Đại Hồng Chung - Chuông u minh là gì?
Ta thường hay nghe tới "chuông đại hồng", "chuông u minh", nhưng không phải ai cũng biết ý nghĩa của nó.
Chuông là gì?
Chuông là pháp khí linh thiêng, rất quan trọng trong nghi thức Phật giáo. Tiếng chuông chùa vang xa khắp chốn, thâm trầm lại ngân nga, làm thức tỉnh nhân gian khỏi mê đắm bể khổ, trở về cõi an nhiên.
Kinh Tăng Nhất A Hàm có bàn về vấn đề này: “Mỗi khi tiếng chuông chùa ngân vang thì những hình phạt trong ác đạo được tạm thời dừng nghỉ, chúng sanh chịu hình phạt được tạm thời an vui”. "Pháp khí này, về mặt diệu dụng, có công năng phá trừ phiền não, khởi sanh bồ-đề tâm”.
Vì thế, bất kỳ ngôi chùa nào cũng đều có Đại Hồng Chung, tức là chuông lớn, hay là chuông u minh.
U minh là gì?
Theo từ điển Phật học, U Minh (幽冥) có nghĩa là tối tăm, u ám. Từ này thường được dùng để chỉ cõi Địa Phủ, Địa Ngục haynowi tối tăm, u ám.
Theo Phật giáo, Bồ Tát Địa Tạng được xem là giáo chủ cõi U Minh, đã thệ nguyện vào cõi Địa Ngục để cứu độ chúng sanh. Trong Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinhcó dạy rằng: “Địa Ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng Bồ Đề" (Địa Ngục chưa hết thề không thành Phật, chúng sanh độ tận mới chứng Bồ Đề).
Thỉnh chuông vào buổi khuya, sáng sớm cũng được gọi là "thỉnh chuông u minh", tức là thỉnh chuông để cho các chúng sanh trong cõi tối tăm của Địa Ngục được nghe tiếng chuông mà xa lìa khổ đau, chứng quả giải thoát.
Chuông u minh là gì?
Chuông u minh hay còn gọi là Chuông đại hồng (Đại Hồng Chung) là chiếc chuông lớn trong chùa. Chuông u minh thường được gióng vào đầu đêm, cuối đêm.
Trong đó, tiếng chuông đầu đêm nhắc nhở chúng sinh buông bỏ chấp niệm, an yên bản thân để nghỉ ngơi. Tiếng chuôi cuối đêm thức tỉnh mọi người, tỉnh táo vực dậy để tấn tu, chuẩn bị bắt đầu ngày mới.
Mỗi lần chuông đại hồng vang lên, đánh 108 tiếng, đại diện cho tiêu trừ 108 phiền não. Nghe chuông này tâm hồn thanh tịnh, tâm trí nhẹ nhàng, trút bỏ khổ não, tiến tới an vui.
Cái tâm của người đánh chuông
Có một câu chuyện cổ Phật gia như sau:
Có một chú tiểu có nhiệm vụ đánh chuông. Theo quy định của chùa, hàng ngày vào lúc sáng sớm và khi chiều tà thì phải đánh một hồi chuông. Khi mới bắt đầu công việc, thì chú tiểu đánh chuông cũng khá nghiêm túc.
Nhưng nửa năm trôi qua, chú tiểu cảm thấy công việc đánh chuông thật là đơn điệu nhàm chán. Thế là, cậu bèn làm chỉ cốt cho xong chuyện.
Một ngày, sư trụ trì ngôi chùa đột nhiên tuyên bố muốn đưa chú tiểu xuống hậu viện chẻ củi gánh nước, không để cho cậu đánh chuông nữa. Chú tiểu thấy lạ quá, bèn hỏi sư trụ trì: “Không biết có phải tại con đánh chuông không đúng giờ, không vang tiếng hay sao?”.
Sư trụ trì bảo: “Con đánh chuông rất là vang, nhưng tiếng chuông rỗng tuếch, èo uột, bởi vì trong lòng con không hiểu được ý nghĩa của việc đánh chuông, cũng không có chú tâm làm việc ấy. Tiếng chuông không những là thước đo cho thời gian làm việc nghỉ ngơi trong chùa, mà quan trọng nhất ấy chính là thức tỉnh tâm mê muội của chúng sinh. Vì vậy, tiếng chuông chẳng những cần phải vang dội, mà còn cần phải mượt mà, hùng hậu, thâm trầm, lan xa. Người mà trong tâm không có chuông, có nghĩa là không trọng Phật. Nếu không thành kính, thì làm sao đảm đương chức vụ đánh chuông được?”.
Chú tiểu nghe xong, đỏ mặt xấu hổ, rồi sau đó dốc sức tu luyện, cuối cùng trở thành một cao tăng nổi tiếng”.
Vốn dĩ, tiếng chuông chùa cũng tựa như Pháp âm, nên đương nhiên người đánh chuông cũng phải có chú tâm thành kính. Như vậy, không chỉ giúp cho người dương thức tĩnh, lâng lâng cõi lòng, hướng tâm về cõi thiện lành, mà còn giúp cảm hóa cho cõi âm được nhẹ nhàng siêu thoát. Việc thành tâm hằng ngày lo nhiều thời thỉnh chuông, không phải là việc tầm thường, mà cũng đang góp phần tích cực trong Phật sự “hoằng pháp lợi sanh” giúp cho cả cõi âm và dương đều lợi lạc.
Tổng hợp
Xem thêm: Vì sao chuông U minh thường điểm 108 tiếng và được thỉnh hai lần trong ngày?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận