2k5 phải viết văn thế nào để được 9 điểm ở kỳ thi tốt nghiệp THPT?
Viết văn đạt 9 điểm không phải quá khó nhưng cũng không quá dễ nếu bạn chưa nắm được những yếu tố dưới đây.
- 1. Đọc sách
- 2. Theo dõi tin tức xã hội
- 3. Đọc kỹ đề bài trước khi làm bài
- 4. Lập dàn ý
- 5. Phân chia thời gian hợp lý
- 6. Chú trọng vào mở bài
- 7. Đảm bảo nội dung hay, đưa dẫn chứng phù hợp
- 8. Chữ viết rõ ràng, trình bày sạch sẽ
- 9. Cần biết biến tấu ý tưởng của người khác thành của mình
- 10. Kiểm tra chính tả, ngữ pháp
1. Đọc sách
Sách là kho tàng vô giá của nhân loại. Nó chứa đựng một lượng kiến thức đồ sộ thuộc hàng bậc nhất. Không chỉ vậy sách còn là nơi đúc kết kinh nghiệm sống quý giá. Với việc đọc sách thường xuyên, bạn sẽ tích lũy cho mình được một lượng kiến thức phong phú. Muốn có viết được một bài văn hay, điều đầu tiên bạn cần thực hiện là đọc sách. Đó có thể là sách giáo khoa, sách văn mẫu, sách tham khảo…
Trước hết, bạn cần tìm thể loại sách phù hợp với sở thích của mình để tránh sự nhàm chán, đơn điệu. Có thể, một, hai ngày đầu bạn cảm thấy đọc sách là việc rất buồn ngủ… Sau một thời gian tập dần thói quen đọc sách, mỗi ngày một ít bạn sẽ thấy việc đọc sách rất hữu ích.
Bạn nâng dần sự say mê, thích thú khi khám phá ra một đoạn văn hay, một câu trích dẫn thú vị hoặc đôi khi chỉ là cách dùng từ “độc”, cách chấm câu để lại nhiều suy nghĩ trong lòng người đọc. Mỗi lần đọc là một lần bạn đưa ra những cảm nhận, trải nghiệm khác nhau; càng đọc càng hiểu, càng muốn tìm hiểu sâu về chủ đề đó. Ông bà ta có câu “mưa dầm thấm lâu, cày sâu cuốc bẩm” là vậy.
2. Theo dõi tin tức xã hội
Tin tức xã hội có từ đâu? Nó có từ việc theo dõi các kênh truyền hình, báo chí, internet… Bằng việc cập nhật tin tức hằng ngày bạn sẽ nắm bắt nhanh nhạy lượng thông tin khá thích hợp với các dạng bài văn thuộc dạng nghị luận xã hội. Những thông tin có được sẽ là dẫn chứng quan trọng, sinh động, sát với thực tế xã hội, có tính thuyết phục người đọc cao.
Để làm được điều này, trước khi đưa vào bài viết bạn cần phải xem xét độ tin cậy của lượng thông tin. Không phải thông tin nào cũng đưa vào để dẫn chứng mà cần phải xem xét thông tin đó đã là xác thực chưa, nên tìm đọc từ các trang báo chính thống. Lượng thông tin bạn đưa ra không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân bạn mà còn ảnh hưởng tới người tiếp nhận thông tin. Cần quan tâm tới khâu này bạn nhé!
3. Đọc kỹ đề bài trước khi làm bài
Thay vì tận dụng thời gian để làm bài thi ngay khi có đề, nhiều học sinh cho rằng thí sinh nên đọc kỹ toàn bộ đề thi trước để định hình cách làm bài và phân bổ thời gian hợp lý.
Đây là điều đặc biệt quan trọng cần phải thực hiện trước khi bắt đầu vào làm bài. Bạn cần đọc kỹ, chi tiết nội dung đề bài yêu cầu như thế nào để hiểu cho đúng, chính xác vấn đề mà giáo viên đưa ra (cần phân tích, chứng minh hay bình luận…)
nhằm tránh lạc đề, lan man.
4. Lập dàn ý
Muốn có một bài văn tốt cần lập dàn ý bằng việc gạch đầu dòng các ý cần triển khai vào giấy nháp để đảm bảo trình tự làm ý nào trước ý nào sau; phân chia bố cục hợp lý, đảm bảo nội dung, tránh tình trạng thiếu trước hụt sau. Bạn cần hiểu rằng: việc lập dàn ý giống như vạch định cho mình một kế hoạch, các bước đi khoa học dễ dàng thực hiện ý tưởng đã được định hình sẵn.
Lập dàn ý là lựa chọn và sắp xếp những nội dung cơ bản dự định triển khai vào bố cục ba phần của văn bản. Việc làm này có nhiều ý nghĩa:
Giúp cho người viết bao quát được những nội dung chủ yếu, những luận điểm, luận cứ cần triển khai, phạm vi và mức độ nghị luận,…
Tránh được tình trạng xa đề, lạc đề hoặc lặp ý; tránh được việc bỏ sót hoặc triển khai ý không cân xứng.
Có dàn ý, người viết cũng đồng thời sẽ biết phân phối thời gian hợp lí khi làm bài, tránh sự mất cân đối trong bài viết.
Ví dụ: lập dàn ý bằng sơ đồ cây.
5. Phân chia thời gian hợp lý
Thời gian thi sẽ trôi qua cực kỳ nhanh đến nỗi bạn chưa viết được nửa bài văn hoặc chưa viết được kết bài đã bị hết giờ dừng bút. Điều này khiến cho điểm thi sẽ bị kéo xuống rất thấp do không trọn vẹn.
Nhằm tránh việc thiếu hoặc thừa thời gian, bạn cần phân chia các khoảng thời gian nhất định cho mở bài, thân bài, kết bài; bao nhiêu thời gian là phù hợp? (thân bài thường chiếm một nửa thời gian, còn lại là mở bài và kết bài). Tùy vào khoảng thời gian được yêu cầu mà phân chia cho hợp lý.
6. Chú trọng vào mở bài
Khi gặp phải một đề văn, có lẽ phần mở bài thường khiến nhiều bạn cảm thấy khó khăn nhất. Nhiều bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào.
Mở bài tốt sẽ tạo ấn tượng tốt cho giáo viên chấm bài, vì vậy bạn nên bỏ thời gian viết nháp trước ra giấy mở bài cho súc tích, thu hút người đọc. Có nhiều cách mở bài rất đa dạng: so sánh, đi từ khái quát đến cụ thể… Bạn cũng có thể dẫn ý từ một câu nói, một trích dẫn… để mở bài ấn tượng hơn.
7. Đảm bảo nội dung hay, đưa dẫn chứng phù hợp
Đây là phần quan trọng nhất, khó nhất chính vì thế cũng chiếm nhiều điểm nhấtt. Thân bài tuyệt đối phải đảm bảo nội dung theo đúng yêu cầu của đề bài đưa ra, bao gồm những nội dung gì, bạn cần phải giải quyết, bao quát hết tất cả nội dung đó.
Đồng thời, bạn cũng cần phân chia nội dung từng ý cho phù hợp tránh tình trạng ý đầu viết quá chi tiết, những ý sau lại sơ sài, qua loa… không tạo được sự cân xứng, hài hòa cho cả bài văn.
Ngoài ra muốn đạt điểm cao, bạn nên chú ý đến việc trích dẫn, đưa vào bài viết những câu nói hay, phải ghi nguồn cụ thể (được trích ra từ đâu, nếu là câu nói thì phải chú thích tên người đó).
Điều này không chỉ thể hiện là một người ham đọc sách, có kiến thức phong phú mà còn là một người có kỹ năng viết bài khá tốt, có sự tìm tòi, nghiên cứu. Việc trích dẫn phải phù hợp mới tạo được điểm nhấn, điểm cộng cho bài viết, không nên quá lạm dụng khi nào cũng trích dẫn.
8. Chữ viết rõ ràng, trình bày sạch sẽ
Nội dung có tốt bao nhiêu nhưng hình thức trình bày không đẹp có thể dẫn đến mất điểm hoặc điểm không cao, khó gây ấn tượng tốt đối với người chấm.
Bạn cần rèn chữ viết, có thể không đẹp nhưng chữ viết phải rõ ràng, dễ đọc, trình bày sạch sẽ, không được tẩy xóa, bôi đen, gạch bỏ lung tung trong bài làm… Vì như vậy sẽ không tạo được sự liên kết giữa các câu, đồng thời cũng cho thấy bạn cẩu thả trong trình bày.
9. Cần biết biến tấu ý tưởng của người khác thành của mình
Muốn thực hiện được điều này, bạn cần phải đọc nhiều. Sau đó sẽ ghi chép lại vào một cuốn sổ, lúc cần thì tìm cho tiện. Bạn nên đọc đi đọc lại, có thể nhớ đại ý nội dung, sau này dùng làm dẫn chứng cho bài viết rất thích hợp.
Bạn cần hiểu rằng: viết một bài văn cũng giống như nấu một món ăn, cần có nguyên liệu, xào nấu, nêm gia vị vừa ăn để trở món ăn trở nên ngon, hấp dẫn. Mỗi người – một suy nghĩ – một cách hành văn khác nhau, bạn nên chắt lọc, học hỏi kỹ năng, biến tấu những ý tưởng hay, đúc kết lại thành cái của mình để nâng dần khả năng viết lách, kiến thức tích hợp vì thế cũng đa dạng hơn.
10. Kiểm tra chính tả, ngữ pháp
“Phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Điều này không quá khó nhưng cần có sự rèn luyện thì mới thành thạo được, không ai tự dưng trưởng thành mà không có quá trình khổ luyện cả. Khi hoàn thành xong bài viết, bạn không nên vội nộp bài cho giáo viên mà cần đọc lại toàn bộ bài viết để xem có bị mắc lỗi chính tả nào không.
Yêu cầu khắt khe của viết văn là không nên mắc lỗi chính tả dù là nhỏ nhất, cần phải đúng chuẩn của tiếng Việt, không được viết tắt. Vì nếu sai chính tả bạn sẽ mất thiện cảm, không tạo được cảm hứng thân thiện cho người chấm. Đây là một mắc xích quan trọng không thể bỏ qua bạn nhé!
“Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Tôi tin là với 10 kinh nghiệm trên sẽ là động lực để giúp bạn thêm yêu thích môn văn, cải thiện dần số điểm. Việc học văn của bạn vì thế sẽ không còn đơn điệu, nhàm chán nữa nhé.
(st)
Xem thêm: Top 100 nhận định văn học hay nhất: Càng đọc kỹ viết văn càng hay
Ngày 29/6/2023 thi những môn gì?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận