Trân quý tấm lòng của cặp vợ chồng ve chai nghèo trả lại tiền tỷ cho người đánh rơi

"Lỡ người ta tự tử thì sao? Mình nghèo thì chịu đi, hông lấy của ai hết trơn á", đây là lời tâm sự của cặp vợ chồng ve chai trả lại tiền tỷ cho người đánh rơi.

Đỗ Thu Nga
11:56 23/04/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Dù đã 3 tháng trôi qua nhưng hành động đẹp của vợ chồng người bán ve chai quyết trả lại tiền tỷ cho người đánh rơi vẫn được bà con truyền tai nhau, ca ngợi. Mọi người xem đó như nguồn cảm hứng bất tận về nghĩa cử cao đẹp của những con người rất bình thường trong xã hội này.

Nghèo nhưng không tham

Một buổi sáng giữa tháng 1/2021, ông Nguyễn Văn Long (54 tuổi,  ngụ khóm 4, P.1, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) mang chài lưới xuống bến sông Đình Trung trước nhà để tìm vài con cái cải thiện bữa ăn cho vợ chồng và đứa cháu ngoại 6 tuổi mà ông bà cưu mang từ nhỏ. 

Vừa rời nhà vài bước, ông Long bất ngờ thấy một túi xách từ xe máy của một người phụ nữ lạ chạy qua rớt xuống đường. Ông cố gắng chạy theo la lớn nhưng không kịp. Ông Long nhặt túi xách lại.

"Lúc đó, tôi kêu lớn lắm nhưng người làm rớt không nghe. Ban đầu tôi tính treo túi lên trên cây ven đường nhưng sợ người khác lấy mất nên mang về treo trước nhà và ngồi chờ chủ nhân quay lại tìm để trao trả. Còn nếu không có người quay lại tìm, tôi sẽ mang đến Công an phường nhờ trả lại", ông Long kể.

cap-vo-chong-ve-chai-ngheo-tra-lai-tien-ty-cho-nguoi-danh-roi-00
Vợ chồng ông Long nhặt ve chai để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống và nuôi đứa cháu ngoại

Cũng theo ông Long, khi đó ông chờ cả tiếng thì thấy một chú chạy xe máy qua lại giống tìm tài sản đánh rơi nên ông gọi lại hỏi. Người này nói, chiếc túi đó là của người chị đánh rơi. Nhưng vì người đó mô tả không đúng hình dạng và màu sắc nên ông Long không trả. Đến lúc người này gọi điện cho chị mô tả lại hình dáng, màu sắc chiếc túi ông mới tin.

Bà Đoàn Thị Tám Em (57 tuổi) biết chuyện chồng nhặt được túi đựng tiền tỷ và cách giải quyết của ông thì ủng hộ lắm. Bà nói, lúc đó biết là tài sản của người khác nên vợ chồng không mở túi ra xem, chỉ thấy trong túi có thứ gì đó nặng nặng.

Đến khi người ta đến nhận lại túi, mặt mũi tái mét thì ông Long và bà Tám Em mới biết bên trong túi xách có đựng rất nhiều tiền mặt và vàng. "Vợ chồng tôi cũng không biết người mất tài sản là ai, ở đâu", bà Tám Em kể lại.

Cũng theo bà Tám Em, khối tài sản trong túi xách lớn đến nỗi vợ chồng bà có mơ cả đời cũng khó có được. Nhưng dù có lớn cách mấy thì đó cũng là tài sản của người khác nên bằng mọi giá phải trả lại người đánh rơi. 

cap-vo-chong-ve-chai-ngheo-tra-lai-tien-ty-cho-nguoi-danh-roi-0
Nhận bằng khen và thư khen của tỉnh, vợ chồng ông Long chỉ cười cười rồi nói việc mình làm chẳng có gì to tát cả

Cũng có vài người biết vợ chồng ông Long nhặt được túi xách chứa nhiều tiền vàng thì nói sao khờ vậy. Nhưng lúc đó bà Tám Em đáp: "Tôi nói thẳng, nhà tôi nghèo nhưng không tham lam. Số tiền đó rất lớn, nếu mình lấy của người khác sử dụng trong khi họ đau khổ thì vui sao được. Mình làm phước sẽ được phước".

Sau 3 tháng làm việc tốt, giờ nghĩ lại vợ chồng ông Long vẫn rất vui. Trong suy nghĩ của vợ chồng ông Long, cái việc nghĩa này đâu có gì là to tát đâu, chỉ là nhặt được của rơi thì trả lại người đánh mất thôi.

"Nếu người khác lượm được, họ cũng trả như tui thôi. Mình còn con cái, phải để đức cho con, tui không có dám lấy đâu, thà nghèo thì chịu, của ai phải trả lại cho người đó. Ở đây ai cũng biết tui, tui đi chài cá, 2 vợ chồng nhặt ve chai, làm mướn, khổ vậy đó nhưng mà vui, con cái ngoan ngoãn là được rồi", ông Long tâm sự.

Đây đâu phải là lần đầu tiên người đàn ông nghèo làm việc tử tế. Cầm tấm bảng tên Dân quân tự vệ trên tay, ông Long nhớ lại một thời từng đi khắp nơi để hỗ trợ mọi người.

cap-vo-chong-ve-chai-ngheo-tra-lai-tien-ty-cho-nguoi-danh-roi-4
Những tấm bảng tên kỷ niệm của ông khi còn làm DQTV

Có lần lũ đến, ông Long không ngần ngại lên đầu nguồn ứng cứu người dân. Dù nguy hiểm nhưng ông chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Bởi trong thâm tâm ông luôn nghĩ, làm phước sẽ được phước, sống nghĩa tình sẽ nhận lại sự quý mến, yêu thương.

Khi được hỏi về lương bổng làm Dân quân tự vệ, ông Long đáp: "Lương bổng gì. Cứ giúp đỡ được xóm làng yên ổn là mình vui rồi". Ông còn động viên đứa con trai duy nhất cùng tham gia dân quân tự vệ của phường. Cha con ông Long chưa một lần bỏ trực.

Gia cảnh khó khăn nhưng hạnh phúc

Theo Báo Thanh niên, hoàn cảnh của vợ chồng ông Long khó khăn. Tranh thủ buổi tối, ông bà đi bộ quanh các tuyến đường nội ô TP Cao Lãnh để nhặt ve chai. Sau khoảng 2 - 3 tháng thì gom ve chai nhặt được mang đến các vựa phế liệu bán được khoảng hơn 1 triệu đồng. 

cap-vo-chong-ve-chai-ngheo-tra-lai-tien-ty-cho-nguoi-danh-roi-6
Ngoài nhặt ve chai, trông tiệm cà phê, ông Long hay đi quăng lưới bắt cá tôm cải thiện cuộc sống cho gia đình

Thương hoàn cảnh của vợ chồng ông Long, chủ quán cả phê kế nhà thuê ông giữ quán trong khoảng từ 22h đến sáng với tiền công 2 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập của vợ chồng ông chưa đầy 3 triệu/tháng nhưng lại đang cưu mang đứa cháu ngoại từ nhỏ.

Ông Long cho biết: "Tôi có 3 đứa con, có 2 đứa đang làm công nhân trên Sài Gòn. Trước đây, cứ vài tháng thì gửi ít tiền nhưng cả năm nay dịch COVID-19 nên không gửi đều như trước. Tôi và vợ thấy vậy là đủ, miễn mấy đứa con lo cho cuộc sống nó là được. Vợ chồng già miễn khỏe mạnh là hạnh phúc".

Ông Long vốn là trẻ mồ côi, phải đi chăn trâu, làm thuê làm mướn tự nuôi thân từ nhỏ. Năm 22 tuổi, nhờ mai mối ông và bà Tám Em nên duyên vợ chồng. Bà Tám Em lúc còn nhỏ bị co giật dẫn đến 1 bên miệng bị méo xệ, phát âm không rõ ràng. Tuy vậy, ông Long vẫn rất yêu thương vợ. Chính tình yêu này đã giúp ông bà cùng chung lưng đấu cật vượt qua mọi khó khăn.

Trước đây, được gia đình bên vợ thương tình, vợ chồng ông cất tạm căn nhà nhỏ để ở. Cách nay hơn 15 năm, thấy căn nhà của gia đình ông mục nát, địa phương vận động cất cho ông căn nhà tình thương ngang 4 m, dài 8 m. 

cap-vo-chong-ve-chai-ngheo-tra-lai-tien-ty-cho-nguoi-danh-roi-1
Cuộc sống tuy có thiếu thốn về vật chất nhưng lại giàu có về tinh thần

Hơn 2 năm trước, căn nhà xuống cấp nặng nên gia đình ông được anh em, thông gia hỗ trợ mua tôn, sắt về dựng căn nhà diện tích 6 x 8 m. Gần đây, các con ông đi làm thuê gom góp tiền xây gạch lại cho nhà thêm chắc chắn. Song trong nhà không có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc tủ lạnh và tivi mua trả góp. 

Trên căn gác là cả một “kho” ve chai được vợ chồng ông nhặt hằng ngày. Chỉ vào đống ve chai trên căn gác, bà Tám Em nói: “Ve chai được vợ chồng tôi nhặt về, rửa sạch rồi phơi nắng nên chủ vựa rất thích mua. Còn khi đi nhặt, nhiều người thấy vợ chồng tôi khổ nên họ kêu cho ve chai chứ không bán”.

Kể về đời mình, ông Long nói chẳng có gì ngoài sự bình yên, thảnh thơi của mái nhà nhỏ. Mấy chúc năm nên duyên vợ chồng, ông chẳng có gì giá trị để tặng cho bà Tám Em. Nhưng bù lại, ông là không rượu chè, cả đời chỉ biết làm lụng vun vén cho gia đình, con cái.

Ông Vũ Nhật Tân - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND P.1 (TP.Cao Lãnh) cho biết, việc vợ chồng ông Long nhặt được túi xách có tài sản lớn và trả lại cho người mất diễn ra lặng lẽ, rất ít người biết, kể cả hàng xóm.

“Vợ chồng chú Long rất xứng đáng được khen thưởng, nên ngay trong buổi chiều sau khi có thông tin chú nhặt được chiếc túi và trả lại, UBND phường đã đến tặng giấy khen cho chú về gương người tốt việc tốt. Đồng thời, phường cũng đề xuất và UBND TP.Cao Lãnh tặng giấy khen cho chú cách nay ít ngày”, ông Tân nói.

Anh bán vé số nghèo ở Kiên Giang và hành động đẹp trả cặp vé số trúng thưởng 30 triệu cho người mua

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận