Mõ là gì: Không đơn giản chỉ là nhạc khí quen thuộc với người Việt

Mõ là vật dụng khá quen thuộc với người Việt, cũng đã xuất hiện từ lâu, có nhiều chức năng khác biệt. Vậy mõ là gì?

Chi Nguyễn
14:40 20/04/2023 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Mõ là gì?

Mõ là một loại nhạc khí tự thân vang, xuất hiện từ lây ở nhiều nước châu Á. Dù vậy, không rõ mõ có nguồn gốc từ nước nào, và tùy vào môi trường khác nhau lại có chức năng khác nhau.

Tùy vào các phân loại mà mõ có các tên gọi khác nhau, cụ thể:

- Phân loại theo chất liệu: mõ gỗ, mõ tre, mõ sừng trâu.

mo-la-gi

- Phân loại dựa trên chức năng và nơi sử dụng: mõ chùa, mõ đình, mõ làng,...

Mõ cũng được gọi là mộc ngư, là 1 trong 4 pháp khí quan trọng chốn Thiền môn, gắn với đạo Phật cùng với phạm chung (chuông), pháp cổ (trống), vân bản (khánh).

Phân biệt các loại mõ

Mõ chùa

mo-la-gi

Mõ chùa làm tư gỗ chắc, cứng, có hình dạng cầu dẹt, nhiều kích cỡ to nhỏ khác nhau. Tất cả các mõ chùa đều rỗng, khoét hình lòng máng. Mõ chùa chạm khắc theo hình con cá hoặc cá hóa rồng, gọi là mộc ngư (木魚).

Mõ chùa có âm thành  gòn, âm vang sâu lắng. Với những chiếc mõ cỡ vừa đến đại (từ 2 tay trở lên) người ta thường bọc vải quanh dùi gõ mõ cho tiếng trầm hùng, ấm cúng hơn. Trong chùa mõ được sử dụng khi tụng kinh với vai trò điểm nhịp đều theo lời tụng.

Mõ làng

mo-la-gi

Mõ làng có 2 kiểu dáng thông dụng:

- Mõ đình: To như cột nhà, làm bằng gỗ hoặc thân tre dài tầm 1m. Mõ có hình dạng cá trắm, hình trụ, treo dọc hoặc để nằm trên giá đình làng.

- Mõ nhỏ ầm tay hoặc đeo vào cổ, được làm bằng thân tre hoặc gốc tre già gọt theo hình trǎng khuyết.

Mõ trâu

mo-la-gi

Mõ trâu làm bằng gỗ hoặc gốc tre già, khoét rỗng đáy thông với mặt trên. Mõ trâu có hình hộp đứng, hai mặt đều là hình chữ nhật, ở giữa buộc 2 đoạn gỗ dài hơn chiều cao của mõ khoảng 1 cm.

Mõ trâu là vật dụng quen thuộc của bà con dân tộc miền núi, dùng khi đi chăn thả trâu.

Ngoài ra còn có mõ sừng trâu làm bằng sừng trâu dày, cắt bỏ phần đầu nhọn, lấy phần gốc dài chừng 10 – 15 cm. 

Vì sao lại gọi mõ chùa là mộc ngư?

Nguyên nhân của cái tên "mộc ngư" gắn liền với một câu chuyện cổ trong Phật giáo. Theo đó, ngày xưa có một vị Hòa thượng Trụ trì ở ngôi chùa nọ gần bờ sông, mỗi lần có việc đi xa đều thường quá giang qua chiếc đò ngang nọ.

Vào ngày 13/7 một năm nọ, vị sư thầy quá giang con đò để chủ lễ đàn kỳ siêu. Bất ngờ, lúc ra đến giữa đò, sóng xô âm ầm nổi lên, khiến con thuyền tròng trành trực đắm. Ai nấy đều tỏ ra hoảng hốt, chỉ riêng vị Hòa thượng nọ vẫn ngồi niệm Phật. Sau đó, một con cá kình rất lớn nổi lên, hai mắt đỏ ngầu nhìn vào vị sư thầy mà nói:

mo-la-gi

- Hỡi hành khách ở trên đò! Các người muốn được yên lành, hãy liệng lão ác Tăng xuống đây cho ta, để nuốt chửng nó đi cho hả cơn giận. Các người có biết không?

Ngày trước, ta theo lão tu đạo, lão không chịu giảng dạy chi cả, cứ buông lỏng cho ta muốn làm gì thì làm, không hề kiềm chế. Vì vậy, ta mới sinh ra lười biếng, chỉ lo rong chơi ăn ngủ theo thế tục, không thiết gì tới công phu bái sám, ăn chay niệm Phật và săn sóc công việc Chùa. Không những thế, mỗi khi có đám tiệc lại để cho ta mang hậu đắp y để khoe khoang với đại chúng và bổn đạo.

Vì những tệ đoan như thế, nên sau khi ta chết, phải đọa vào loài súc sinh, làm thân cá kình, đi tới đâu thì ồ ạt tới đó, làm cho những tôm cá chạy đi hết, không có cái gì để ăn, phải chịu đói khát, rất cực khổ, khổ còn hơn loài quỷ đói nữa. Vì thế mà ta chỉ oán lão thôi, còn các người đối với ta vô can, ta không muốn làm hại ai cả.

Nghe cá kình nói xong, vị Hòa thượng mới dừng niệm kinh, mỉm cười đáp:

- Này nghiệt súc! Nhà ngươi nói thế mới thật là thậm ngu. Há ngươi không hiểu câu phương ngôn: Ðạp gai, lấy gai mà lễ, hay sao?

Nếu ngươi đã biết vì tạo những tội lỗi như thế mà phải đọa làm thân cá thì nhà ngươi cần phải ăn năn sám hối tội lỗi và tạo Duyên lành, ngõ hầu mới được tội diệt phước sinh, rồi mới mong thoát khỏi được quả báo. Ta là Thầy ngươi, mỗi khi dạy ngươi đúng theo Giới Luật, thì ngươi bảo là quá nghiêm khắc, hay la mắng quở trách, còn thả lỏng cho ngươi không nghiêm trị, thì ngươi quen tính phóng túng, thành thử mới phải đọa làm loài cá. Một khi bị đày, ngươi cần phải Sám Hối và báo cho ta biết để Tụng Kinh Siêu Độ và xả tội cho, còn nếu như muốn ăn thịt ta thì lấy ai để cứu ngươi nữa. Ðã có tội, không biết ăn năn mà còn kiếm cách đỗ lỗi cho người.

Phạm Phật thì có Tăng Cứu, còn như Phạm Tăng thì Phật không Độ. Ngươi có hiểu câu đó chăng?

Sư thầy dứt lời, con cá kình bất ngờ chìm xuống nước biến mất. Kế đó, 7 ngày đêm sau, vị Hòa thượng đều đặn tụng kinh Cầu Siêu Độ. Hết 7 ngày này, cá kình hôm nọ mới trồi lên mặt nước, lết tới sân chùa, đặng hướng vào bên trong chùa mà nói:

- Bạch Thầy, mấy hôm nay, nhờ công đức của Thầy và Chư Tăng Ni Chú Nguyện và Tụng Kinh Siêu Độ cho, nên con đã được tiêu nghiệp, thoát kiếp cá Kình và lên cõi trời Dục Giới. 

mo-la-gi

Trước khi lên cõi Trời để hưởng sự khoái lạc của Chư Thiên, con xin đến đây thành Tâm Lễ Tạ Ơn Thầy cùng Chư Tăng Ni và con nguyện lưu cái xác thân cá Kình tại Chùa để mỗi ngày, Chư Tăng Ni cầm cây gõ lên đầu con, ngõ hầu làm gương cho những vị nào Tu Hành còn biếng nhác, ưa khoe khoang, tự cao, tự đại, không chịu khép mình vào vòng Giới Luật và cũng là để nhắc nhở cho những vị ấy nhớ tới bổn phận Tu Tâm, Hành Đạo, để khỏi xao lãng công phu Bái Sám, Niệm Phật Tu Thiền, thúc liễm Thân Tâm, nghiêm trì Giới Luật.

Cũng vì sự tích ấy mà cái mõ được chạm khắc theo hình kình ngư, giờ gọi là mộc ngư. Chiếc mõ như một vật để nhắc nhở thức tỉnh người tu hành và cảnh tỉnh đại chúng. Người gõ mõ được gọi là duyệt chúng, nghĩa là "làm vui lòng dân chúng".

Mõ làng trong đời sống làng xã xưa

Mõ làng không chỉ là một vật dụng mà còn là tên của "nghề nghiệp" cxa xưa. Không có tư liệu rõ ràng nói về mõ làng, nhưng có nhiều bằng chứng nhắc đến công việc này.

Trong Tạp chí xưa và nay số 2(12) tháng 2/1995, hai nhà nghiên cứu ngôn ngữ Nguyễn Văn Sự và Nguyễn Xuân Diên cho rằng: “Có hai tư liệu quan trọng giúp xác định sự ra đời của nhân vật này là Hồng Đức quốc âm thi tập và vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính. Ở phần phụ lục Hồng Đức quốc âm thi tập có bài Thằng Mõ… trong Quan Âm Thị Kính, mẹ Đốp là vợ thằng mõ. Mà vở chèo này đã được khẳng định là ra đời vào thế kỉ XV”. Điều đó cho phép khẳng định: nghề rao mõ đã có rất lâu trước khi được đưa vào văn học, là nơi để quần chúng nhân dân gửi gắm, bộc lộ, phản ánh những khao khát của mình. Và nghề rao mõ thường gắn với đình làng.

mo-la-gi

Người rao mõ hay mõ làng chủ yếu xuất hiện ở các làng Việt ở đồng bằng Bắc bộ và Trung du phía bắc. Họ là dân ngụ cư - bộ phận dân bị coi khinh trong cộng đồng làng xã. Dân ngụ cư thời xưa có thân phận thấp kém so với "chính cư", dựng nhà phải ở rìa làng, không được vào đình, không được tham dự việc làng.

Thậm chí, con cái của Mõ sinh ra không được đi học, có dựng vợ gả chồng cũng chỉ được lấy con nhà Mõ. Cũng vì thế, “nghề mõ” trở thành cha truyền con nối. Khi làng có đình đám, cả gia đình Mõ được huy động ra làm “việc làng”, khi chia phần, dân làng cũng chia cho Mõ một cỗ riêng, ăn không hết thì mang về…

Người rao mõ hay bị gọi khinh miệt là "thằng mõ", là người đưa tin truyền miệng. Họ thường cầm cái mõ bằng gộc tre khô và cái dùi tre trong tay, gõ một hồi cho mọi người nghe rồi cất tiếng rao cho mọi người biết tin tức hoặc mệnh lệnh của vua, hay những điều muốn thông báo.

Tổng hợp theo Dân Trí

Xem thêm: Đại Hồng Chung - Chuông u minh là gì?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận