mình, đó là một phương để ta tự nhìn nhận bản thân.

Chenh-venh-tuoi-doi-muoi-bai-van-nghi-luan-hay-nen-doc-1-lan-6

Vì con người không thể tự nhìn thấy khuôn mặt của chính mình… nên ta đeo lên mình chiếc mặt nạ Persona.

“Persona” bắt nguồn từ tiếng Latin. Nó là chiếc mặt nạ mà những người nghệ sĩ kịch nghệ đeo trên sân khấu. Còn trong ngành tâm lý học, “Persona” là mặt nạ xã hội, là một phiên bản mà ta luôn cố khoe ra cho người khác thấy và mong muốn người ta công nhận về mình dựa trên khuôn mẫu đó. “Ego” là cái tôi, là bản ngã, là con người đích thực của mỗi người. Nó không hoàn hảo, đầy tạp niệm và rất độc đáo. Trong khoảng thời gian chưa tìm ra “cái tôi/ego” - khuôn mặt thật của chính mình, người trẻ như tôi có xu hướng đeo lên mình chiếc mặt nạ an toàn có phần đẹp đẽ và hào nhoáng. Có những lúc, tôi ghét bản thân mình vô cùng. Mặc dù biết con người chỉ có thể nhìn mình qua người khác, mình thế nào sẽ phản ánh qua mọi người xung quanh như thế. Nhưng tôi không sống thật là mình. Tôi chỉ trưng bộ mặt giả dối, hào nhoáng ra thôi. Nên tôi cũng chẳng biết mình là ai, mình như thế nào nữa. Nhìn người khác, tôi chỉ càng thêm tủi hổ, ghen tị. Bản thân tôi hoàn toàn không chối từ hay ghét bỏ gì việc đeo mặt nạ như thế cả. Ta có quyền chọn việc trưng ra bản chất, bộ mặt nào cho người khác thấy, đó là quyết định của mỗi người.

“Anh là tháp Bayon bốn mặt

Giấu đi ba còn một đấy là anh

Chỉ mặt ấy mà nghìn trò cười khóc

Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình”

(Chế Lan Viên)

Nhưng mọi chuyện sẽ tệ đi nếu chiếc mặt nạ ấy khiến ta dần hiểu sai, thậm chí làm biến chất khuôn mặt thật của chính mình, khiến ta hoặc trở nên tự ti, hoặc trở nên kiêu ngạo quá đáng. Có lẽ, trưởng thành là khi ta đủ dũng cảm buông bỏ mặt nạ và sống thật với khuôn mặt của chính mình. Nhưng ta sẽ cần một quá trình dài tìm kiếm và “trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu”.

“Tôi đã nhìn mình trong gương lúc khóc lúc cười

Bất cứ lúc nào trên sân khấu cuộc đời

Tôi vẫn là diễn viên tồi

Bởi tôi không bao giờ hóa trang để nhập vai người khác"

(Vi Thùy Linh)

Vì con người không thể tự nhìn thấy khuôn mặt của chính mình… nên hãy bao dung hơn, với mình và với người.

Nhìn mình nhưng cũng cần biết nhìn người. Ta không thể nhìn thấy chính mình. Tôi cũng vậy, bạn cũng vậy, tất cả chúng ta đều như vậy. Tất cả chúng ta đều đang đi cùng một hành trình kiếm tìm bản thân. Sẽ có những lúc ta sai lầm, vô tình làm tổn thương người khác. Họ không thể tự nhìn thấy khuôn mặt của mình nhưng ta lại nhìn thấy khuôn mặt của họ. Nhân gian đều mang những khuôn mặt không hoàn hảo, nứt vỡ, xô lệch. Vậy nên, tại sao không đối xử với nhau một cách bao dung hơn. Bao dung với những phút lỗi lầm của người khác và bao dung với lỗi lầm của chính mình nữa.

Khi bắt đầu trưởng thành, cuộc đời đưa cho ta mệnh đề mang tính nguyên nhân “Vì con người không thể tự nhìn thấy khuôn mặt của chính mình...”. Và hành trình ta sống sẽ là quá trình thử - sai để điền nốt vế còn lại: “Nên...”. Điền gì vào đó sẽ là quyết định của mỗi người. Với tôi, cuộc đời là bộ sưu tập những khoảnh khắc, có lúc vui, lúc buồn. Cũng không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi tuổi trẻ là “Hwa Yang Yeon Hwa” (hoa dạng niên hoa): khoảnh khắc đẹp nhất trong đời. Chỉ một lần, đến rồi đi nhưng chính vì hữu hạn nên thanh xuân mới trở nên thật ý nghĩa. 

(Theo Mochi's garret - Gác xép văn chương)

Xem thêm: Xúc động với bài văn đạt điểm tuyệt đối ở Trung Quốc: Ở đời luôn có một thứ để mong chờ

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận