Bài văn hay lấy cảm hứng từ phim "Hope"

Bài viết trong khuôn khổ hoạt động "Tác phẩm nghệ thuật truyền cho em cảm hứng sống". Đây là hoạt động kết nối trải nghiệm thưởng thức nghệ thuật với kinh nghiệm sống của học sinh, qua đó đưa giờ Văn gần hơn với đời sống.

Đỗ Thu Nga
16:00 02/11/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Có bao giờ bạn tự hỏi rằng cuộc đời này có thật sự có công bằng hay không? Liệu những tội ác tồn tại trên đời này có bị trừng trị thích đáng? Đứng trước nghịch cảnh, con người ta học cách đối mặt như thế nào? Một nỗi đau sẽ được xoa dịu bằng cách gì? Sau khi theo dõi bộ phim “Hope”, tôi nghĩ bản thân mình cần đặt ra những câu hỏi như vậy để thật sự nhận thấy được đôi khi sự đấu tranh luôn cần phải có trong cuộc sống. Nếu cuộc sống trôi qua thật suôn sẻ, chúng ta sẽ không hiểu được cuộc sống, không có được bản lĩnh, nghị lực như chúng ta cần phải có. Và vì thế vẻ đẹp điện ảnh và giá trị nhân văn sâu sắc của "Hope" khiến tôi cũng như nhiều khán giả khác theo dõi phải lặng đi vì xúc động.

Phim gây chấn động công chúng và thu hút dư luận vì cốt truyện tái hiện lại một vụ ấu dâm nổi tiếng có thật ở Hàn Quốc năm 2008 (được gọi là vụ án Na Young), và từng là nỗi nhục của xứ sở kim chi. Không quảng bá rầm rộ, không chiêu trò truyền thông, cũng không sở hữu dàn diễn viên quá nổi bật, “Hope” dùng chính nội lực của cốt truyện những nạn nhân trẻ em bị bạo hành tình dục và sự đồng cảm giữa người với người để lấy đi nước mắt của hàng triệu người thuộc mọi lứa tuổi trên toàn thế giới. Quả nhiên tài không đợi tuổi, cô bé Lee Re như một làn gió mới lạ của làng điện ảnh Hàn và là linh hồn của cả bộ phim. Diễn xuất của Lee Re (trong vai So Won) rất chân thành, cởi mở, dường như không có bất kì sự gò bó, chi phối nào từ kịch bản. Hai diễn viên kì cựu Seol Kyung Goo (trong vai bố của So Won) và Eum Ji Won (trong vai mẹ của So Won) lại có màn phối hợp hài hòa trong vai trò là một cặp vợ chồng màn ảnh, chồng làm công nhân, vợ ở nhà bán hàng tạp hóa.

Bai-van-hay-lay-cam-hung-tu-phim-Hope

“Hope” bắt đầu trong tiếng nhạc piano nhẹ nhàng cùng hình ảnh một cánh diều chao lượn trong không trung dẫn dắt người xem đến “Cửa hàng tạp hoá Hope” tại góc phố - nơi gia đình nhỏ của So Won đang sinh sống. Bố mẹ em – những nạn nhân của đồng tiền, ngày ngày phải tất bật và bận rộn với cuộc sống “cơm, áo, gạo, tiền”. Còn So Won, một cô bé với vẻ ngoài đáng yêu, ưa nhìn và tính cách khá độc lập.

Vào một buổi sáng ngày mưa, So Won cầm chiếc ô vàng rảo bước đến trường. Nhịp sống tự lập của em sẽ cứ thế tiếp diễn nếu không có một gã đàn ông chặn đường giữa con phố vắng người, đem đến cho em những cơn ác mộng không bao giờ chấm dứt. Từ chối miêu tả trực tiếp cảnh thủ ác, đạo diễn đã tránh được việc làm tổn thương đến gia đình nạn nhân, nhưng “Hope” lại rất thành công khi sử dụng ngôn ngữ hình ảnh và những lời thoại đắt giá để khắc sâu sự ám ảnh vào trái tim khán giả. Mưa vẫn rơi rả rích, trong một góc nhà hoang, chiếc ô vàng vốn tượng trưng cho niềm hy vọng nằm tĩnh lặng và rách nát. Theo chân máy quay, tim ta như thắt lại trước những cuốn sách tả tơi, con thú nhồi bông rơi xuống nền đất bẩn, có lẽ So Won đã dùng hết sức để chống cự, nhưng đáp lại em không phải là sự mủi lòng, mà là niềm hả hê, tàn nhẫn của con thú đội lốt người đang muốn thoả mãn cái nhục dục thấp hèn kia. So Won với bàn tay bé nhỏ, đầy máu đang cố rướn đến phía chiếc điện thoại di động để gọi cho cảnh sát báo án và em được đưa đi cấp cứu trong trạng thái cận kề cái chết.

Bố mẹ em như chết lặng khi chứng kiến hình ảnh đứa con thân yêu của mình nằm trong phòng cấp cứu. Hình ảnh đứa con gái 8 tuổi yêu đời, hồn nhiên, lương thiện giờ đây người đầy máu, bị xâm hại tình dục và bị đánh đập tàn bạo đến nỗi phần bụng bị dập nát, trực tràng bị tổn hại, cơ hội duy nhất có thể cứu sống em là tiến hành phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột, ghép hậu môn nhân tạo và mãi mãi mất đi khả năng làm mẹ. Một gương mặt nhỏ nhắn, đáng yêu nhưng giờ đây lại chằng chịt những vết thương, vết bầm tím, một giọng nói thều thào, run rẩy xen giữa những tiếng thở khó nhọc dưới ống thở: “Con nghĩ chắc ba và mẹ đều đang bận, nhưng kẻ xấu xa đó phải bị bắt lại. Con đau lắm, nên con đã tự gọi 911...”. Lời nói ngây thơ của cô bé như từng nhát dao đâm vào lòng cha mẹ. Giá như bố không quá mải mê công việc, mẹ đừng chỉ chăm chăm vào biên lai, hóa đơn mà dành chút thời gian đưa em đi học, cuộc đời em đã rất khác.

Khi bàn về tình tiết này, nhiều người có suy nghĩ rằng một đứa trẻ có thể nói ra những lời như vậy ắt hẳn là một đứa trẻ trưởng thành, “già trước tuổi” và biết lo, biết nghĩ cho bố mẹ. Nhưng đối với tôi, liệu có bậc làm bố làm mẹ nào trong hoàn cảnh ấy, còn có thể bận bịu, mải mê kiếm tiền, xem công việc quan trọng hơn tính mạng của đứa con mình? Thực chất, So Won vẫn chỉ là đứa trẻ 8 tuổi không hơn không kém và tôi đau xót cho một suy nghĩ còn non nớt khi em chưa nhận thức được bi kịch tàn khốc mà mình vừa trải qua, chưa hiểu rõ được hậu quả sau này mình phải gánh chịu suốt đời mà em chỉ nghĩ cho công việc của bố mẹ mình. Đau xót cho em cũng là lúc tôi lại nghĩ về bản thân và xấu hổ. Trong cuộc sống thường ngày, gặp phải chuyện vặt vãnh, nhỏ nhặt gì là tôi liền cầm ngay điện thoại và gọi cho mẹ để cầu cứu, gọi cho bố để nhõng nhẽo…

Bai-van-hay-lay-cam-hung-tu-phim-Hope-4

Bố mẹ em là những người tội nghiệp. Tôi chưa có gia đình để phán xét cách làm bố mẹ của họ. Tôi chỉ thương người mẹ với cái thai năm tháng, trách móc tất cả những người xung quanh vì những nỗi đau mà con gái mình phải chịu đựng: “Trên thế giới có nhiều đứa trẻ như vậy, tại sao con gái tôi lại phải gánh chịu chuyện này?”. Tôi thương người bố, ông ấy làm công nhân trong xưởng, lương ông ấy không đủ để làm hài lòng người vợ và ông bất lực nhìn con gái thiêm thiếp trên giường.

Vượt qua cuộc đại phẫu giành giật sự sống, điều đầu tiên em nhắc đến sau khi tỉnh dậy là phải bắt được kẻ xấu. Bởi lẽ, sau khi trải qua tổn thương, cô gái nhỏ không muốn hắn sẽ làm hại tới bạn bè ở trường. Sau khi So Won đồng ý hợp tác với cảnh sát để truy bắt tên cầm thú, thay vì nâng niu, bảo vệ quyền riêng tư của nạn nhân thì giới truyền thông lại như đám kền kền ráo riết tìm đến tận bệnh viện để chụp hình, phỏng vấn. Chấn thương thể xác chưa kịp lành, em lại phải đối mặt với nỗi sợ hãi: “Bố ơi, con đã làm sai điều gì?” – em hỏi bố khi đang được bố bế chạy trốn khỏi đám phóng viên kia. Bất chợt, em cảm thấy xấu hổ với bố vì túi đựng chất thải em đeo bên mình, khuyết tật mà em phải mang theo vĩnh viễn. Giây phút So Won hoảng loạn, kinh hoàng chống cự khi bố giúp em lau dọn dịch bài tiết, tôi hiểu được một điều, thời gian trôi qua, vết thương ngoài da có thể lành lại, nhưng em sẽ mãi mãi là một người tật nguyền không có đủ chức năng sống cơ bản. Và điều kinh khủng nhất, tổn thương tâm lý và những ký ức kinh hoàng kia sẽ dày vò và ám ảnh em đến cuối đời. 

Bộ phim nhấn mạnh đến cuộc phục hồi sau chấn thương về thể chất và tinh thần với cô bé chỉ mới 8 tuổi này, nó không hề đơn giản là chỉ là ăn uống, nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Em đã ám ảnh đến độ chỉ muốn im lặng, thu mình vào vỏ ốc, từ chối mở lòng với bất kì ai. Em thật sự rất nhớ trường học nhưng nghĩ rằng mình không thể đến đó được nữa, sau những chuyện đã xảy ra. Em đau lòng tự hỏi vì sao mình được sinh ra. Em bắt đầu hiểu câu nói quen thuộc của người lớn: "Ôi muốn chết quá đi mất" vì tuyệt vọng nghĩ rằng:“Khi con người ta không còn lí do để sống trên đời nữa”. Em thương em bé sắp chào đời nhưng lại không có đủ dũng khí để gặp vì sợ "người đã bẩn". Em mới chỉ 8 tuổi. Lúc 8 tuổi, tôi không nhớ điều gì ngoài những trò chơi bán đồ hàng trẻ con cùng chị gái, ngoài những cuốn truyện tranh đầy màu sắc tôi vòi vĩnh mẹ mua cho, ngoài những lần rong chơi cả ngày cùng những đứa trẻ hàng xóm. Rất vô tư, thoải mái. Nhưng So Won khi 8 tuổi đã phải trải qua những thứ khủng khiếp như vậy. 

Tôi như đau cùng, sống cùng những nhân vật trong từng giây của bộ phim, và xót xa cho nỗ lực, cố gắng thoát khỏi cơn ác mộng kinh hoàng tưởng như không bao giờ có thể xảy ra của những người vô tội. Dù chỉ là một bộ phim nhưng dường như tôi cảm nhận được những nỗi đau câm lặng của người trong cuộc, thắt lòng lại với những dày vò mà So Won phải chịu đựng. Điều đó khiến nước mắt tôi không ngừng rơi. Con người ta bất lực chứng kiến tội ác diễn ra giữa cuộc sống hàng ngày mà không thể làm gì để chống lại được.

Nhưng “Chỉ trong bóng tối bạn mới nhìn thấy được những vì sao”. (Martin Luther King) Tôi tin rằng lối thoát sẽ dần dần loé sáng nơi cuối con hầm u tối, mang đến hy vọng mới cho con người. Chính lòng tốt của bác chủ tịch trung tâm Hướng Dương đã giúp em bắt đầu cảm nhận lại về cuộc sống, muốn bày tỏ lòng mình. Cậu bé Young Seek mập tròn – bạn cùng lớp với So Won không tha thứ cho bản thân, khóc lóc trước bố của So Won, chỉ vì đã để em đi học một mình và gặp phải người xấu. Cậu bé ngượng ngùng hỏi So Won: “Chúng ta vẫn là bạn chứ?”. Cậu đi cách sau So Won một khoảng vừa đủ như người vệ sĩ nhỏ. Chỉ vậy thôi, những người bạn cần nhau như vậy. Mẹ Young Seek, bình thường thích nhiều chuyện và hay tính toán. Cô ấy phụ giúp dọn dẹp nhà cửa, nấu thức ăn và khóc cùng mẹ của So Won trong nỗi đau. Những người mẹ thường thấu hiểu nỗi đau của nhau như vậy. Bố Young Seek, đồng nghiệp của bố So Won tại công xưởng. Ông ấy không chút do dự, ngần ngại cho bố Sowon mượn tiền để xoay sở. Những ông bố thường thông cảm cái gánh nặng tiền bạc cho nhau như vậy. Những ông bố bà mẹ khác chuyển nhau những số tiền nhỏ, nhỏ thôi nhưng với gia đình đang gặp nạn ấy, đã quý lắm rồi. Cảnh phim những đứa trẻ dán đầy trước cửa nhà So Won những lời dặn dò, những bài tập ở trường, những trái tim, những bức vẽ ngô nghê làm tôi bật cười trong nước mắt. Những điều họ làm nhỏ bé nhưng nó đã góp phần xoa dịu đi những tổn thương, mất mát cho trái tim đang vỡ ra của So Won. Nó làm tôi nhớ đến một câu chuyện kể về một người phụ nữ, cô ấy rất đau khổ khi mất đi đứa con của mình. Một cậu bé hàng xóm đã ngồi hàng giờ bên cạnh cô ấy chỉ để im lặng nhìn cô ấy khóc, cuối cùng cậu bé tặng cho người phụ nữ một miếng băng keo cá nhân với lớp vỏ ngoài màu hồng với mong muốn người phụ nữ có thể dán lên trái tim của mình để vết thương của cô ấy chóng lành.

Quá trình nỗ lực tìm cách kết nối lại với con gái mình của người bố đã làm cho thước phim trở nên vô cùng đắt giá. Bố em không ngần ngại, bất chấp sự xấu hổ, những ánh mắt hiếu kì, hằng ngày khoác lên mình bộ đồ mô hình Kokomong – một nhân vật hoạt hình mà So Won rất yêu thích với mong muốn tìm lại tiếng cười cho con gái và hơn hết là có thể gần gũi, chia sẻ tâm sự với em. Bước chân lặng lẽ của người cha Kokomong ấy vẫn kiên trì, không mệt mỏi theo chân em mỗi sáng đến trường, để em biết rằng em không cô đơn, em luôn được bảo vệ. Nhưng với trái tim dù bị tổn thương nhưng vẫn đong đầy tình yêu của So Won đã cảm nhận được sự quan tâm ấy, em nhận ra người đó không phải ai khác mà chính là bố mình, người mà bấy lâu nay bản thân em vẫn trốn tránh vì xấu hổ, sợ hãi. Em dắt tay bố vào nhà, tháo bỏ đi cái lớp mặt nạ kia để bố em được sống như chính là bố em của ngày xưa và lau đi những giọt mồ hôi trên gương mặt của bố mình cũng là lúc em lau đi cái khoảng cách của những ngày qua, hàn gắn những vết rạn nứt trong mối quan hệ của hai bố con. Bố em chỉ biết lặng thinh trong sự sung sướng và cả cảm kích, những cực khổ trước đó đã được đền đáp một cách xứng đáng hơn bao giờ hết. Tình tiết phim diễn ra nhẹ nhàng nhưng nước mắt tôi cứ thế theo nhân vật mà rớt xuống. Sau tất cả những đổ vỡ và khó khăn, đây có lẽ niềm hạnh phúc đầu tiên đến với gia đình của So Won.

(Nguyễn Đoàn Thúy Vy - 11.5, trường THPT ĐHSP - niên khóa 2016 - 2019)

Xem thêm: Sáng tạo ngôn từ là 'căn cước văn chương" của nhà văn?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận