Sau cơm treo ấm lòng, lại có bánh mì treo đầy ắp cho người khốn khó no bụng

Những ngày gần đây, một tiệm bánh mì ở tỉnh Phú Yên đang treo biển "bánh mì treo" đặc biệt cho người khốn khó no bụng.

Chi Nguyễn
08:00 17/06/2024 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thời gian gần đây, chủ tiệm tại 425 Nguyễn Huệ, P.7, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã phát rất nhiều "ổ bánh mì treo" cho người khốn khó. Chị Nhật Hân, chủ tiệm chia sẻ, ý tưởng "bánh mì treo" xuất phát từ việc thấy các quán "cơm treo" tại TP.HCM hoạt động. Cơm treo chính là khách hàng đến ăn cơm, trả tiền cho một suất cơm rồi 'treo' tại quán. Phần cơm ấy sẽ được tặng cho người vô gia cư, cụ già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ…

Khi xem được thông tin này, chị rất tâm đắc và mong rằng "cơm treo" sẽ được nhiều người biết đến hơn tại Việt Nam, để có thật nhiều nhà hảo tâm giấu tên lan tỏa tình yêu thương cho các mảnh đời khó khăn. Từ đó, chị thôi thúc mong muốn làm được điều gì đó tương tự. Thế là, "bánh mì treo" xuất hiện.

Mỗi ngày, chị Hân sẽ dành hơn 10 phần "bánh mì treo" tặng cho người khó khăn. Để lấy được ổ bánh mì hoàn toàn miễn phí này, bạn chỉ cần đọc "mật khẩu": "Cho 1 ổ bánh mì treo". Nếu ghé qua mà chủ tiệm chưa làm kịp thì hy vọng mọi người hoan hỉ chờ thêm vài phút.

sau-com-treo-lai-co-banh-mi-treo-day-ap-cho-nguoi-khon-kho-no-bung

Chị Hân cho biết đối với người dân Phú Yên, mô hình "cơm treo" hay "bánh mì treo" còn rất mới. Vì vậy, chị rất mong muốn mô hình này được nhân rộng. Ban đầu, bánh mì đa số được chủ tiệm tự bỏ tiền. Những ngày đầu chỉ có 1 người đến lấy bánh mì. Có hôm "bánh mì treo" bị ế cả ngày vì không có ai đến lấy. Thấy vậy, chị Hân vẫn bảo nhân viên làm sẵn 10 phần. Số bánh mì còn dư, chị và các bạn chạy xe đi phát dọc đường hoặc ở bệnh viện. Vừa đi, chị vừa bảo: "Tiệm của con ở đường Nguyễn Huệ. Nếu cô chú thiếu thì tới con tặng, còn mua thì con bán. Ban đầu, nhiều người tưởng chị đùa, nhưng giờ đây khách tới nhận "bánh mì treo" ngày càng đông hơn.

Sau khi đăng tải thông tin về "bánh mì treo" trên mạng xã hội, Hân rất bất ngờ khi nhiều khách ngỏ lời muốn góp sức, ủng hộ. Chủ tiệm tâm sự: "Một số khách đến mua 1 ổ nhưng treo thêm 2, 3 ổ. Những ổ bánh mì đầy yêu thương ấy sẽ được nhân viên ghi sổ tỉ mỉ. Tuy nhiên, cũng có khách tới tiệm treo 1, 2 ổ nhưng nhân viên chưa kịp hỏi tên thì họ đã vội đi. Chúng tôi chỉ kịp ghi biển số xe". Những hôm không có khách "treo bánh mì", chủ tiệm cũng tự treo để người nghèo không bị đói trong bữa ăn hôm đó.

sau-com-treo-lai-co-banh-mi-treo-day-ap-cho-nguoi-khon-kho-no-bung

Không ít người khuyên chị rằng, nếu để bánh mì treo thì nhiều người già không hiểu, không đến nhận, nên đổi tên. Nhưng sau khi suy nghĩ vài hôm, chị Hân vẫn quyết định giữ tên là "bánh mì treo". Chủ tiệm giải thích: "Chúng tôi nhờ mọi người nếu gặp cô chú nào khó khăn thì chỉ đến tiệm bánh mì hoặc truyền tai nhau có chỗ độc lạ như vậy để bà con biết về khái niệm này. Bên cạnh 10 phần bánh mì mỗi ngày sẵn sàng tặng khách, để ai khi tới tiệm cũng có bánh ăn, chúng tôi còn thoải mái làm thêm hoàn toàn miễn phí nếu hôm đó số lượng người nhận tăng đột biến".

Hiện nay, người nhận chưa có nhiều, nên chị cũng ngại kêu gọi ủng hộ. Nhưng những ai biết tin, đều tới tình nguyện đóng góp, không muốn để lại tên. Người phụ nữ này hy vọng "cơm treo" hay "bánh mì treo" sẽ được mọi người biết nhiều hơn như câu: "Lá lành đùm lá rách".

Theo báo Thanh Niên

Xem thêm: Ấm lòng quán cơm treo nghĩa tình ở TP.HCM: Lấy nụ cười của người nghèo làm lãi

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận