Quan điểm gây bất ngờ của một người cha: "Tôi nhận ra game không vô bổ từ lúc để con chơi"
Sau khi để con chơi game như mong muốn, người cha này đã có phát hiện bất ngờ và quyết định thay đổi suy nghĩ.
Thực tế, không phải đứa trẻ nào thích chơi điện tử cũng là nghiện game. Nhiều bậc cha mẹ hay nhầm lẫn điều này, và đã có cách dạy con sai lầm khiến mối quan hệ của phụ huynh với con cái rạn nứt.
Anh Phạm Nguyễn, một người cha có con thích chơi game đã tâm sự: "Tôi là dân ngoại đạo về game, nhưng nhờ dạy con mà tôi tiếp cận với game từ khía cạnh giáo dục, sau đó là mở mang kiến thức và rèn luyện kỹ năng. Phải công nhận rất nhiều loại game hiện nay đáp ứng được những nhu cầu chính đáng của người chơi.
Có những loại game chiến thuật mà muốn chơi tốt, bạn phải tham khảo gần cả trăm trang tài liệu, tìm hiểu rất nhiều nhân vật và cần hợp tác của nhiều người chơi khác. Hay như các loại game giả lập về khía cạnh nào đó rất có ích cho trẻ tự kỷ rèn luyện trước khi tiếp cận cuộc sống thực...
Có lúc, tôi thiển nghĩ nếu có thể xây dựng và giới thiệu hệ thống các loại game cho bố mẹ cập nhật để hướng dẫn các con muốn chơi game sao cho phù hợp với nhu cầu và lứa tuổi có thể rất bổ ích. Thế nhưng, trong suy nghĩ của phần đông trong xã hội, game không phải là thứ gì hay ho để học hỏi và nó xứng đáng bị bài xích.
Thực sự, tại Việt Nam, nói tới game đối với học sinh, các bậc phụ huynh hầu như chỉ nghĩ rằng đó là thứ vô bổ, thậm chí độc hại. Còn đối với cá nhân tôi, nếu biết cách sử dụng, game thậm chí rất có ích. Gần đây nhất, con tôi học Giáo dục quốc phòng đã tháo lắp súng thành thạo ngay từ lần đầu tiên. Thì ra, con học được những kiến thức này trong game. Vậy không thể nói game hoàn toàn là ảo được phải không?
Con tôi còn học được rất nhiều thứ hay ho, bổ ích khác từ internet và game. Ban đầu, tôi cho con chơi game chỉ với mục đích để học tiếng Anh, xem mấy clip DIY (Do it yourself) thôi, nhưng về sau, khi rành ngôn ngữ rồi, con chuyển sang chơi game. Từ lúc chơi game, con kết giao được với rất nhiều thành phần trên mạng, từ đủ các quốc gia, tất nhiên tốt - xấu đều có cả. Thế nhưng, tôi không cấm mà ngược lại còn theo sát, hướng dẫn con cách phân biệt và xử lý các tình huống lừa đảo, lôi kéo, hack nick...
Con tôi cũng bị lừa vài lần khá đau, nhưng nhờ vậy giờ mà con hiểu biết hơn, giờ rất rành công nghệ và biết cách phân biệt đúng - sai, đánh giá được con người và nội dung trên mạng một cách sáng suốt. Con còn tự tìm hiểu về tôn giáo, chính trị, kinh tế, xã hội để giao tiếp và hiểu hơn về các "bạn chơi game" của mình. Tôi thấy các con xây dựng được tinh thần đồng đội, hỗ trợ nhau và tổ chức rất tốt qua cách phối hợp chơi, tìm hiểu cách chơi và hiểu tính cách nhau để lập kế hoạch tác chiến...
Gần đây tôi còn tổ chức một buổi offline cho các bạn game của con ở Việt Nam. Thật bất ngờ khi tôi thấy các cháu cũng toàn hàng cao thủ trong học vấn và không có cháu nào bỏ bê việc học. Tôi chỉ chia sẻ thông tin một chiều từ phía mình như vậy, để cung cấp thêm cho các bạn một góc nhìn khác về game. Còn việc đánh giá tốt - xấu thế nào, có nên cho con tiếp cận game hay không, xin dành lại cho mỗi người".
Còn bạn, bạn nghĩ sao về vấn đề này?
Nghiện game là bệnh. WHO đã phân loại một số người chơi game quá mức là đối tượng bệnh có vấn đề tâm thần. Đó là những người ưu tiên chơi game hơn các hoạt động, sở thích khác trong cuộc sống và đã kéo dài tình trạng này quá 1 năm, theo tiêu chí được phác thảo sau:
- Mất kiểm soát đối với việc chơi game (ví dụ quyết định có chơi hay không, hoàn cảnh chơi, tần suất, cường độ, thời gian chơi và khi nào thì dừng lại,...).
- Tăng mức độ ưu tiên dành cho việc chơi game: Khi trò chơi điện tử được ưu tiên hơn các lợi ích cuộc sống khác và hoạt động thường ngày
- Tiếp tục hoặc chơi game ngày càng nhiều, bất chấp sự xuất hiện của những hậu quả tiêu cực.
Theo VnExpress
Xem thêm: Người cha sở hữu đặc điểm này, con cái có thành tích nổi bật hơn hẳn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận