Vợ chồng bác sĩ Việt Nam tự nguyện sang Angola thổi luồng "sinh khí" mới trên vùng đất khô cằn
Sau khi tốt nghiệp, vợ chồng bác sĩ Việt Nam Nguyễn Xuân Quyết và Nguyễn Thị Quỳnh đã làm đơn tự nguyện sang Angola làm việc, rồi thổi luồng "sinh khí" mới trên vùng đất khô cằn, khắc nghiệt này.
Tình nguyện sang Angola làm việc
Anh Nguyễn Xuân Quyết (SN 1990, quê Thanh Hóa) và vợ là chị Nguyễn Thị Quỳnh (SN 1990, quê Hải Dương) là bác sĩ chuyên khoa mắt. Sau khi cùng tốt nghiệp chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh, vợ chồng anh chị quyết định làm đơn tự nguyện sang Angola làm việc qua chương trình hợp tác của Bộ Y tế. Sau khi làm đơn, hai người phải chuẩn bị mất 1 năm để học tiếng Bồ Đào Nha, biết cách sinh tồn trong môi trường mới lạ, thời tiết khắc nghiệt, còn nhiều dịch bệnh,...
Đặt chân tới đất nước châu Phi xa xôi, công việc mỗi ngày của vợ chồng anh Quyết là cùng các bác sĩ tới từ Cuba, Nga khám chữa bệnh cho người dân địa phương. Từ đó, với nhiều người dân Angola, hình ảnh cặp vợ chồng bác sĩ trẻ người Việt đã trở nên thân thuộc.
Anh Quyết nhớ lại, món quà lớn nhất anh nhận được khi tình nguyện sang Angola làm việc là lòng yêu mến, sự tin tưởng của người bệnh và dân địa phương, cũng như cộng đồng Việt Nam ở nước sở tại. Với anh, đó là niềm vui và cũng là niềm hạnh phúc vô bờ.
Sau 3 năm làm việc cần mẫn, vào năm 2017, vợ chồng anh trở về Việt Nam, dự định ban đầu là không trở lại Angola nữa. Thế nhưng, sau một thời gian, hai người bắt đầu cảm thấy nhớ và yêu thích Angola. Vào tháng 12/2019, vợ chồng anh Quyết trở lại đất nước châu Phi ấy lần 2, khi con gái nhỏ chỉ mới được 10 tháng tuổi và bắt đầu cai sữa.
Anh Quyết tâm sự: "Nhớ con gái, nhớ gia đình, nhưng vì tình yêu với Angola và nghĩ tới người dân Angola cần mình nên hai vợ chồng tôi quyết định sang Angola lần nữa. Khi gặp các em nhỏ nơi đây, tôi có cảm giác như đang chơi, trò chuyện với con của mình. Tôi cũng nhận được tình cảm chân thành từ người dân bản xứ khi biết tôi là người Việt Nam".
Thổi luồng "sinh khí" mới trên vùng đất khô cằn, khắc nghiệt
Không chỉ làm công việc khám chữa bệnh, vợ chồng bác sĩ Quyết còn tìm cách thổi luồng "sinh khí" mới tới Angola. Mặc cho tiết trời nắng nóng, khô cằn ở châu Phi, vợ chồng bác sĩ trẻ vẫn quyết định chồng rau, chăn nuôi. Ở vườn rau nhà hai anh chị, lúc nào cũng xanh ngắt tươi mơn mởn, đủ hết từ su su, mướp đến ngô, khoai,...
Sau đó, thấy việc chăn nuôi, trồng trọt nơi đây năng suất chưa cao, vợ chồng anh chị đã "xắn tay" vào giúp đỡ. Anh Quyết kể: "Thấy người dân nơi đây còn khó khăn về mặt trồng trọt và chăn nuôi nên hai vợ chồng quyết định hỗ trợ phương pháp, hạt giống... để từ đó mọi người nâng cao năng xuất và chất lượng".
Không chỉ vậy, nhận thấy trẻ em nơi đây đã học lớp 7 mà chưa thuộc bảng cửu chương, hay nhiều người dân không biết tính nhanh, vợ chồng bác sĩ 9x lại tiếp tục mở lớp học. Không chỉ dạy các em học toán, hai vợ chồng còn dạy thêm tiếng Việt cho trẻ em nơi đây. Các em nhỏ hầu hết đều ngoan ngoãn, vui vẻ, yêu mến người nước ngoài và học rất chăm chỉ.
Anh Quyết tâm sự: "Các bạn nhỏ rất thích học, nhất là học tiếng Việt. Trong xóm trọ cũng có người Angola từng là du học sinh, theo học trường ĐH Nông nghiệp nên khi lũ trẻ thấy vợ chồng mình giao tiếp tiếng Việt với bạn du học sinh ấy thì chúng thích thú lắm". Người dân nơi đây cũng rất thân thiện, hiền lành và ham học, hiện có nhiều người biết nói vài câu tiếng Việt đơn giản.
Bên cạnh đó, tranh thủ những ngày nghỉ, vợ chồng anh Quyết còn quay video về cuộc sống thường ngày của mình và người dân Angola. Sau đó, anh chị đăng tải trên kênh Youtube "Ahihi cuộc sống châu Phi" để mọi người cùng xem, hiện kênh này đã có gần 100.000 lượt theo dõi. Anh Quyết tự hào nói: "Mang bản sắc của Việt Nam đến với người dân châu Phi luôn là tâm nguyện của hai vợ chồng tôi."
Ký túc xá tình thương của cặp vợ chồng tại Phú Thọ nuôi học sinh ăn ở miễn phí suốt 60 năm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận