Mẹ Việt ở Nhật dạy con quy tắc 5S đầy sâu sắc: Bài học lớn nhất của người thành công là tập luyện chăm chỉ
Muốn con có tính tự giác - độc lập từ sớm, mẹ Việt ở Nhật Bản đã dạy con theo quy tắc 5S đầy sâu sắc này.
Chị Hoa (38 tuổi, biên tập viên) đưa cả gia đình sang Nhật định cư và làm việc được 7 năm. Từ khi ở Việt Nam, bà mẹ bỉm sữa này đã sớm giáo dục con theo cách của người Nhật. Chị cho rằng, như vậy con trẻ mới có tính tự lập, biết tự chịu trách nhiệm và có khả năng sắp xếp công việc hiệu quả.
Bí quyết của chị là quy tắc 5S đầy sâu sắc. 5S gồm có:
- Sàng lọc: Phân loại, loại bỏ những thứ không dùng đến giúp định lượng đủ theo nhu cầu sử dụng;
- Sắp xếp: Xếp những vật dụng gọn gàng, khoa học và tiện lợi;
- Sạch sẽ: Giữ gìn nhà cửa và thiết bị nhằm hạn chế bừa bãi, mang đến tinh thần thoải mái khi làm việc;
- Săn sóc: Đưa ra thời gian biểu và thông tin hướng dẫn giữ gìn vệ sinh bằng cách phân chia trách nhiệm cho từng cá nhân, đảm bảo tính hiệu quả;
- Sẵn sàng: Mọi thành viên trong gia đình thực hiện theo những quy tắc đã đề ra, hình thành thói quen mỗi ngày.
Ngày từ khi mới 2 tuổi, các con đã được chị dạy cách cầm dao thái cắt hoa quả mềm. 1 năm sau, hai bé đã cắt thành thạo củ quá cứng, chưa một lần bị đứt tay. Đồng thời,chị cũng bắt đầu dạy con cách nấu cơm bằng nồi cơm điện.
Theo người mẹ này, gia đình chị không có quy tắc, lằn ranh nào về sự nguy hiểm hay những việc cấm. Việc người lớn thường cấm cản trẻ em cầm dao, cắm điện,... đã kìm hãm tính sáng tạo, tư duy độc lập của các bé.
Hai con của chị là Tuệ Nhi (10 tuổi) và Tuệ Nhiên (7 tuổi) được mẹ dạy theo quy tắc 5S từ sớm. Đến giờ, các bé đã có tính tự lập cao, không nghịch ngợm đồ điện, thuốc tẩy rửa độc hại,... Khi các con 1,5 tuổi, mỗi khi ăn xong, hai bé được mẹ hướng dẫn để khay vào bồn, đến hai tuổi đã tự rửa bát của mình. Lớn hơn, mỗi ngày đi học về, hai chị em đều tự giặt đồ, phơi gấp quần áo, chuẩn bị đồ cho hôm sau đi học, lau dọn phòng. Thấy cửa kính, bàn ăn hay bếp bẩn, hai bé đều tự giác cầm khăn lau.
Chị Hoa tâm sự: "Đây chính là tinh thần sẵn sàng cũng như cách giải quyết và đối diện với những vấn đề khó". Dù còn nhỏ, nhưng chị cho rằng, các con nên được biết về vai trò, trách nhiệm xây dựng và giữ gìn căn nhà của mình. Chị tập cho các con tinh thần tự giác, làm công việc hàng ngày như một thói quen.
Cũng vì thế, hai bé gái làm việc nhà như một niềm vui. Ở nhà có bảng phân công công việc, ai muốn làm gì thì "đăng ký" và tự giác làm. Bố mẹ được phân chia công việc giống các con. Làm ít hay làm nhiều tùy sức, không có phần thưởng nhưng đã đăng ký phải có trách nhiệm hoàn thành.
Bé gái lớn Tuệ Nhi vốn thích nấu nướng, chị Hoa rất tạo điều kiện cho con. Khi mới hơn 3 tuổi, chị đã dạy con cách nấu ăn. Những món ăn ban đầu còn sống sượng, còn mặn chát, nhưng cả nhà vẫn luôn ăn hết để khuyến khích bé. Năm 4 tuổi, bà mẹ bỉm sữa đã cho con tiền đi siêu thị, mua thực phẩm hằng ngày. Với phần tiền thừa, chị cho con tùy ý sử dụng. Cô bé cũng không tiêu xài hoang phí, thường bỏ lợn tiết kiệm, khi thì mua bút và giấy vẽ, lúc lại quyên góp cho trẻ em nghèo vùng cao ở Việt Nam.
Đến khi được 6 tuổi, Tuệ Nhi đã tự nấu cơm hộp mang đi học rồi nấu bữa tối cho cả gia đình. "Bài học lớn nhất của một người thành công chính là tập luyện chăm chỉ. Trong mọi công việc chỉ cần rèn luyện đủ 10.000 giờ sẽ lành nghề", chị Hoa nói.
Ngoài ra, để hai con cứng cáp, vợ chồng chị thường đưa con đi cắm trại, du lịch vào cuối tuần. Mỗi lần đi học lại di chuyển theo cách khác nhau, Tuệ Nhi và Tuệ Nhiên vì thế phải tự xách và bảo quản đồ. Cũng nhờ vậy, hai bé cứng cỏi, khỏe mạnh, ít ốm đau, cũng ít than thở. Ngoài ra, họ còn tạo tình huống để các con tập làm quen, như làm gì khi trời mưa, tuyết lạnh, hay muốn nướng thịt phải học cách đi nhặt củi, nhóm lửa...
Ở nhà, hai bé không có nhiều đồ chơi, cũng không có nhiều quần áo, giày dép. Mỗi mùa, mẹ chỉ mua cho các con năm bộ quần áo, giày chỉ có hai đôi. Chính vì vậy sau những chuyến đi, hai chị em phải giặt sạch, biết bảo quản đồ cá nhân vì để bẩn sẽ không có đồ để dùng. Hai bé cũng biết khâu vá lại những chiếc quần bị bục chỉ, những chiếc áo bị tụt khuy.
Bà mẹ Việt tâm sự, dạy con quan trọng nhất là sự kiên nhẫn và tôn trọng trẻ. Chị tuyệt đối không đánh mắng con, bởi chị cho rằng đó chỉ là sự bất lực của bố mẹ. Chị Hoa nói: "Người xưa có câu: Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình. Tôi luôn nghĩ tập luyện cùng con cũng chính là tập luyện và phát triển cho chính bản thân mình".
Theo VnExpress/Ảnh: Hoa Quỳnh Nguyễn
Xem thêm: Chuyên gia bật mí 4 kiểu bố mẹ khó dạy con thành tài: Phụ huynh nên lưu ý
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận