Bàn về tinh thần bi tráng trong Tây Tiến và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Tinh thần bi tráng trong tác phẩm văn học được thể hiện ở việc miêu tả hiện thực, không né tránh cái bi, tức cái gian khổ, đau thương.

Đỗ Thu Nga
12:00 11/01/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

“Tây Tiến… nơi mà con người Tây Tiến, chiến sĩ Tây Tiến, núi rừng Tây Tiến đã vượt ra ngoài những cảm quan ban đầu của hồn thơ Quang Dũng để đến với đại ngàn thi hứng. Nơi ấy, cuồn cuộn dòng chảy lạnh lùng và đa tình, hiện thực và lãng mạn, bi và tráng. Một Tây Tiến không chỉ níu kéo bước chân người lính trong nỗi niềm nhớ… Tất cả đều gợi ấn tượng của sự “lạ hóa”, của những vẻ đẹp kì ảo khó gọi tên” (Đinh Minh Hằng). Mùa xuân ấy, người lính Tây Tiến đã để lại những nhiệt huyết cháy bỏng, sự dũng cảm, hào hùng, để lại những ký ức khó phai mờ trong tâm tưởng mỗi người. Họ lưu giữ điều đẹp nhất ở nơi ấy, đó là tuổi trẻ, là tâm hồn phiêu linh với đại ngàn miền Tây sơn cước, lưu luyến không quên. Hôm nay, các em cùng nhau ôn lại thi phẩm Tây Tiến để chuẩn bị cho kì thi giữa kì đến cuối kì sắp tới nhé. Khi phân tích tinh thần bi tráng trong Tây Tiến, các em cần có một chút lý giải về tinh thần bi tráng, sau đó mới đi vào phân tích nhé các em.

Tinh thần bi tráng trong tác phẩm văn học được thể hiện ở việc miêu tả hiện thực, không né tránh cái bi, tức cái gian khổ, đau thương. Cái bi nhưng không phải là bi lụy mà là bi tráng, hào hùng. Là sự hi sinh nhưng không bi lụy mà là sự hi sinh hào hùng lẫm liệt, đi vào cõi bất tử. Cái bi thường được biểu hiện ở giọng điệu, âm hưởng, mang màu sắc tráng lệ hào hùng. Tinh thần bi tráng trong bài thơ Tây Tiến thể hiện ở lời thơ không né tránh cái bi, bài thơ có nhắc về sự hi sinh nhưng đó không phải là sự ra đi đầy bi lụy mà chảy trôi trong nó là hào khí hào hùng, mãnh liệt. Trên nền thiên nhiên Tây Bắc dữ dội và huyền ảo, nhà thơ tô đậm hình ảnh đoàn quân Tây Tiến hào hùng và hào hoa bằng bút pháp lãng mạn, nhưng không thoát li hiện thực và cảm hứng bi tráng.

????. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận:

- Quang Dũng thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Thơ Quang Dũng hấp dẫn bởi sự lãng mạn, hồn hậu, phóng khoáng. "Tây Tiến" là bài thơ tiêu biểu của Quang Dũng thể hiện nỗi nhớ về đoàn quân Tây Tiến, về cảnh vật và con người Tây Bắc một thời gian khổ và oai hùng.

- Ở đoạn ba của bài thơ, hình tượng người lính Tây Tiến hiện lên vừa hào hùng, vừa hào hoa, phảng phất bóng hình các tráng sĩ thời trung đại. Ở khía cạnh này, hình tượng người lính Tây Tiến rất gần với hình tượng người nghĩa sĩ trong trận công đồn (Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu) bởi cảm hứng chính của các tác giả đều là bi tráng.

????. Cảm nhận về vẻ đẹp của hình tượng người lính trong đoạn thơ của Quang Dũng:

“Tây Tiến là sự tiếp tục của một dòng thơ lãng mạn nhưng đã được tác giả thổi vào hồn thơ rất trẻ, rất mới, khác hẳn những tiếng thơ bị lụy, não nùng. Cũng khơi nguồn cảm hứng từ một thời gian khổ và oanh liệt của lịch sử đất nước nhưng Tây Tiến đã được thể hiện một cách đặc sắc của Quang Dũng, với một tâm trạng cụ thể – nỗi nhớ đồng đội trong đoàn Tây Tiến. Chính niềm thương nhớ da diết, tự hào chân thành của tác giả về những người đồng đội của mình đã khiến người đọc của nhiều thế hệ rung cảm sâu xa và đó cũng chính là âm hưởng chủ đạo của bài thơ này” (Vũ Thu Hương).

ban-ve-tinh-than-bi-trang-trong-tay-tien-va-van-te-nghia-si-can-giuoc

- Hai câu đầu: Cuộc sống gian khổ, khó khăn và vẻ đẹp tâm hồn người lính.

Hai câu đầu là bức chân dung người lính hiện lên với những nét vẽ chân thực qua hình ảnh so sánh, tương phản:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”.

+ Quang Dũng đã không né tránh việc mô tả .cuộc sống gian khổ mà người lính phải chịu đựng: Hình ảnh “không mọc tóc, quân xanh màu lá” là hậu quả của những trận sốt rét rừng, của thiếu lương thực, thiếu thuốc men... Tất cả làm cho mái tóc xanh của các chàng trai trẻ không còn nữa, da xanh như tàu lá. Nhà thơ Chính Hữu trong bài "Đồng chí" cũng từng viết về những trận sốt rét rừng như thế:

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt người vầng trán ướt mồ hôi”

+ Tuy vậy, vẻ xanh xao vì đói rét, bệnh tật ấy của người lính Tây Tiến, qua cái nhìn của Quang Dũng vẫn toát lên vẻ oai phong, dũng mãnh như những con hổ nơi rừng thiêng: dữ oai hùm => Bút pháp lãng mạn đã tạo ra cái nhìn xoáy vào bên trong khiến hình tượng người lính hiện lên ốm mà không yếu, khắc khổ mà không tiều tụy.

+ Hai chữ đoàn binh âm Hán Việt đã gợi ra một khí nghiêm trang, hùng dũng kết hợp với các thanh trắc rơi vào trọng âm đầu của câu thơ như "tiến ", "mọc tóc" khiến âm hưởng của câu thơ vút lên mạnh mẽ, làm vơi đi ấn tượng xót xa về cuộc sống khó khăn, thiếu thốn.

+ Hai câu sau là vẻ đẹp tâm hồn đậm chất hào hoa lãng mạn của các chàng trai Tây Tiến:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

+ Hình ảnh “mắt trừng” thể hiện ý chí quyết tâm của người lính Tây Tiến trong nhiệm vụ bảo vệ biên cương, thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình.

+ Hình ảnh “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" lại là phút giây mơ mộng của tâm hồn trở về mái trường góc phố. Bên trong cái dữ dội, oai hùng của người lính là những tâm hồn, những trái tim rạo rực, khao khát yêu thương. Họ là những chàng trai ra đi khi mới mười tám, đôi mươi, chắc hẳn ai cũng ôm ấp trong tim một bóng hình. Ba chữ dáng kiều thơm gợi vẻ đẹp yêu kiều thanh lịch của các thiếu nữ Hà thành. Đã một thời, với cái nhìn ấu trĩ, người ta cho rằng những câu thơ này là buồn rơi, mộng rớt, ủy mị, tiểu tư sản mà không thấy được rằng nhờ vẻ đẹp ấy của tâm hồn mà người lính có sức mạnh vượt qua mọi gian khổ.

=> Quang Dũng đã tạo nên một tương phản hết sức đặc sắc - những con người chiến đấu kiên cường với ý chí sắt thép cũng chính là con người có một đời sống tâm hồn phong phú. Người lính Tây Tiến không chỉ biết cầm súng cầm gươm theo tiếng gọi của non sông mà còn rất hào hoa, giữa bạo nhiêu gian khổ, thiếu thốn trái tim họ vẫn rung động trong một nỗi nhớ về dáng kiều thơm, nhớ về vẻ đẹp của Hà Nội - Thăng Long xưa.

- Bốn câu sau: Những hi sinh mất mát và ý chí quyết tâm của người lính.

Quang Dũng một lần nữa nhìn thẳng vào những mất mát hi sinh mà người lính phải trải qua:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ”

+ Từ láy tượng hình rải rác diễn tả hình ảnh những nấm mồ hoang lạnh trải khắp một vùng biên cương tổ quốc. Nếu tách riêng câu thơ ra khỏi đoạn ta dễ có cảm giác đang được chứng kiến một bức tranh với màu sắc xám lạnh, u uất như vọng về từ thời chinh phu tráng sĩ:

“Hồn tử sĩ gió về ù ù thổi

Mặt chinh phu trăng dõi soi

Chinh phu tử sĩ mấy người

Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn”.

+ Tuy nhiên, cái bi như vơi bớt đi khi tác giả sử dụng ba từ Hán Việt liên tiếp: biên cương - mồ - viễn xứ gợi không khí thiêng liếng, trang trọng, làm nhòe đi nét nghĩa đau thương mà vang về âm thanh ho hùng. Những nấm mồ hoang lạnh nơi rừng sâu biên giới bỗng trở thành những mộ chí tôn nghiêm vĩnh hằng.

+ Câu thơ tiếp theo vang lên như một lời thề:

“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.

Đó cũng chính là lí tưởng quên mình, xả thân vì Tổ quốc của những chàng hai đô thành này, khẳng định mạnh mẽ khí phách của tuổi trẻ một thời không chỉ tự nguyện chấp nhận mà còn vượt lên sự hi sinh, sẵn sàng dâng hiến cả sự sống, cả tuổi trẻ cho nghĩa lớn của dân tộc. Họ đã ra đi với tất cả lòng say mê của người thanh niên yêu nước, yêu lí tưởng, dâng hiến cả đời xanh, đời trai trẻ đầy hi vọng của mình cho tổ quốc. Đây không phải chỉ là cách nói của thơ ca mà đó chính là dũng khí tinh thần và hành động của nhiều thế hệ trong những năm kháng chiến.

Sự hi sinh của người lính còn được háng lệ hoá trong câu thơ:

“Áo bào thay chiếu anh về đất”.

+ Hình ảnh “áo bào thay chiếu” thực chất là hiện thực thiếu thốn, gian khổ: tiễn đưa người lính về nơi vĩnh hằng không có cả một chiếc quan tài, thậm chí không cả manh chiếu che thân. Hoàng Lộc trong Viếng bạn cũng đã viết về cảnh tiễn đưa thiếu thốn như thế:

“Ở đây không gỗ ván

Vùi anh trong tấm chăn

Của đồng bào Cửa Ngàn

Tặng tôi ngày phân tán”.

Nhưng câu thơ của Quang Dũng không dừng lại ở mức tả thực mà đẩy lên thành cảm hứng tráng lệ, hai chữ "áo bào" lấy từ văn học cổ, gợi hình ảnh tấm áo choàng màu đỏ của các dũng tướng ra trận thuở xưa.

+ Nghệ thuật nói giảm, nói tránh anh về đất gợi tư thế ung dung, thanh thản, nhẹ nhõm của người lính khi đón nhận cái chết.

Đoạn thơ kết thúc bằng hình ảnh dòng sông Mã gầm lên khúc độc hành. Sự hi sinh của người lính Tây Tiến còn lay động đến cả đất trời, khiến dòng sông Mã gầm lên đau đớn, tiếc thương. Trong âm hưởng hào hùng và dữ dội của thiên nhiên, sự hi sinh của người lính Tây Tiến không bi lụy mà thấm đẫm tinh thần bi háng. Bài thơ đã lột tả được cái khí phách của một thời đại và chắp cánh cho cái bi tráng bay lên như một nét đẹp hiếm có của một thời đại thơ.

=> Tây Tiến xứng đáng được xem là một tượng đài kỉ niệm bằng thi ca về đoàn quân Tây Tiến nói riêng về con người Việt Nam nói chung của một thời đại đầy gian lao mà thật anh dũng, hào hùng.

????. Liên hệ với hình tượng người nông dân nghĩa sĩ trong trận công đồn để thấy được tinh thần bi tráng của các tác phẩm khi viết về sự hi sinh anh dũng của những người nghĩa sĩ, chiến sĩ trong trận chiến chống quân thù. “Ngòi bút là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả thật là sinh động và não nùng, cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân, vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hừng cứu nước…” (Thủ tướng Phạm Văn Đồng).

- Hình tượng người nghĩa sĩ trong “Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc“ - khúc bi hùng ca về người dân nghèo cứu nước:

“Chữ nghĩa của cụ Đồ Chiểu giản dị nôm na mà cực kỳ sâu sắc: đối chọi với kẻ ngoại xâm hùng mạnh vũ khí áp đảo lấn lướt, người dân Việt lúc đó chỉ có một tấc lòng yêu nước thấu trời... Vận dụng lối đối ngẫu quen thuộc của thể phú Đường luật cũng như tuân thủ thi pháp truyền thống trong một mệnh đề chắc nịch súc tích vừa mang giá trị tượng trưng cao lại vừa đậm hơi thở hiện thực, cụ Đồ Chiểu đã phác họa thật sắc nét chân dung bi hùng một thời đại đau thương của dân tộc. Bài văn tế gồm 29 câu (có bản chép 30 câu) theo lối độc vận, theo bố cục thông thường, có thể được chia làm bốn phần Lung khởi – Thích thực – Ai vãn – Kết. Nhưng thực tế, hai phần Thích thực và Ai vãn ở đây không có ranh giới rõ rệt lắm, những hồi tưởng về công đức và chân dung các nghĩa sĩ cứ triền miên trăn trở từ câu thứ ba “Nhớ linh xưa…” cho đến tận những câu Kết. Lời khóc thương cùng “nhân vật phông nền” (dân chúng, đất trời, mẹ già, vợ yếu…) đan xen vào giữa có giá trị tôn tác ngời sáng tâm điểm “lòng dân”. Trong những hình ảnh đầu tiên về người nghĩa binh nhân dân, cái làm xúc động lòng người trước hết chính là cái Thật. Cụ Đồ Chiểu đã “kể” rất thật về nguồn gốc, lai lịch, thân phận của những người tham gia trận công đồn cuối năm 1861 đó“ (TS. Trần Thị Hoa Lê).

+ Họ bị đặt vào một tình huống thử thách: Đất nước có giặc ngoại xâm, triều đình phong kiến đã khoanh tay, bỏ mặc. Họ đứng lên chống giặc nhưng tương quan lực lượng không cân sức: giặc được trang bị “tàu sắt tàu đồng”, “đạn nhỏ, đạn to ”, họ chỉ là những người nông dân không có kiến thức gì về trận mạc, chỉ có “một manh áo vải”, “một ngọn tầm vông”, chỉ có “lưỡi dao phay”.

+ Nhưng chính trong tình thế ấy, bản hùng ca của dân tộc đã cất lên. Những người nông dân nghĩa sĩ đã chiến đấu dũng cảm, ngoan cường:

Chi nhọc quan quản gióng trống kì trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không;

Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt tàu đồng súng nổ

... Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rơi đẩu quan hai nọ

... Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma nỉ hồn kinh....

=> Trong văn chương Việt Nam, cho đến Nguyễn Đình Chiểu, quả chưa hề có một bức tranh hào hùng như thế về tư thế chiến đấu của người lính áo vải. Người nông dân cần Giuộc đã đi vào bất tử.

- Nhận xét về tinh thần bi tráng trong hai tác phẩm: Tinh thần bi tráng trong văn học được thể hiện ở việc miêu tả hiện thực không né tránh cái bi, tức là cái gian khổ, đau thương, mất mát. Tuy nhiên bi mà không lụy, dù hi sinh mất mát mà vẫn hào hùng, tráng lệ.

Khi viết về những người nghĩa sĩ, chiến sĩ, các tác giả Nguyễn Đình Chiểu, Quang Dũng đều không né tránh cái đau thương, mất mát. Hình tượng những người chiến sĩ, nghĩa sĩ trong Tây Tiến và Văn tế nghĩa sĩ Gần Giuộc đều phải trải qua nhiều đau thương mất mát, hi sinh: các nghĩa sĩ Cần Giuộc vào trận với vũ khí thô sơ, thiếu thốn, tuy giành được thắng lợi bước đầu nhưng cuối cùng cuộc khởi nghĩa vẫn chất chứa tang thương; người lính Tây Tiến phải chiến đấu trong điều kiện núi rừng hoang lạnh, khắc nghiệt, thiếu lương thực, thuốc men, số chiến sĩ ngã xuống vì sốt rét rừng nhiều vô kể. Tuy nhiên, sự hi sinh của các nghĩa sĩ Cần Giuộc hay người lính Tây Tiến đều là sự hi sinh anh hùng, quả cảm, trở thành tấm gương về tinh thần yêu nước, về ý chí nghị lực sống phi thường.

Tuy cùng mang tinh thần bi tráng nhưng do thời đại, hoàn cảnh sáng tác khác nhau nến hình tượng người lính Tây Tiến và các nghĩa sĩ cần Giuộc cũng có những điểm khác biệt:

+ Các nghĩa sĩ cần Giuộc chiến đấu tự phát, họ chưa được tập hợp thành một lực lượng đông đảo, có tổ chức quy mô, bị triều đình phong kiến bỏ mặc. Tính chất trảng ca thể hiện chủ yếu ở tinh thần dũng cảm chiến đấu, lấy ý chí, sức mạnh tinh thần mà vượt qua khó khăn của điều kiện chiến đấu. Đồng thời khi viết về sự hi sinh mất mát và tinh thần chiến đấu của họ Nguyễn Đình Chiểu đã phê phán mạnh mẽ triều đình phong kiến nhà Nguyễn lúc bấy giờ đã hèn nhát đầu hàng Pháp, đẩy nhân dân ta vào tình cảnh khốn cùng. Người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc tiêu biểu cho những anh hùng chống Pháp buổi đầu.

+ Người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp của những chiến sĩ thời đại cách mạng, họ được giác ngộ, tự nguyện đứng trong một đội ngũ đông đảo, hùng mạnh. Tính chất trảng ca không chỉ biểu hiện ở việc ngợi ca tinh thần chiến đấu dũng cảm mà còn là ở vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn, hào hoa, trẻ trung yêu đời của những chàng trai Hà Nội.

(Nguồn: Thưởng thức sách)

Xem thêm: Những góc nhìn đa dạng về từ khóa "Mùa em" trong Tây Tiến

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận