Bản sắc văn hóa Tây Nguyên qua sử thi Đăm Săm
Bản sắc văn hóa Tây Nguyên đã bước vào trang sách một cách mộc mạc nhất nhưng lại được thể hiện bằng một cách sâu sắc, tinh tế vô cùng.
Ở tác phẩm sử thi vẫn là sự hiện diện của những con người, những nhân vật cá tính và bản lĩnh sống trong mỗi trang giấy, qua hơi thở cuộc sống, qua lời kể và tiếng cồng chiêng dậy núi đồi...Nói cách khác, qua sử thi, người đọc hiện đại có thể tìm thấy bản sắc văn hóa của các tộc người Tây Nguyên. Chương trình sách giáo khoa phổ thông Ngữ văn 10 trích dẫn "Chiến thắng Mtao Mxây" trong sử thi nổi tiếng Đam San. Đó là những tục lệ, lễ nghi không thể thiếu, là nét văn hóa khá độc đáo của đồng bào Tây Nguyên. Những tác phẩm văn học dân gian như sử thi là kho tàng quý giá lưu trữ lại suốt quá trình lịch sử đồng bào. Tìm kiếm trong các sử thi, anh hùng ca có thể nhận biết được một số tập tục, lễ nghi, văn hóa ứng xử, sinh hoạt...
Tục nối dây- chuê nuê của người Tây Nguyên
Đây là một tập tục đã tồn tại từ lâu đời của người Tây Nguyên. Khi người vợ hoặc chồng chết đi thì người còn lại phải lấy người trong dòng họ để tiếp tục cuộc sống vợ chồng, với quan niệm cho rằng có thực hiện đúng "chuê nuê" mới giữ trọn dòng giống của gia đình, của dân tộc, con người mới không bị lẻ đôi. Chẳng hạn như trong khan Đam San của người Êđê, tục lệ này thể hiện rất rõ. Khi bà của H'Nhí chết thì H'Nhí phải là người "nối dây" lấy ông của mình làm chồng, hoặc khi Đam San chết và đầu thai vào người chị H'Âng sinh ra Đam San cháu thì H'Nhí và H'Bhí phải tiếp tục nối dây với Đam San cháu.
Tục cột rượu treo chiêng
Phong tục này thể hiện tính hiếu khách của người Tây Nguyên và cũng là lễ chào đón một sự kiện trọng đại nào đó. Trong khan Đam San, tục cột rượu được thể hiện ở việc gia đình H'Nhí chuẩn bị cưới chồng cho chị em nhà H'Nhí và H'Bhí.Cột rượu còn là một tục lệ mà người Tây Nguyên dùng để cầu may cho khách, hoặc người thân trong gia đình. Đây là một hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong nếp sống văn hóa hàng ngày.Chiêng là một loại nhạc cụ quí giá có ý nghĩa trong đời sống tinh thần. Nó chứng minh sự giàu có của một gia đình. Nhà nào có nhiều chiêng, nhiều ché tức, ché tang thì được coi là giàu mạnh. Ngoài Đam San, trong các sử thi khác như Xing Nhã, Đăm Yông, hay Y Ban...hình ảnh của ché rượu và tiếng chiêng dường như tôn thêm vẻ đẹp văn hóa, cho cái riêng của con người Tây Nguyên.
Tục lệ cưới hỏi và văn hóa ứng xử
Theo tập tục này thì đối với họ người con gái là quý nhất, là người nắm giữ vai trò chủ chốt trong gia đình. Người M Nông có câu hát: "Người vợ giữ nhà, thực hiện những việc lớn lao nguy hiểm...của cải trong nhà do người phụ nữ trông coi. Người không có vợ như nhà không có nóc, như gà không có chuồng. Vậy con gái là quý nhất"...Có lẽ vì vậy mà trong hôn nhân người con gái sẽ làm chủ đối với việc cưới hỏi (hoặc nói theo cách của người đồng bào là bắt rể), khác hoàn toàn phong tục của người Kinh.
Dưới góc nhìn văn hóa, chúng ta có thể tiếp cận gần hơn tới giá trị đích thực của tác phẩm văn học. Chính sự kết tinh của một nền văn hóa, của những giá trị văn hóa đã tạo nên phong cách riêng độc đáo, đậm đà cho người Tây Nguyên. Hay nói cách khác "truyền thống văn hóa" Tây Nguyên là sự kết tinh của phong tục tập quán, lối sống - sinh hoạt, và cũng là cái nôi của sự hình thành, phát triển chất trí tuệ của người Tây Nguyên trong cộng đồng người Việt nói chung.
Xem thêm: Bậc thầy về truyện ngắn châm biếm - Nguyễn Công Hoan
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận