8 công thức mở bài vận dụng lý luận văn học siêu hay

8 công thức mở bài vận dụng lý luận văn học này chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn 2k5 trong kỳ thi quan trọng sắp tới.

Đỗ Thu Nga
15:00 02/04/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

MỞ BÀI 1

Mỗi người sẽ có định nghĩa khác nhau về cái đẹp nên không có một thước đo chuẩn xác cho cái đẹp, bởi lẽ nó khởi phát trong lòng người. Nhưng chức năng của cái đẹp, sự tác động của cái đẹp thì ta có thể thấy rõ và cảm nhận được. Chính nhờ có cái đẹp mà con người sẽ cảm thấy thêm yêu cuộc đời này, thất cuộc sống thêm ý nghĩa. Đó chính là giá trị chức năng đặc trưng của các loại hình nghệ thuật nói chung, của văn học nói riêng. Đọc bài thơ... ta như được sống lại bởi cái đẹp độc đáo trong nghệ thuật sáng tạo ngôn ngữ, hình ảnh của nhà thơ.

MỞ BÀI 2

Văn học mang đến những bài học giáo dục con người theo mỗi cách khác nhau. Điều đó phụ thuộc vào người đọc giải mã tác phẩm thế nào. Mỗi người có một cách đọc, một cách nhìn nhận và lý giải tác phẩm khác nhau. Nhà văn sẽ mã hóa thông điệp của mình vào một hình ảnh, một chi tiết hay một nhân vật nào đó trong tác phẩm của mình. Thông qua hình tượng nhân vật... nhà thơ... đã bày tỏ góc nhìn cá nhân cũng như hướng ngòi bút nhân đạo của mình để bộc lộ tình người sâu sắc.

MỞ BÀI 3

Cuộc đời tác giả dường như trải ra, tâm trạng của người viết cũng được phơi bày một cách trung thực nhất không giấu giếm không lừa dối. Bởi lẽ thơ ca chỉ có thể tác động đến trái tim người đọc khi nó đi ra từ chính trái tim của người viết. Trái tim mới có thể đi đến trái tim. Nếu như những gì anh viết không phải là tình cảm nồng hậu chân thành thì làm sao có thể rung lên ở người đọc vô vàn cảm xúc. Như đọc những vần thơ của... ta cảm nhận được rất rõ nét trái tim đang rung lên bởi cái đẹp trước thiên nhiên, con người.

MỞ BÀI 4

Mỗi tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bằng... Nó làm cho người gần người (Nam Cao). Là một nhà văn/nhà thơ với trái tim luôn hướng về nhân sinh ông/bà đã hướng ngòi bút đầy tính nhân văn để bày tỏ quan điểm của mình trước số phận con người qua tác phẩm...

8-cong-thuc-mo-bai-van-dung-ly-luan-van-hoc-sieu-hay-0

MỞ BÀI 5

Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của một quá trình nuôi dưỡng cảm hứng, thai nghén sáng tạo ra một thế giới hấp dẫn, sinh động... Nhân vật trong tác phẩm của một thiên tài thực sự nhiều khi thật hơn cả con người ngoài đời, bởi sức sống lâu bền, bởi ý nghĩa điển hình của nó. Qua nhân vật, ta thấy cả một tầng lớp, một giai cấp, một thời đại, thậm chí có cả nhân vật vượt lên cả thời đại, có ý nghĩa nhân loại, vĩnh cửu sống mãi với thời gian. Nhà văn... qua hình tượng nhân vật... cũng đã làm sáng lên tinh thần nhân đạo sâu sắc và sự đồng cảm đối với số phận con người.

MỞ BÀI 6

Thơ là thể loại văn học có độ hàm xúc cao, là sự dồn nén cảm xúc đến mức "cô đúc" để rồi phát nổ bằng một hình thức ngôn từ "tổng hợp kết tinh" có vần hoặc có điệu. Thơ phản ánh hiện thực cuộc sống mà hiện thực ấy "đã được ủ thành men và bốc lên say đắm" đến mức si mê trong tâm hồn nghệ sĩ. Là một nhà thơ với ngòi bút tinh tế và sự sáng tạo không ngừng qua các tác phẩm, ông/bà đã thể hiện cái tôi nghệ thuật đặc sắc qua tác phẩm...

MỞ BÀI 7

"Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau đớn hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó" (Biêlinxki). Quả thật như vậy! Đúng là văn học nghệ thuật ra đời để miêu tả, phản ánh hiện thực cuộc sống con người. Nhưng đó không phải là mục đích duy nhất của văn học. Nếu văn học chỉ miêu tả cuộc sống đơn thuần không thôi thì đó đâu khác bức ảnh, bản photo nguyên xi, máy móc, vô hồn về cuộc sống. Và liệu rằng, các tác phẩm ấy có thể cung cấp cho người đọc nhiều hiểu biết chính xác, phong phú, khách quan hơn các công trình nghiên cứu khoa học chăng? Đọc tác phẩm... của nhà văn/nhà thơ, ta mới thấy rõ giá trị của câu nói trên.

MỞ BÀI 8

Viên Mai đã từng nói: "Làm người thì không nên có cái tôi nhưng làm thơ không thể không có cái tôi". Thơ nói riêng và văn học nói chung không thể thiếu cái tôi - ở đây là dấu ấn tư tưởng tình cảm của người nghệ sĩ. Làm sao nhà văn có thể viết khi đứng trước hiện thực cuộc sống, trái tim anh không hề rung động, không hề xúc cảm? Hiện thực cuộc sống, dù phong phú, kỳ diệu đến mấy mà không được thổi hồn bởi tình cảm mãnh liệt của người cầm bút thì cũng chỉ là những hình ảnh lay lắt, không có sức sống trong tác phẩm mà thôi. Đứng trước hiện thực ấy, nhà thơ... đã rung cảm mà viết lên những vần thơ đầy tính nhân văn...

Xem thêm: Đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết, nhân loại có cần đến văn học nữa không?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận