Lời căn dặn của các danh nhân đất Việt trước khi mất: Tuy ngắn ngủi nhưng hội đủ trí tuệ, tinh anh cả 1 đời người
Lúc sắp băng hà, Thượng hoàng Minh Tông dặn các con phải trở thành người hiên. Bởi vua hiền thì mới dùng được hiền tài, vua không hiền thì hiền tài cũng không được trọng dụng...
Sống Đẹp xin tổng hợp lại những di nguyện cuối cùng của một số danh nhân trong sử Việt mà đến nay càng ngẫm càng thấy có giá trị:
1. Vua Lý Nhân Tông
Lý Nhân Tông (1066 - 1128) là vị hoàng đế thứ 4 của nhà Lý. Ông trị vì Đại Việt từ năm 1072 đến năm 1128, tổng cộng 56 năm, cũng là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Vua tên thật là Càn Đức, con trai đầu lòng của vua Lý Thánh Tông và Nguyên phi Ỷ Lan. Thời vua Lý Nhân Tông cai trị được xem là thời kỳ thịnh trị dù đất nước phải trải qua những cuộc chiến khốc liệt phá Tống bình chiêm.
Năm 1075, đánh dấu kỳ thi khoa bảng đầu tiên bằng khoa thi "Tam trường" để chọn Minh kinh bác học. Từ đó, các kỳ thi khoa bảng đã chọn ra được những bậc hiền tài để phục vụ giang sơn.
Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho xây dựng Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu. Đây được xem là trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam. Có rất nhiều vị quan thanh liêm, nhân tài xuất thân từ ngôi trường này.
Vua Lý Nhân Tông còn là người mộ Đạo, Phật Pháp được phát triển thịnh vượng trong giai đoạn ông trị vì. Vua dùng Phật Pháp để giáo hóa dân chúng khiến giang sơn thái bình, xã tắc ổn định.
Vào tháng chạp năm 1127, vua ốm nặng. Biết mình không thể qua khỏi, ôn đã căn dặn các đại thần giúp Thái tử trị nước. Trước khi nhắm mắt, vua dụ rằng:
“Trẫm nghe phàm các loài sinh vật không loài nào không chết. Chết là số lớn của trời đất, lẽ đương nhiên của mọi vật. Thế mà người đời không ai là không thích sống mà ghét chết. Chôn cất hậu làm mất cơ nghiệp, để tang lâu làm tổn tính mệnh, trẫm không cho là phải. Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết đi lại khiến cho thứ dân mặc áo xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, làm cho lỗi ta thêm nặng, thiên hạ sẽ bảo ta là người thế nào?
Trẫm xót phận tuổi thơ phải nối ngôi báu, ở trên các vương hầu, lúc nào cũng nghiêm kính sợ hãi. Đã 56 năm nay, nhờ anh linh của tổ tông, được hoàng thiên phù hộ, bốn biển yên lành, biên thùy ít biến, chết mà được xếp sau các bậc tiên quân là may rồi, còn phải thương khóc làm gì?
Trẫm từ khi đi xem gặt lúa đến giờ, bỗng bị ốm, bệnh kéo dài, sợ không kịp nói đến việc nối ngôi. Mà Hoàng thái tử Dương Hoán tuổi đã tròn một kỷ, có nhiều đại đội, thông minh thành thật, trung nghiêm kính cẩn, có thể theo phép cũ của trẫm mà lên ngôi Hoàng đế. Nay kẻ ấu thơ chịu mệnh trời, nối thân ta truyền nghiệp của ta, làm cho rộng lớn thêm công nghiệp đời trước. Nhưng cũng phải nhờ quan dân các ngươi một lòng giúp rập mới được.
Này Bá Ngọc, ngươi thật có khí lượng của người già cả, nên sửa sang giáo mác, để phòng việc không ngờ, chớ làm sai mệnh, trẫm dù nhắm mắt cũng không di hận. Việc tang thì chỉ 3 ngày bỏ áo trở, nên thôi thương khóc; việc chôn thì nên theo Hán Văn Đế, cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên để ta hầu bên cạnh tiên đế".
(Trích Đại Việt sử ký toàn thư)
Ngày Đinh Mão (tức ngày 15 tháng 1 năm 1128), nhà vua mất ở điện Vĩnh Quang, ở ngôi 56 năm, thọ 63 tuổi. Ông được tôn miếu hiệu là Nhân Tông, thụy hiệu là Hiếu Thiên Thể Đạo Thánh Văn Thần Vũ Sùng Nhân Ý Nghĩa Hiếu Từ Thuần Thành Minh Hiếu Hoàng Đế.
2. Tô Hiến Thành
Tô Hiến Thành (1102 - 1179) quê làng Hạ Mỗ nay là xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ông là quan đại thần phụ chính của nhà Lý. Ông phụng sự 2 triều vua là Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Ông là viên quan văn võ song toàn, nổi tiếng là công minh chính trực, được vua phong tước vương mặc dù không phải là tôn thất nhà Lý.
Khi Tô Hiến Thành bệnh nặng do tuổi cao sức yếu, khó qua khỏi. Đỗ Thái hậu (mẹ vua Lý Cao Tông) đã đến thăm và hỏi rằng, nếu ông có mệnh hệ gì thì ai có thể thay thế ông được? Tô Hiến Thành liền đáp: "Người thay thế thần chỉ có thể là Trần Trung Tá".
Thái hậu ngạc nhiên, hỏi: “Tán Đường ngày ngày hầu hạ, thuốc thang cho ông, sao ông không tiến cử? Trần Trung Tá luôn thờ ơ với ông, sao ông lại ưa chuộng làm vậy?”.
Tô Hiến Thành nói rành rẽ: “Nếu Thái hậu hỏi người lo việc đại sự quốc gia, thần cử Trần Trung Tá. Nếu cần người phục dịch cơm nước, thuốc thang, thì ngoài Võ Tán Đường, chẳng còn ai hơn được!”.
Lúc sắp qua đời, Tô Hiến Thành vẫn tiến cử hiền tài cho quốc gia chứ không tiến cử người vì tình riêng. Nhưng tiếc thay, Đỗ Thái hậu không nghe lời, đưa em trai là Đỗ Di An giữ quyền Phụ chính.
Di An vốn là một kẻ bất tài lại kém đức, khiến vua Cao Tông càn lớn càng đổ đốn, chỉ biết hưởng lạc, chuyên dùng người khuyết thiếu đức hạnh, khiến lòng dân oán than, đất nước loạn lạc. Chẳng bao lâu sau, nhà Lý mất.
Sự việc này được sử thần Ngô Sĩ Liên bình luận như sau: “Tô Hiến Thành nhận việc ký thác con côi, hết lòng trung thành, khéo xử trí khi biến cố, tuy bị gió lay sóng đập nhưng vẫn đứng vững như cột đá giữa dòng, khiến trên yên dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa. Huống chi cho tới lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không vì ơn riêng, Thái hậu không dùng lời nói của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy”.
3. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn
Hưng Đạo Đại Vương (Trần Hưng Đạo, 1231 - 1300) tên thật là Trần Quốc Tuấn. Ông là nhà chính trị, quân sự, tôn thất của hoàng gia Đại Việt thời Trần. Trong lịch sử, ông nổi danh là người chỉ duy quân đội đánh tan 2 cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông 1285 và 1288. Ông cũng là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.
Sử chép, vào tháng Sáu (âm lịch) năm Canh Tý (1300), Trần Hưng Đạo ốm nặng do tuổi cao sức yếu. Vua Trần Anh Tông đã đến hỏi thăm, lo lắng nếu lỡ vị tướng soái anh minh chẳng may mất, quân NGuyên kéo sáng thì phải làm sao.
Khi ấy, Trần Hưng Đạo biết mình tuổi cao sức yếu nên tâu vua rằng: “Ngày trước Triệu Võ (Triệu Đà) dựng nước, Vua nhà Hán sai quân sang đánh, bấy giờ, dân thì phá hết hoa màu ở đồng nội, quân thì kéo sang, dùng đoản binh tập hậu mà đánh phá châu Khâm, châu Liêm và châu Trường Sa. Đó là một thời kỳ.
Đến đời nhà Đinh, nhà Lê thì dùng người hiền tài. Lúc ấy phương Nam đang mạnh, phương Bắc đang suy, trên dưới một dạ, dân không có lòng ly tán, đắp thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại cũng là một thời kì.
Nhà Lý dựng cơ nghiệp, người nhà Tống sang xâm lấn. Lúc ấy, dùng Lý Thường Kiệt đánh châu Khâm, châu Liêm, nhiều phen đánh đến tận Mai Lĩnh, ấy là có thế lực mạnh.
Vừa rồi, Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt đánh phá bao vây. Lúc ấy, vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước ra sức nên giặc phải chịu bó tay. Đấy là lòng trời xui khiến.
Quân giặc cậy vào trường trận, ta cậy ở đoản binh, đem đoản binh chống trường trận là việc thường trong binh pháp. Nhưng cần phải cân nhắc cho kĩ, giá thử quân giặc tràn sang như gió như lửa thì có thể chống cự được; nếu giặc dùng cách chiếm cứ dần như tằm ăn dâu, không vơ vét của dân, không mong đánh được ngay thì mình phải dùng tướng giỏi, xem tình thế biến chuyển như người đánh cờ, tùy cơ mà ứng biến cho đúng, làm thế nào thu hút được binh lính như cha con một nhà thì mới có thể chiến thắng được.
Vả lại, phải khoan sức dân làm kế rễ sâu gốc vững, ấy mới là thượng sách, không có gì hơn được".
(Trích Khâm định Việt sử thông giám cương mục)
Lời bộc bạch cuối cùng của Trần Hưng Đạo có giá trị như vàng mười để hậu thế sau này giữ nước. Ông đưa ra dẫn chứng các kế sách trong lịch sử, nhưng cuối cùng vẫn kết luận: “khoan sức dân làm kế rễ sâu gốc vững, ấy mới là thượng sách, không có gì hơn được”.
Nghe tin Trần Hưng Đạo vương mất, triều đình Đại Việt phong tặng ông là "Thái sư Thượng Phụ Thượng Quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương". Ông được nhân dân cả nước tôn vinh là "Đức Thánh Trần" và lập đền thờ ở nhiều nơi, song nổi tiếng hơn cả là khu di tích Đền Kiếp Bạc nơi thờ phụng ông thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
4. Thượng hoàng Trần Minh Tông
Trần Minh Tông (1300 - 1357) tên thật là Trần Mạnh, là hoàng đế thứ 3 của nhà Trần. Ông giữ ngôi từ ngày 3 tháng 4 năm 1314 đến ngày 15 tháng 3 năm 1329, sau đó làm Thái thượng hoàng đến khi qua đời. Thời kỳ của ông và cha ông được mệnh danh là thời kỳ hưng thịnh của vương triều nhà Trần, được sử gia xưng tụng là Anh Minh Thịnh Thế.
Nhưng vào năm 1357, Thượng hoàng Trần Minh Tông bệnh nặng, triều đình lập đàn chay cầu đảo mong ông sớm khỏe lại. Minh Tông biết chuyện không bằng lòng nên cho gọi Hữu tướng quốc Trần Phủ đến hỏi. Sợ Thượng hoàng trách tội, vua Dụ Tông dặn Phủ nói là Phạm Ứng Mộng muốn chết thay Thượng hoàng.
Phủ đem câu ấy tâu lên, Thượng hoàng Minh Tông nói: “Ứng Mộng tự nhận làm địa vị Chu Công thì cứ lấy thân mình mà chết thay cho cha hắn, còn đàn chay thì không đuợc làm!”.
Biết chuyện Hiến Từ thái hậu phóng sinh các giống súc vật để cầu cho mình khỏe lại, Minh Tông bảo bà rằng: “Thân ta không thể lấy con lợn, con dê mà đổi được".
Trước khi mất, các hoàng tử đều tới xung quanh, Thượng hoàng Minh Tông dặn dò lần cuối:
“Người làm vua dùng người, không phải là có tình riêng với người đó, mà chỉ nghĩ là người đó hiền thôi. Bởi vì người đó theo tấm lòng của ta, giữ chức vụ cho ta, làm việc cho ta, chịu nhọc cho ta, cho nên ta coi là hiền mà dùng họ. Nếu ta quả là hiền, thì những người được ta dùng cũng hiền, như Nghiêu Thuấn đối với Tắc Khiết, Quỳ Long vậy. Nếu ta không hiền, thì những kẻ ta dùng cũng không hiền, như Kiệt, Trụ đối với Phi Liêm, Ác Lai vậy. Đó chính là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, cùng loại thì hợp nhau. Kiệt, Trụ đâu phải có tình riêng gì với bầy tôi của hắn? Bảo hắn là ngu tối thì được, chứ bảo hắn là có tình riêng thì không phải".
(Trích Đại Việt sử ký toàn thư)
Lúc sắp băng hà, Thượng hoàng Minh Tông chỉ mong muốn các con thành người hiền. Bởi vị vua hiền sẽ dùng được người hiền tài. Vua không hiền thì người hiền tài cũng không được trọng dụng.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận