Sai lầm nghiêm trọng cần tránh nếu muốn nghỉ hưu giàu có: Đừng tiết kiệm quá muộn hay rút tiền quá sớm
Không phải ai cũng biết cách quản lý tài chính, và những sai lầm tưởng nhỏ nhưng thực chất rất nghiêm trọng có thể khiến ta chật vật khi về già.
Các chuyên gia tài chính hàng đầu đã tìm hiểu và chỉ ra những sai lầm phổ biến khi ta tiết kiệm tiền cho việc nghỉ hưu. Đừng tiết kiệm quá muộn hay rút tiền tiết kiệm quá sớm, đó là những quyết định sai lầm khiến ta chật vậy khi về già. Tất cả chúng ta nên có một kế hoạch rõ ràng và chi tiết trước khi nghỉ hưu, và né tránh những sai lầm chí mạng như sau:
Cảm thấy tiết kiệm là quá sớm
Có một quan niệm sai lầm là ta nên đợi đến khi dư dả rồi mới nên tiết kiệm cho việc nghỉ hưu. Thế nhưng, chẳng có thời điểm nào tốt hơn ngay lúc này cả. Tiết kiệm càng sớm, tiền của ta càng có thời gian sinh lời. Ngoài ra, khi tiết kiệm sớm, ta sẽ có định hướng rõ ràng và quyết tâm với các lựa chọn đầu tư của mình.
Rút tiền tiết kiệm cho chi tiêu hàng ngày
Có một lời khuyên tài chính mà ai cũng từng nghe, nhưng không phải ai cũng làm được, đó là có một quỹ khẩn cấp. Quỹ khẩn cấp là khoản tiền đủ để ta trang trải từ 3-12 tháng nếu không có thu nhập, là dự phòng về tiền bạc trong những tình huống bất ngờ. Có quỹ khẩn cấp, ta sẽ không cần phải rút tiền tiết kiệm nghỉ hưu để chi tiêu.
Hãy nhớ rằng, tiết kiệm hưu trí chỉ nên được dùng cho mục đích nghỉ hưu sau này. Nếu ta dùng quá sớm, ta dễ bị giảm lãi suất, cũng như không kiên trì với các mục tiêu tài chính. Nhìn chung, trừ những trường hợp thực sự bất khả kháng, nếu không thì ta không nên tiêu tiền để dành cho tương lai chỉ để đáp ứng các nhu cầu hiện tại.
Không tăng tiền tiết kiệm dù thu nhập tăng
Một điuề quan trọng khác ta hay bỏ qua là không tăng tiền tiết kiệm khi thu nhập của ta cao hơn. Hãy cân nhắc thiết lập mức tăng tự động khoản tiền tiết kiệm hưu trí, bởi điều này sẽ giúp tổng tiền ta để dành tăng lên đáng kể và lãi cao hơn. Hãy nhớ là ta vẫn có thể ưu tiên đầu tư vào bản thân – các kế hoạch phát triển nghề nghiệp để tăng thu nhập hơn nữa nếu có thể.
Ưu tiên các khoản khác hơn là tiết kiệm nghỉ hưu
Với nhiều người, do thu nhập còn hạn chế nên thường chần chừ không muốn tiết kiệm hưu trí. Hãy nhớ rằng, con cái, người thân luôn quan trọng, nhưng đừng quên bản thân ta cũng cần được chăm sóc. Nếu muốn để dành tiền cho con học đại học, hãy cân nhắc các khoản vay sinh viên, xin học bổng, trợ cấp hay làm thêm công việc khác.
Chỉ muốn đầu tư sinh lời
Người trẻ thường mong muốn đầu tư sinh lời nhanh, bởi họ còn có nhiều thập kỷ để làm việc và tích lũy cho nghỉ hưu. Thế nhưng, nếu ta đến tuổi sắp nghỉ hưu, tốt hơn hết nên giảm một số rủi ro trong danh mục đầu tư của mình.
Ta nên giữ từ 5-7 năm thu nhập hưu trí ở dạng thu nhập cố định, đừng sử dụng chúng để đầu tư. Như vậy, nếu thị trường chứng khoán, bất động sản hay bất kỳ lĩnh vực đầu tư nào khác biến động tiêu cực, ta cũng không phải bán tháo để thu hồi vốn. Ngoài ra, hãy điều chỉnh danh mục đầu tư, để bản thân có những khoản đầu tư ít rủi ro hơn khi về hưu.
Khi nói đến việc lập kế hoạch và tiết kiệm cho việc nghỉ hưu sau này, ta bắt đầu càng sớm càng tốt. Ta nên ưu tiên cho bản thân trong khi tập trung vào mục tiêu, thời gian và khả năng chấp nhận rủi ro của mình.
Theo Thu Phương/Doanh nghiệp Niêm Yết
Xem thêm: Nữ doanh nhân hé lộ 5 sai lầm tai hại khiến ta không thể đạt mục tiêu nghỉ hưu sớm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận