Tổng hợp các đoạn văn NLXH từng xuất hiện trong đề thi THPT quốc gia 5 năm qua

Nghị luận xã hội là phần không thể thiếu trong đề thi THPT quốc gia. Chúng tôi xin tổng hợp lại để các bạn học sinh tiện theo dõi.

Đỗ Thu Nga
12:00 21/02/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ THPTQG 2023: CÂN BẰNG CẢM XÚC

William James từng nói rằng: "Chúng ta giống như những hòn đảo trên biển khơi, tách biệt trên bề mặt nhưng kết nối dưới tầng sâu". Những "tầng sâu" ấy trong mỗi người đều được hình thành từ quá trình ta nhận thức đúng đắn về những giá trị, tiếp nối những bài học, đặc biệt là bài học về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống. Cảm xúc là những rung động, những tình cảm nảy sinh khi gặp điều gì đó mang đến và để lại ấn tượng, nó là thứ vô hình, chẳng thể cầm nắm. Cân bằng cảm xúc là khả năng quản lí, điều chỉnh nó sao cho phù hợp với hoàn cảnh và mục tiêu. Việc cân bằng cảm xúc là vô cùng cần thiết đối với bản thân mỗi người. Cuộc sống này muôn màu muôn vẻ, được mất đa đoan; cân bằng cảm xúc giúp ta nhận thức, thay đổi phần bên trong con người mình để chủ động đương đầu với những thách thức, khó khăn; mọi điều khi ấy hiển nhiên sẽ trở nên thuận lợi và dễ dàng giải quyết. Cân bằng cảm xúc còn giúp con người đưa ra những quyết định đúng đắn, không "lý trí" quá cũng không "cảm xúc" quá, không khiến bởi vì lòng trắc ẩn ban đầu của mình mà lại hoá thành lẽ dung túng cho những điều xấu xa. Ngoài ra, việc cân bằng cảm xúc còn khiến mối quan hệ người và người trở nên tốt đẹp hơn, ta biết nghĩ cho người khác và cũng biết nghĩ cho mình, đó điều chỉnh lại cảm xúc, lời nói, thái độ, hành động để không làm những việc xốc nổi, gây ra những tiếc nuối về sau. Cụm từ "overthinking" hiện nay đang dần trở nên phổ biến trong giới trẻ, sỡ dĩ nó trở nên như vậy là bởi ngày càng có nhiều người sống phụ thuộc vào cảm xúc, lo nghĩ quá nhiều, quan tâm tới những điều thiếu thiết thực mà không biết cân bằng cảm xúc để phù hợp với thực tại. Vậy nên việc điều chỉnh cảm xúc giúp con người không sa vào vũng lầy tiêu cực, tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp tới cộng đồng. Tôi nhớ tới một người cô mà tôi vô cùng ngưỡng mộ - cô Nguyễn Ngọc Anh. Câu chuyện về kì thi Đại học mà cô chia sẻ đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Dẫu kết quả không được như mong muốn, dẫu đang phải loay hoay trong vô vàn những xúc cảm ngổn ngang nhưng cô vẫn chọn cách điều chỉnh lại cảm xúc, vực dậy lại tinh thần để hướng về phía trước, quyết tâm theo đuổi ngành Sư phạm Ngữ văn. Nhờ vậy mà hiện tại cô đã trở thành một giáo viên được nhiều bạn học sinh quan tâm, theo dõi; đồng thời cô còn là chủ nhân của 2 Fanpage nổi tiếng là Thích Văn học và Trạm Văn với hàng nghìn lượt follow. Như thanh nam châm hai cực, nếu có những người luôn biết cách điều chỉnh cảm xúc của mình thì vẫn có những người sống theo cảm tính, không kiểm soát được cảm xúc, hời hợt trước những giá trị của cuộc sống. Ta đến với cuộc đời để trở thành một vì sao toả sáng lấp lánh chứ không phải một đám mây nhỏ chỉ biết trôi đi. Vậy nên hãy biết nhận thức được vai trò to lớn của việc cân bằng cảm xúc, nghĩ cho ta, nghĩ cho người, hướng về những điều tốt đẹp để trở thành một phiên bản hoàn hảo của chính mình. Tuổi mười bảy, tôi chọn cho mình một cuộc đời ý nghĩa, biết coi trọng bản thân và toả sáng hết mình hệt như câu nói: "Hãy vươn cao vì những vì sao ẩn bên trong bạn" (Tago).

ĐỀ THPTQG 2022: TRÁCH NHIỆM CỦA THẾ HỆ TRẺ

Trong bài thơ “Khúc bảy”, Thanh Thảo tâm sự:

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Những tuổi hai mươi làm sao mà không tiếc?)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

Lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng minh thế hệ này ngã xuống lại có những thế hệ sau tiếp bước, cũng như việc tre già măng mọc, đây là một quy luật của tự nhiên và là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta ngàn đời. Thế hệ trẻ là mầm non tương lai của đất nước, là nguồn sức mạnh vô tận để dựng xây đất nước. Thế hệ trẻ luôn sục sôi quyết tâm, nhiệt huyết, luôn khao khát được cống hiến cho đời. Chúng ta được giáo dục trong một môi trường tốt đẹp, hòa bình, ổn định như ngày hôm nay phần lớn là nhờ sự hi sinh cao cả của những lớp người, những thế hệ cha anh đã dùng cả tính mạng để đánh đổi. Sự đau đớn, mất mát và hi sinh của họ luôn được thế hệ hôm nay trân trọng, ngợi ca và noi theo. Ngay từ khi sinh ra, mỗi người đều gánh trên vai trọng trách, nghĩa vụ của công dân đối với đất nước mình. Đó là điều không thể chối bỏ. Mỗi người trẻ tuổi cần nâng cao ý thức trách nhiệm để xây dựng và bảo vệ đất nước.

cac-doan-van-nlxh-tung-xuat-hien-trong-de-thi-thpt-quoc-gia-5-nam-qua-6

Bằng cách luôn học tập, tu dưỡng đạo đức, nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân đối với đất nước, không ngừng rèn luyện sức mạnh, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng mọi hoàn cảnh. Trong buổi hòa bình, độc lập, thế hệ trẻ không phải ra chiến trường, không phải đối mặt với những bom đạn, thuốc súng nhưng làm sao để giữ gìn và phát triển đất nước ngày một vững mạnh hơn mới thực sự là điều khó? Mỗi hành động nhỏ của chúng ta đều ảnh hưởng đến tương lai, sinh mệnh của đất nước, có thể là giúp cho đất nước phát triển nhưng cũng có thể vô ý hoặc cố tình hủy hoại những thành quả mà cha ông ta cố gắng xây dựng, bảo vệ. Mỗi người trẻ tuổi hãy mạnh dạn và tự tin hơn nũa, vì tuổi trẻ là khó báu lớn nhất, là sức mạnh to lớn nhất giúp ta hoàn thành ước mơ cống hiến cho đất nước. Nếu khi còn trẻ mà ta không ý thức được trách nhiệm của mình, không năng động nhiệt huyết, ngại khó, ngại khổ liệu tương lai đất nước sẽ ra sao, có xứng đáng với sự hi sinh của cha ông hay không? Cần phải biết nêu cao tinh thần yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ, gắn kết những con người trẻ tuổi cùng chung lý tưởng để xây dựng đất nước vững mạnh, sánh vai với cường quốc năm châu. là một học sinh ngồi trên ghế nhà trường, trước hết tôi luôn ý thức học tập và rèn luyện, nghe lời cha mẹ, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy để củng cố và phát triển bản thân. Trong tương lai, tôi sẽ nỗ lực hơn nữa, nguyện cống hiến tuổi trẻ và sức mạnh của mình làm rạng danh đất nước.

ĐỀ THPTQG 2021 đợt 1: SỰ CỐNG HIẾN

Peter Marshall từng khuyên “Thước đo của cuộc đời không phải là thời gian mà là sự cống hiến”, để mỗi chúng ta đều hiểu được một cách sâu sắc về sự cần thiết của việc sống cống hiến . Hiểu một cách đơn giản, cống hiến là sự tự nguyện, tự giác dâng hiến sức lực, tài năng, trí tuệ của mình đóng góp cho lợi ích chung. Có vô vàn cách để chúng ta hiến dâng cho đời. Không bắt buộc phải cống hiến tính mạng, xương máu mới được coi là cao cả. Một phần nào của sự cống hiến chính là làm tốt công việc của mình bằng tinh thần trách nhiệm cao và bằng nhiệt huyết. Mỗi chúng ta chỉ cần mang đến cho cuộc đời những giá trị tốt đẹp nhất, những gì trân quý nhất mà ta có thì đó cũng là sự cống hiến thiêng liêng và đẹp đẽ biết nhường nào. Có những người hiến dâng tuổi trẻ, tính mạng để xây dựng và bảo vệ đất nước, những thế hệ đã ngã xuống cho một Việt nam giàu đẹp hôm nay, ta gọi đó là anh hùng. cũng có những người cống hiến thầm lặng. Đó là những cô lao công không ngại ngày nắng đêm đông làm sạch những khu phố, tuyến đường. Đó là những người mẹ dành trọn tuổi xuân, hạnh phúc của bản thân cho gia đình. Đó còn là những nhà hảo tâm luôn mang đến cho những đứa trẻ bất hạnh áo ấm, cơm no. Đó còn là những người thầy giáo không ngại khó khăn mang con chữ đến vùng sâu vùng xa nơi biên giới, hải đảo, miệt mài chèo lái những chuyến đò chở học sinh cập bến thành công,… và còn rất nhiều những tấm gương người tốt việc tốt nữa. Ta mới thấy giữa người với người sự cho đi là điều vô cùng cần thiết. Chúng ta ai cũng sẽ hóa thành cát bụi, điều còn lại cho đời là lòng tốt và tình yêu thương. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận, nhất là người trẻ tuổi vẫn còn tồn tại lối sống ích kỉ, vụ lợi, thích hưởng thụ, lười lao động. Cũng có những người cống hiến “giả tạo”, tìm mọi cách để lấy tiếng tăm, danh lợi bằng mọi thủ đoạn hãm hại, chà đạp người khác. Cống hiến là sự cho đi mà không đòi hỏi phải nhận lại cho bản thân một chút lợi ích nào. “Có thể cuộc sống của chúng ta sẽ khó khăn hơn khi sống vì người khác, nhưng cũng vì thế mà nó trở nên hạnh phúc và ý nghĩa hơn” (Abert Schwetzer).

ĐỀ THPTQG 2021 đợt 2: TINH THẦN HỢP TÁC

“Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Quả thực, lời dạy của ông cha ta từ xa xưa đến giờ vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa về sức mạnh của sự hợp tác. Sự gắn kết, đồng lòng, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau sẽ giúp con người ta vượt qua và chiến thắng mọi khó khăn, thử thách. Vì vậy, tinh thần hợp tác có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là chìa khóa để con người ta mở cánh cửa thành công. Sống trong tập thể, nếu ta chỉ nghĩ đến bản thân, không quan tâm tới lợi ích chung, không trao đổi, hợp tác với các thành viên khác sẽ làm cho tập thể xuất hiện mẫu thuẫn, khó đạt được hiệu quả cao trong công việc. Mỗi một người có những ưu điểm và thế mạnh riêng, là những mảnh ghép hoàn hảo để hoàn thiện công việc đặt ra một cách tốt nhất. Không ai có thể làm tất cả mọi thứ mà không cần sự giúp đỡ, đồng hành của những người cộng sự. Sự hợp tác, trao đổi giữa người với người sẽ khiến cho mối quan hệ ngày càng gắn kết, thấu hiểu, yêu thương nhau hơn. Nếu không có sự hợp tác, làm việc gì cũng dễ thất bại, sẽ không ai cổ vũ, động viên và tìm ra những cách thức hữu hiệu để vượt qua. Có những người hiểu sai ý nghĩa của việc hợp tác, dựa dẫm, ỷ lại, lợi dụng công sức của người khác để đạt được thành công. Sự hợp tác không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm mà còn thể hiện bản lĩnh và nhân cách của mỗi người. Nhờ có sự hợp tác bản thân mỗi người sẽ ngày một hoàn thiện hơn, đất nước sẽ phát triển vững mạnh, văn minh và giàu đẹp hơn.

ĐỀ THPTQG 2020 đợt 1: NIỀM TIN

Dodinsky từng phát biểu: “Nếu bạn đang tuyệt vọng, hãy tin rằng luôn có một nơi tốt hơn, và một người tốt hơn dành cho bạn. Hãy luôn tin rằng một điều gì đó tốt hơn đang chờ đợi bạn”. Lời khuyên ấy đồng thời cũng là bài học sâu sắc dành cho mỗi chúng ta về sự cần thiết phải có niềm tin vào cuộc sống. Niềm tin là sự tin tưởng của bản thân vào một điều gì đó sẽ xảy ra hoặc về một người nào đó. Niềm tin cũng như một loại thần dược giúp chúng ta có thêm tự tin khẳng định giá trị của bản thân và tìm được ý nghĩa của cuộc sống. Khi cuộc đời quật ngã bạn bằng những thất bại, những lần vấp ngã đau đớn, nếu bạn không có niềm tin vào những điều tốt đẹp đang chờ đón bạn ở phía trước bạn sẽ không có đủ dũng khí để bước tiếp trên con đường đã chọn. Một người sống thiếu niềm tin lúc nào cũng trong tình trạng buồn bã, chán nản, tự ti, làm việc gì cũng không quyết đoán, sợ sệt thất bại. Nếu sống không có niềm tin, lúc nào cũng lo sợ người khác lừa gạt, dối trá mình, tâm hồn ta sẽ trở nên bất an, lo lắng. Khi ta tin tưởng vào bản thân, ta sẽ có thêm sức mạnh, động lực để hướng tới tương lai tốt đẹp và tươi sáng. Khi ta tin tưởng vào mọi người, ta sẽ có thêm những mối quan hệ mới, đoàn kết, giúp đỡ, đồng hành cùng nhau. Nếu không có niềm tin, chúng ta sẽ chẳng thể làm bất cứ một việc gì, thậm chí là không thể thực hiện ước mơ, hoài bão của bản thân. Hãy sống với niềm tin vào những điều tốt đẹp, tích cực trong cuộc đời. Đừng vội nản lòng, mất phương hướng. Hãy luôn dành niềm tin cho chính mình và cho mọi người, bởi niềm tin ấy sẽ dẫn lối ta đến với thành công và hạnh phúc.

ĐỀ THPTQG 2020 đợt 2: SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC TR N TRỌNG CUỘC SỐNG MỖI NGÀY

Trong cuộc sống, chúng ta thường có nhiều băn khoăn, lo lắng về tương lai hay những nỗi ân hận về quá khứ, nhưng tôi cho rằng, việc trân trọng cuộc sống mỗi ngày mới là điều quan trọng. Trân trọng cuộc sống mỗi ngày là một thái độ sống tích cực, thể hiện ở việc con người luôn tận hưởng những khoảnh khắc của hiện tại, cảm thấy biết ơn và hạnh phúc với những điều nhỏ bé, bình dị xuất hiện hàng ngày. Đó có thể là những bữa cơm với gia đình, cuộc gặp gỡ với bạn bè hay cả những phút giây yên bình với chính bản thân. Khi chúng ta trân trọng cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ tập trung vào những điều tích cực, những khoảnh khắc đẹp và những mối quan hệ quan trọng. Điều này giúp tạo ra tâm lý tích cực, cảm giác hạnh phúc và làm phong phú những trải nghiệm tâm hồn của chúng ta. Bên cạnh đó, thay vì luôn mải mê với những mục tiêu tương lai, trân trọng cuộc sống mỗi ngày giúp chúng ta thấu hiểu được sự quan trọng của từng khoảnh khắc trong hành trình cuộc sống, từ đó có thể sống một cuộc đời trọn vẹn, nhiều ý nghĩa hơn. Cuối cùng, việc trân trọng cuộc sống hàng ngày sẽ góp phần xây dựng một xã hội tích cực. Thái độ sống lạc quan và hạnh phúc của mỗi cá nhân sẽ tạo ra một không khí tích cực, từ đó gây dựng nên những mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, để mỗi một ngày trôi qua sẽ trở thành cơ hội để chúng ta gặp gỡ, chia sẻ và tạo ra những kỉ niệm đáng nhớ. Daniel Kahneman và Angus Deaton là 2 nhà kinh tế học nổi tiếng từng đoạt giải Nobel Kinh tế. Trong một cuộc khảo sát chung, họ phát hiện rằng những người tham gia nghiên cứu thường đánh giá hạnh phúc của mình dựa trên những sự mãn nguyện hàng ngày, thể hiện ở các trải nghiệm đủ loại cung bậc cảm xúc mỗi ngày, từ niềm vui, nỗi buồn, sự giận dữ, niềm yêu mến ai hoặc vật nào đó hơn là những yếu tố vĩ mô. Điều này cho thấy tầm quan trọng của cuộc sống “mỗi ngày” đối với một con người. Tuy nhiên, trong cuộc sống cũng có không ít người luôn mải mê chìm đắm trong quá khứ hay quá tập trung theo đuổi một mục tiêu trong tương lai mà quên đi hiện tại. Những người như vậy sẽ dễ cảm thấy tiếc nuối, ân hận về sau. Bởi vậy, chúng ta cần ý thức được tầm quan trọng của cuộc sống hàng ngày và sống sao cho thật trọn vẹn từng khoảnh khắc của cuộc sống. Là một người trẻ, tôi sẽ luôn trân trọng quãng thời gian quý giá này của cuộc đời để sống một cuộc đời đáng sống.

ĐỀ THPTQG 2019: SỨC MẠNH Ý CHÍ CỦA CON NGƯỜI TRONG CUỘC SỐNG

Cuộc sống của con người không bao giờ chỉ trải thảm đỏ và hoa hồng, mà luôn chứa đựng nhiều chông gai, thử thách, bởi vậy, việc có được sức mạnh ý chí là điều vô cùng quan trọng. Sức mạnh ý chí một năng lực tinh thần của con người, thể hiện ở việc không đầu hàng trước những khó khăn, thất bại hay những cám dỗ của cuộc đời, không dễ dàng bi quan, nản chí. Đối với mỗi cá nhân, sức mạnh ý chí là yếu tố cốt lõi để có thể đạt được thành công. Khi có sức mạnh ý chí, con người sẽ luôn kiên định với mục tiêu của mình, có động lực mạnh mẽ để đối mặt với khó khăn, thậm chí có thể đứng dậy sau nhiều lần vấp ngã, từ đó đạt được nhiều thành tựu lớn trong sự nghiệp và cuộc đời. Bên cạnh đó, sức mạnh ý chí giúp con người có thể sống tử tế, chuẩn mực hơn. Cuộc sống hàng ngày ẩn chứa biết bao cám dỗ và những nguy cơ, hoàn cảnh có thể làm băng hoại đạo đức của con người. Người có sức mạnh ý chí sẽ có thể giữ mình trước những cám dỗ đó, từ đó có được nhân cách vững vàng. Hơn thế, sức mạnh ý chí còn là tiền đề tạo ra khí chất lãnh đạo, dễ dàng thu hút những người có chung chí hướng với mình và được mọi người quý trọng. Những cộng đồng, dân tộc có ý chí mạnh mẽ sẽ có thể đồng lòng vượt qua những tình huống thử thách chiến tranh hay thảm họa tự nhiên. Nhật Bản là một đất nước nổi tiếng với những con người có sức mạnh ý chí kiên cường. Là một đất nước thường xuyên phải đối mặt với thảm họa động đất - sóng thần, từng phải trải qua cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 khốc liệt, nhưng bằng ý chí và nghị lực kiên cường, dân tộc Nhật Bản đã nỗ lực đưa quốc gia của mình lên sánh ngang với nhiều cường quốc trên thế giới. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn có một bộ phận những người sống mà không có sức mạnh ý chí, uỷ mị, yếu mềm, dễ dàng nản chí và bỏ cuộc trước những khó khăn nhỏ bé. Những người như vậy sẽ rất khó để đạt được thành tựu lớn và có cống hiến cho xã hội. Là một người học sinh sắp bước vào độ tuổi trưởng thành, tôi ý thức được còn nhiều thử thách, khó khăn ở phía trước. Tôi sẽ cố gắng học tập và rèn luyện, bồi dưỡng cho mình một ý chí kiên cường để vượt qua những khó khăn đó.

(Nguồn: Thích Văn học)

Xem thêm: NLXH 200 chữ: “Hoa luôn nở rộ một cách chậm rãi trong sự tĩnh lặng và thanh bình”

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận