Tâm sự của một người mẹ: Con cái không lọt top học sinh giỏi, nhưng tôi chẳng thấy gì phải buồn
Chị Huyền, một người mẹ có hai cô con gái tâm sự, tuy con chị không học giỏi xuất sắc, nhưng chị chẳng thấy làm buồn phiền.
Chị Vũ Thị Minh Huyền, một người mẹ có hai cô con gái còn đang tuổi ăn học tâm sự: "Làm phụ huynh ở thời đại 4.0 vô cùng áp lực và khó khăn, tôi vẫn nói vui đó là một nghề khó khăn nhất trong các nghề. Là mẹ của hai cô con gái, con lớn đang học lớp 12, con nhỏ học lớp 3, suốt 18 năm nuôi con, tôi thấy rằng áp lực nhất là khi có con học trường chuyên. Tại sao tôi nói như vậy? Bởi vì, môi trường học của con toàn là các bạn học quá giỏi, học giỏi hơn con mình nhiều.
Tôi cảm nhận rõ điều này khi con bước sang lớp 12. Tôi thường xuyên nhận được các thông tin như các bạn học cùng lớp con thi chứng chỉ IELTS đạt 8.0 hay 8.5, thi chứng chỉ SAT đạt 1540 điểm, hay bạn được học bổng toàn phần của đại học ở Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, Trung Quốc... Thậm chí, có những bạn học cùng khóa với con đã xuất sắc nhận được học bổng toàn phần (hơn 8 tỷ đồng) của đại học Harvard (Mỹ).
Thực sự, ngôi trường con theo học có quá nhiều bạn tài năng hơn con tôi. Nếu như tôi không học cách bình thản mỗi khi nghe tin con người khác có thành tích giỏi hơn con mình thì sẽ rất dễ bị rơi vào trường hợp so sánh con mình với con nhà người ta. Kinh nghiệm điều chỉnh cảm xúc của tôi là:
Thứ nhất, tôi luôn nghĩ về những điều con mình đã cố gắng để đạt được thay vì nghĩ đến thành tích hiện tại của con kém các bạn học khác. Tôi luôn thấy hài lòng về con gái dù con chưa bao giờ lọt được vào top những bạn học sinh xuất sắc nhất lớp dưới mái trường này. Bởi lẽ, tôi chưa bao giờ phải nhắc con làm gì.
Tôi chỉ phải nhắc con đăng ký đi học ôn IELTS ở trung tâm đi. Cuối cùng, con vẫn quyết định tự học ở nhà, không đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm. Con giải thích rằng mục tiêu của con chỉ là đạt 7.5 IELTS, và còn phải dành thời gian học thêm nhiều thứ khác. Con không cần phải đạt 8.0 hay 8.5 IELTS như các bạn nên sẽ không đầu tư quá nhiều vào tiếng Anh. Con thu xếp lịch tự ôn thi ở nhà và đăng ký thi. Khi tôi đề nghị nghỉ làm đưa đón con đi thi thì con không cần.
Đến ngày có kết quả thi, trái tim tôi như vỡ òa khi con báo tin đạt 7.5 IELTS đúng như con mong muốn. Thực ra, đối với học sinh ở Hà Nội, nhất là đối với học sinh trường chuyên như con thì kết quả này chỉ ở mức khá, có nhiều bạn học giỏi và đạt điểm cao hơn nhiều. Nhưng con thấy hài lòng với kết quả của mình, tôi cũng rất hài lòng về con. Bởi tôi nghĩ, con không đi học thêm tiếng Anh ở ngoài, chỉ tự học ở nhà, tiết kiệm cho tôi một khoản tiền không nhỏ, con cũng chỉ dành thời gian bốn ngày để tập trung ôn mà đạt điểm 7.5 là tôi thấy quá mãn nguyện rồi. Tôi không cần con phải ôn thêm, thi lại để đạt kết quả 8.0 như nhiều bố mẹ khác.
Tôi nghĩ, mỗi người sẽ có một mục tiêu phấn đấu riêng, có một sự lựa chọn riêng. Nếu con cảm thấy tiếng Anh chỉ là một phương tiện, con cần dành nhiều thời gian để học những môn khác, làm những việc khác mà con thấy hứng thú, đam mê thì con cứ làm. Miễn sao con cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, hài lòng về bản thân là được.
Chỉ hơn hai tháng cuối năm 2023, con tôi đã kịp hoàn thiện hồ sơ xin học bổng ngành Tâm lý học, gửi đến hai trường là đại học Maastricht và đại học Erasmus Rotterdam (Hà Lan). Vậy là con đã hoàn thành được một việc vô cùng quan trọng mà không cần đến sự hỗ trợ của mẹ. Tháng 1/2024, con lại tự nộp hồ sơ xin học bổng vào một trường đại học ở Italy. Con còn chuẩn bị thi chứng chỉ DSD1 tiếng Đức. Nếu thi đỗ thì con sẽ có cơ hội nộp hồ sơ thi dự bị đại học ngành Tâm lý học ở Đức và học bằng tiếng Đức.
Dù con không thể đạt thành tích xuất sắc, đỗ các trường đại học danh tiếng ở Mỹ như các bạn học, nhưng tôi thấy tự hào vì con luôn tự nỗ lực làm mọi việc không cần bố mẹ hỗ trợ, con luôn phấn đấu trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Tôi luôn cảm thấy yên tâm và tin tưởng hoàn toàn về sự lựa chọn của con.
Thứ hai, tôi nghĩ rằng mỗi đứa trẻ đều có một tiềm năng. Nhiệm vụ của cha mẹ là tìm kiếm và nuôi dưỡng tiềm năng ấy phát triển. Không phải để trở thành một thiên tài, mà là để tạo đà cho con một nền tảng tốt, một thái độ tự tin học tập, tự tin phát huy thế mạnh của mình. Ngày nay, quan điểm giáo dục toàn diện theo hướng phát triển các mảng năng lực cá nhân đang trở thành xu hướng chung của thế giới. Một đứa trẻ viết Văn hay không có nghĩa kém thông minh hơn đứa giỏi Toán.
Bố mẹ thay vì xếp hạng con mình trên những bảng so sánh với "con nhà người ta", hãy đặt con mình trong bảng xếp hạng với chính bản thân con. Con nhà người ta giỏi không hẳn do tài năng hơn, chăm chỉ hơn con bạn, mà đôi khi vì bố mẹ biết cách định hướng, động viên và lựa chọn đúng môi trường để khuyến khích con cái phát triển.
Thứ ba, cha mẹ cần học cách chấp nhận sự thật là con mình không giỏi. Thế giới này có 8 tỷ người. Và tất nhiên, sẽ luôn có người giỏi hơn con bạn ở bất cứ nơi đâu.
Thứ tư, cha mẹ cần xác định rằng những điều tốt đẹp luôn cần thời gian. Để con trở thành một đứa trẻ tài năng cũng cần mất rất nhiều thời gian học tập và rèn luyện chứ không thể một sớm một chiều.
Thứ năm, hãy nghĩ rằng con mình cứ tốt hơn chính bản thân con mỗi ngày là được. Nếu so sánh con bạn với người khác một cách tuyệt đối sẽ vô cùng khập khiễng. Chẳng phải đi đâu xa, hãy cứ so sánh bản thân con với chính con trong quá khứ. So sánh con của hôm nay với con của hôm qua có vẻ như không khác nhau quá nhiều để bạn có thể nhận ra, nhưng bạn có thể so sánh trong khoảng sáu tháng, một năm và vài năm về trước. Hãy nhìn nhận con mình một cách trung thực, khách quan. Những điều tích cực thì phải giúp con tiếp tục phát huy, còn những vấn đề còn hạn chế thì phải tìm ra giải pháp hỗ trợ con. Tóm lại, vấn đề là làm sao để con mình giỏi hơn chính con trong quá khứ.
Thứ sáu, cha mẹ cần học phương pháp gợi mở cách trò chuyện, cách để con chia sẻ vấn đề của mình. Sự đồng thuận của cha mẹ, cùng một hướng đi phù hợp, can thiệp đúng mức, đúng cách, mới có thể bảo vệ được trẻ.
Với cách làm như vậy, mỗi khi có ai đó chia sẻ thông tin con của họ vừa đạt thành tích xuất sắc như đạt giải Nhất Học sinh giỏi quốc gia hay đỗ học bổng toàn phần vào một ngôi trường đại học danh giá ở Mỹ, tôi chỉ thấy vui vẻ, chúc mừng họ, chứ không hề thấy chạnh lòng vì con mình không giỏi như thế, cũng không hề so sánh con mình với con nhà người ta. Tôi luôn giữ tâm bình thản và không bao giờ làm con mình bị tổn thương.
Tôi chỉ hy vọng rằng may mắn luôn đồng hành với mẹ con tôi trên con đường sắp tới. Tôi mong hai con sẽ trở thành những người tốt bụng, nhân hậu, ấm áp nhưng không được mù quáng và không được để người khác lợi dụng. Hạnh phúc thực sự trong cuộc sống không phải là sự hoàn hảo trong mắt người khác mà là sự nỗ lực không ngừng để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Tôi mong hai con giữ gìn sức khỏe cho thật tốt, biết yêu thương bản thân và đối đãi thật tử tế với bản thân mình.
Sau cùng, tôi muốn nói rằng, dù cuộc đời có cho các con cả trăm lý do để khóc, tôi vẫn hy vọng các con sẽ tìm ra một lý do để cười. Đường đời còn dài, mong các con có ánh sáng trong tim và tiến về phía trước không sợ hãi. Hãy dám sống một cuộc đời rực rỡ, đọc nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn và sống mạnh mẽ... vì nơi con quay đầu lại, tôi sẽ luôn mở rộng vòng tay".
Theo VnExpress
Xem thêm: Người mẹ nông dân có 3 con học trường top châu Á hé lộ bí kíp dạy con
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận