Mất nhiều hơn được khi Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn vé máy bay
Mới đây, Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn vé máy bay, khiến nhiều người lo lắng loại vé 0 đồng sẽ biến mất, đồng thời mất đi tính cạnh tranh công bằng.
Lần thứ hai đề xuất áp giá vé sàn
Theo Vietnamnet, trong buổi làm việc với Cục Hàng không Việt Nam vừa qua, đại diện Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa. Theo vị này, hiện có 2 phương án để áp giá sàn:
Phương án 1: Vietnam Airlines đề xuất áp chi phí biến đổi hàng không giá rẻ, căn cứ theo chi phí của Pacific Airlines (thuộc VNA Group) giai đoạn 2019. Giá sàn cho các đường bay dưới 500 k m là 414.000 đồng, còn các đường bay 500-850 km là 570.000 đồng, đường bay 850 - 1.000 km là 755.000 đồng. Đối với đường bay 1000 - 1.280km, giá sàn sẽ là 804.000 đồng và 917.000 đồng đối với các đường bay từ 1.280 km trở lên.
Phương án 2: Giá sàn bằng 35% trần giá vé đề xuất, cao hơn phương án thứ nhất. Như vậy, giá sàn cho các đường bay <500 km cho đến 1.280 km trở lên sẽ tăng dần, từ khoảng 560.000 đồng - 1,4 triệu đồng.
Về giá trầm, đề xuất tăng từ 50.000 - 250.000 đồng cho các chặng bay từ 500 - 1.280 km trở lên. Với các đường bay phát triển kinh tế - xã hội và các đường bay khác dười 500 km, giá vé trần sẽ giữ nguyên.
Đây là lần thứ hai Vietnam Airlines đưa ra đề xuất áp sàn giá vé máy bay. Theo hãng, đây là biện pháp giúp các hãng bay trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19. Trước đó, hãng cũng từng gửi Bộ GTVT phương án áp giá sàn cho vé máy bay hạng phổ thông nội địa là 1,54 triệu đồng, giá trần là 4,2 triệu đồng vào tháng 3/2017. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải nhiều phản đối của người dân và không được chấp thuận.
Mất nhiều hơn được khi áp giá sàn
Trước đề xuất này, một số chuyên gia cho hay việc áp giá sàn - giá trần sẽ mất nhiều hơn được. Như vậy, việc cạnh tranh giữa các hãng sẽ giảm, còn người tiêu dùng sẽ gặp bất lợi.
Nếu việc ép giá sàn được thông qua, đây đồng nghĩa với việc chấm dứt cuộc đua giá rẻ, chấp nhận sự biến mất của vé 0 đồng hoặc vé siêu rẻ vài chục ngàn đồng.
Theo VOV, PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, ĐH Bách Khoa TP.HCM cho hay: "Khách bay trong nước sẽ không được hưởng các chuyến bay khuyến mãi có vé 0 đồng hoặc vài chục ngàn đồng mà các hãng đang áp dụng rộng rãi để giải quyết việc làm, cải thiện dòng tiền và tham gia kích cầu cho ngành du lịch...". Nếu những đòi hỏi của VNA được thông qua, người dân sẽ chấp nhận phải bay với giá đắt, thị trường mất đi tính cạnh tranh.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính, PGS.TS Ngô Trí Long thì cho rằng: "Theo Luật giá, nhà nước chỉ áp giá trần, mà không áp giá sàn. Việc áp giá sàn không khuyến khích cạnh tranh và không có lợi cho người tiêu dùng. Nguyên tắc cạnh tranh là đặc trưng cơ bản của thị trường, phải có cạnh tranh để hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ".
Nhiều người cho rằng, việc áp giá vé sàn là không hợp lý, không thích hợp với quy luật cung cầu của thị trường. Điều này cũng có thể vi phạm một số luật như Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp, Luật Hàng không Dân dụng,... chưa kể có thể vi phạm các cam kết, hiệp định song phương hay đa phương mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Những điều có thể công dân chưa biết về mã số định danh sẽ thay thế sổ hộ khẩu giấy
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận