Đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết, nhân loại có cần đến văn học nữa không?

Trong hoàn cảnh khắc nghiệt vừa qua, không tránh khỏi có lúc chúng ta tự hỏi văn học để làm gì, văn học cần cho ai?...

Đỗ Thu Nga
15:00 24/03/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

“Trong hoàn cảnh khắc nghiệt vừa qua, không tránh khỏi có lúc chúng ta tự hỏi văn học để làm gì, văn học cần cho ai? Văn học có cần cho người bệnh đang giành lấy từng hơi thở tàn trong bệnh viện dã chiến? Văn học có cần cho người mẹ già đẩy chiếc xe với cút tài sản bé mọn trên đường về miền Tây? Văn học có cần cho đôi vợ chồng trẻ chở con thơ dưới mưa gió trên đỉnh đèo Hải Vân theo đoàn người trốn dịch?...”

(Nhà nghiên cứu văn học Huỳnh Như Phương)

Theo anh/chị, trong hoàn cảnh đại dịch Covid - 19 , con người bị đặt vào ranh giới của sự sống và cái chết như vậy, nhân loại có cần đến văn học nữa hay không?

BÀI VIẾT GỢI Ý:

Những giọt nước mắt rơi trong sự nghẹn ngào: “Em thương hai bố con nhiều lắm!” là lời trăn trối của người phụ nữ vừa qua đời vì Covid - 19. Sự đau khổ, dằn vặt đến mức không thể khóc là tâm trạng của một người cha không kịp đến bệnh viện phụ sản để nhìn lần cuối đứa con gái vừa ra đi trên bàn mổ. Các y tá, bác sĩ làm việc ngày đêm đến mức ngất xỉu trong bộ đồ bảo hộ cũng phải bất lực trước sự mong manh của lằn ranh sinh - tử … Có lẽ, tôi sẽ không bao giờ quên được những hình ảnh đau thương ấy khi xem đoạn phóng sự “Ranh giới” của đài truyền hình VTV. Và, nó đã gợi cho tôi suy nghĩ về vai trò của văn chương khi con người bị đặt vào lằn ranh của sự sống và cái chết. Liệu, nhân loại có còn cần đến nó nữa không? Đó cũng đồng thời là trăn trở của giáo sư Huỳnh Như Phương: “Trong hoàn cảnh khắc nghiệt vừa qua, không tránh khỏi có lúc chúng ta tự hỏi văn học để làm gì, văn học cần cho ai? Văn học có cần cho người bệnh đang giành lấy từng hơi thở tàn trong bệnh viện dã chiến? Văn học có cần cho người mẹ già đẩy chiếc xe với cút tài sản bé mọn trên đường về miền Tây? Văn học có cần cho đôi vợ chồng trẻ chở con thơ dưới mưa gió trên đỉnh đèo Hải Vân theo đoàn người trốn dịch?...”

Điều gì sẽ còn lại khi đại dịch qua đi? Hơn hai trăm triệu người nhiễm bệnh, năm triệu người chết - những thống kê cho thấy sự tàn phá dữ dội của Covid - 19. Nhưng, tôi nghĩ rằng cái chết không thật sự đáng sợ. Việc sống với những thương chấn tinh thần mới chính là hậu quả mà Covid - 19 đã gây ra! “Chúng ta sợ chết, nhưng đa phần chúng ta sợ nhất là khi nó đem một ai đó đi mất chứ không phải chính chúng ta. Bởi lẽ, nỗi sợ hãi lớn nhất khi đối mặt với cái chết là việc nó sượt qua chúng ta. Và bỏ lại chúng ta một mình” (Người đàn ông mang tên Ove - Fredrik Backman). Đoạn phóng sự “Ranh giới” đã cho tôi nhìn thấy hình ảnh những người bệnh phải vật vã giành lấy từng hơi thở; nhưng hơn hết là hình ảnh một nhân loại cô đơn khi đang đối mặt với lằn ranh sinh - tử: người cha đau khổ, y-bác sĩ bất lực… Đó chẳng phải là những tàn dư lớn nhất mà đại dịch đã để lại sao? Người chết ra đi; người ở lại phải sống trong sự lo âu, hoảng loạn, trong những ám ảnh khi người thân không còn, trong sự bất lực và trầm uất vì di chứng hậu Covid. Trước tình thế đó, liệu văn chương còn có ý nghĩa với nhân loại?

Nghi-luan-van-hoc-va-cuoc-song-5

 “Văn chương để làm gì, văn chương cần cho ai?”. Lời phát biểu của giáo sư Huỳnh Như Phương vừa là một câu hỏi, nhưng đồng thời nó cũng khiến ta nhìn nhận lại bản chất và vai trò của văn chương. Chúng ta có thể phủ nhận vai trò của văn chương khi nó không thể mang lại thức ăn, chiếc khẩu trang hay viên thuốc; nhưng đã có ai khẳng định nó không thể mang lại sự an ủi cho tâm hồn ta? Văn học không thể mang lại “hơi thở”, nhưng nó mang lại niềm tin để con người có thể tiếp tục chiến đấu. Văn học không thể mang lại “tài sản”, nhưng nó mang đến những mơ ước về cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Và, văn học không thể “che nắng, che mưa”, nhưng nó mang lại hơi ấm cho trái tim con người. Khi bước ra khỏi cuộc chiến khắc nghiệt này, văn chương chính là liều thuốc hữu hiệu nhất để chữa lành cho những vết thương trong tâm hồn, để vực dậy tinh thần đã dần bị nguội lạnh sau tháng ngày dài ta phải cách ly tại nhà và để gắn kết nhân loại. Văn chương cần nhân loại để tồn tại, và nhân loại, cũng cần đến văn chương để hồi sinh.

Tôi còn nhớ trong thần thoại Hy Lạp, chàng Orpheus vì mất đi người mình yêu thương, nàng Eurydice, mà cất lên những khúc ca đau khổ và buồn bã nhất. Tiếng hát cùng giọt nước mắt của chàng đã lay động đến vạn vật. Và, văn chương cũng như khúc hát của chàng Orpheus, khiến ta phải lắng đọng tâm hồn để thả mình vào từng con chữ. Bởi lẽ, như nhà phê bình Viên Mai đã từng viết: “Thơ bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ”. Thơ ca từ bao đời nay luôn xuất phát từ trái tim đa sầu, đa cảm của người nghệ sĩ. Mỗi chữ mà anh cất lên đều xuất phát từ bản chất nhạy cảm của mình trước cuộc sống. Đại thi hào Nguyễn Du xưa kia đã từng để “máu chảy trên đầu ngọn bút” mà viết nên những trang “Truyện Kiều” đau thương của một đời “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”, những áng thơ tri âm với nàng Tiểu Thanh bạc mệnh “chi phấn hữu thần liên tử hậu” trong “Độc Tiểu Thanh ký”... Những khúc ca ấy của Tố Như đã làm xao động biết bao lòng người, bởi tài - sắc của người phụ nữ, bởi tấm lòng của thi nhân. Và, nó đã giúp người đọc có thể trải lòng mình để lắng nghe, trò chuyện cùng với người nghệ sĩ, như nhà thơ Xuân Diệu từng viết: “Thơ là một điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu”. Những giãi bày sẽ giúp ta tự cởi trói cho trái tim đầy tổn thương của mình. Song, cũng nhờ sứ mệnh chân chính của nhà văn - suốt đời đi tìm cái đẹp mà những câu văn, áng thơ có khả năng khiến ta vui sướng, phấn khởi và dễ chịu. Thả mình vào cái đẹp của thiên nhiên Sapa nên thơ với “nắng cháy cả rừng” trong “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, ta như được gột rửa tâm hồn mình. Lắng nghe thấy tình yêu thương vô bờ và sự hy sinh cao cả ẩn sau nhân hình xấu xí của người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu), ta như nhìn thấy được cái đẹp ẩn sau mọi sự vật. Nhờ hình tượng văn học đầy tính thẩm mỹ mà văn chương khiến ta sống chậm lại, trở thành nơi nương tựa mỗi khi ta cảm thấy mệt mỏi. Qua đó, ta nhận ra rằng ngoài kia vẫn còn biết bao điều tốt đẹp đang chờ đón. Như vậy, nhờ tấm lòng quảng đại của nhà văn và nội dung mang đầy tính thẩm mỹ, văn chương tựa như một khúc ca để xoa dịu cho những cơn đau, để làm cho tâm hồn ta được chữa lành.

 “Tôi đã đi cùng khắp, kiếm sự an bình, rốt cuộc chỉ tìm thấy nó khi ngồi ở góc phòng với một quyển sách mà thôi” (Tên của đóa hồng - Umberto Eco). Mở một quyển sách chính là cách để ta giúp tâm hồn mình lắng đọng và trở nên thanh sạch hơn. Với những ai không may mắn vì mắc bệnh, văn chương sẽ giúp cho họ trở nên bình tĩnh hơn mỗi khi không thở được, bằng cách cho họ sự bình tĩnh, niềm tin vào bản thân rằng “mình chắc chắn sẽ vượt qua”. Niềm tin vào bản thân chính là sức mạnh để con người vượt qua mọi khó khăn, tựa như cách Jay Gatsby đã vượt qua “đám bụi nhơ bẩn và độc hại” để trở thành một đại gia và có được Daisy. Còn với những người may mắn vì được khỏe mạnh, ta cũng không thể thoát khỏi sự ám ảnh về những mất mát, đau thương của đại dịch. Và, văn chương nhẹ nhàng mang đến cho trái tim ta những tình cảm chân thành như tình yêu của người mẹ trong câu thơ của Chế Lan Viên: “con dù lớn vẫn là con của mẹ/ đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” (Con cò), hay tình cảm của người cháu dành cho bà nơi phương xa: “cháu thương bà biết mấy nắng mưa” (Bếp lửa - Bằng Việt). Văn chương đã cho tâm hồn ta một thoáng được bình yên, cho nhân loại những giây phút được sống với tình yêu, với niềm tin vào bản thân mình. Hơn hết, tôi tin rằng, chữa lành tâm hồn chính là cách văn chương giúp cho con người tìm lại động lực để đi tiếp cuộc hành trình của mình.

Nghi-luan-van-hoc-va-cuoc-song-6

 Văn học cho tôi những giây phút bình tâm hơn khi đối diện với đại dịch. Khoảng thời gian đầu, tôi lo âu và hoảng loạn vì sợ rằng mình sẽ không thể nào vượt qua. Trong giây phút ấy, tôi vô tình đọc được một câu thơ Haiku của Chiyo:

“A! hoa Asagao

chiếc gầu vương hoa bên giếng

đành xin nước nhà bên”

Vẻ đẹp của một bông hoa bìm bìm đã khiến cho tâm hồn ta được dịu lại. Bông hoa nhỏ ấy so với vũ trụ rộng lớn sẽ chẳng có gì đáng để ý nếu ta không nhìn thấy nó trong thời điểm vô cùng khó khăn này. Một mùa hè rực rỡ đã hiện lên trước mắt ta qua quý ngữ “hoa Asagao”, trái ngược hoàn toàn với hoàn cảnh tăm tối của dịch bệnh. Đắm chìm trong cái đẹp của niềm khinh thanh, dịu nhẹ của một bông hoa, ta dường như tìm thấy sự bình an trong tâm hồn mình. Cái giếng sâu đen tối kia, tựa như hình ảnh đại dịch quái ác đã phủ đen lên đời sống của nhân loại; nhưng trên cái nền ấy vẫn hiện lên một màu xanh của hoa Asago - màu sắc của hy vọng, của sự an nhiên. Nhờ thế, khi đọc được câu thơ này, tôi dường như hiểu rằng niềm hy vọng chính là thứ đã giúp cho bông hoa nhỏ kia tồn tại. Chỉ khi có hy vọng và sự điềm nhiên, ta mới có thể chiến thắng được dịch bệnh. Cái đẹp mà cảm thức Karumi trong mỹ học Nhật Bản mang lại qua hình ảnh hoa Asagao đã cứu lấy tâm hồn tôi, cho tôi sức mạnh để chiến đấu với bệnh tật hiểm nguy này.

 Không chỉ chữa lành cho những tâm hồn đang tổn thương, văn chương còn hồi sinh nhân loại bằng cách vực dậy tinh thần. Những ai còn sống sau đại dịch, chắc hẳn ít nhiều cũng đã phải chịu những tổn thương về mặt tinh thần. Để sống tiếp, nhân loại chỉ còn cách tìm đến văn chương, để tìm lại khát vọng sống cho mình. Văn chương, ví như thần Ăngtê, chỉ sở hữu sức mạnh khi được nuôi dưỡng bởi đất mẹ Gaia, hay cũng chính là hiện thực đời sống. Vì lẽ đó, văn chương mang đến cho nhân loại bức tranh hiện thực một cách chân xác, toàn diện về “tháp bayon bốn mặt” (Chế Lan Viên). Văn chương cho ta thấy những cảnh đời khổ cực, chết chóc nhưng vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan như niềm mơ ước về một “Hà Nội xa xăm” trước cảnh phố huyện tối tăm của hai chị em Liên và An trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam. Những câu văn nhẹ nhàng đã hồi sinh trong trái tim người đọc khát vọng hướng đến một cuộc đời tốt đẹp hơn. Hiện thực trong văn học bao giờ cũng có những trăn trở, suy tư, cảm xúc của nhà văn về nhân sinh. Những chiêm nghiệm đó đã tác động sâu sắc đến bạn đọc, khiến ta phải suy nghĩ, đối thoại với nhà văn về vấn đề sống của con người. Văn học dạy ta căm ghét những Tú Bà, Sở Khanh, Bạc Bà,... đã đẩy nàng Kiều vào lầu xanh hết lần này đến lần khác (Truyện Kiều - Nguyễn Du), cho ta đau đớn trước sự tàn phá của chiến tranh đã nhẫn tâm cướp đi hạnh phúc của “con chim én nhỏ nhoi” (Người sót lại của rừng cười - Võ Thị Hảo). Qua đó, ta được hồi sinh lòng trắc ẩn vốn đã bị vùi lấp bởi những lo toan trong đại dịch. Không những thế, văn chương còn giúp ta thêm lạc quan, có niềm tin nhờ vào khả năng dự báo tương lai. Như vậy, văn chương cho ta “mở rộng chiều kích tồn tại” của mình, hướng đến nhiều cuộc đời khác để hồi sinh cuộc đời của chính mình. Văn chương đã truyền động lực để ta tiếp tục sống, dạy ta biết yêu thương, biết lạc quan là biết thay đổi tương lai của mình, như M.Gorki từng viết: “Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở nơi con người khát vọng hướng đến chân lý”. 

 Đắm chìm trong các áng thơ, câu văn, tâm hồn tôi cũng được nuôi lớn bởi những niềm hy vọng và mong đợi mà văn chương mang lại. Đối diện với sự khắc nghiệt của đại dịch Covid - 19, chắc hẳn chúng ta đã từng trải qua những giây phút lạc lõng, mất niềm tin vào sự sống. Trước khoảnh khắc ấy, tôi chợt nhớ đến tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn O’Henry. Giôn - xi, người đã đặt cược mạng sống của mình vào một chiếc lá, đã khiến tôi liên tưởng đến những người phản ứng tiêu cực khi biết mình nhiễm bệnh. Với quy luật tiêu trưởng thăng trầm, chiếc lá kia rồi cũng sẽ rơi, như niềm tin mong manh vào sự sống rồi cũng tan biến. Và, cụ Bơ - men đã chọn hy sinh đời mình để tạo nên một chiếc lá mãi không rơi. Có chăng, đó cũng chính là hình ảnh của các vị y - bác sĩ đang ngày đêm chiến đấu vì dịch bệnh? Trong đêm giông bão, cụ Bơ-men với một ánh đèn leo lét đã vẽ nên “chiếc lá cuối cùng”, cũng như đại dịch tàn ác kia dù đã phủ đen lên đời sống của nhân loại, nhưng vẫn còn những tia nắng nơi người nghệ sĩ, nơi các y bác sĩ. Vì sao giôn - xi lại cược mạng sống của mình với một chiếc lá? Vì sao cụ Bơ - men lại hy sinh đời mình để vẽ nên tuyệt tác - chiếc lá thường xuân? Chắc hẳn, khi đối mặt với cái chết, chỉ cần ta vẫn có niềm tin vào sự sống, chỉ cần ta biết rằng vẫn còn rất nhiều đang hy sinh để ta được sống, khi ấy ta chắc chắn sẽ chiến thắng được dịch bệnh. Chiếc lá thường xuân còn tồn tại mãi, như một lời khẳng định rằng dù có phải chết như cụ Bơ-men, dù có phải ngất xỉu trong những bộ đồ bảo hộ, thì muôn đời người nghệ sĩ và y bác sĩ vẫn lựa chọn hy sinh để mang lại sự sống cho con người. Và chúng ta, hãy cứ sống và khao khát được sống, như chiếc lá kia vẫn còn mãi qua bao cơn bão của cuộc đời.

 Và hơn hết, văn chương còn có khả năng kết nối một thế hệ cô đơn! Suốt tám tháng giãn cách xã hội và phải sống trong những chiếc khẩu trang, con người dường như đã bị ngăn cách bởi một lớp màng. Đó, là sự cô đơn! Chúng ta cô đơn ngay trong chính cuộc sống thường ngày vì không thể gặp được bạn bè, người thân, chúng ta cô đơn khi những người mình yêu thương đã và đang đối mặt với cái chết. Văn chương đã nhẹ nhàng len lỏi vào lòng người đọc, bởi nó không chỉ mang đậm dấu ấn của một dân tộc, mà còn hướng đến toàn thể nhân loại. Chúng ta đều là con người, vì thế những mối quan tâm của ta cũng chính là điều mà người ở cách ta hàng triệu cây số cũng đang trăn trở. Bởi vậy mà Hộ trong “Đời thừa” của Nam Cao đã từng mơ ước viết được một tác phẩm: “Vượt lên mọi bờ cõi và giới hạn để trở thành tác phẩm chung cho cả loài người”. Chạm đến trái tim của người đọc cũng là lúc mà văn chương hóa giải lớp màng ngăn cách ấy và làm cho “người gần người hơn”. Chí Phèo cô đơn khi trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại (Chí Phèo - Nam Cao), Vũ Như Tô cô đơn khi đối mặt với nhân dân nổi loạn trên Cửu Trùng Đài (kịch Vũ Như Tô - Nguyễn Huy Tưởng), Gatsby cô đơn trong sự giàu sang của một đại gia mới nổi (Đại gia Gatsby - Scott Fitzgerald)... Và chỉ khi xuất hiện những người như Thị Nở, Đan Thiềm và Daisy đến sưởi ấm cho trái tim của họ, khi ấy sự cô đơn mới được xoa dịu. Chúng ta là những cá thể cô đơn, vì thế mà chúng ta cần có nhau. Văn chương, chính là cầu nối để ta tìm thấy “một nửa trái tim” của mình. Và văn chương, đã giúp cho ta hiểu rằng: nhân loại vẫn luôn có nhau.

Như vậy, trăn trở của giáo sư Huỳnh Như Phương cũng đồng thời là một lời khẳng định cho sức mạnh của văn chương nghệ thuật. Khi nào văn học còn tồn tại, khi ấy tâm hồn con người sẽ còn được cứu rỗi khỏi những khổ đau phàm tục. Văn chương mang một sức mạnh thần kì như thế, nên nhân loại vẫn còn cần đến nó là một điều tất yếu. Điều đó cũng đã đặt ra thử thách cho những vị khách văn chương. Để viết nên áng văn có sức lay động mãnh liệt, trước hết anh phải trau dồi vốn kiến thức, văn hóa của mình bằng cách hòa mình vào đời sống. Không những thế, anh còn phải sáng tạo không ngừng nghỉ, như “con ong biến trăm hoa thành một mật” (Chế Lan Viên), phải dùng một trái tim nóng ấm và một cái đầu lạnh để xây dựng thế giới nghệ thuật. Còn về phía người đọc, chúng ta phải đón nhận tác phẩm bằng cả tấm lòng của mình để cảm được hết cái tâm, cái tài của người cầm bút. Và, ta cũng không nên phủ nhận giá trị vĩnh hằng của văn chương dù là trong thời điểm nào.

“Tất cả mọi nghệ thuật đều phục vụ cho một nghệ thuật duy nhất là nghệ thuật sống trên Trái Đất này” (Becton Brecht). Vậy, văn chương có khác gì với các loại hình nghệ thuật còn lại mà được Thạch Lam ưu ái gọi là thứ “vũ khí thanh cao và đắc lực”, mà khiến chúng ta vẫn cần đến nó? Bởi, văn chương không chỉ là chính nó, mà nó còn “là nhạc, là họa, là chạm khắc theo một cách riêng” (Sóng Hồng), tức bao hàm các loại hình nghệ thuật khác. Không những thế, văn chương còn có khả năng đi sâu vào thế giới nội tâm con người - điều mà hiếm có nghệ thuật nào làm được. Và hơn hết, văn chương giúp cho tâm hồn con người được thanh lọc và trở nên phong phú hơn qua sự chiêm nghiệm, suy tư về bề sâu. Như vậy, văn chương có khả năng tái hiện lại đời sống một cách phong phú với toàn bộ những đường nét, màu sắc và âm thanh mà không phải nghệ thuật nào cũng thực hiện được một cách hoàn hảo.

Vậy, trước sự phát triển như vũ bão của phương tiện truyền thông, văn chương có còn cần thiết với con người? Bởi, chỉ cần một cú “click” chuột, hay một bản tin thời sự ngắn, là tình hình của thế giới đã được chúng ta nắm rõ. Không! Tôi tin văn chương vẫn còn cần thiết với nhân loại! Tuy truyền thông có khả năng cập nhật tin tức một cách nhanh chóng, nhưng đôi khi nó cũng “dắt mũi” người xem bởi một tin vịt. Văn chương không như thế, nó cho con người trải nghiệm hiện thực ở bề sâu, ở những trải lòng của nhà văn. “Văn chương cho ta trải nghiệm cuộc sống ở những tầng mức và chiều sâu đáng kinh ngạc” (Thanh Thảo). Tuy thời gian thai nghén một tác phẩm khá lâu, nhưng sau khi người đọc khép lại một quyển sách, thì ta vẫn hoài trăn trở, nghĩ suy về hiện thực cuộc sống có thể đã cách ta hàng trăm năm trước. Do vậy, với tình hình phức tạp của đại dịch, chúng ta cần phải cập nhật tin tức nhanh chóng; nhưng, ta cũng không thể nào phủ nhận vai trò của văn chương.

Tôi còn nhớ trên tivi, người ta đã quay lại hình ảnh nước Ý khi đang bị cách ly nghiêm ngặt. Vào đêm tối, người dân ra lan can nhà mình và cùng nhau hát ca. Họ cất lên tiếng hát cùng giai điệu du dương, tựa khúc ca của chàng Orpheus, để xóa đi những nỗi đau đang hiện hữu trong đại dịch ngoài kia. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, nhưng trong giây phút ấy, nghệ thuật đã cứu họ khỏi sự sợ hãi và mang đến bình yên cho tâm hồn. Trăn trở của giáo sư Huỳnh Như Phương, và cả tôi, có lẽ sẽ được hóa giải nhờ câu nói của Raxun Gamzatop: “Thơ ca, nếu không có người, tôi đã mồ côi”. Có văn chương nghệ thuật, tâm hồn của nhân loại sẽ được cứu rỗi. Và khi ấy, cái chết dường như sẽ hóa thành thinh không …

(Nguyễn Phương Duyệt, học sinh lớp 12CV - Trường THTH ĐHSP TP.HCM, niên khóa 2019 - 2022)

Xem thêm: "Nếu một nhà văn chỉ viết cho thời đại của mình thì tôi sẽ phải bẻ bút và vứt nó đi"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận