Chuyện người mẹ xa xứ của 300 trẻ mồ côi: Hàng tháng bay từ Mỹ về chăm con
6 năm qua, gần như mỗi tháng một lần, chỉ cần rảnh tay là chị Di Ái Hồng Sâm lại khăn gói từ Mỹ về Việt Nam để thăm nom 300 trẻ mồ côi.
Di Ái Hồng Sâm tâm sự, cơ duyên đưa chị đến với các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn này đến từ 6 năm trước. Đó là khi chị lần đầu tới thăm mái ấm Vinh Sơn 1, TP Kon Tum. Vừa bước xuống xe, thấy một bé gái 2 tuổi chập chững bước lại, ôm chầm lấy mình, chị không khỏi xúc động.
Bác sĩ người Mỹ gốc Việt nhớ lại: "Khoảnh khắc ấy, tôi hiểu bọn trẻ ở đây khát khao có một người mẹ". Chị nghĩ rằng nếu chỉ tặng quà một lần, thì số phận lũ trẻ nơi đây vẫn bấp bênh như thế. Vì vậy, chị tìm gặp các sơ, xin nhận làm mẹ đỡ đầu, bảo trợ cho bọn trẻ ăn học đến khi trưởng thành.
Chị vốn là một người năng nổ với các hoạt động xã hội, từng hai lần được chính phủ Mỹ trao giải thưởng cống hiến trọn đời. Ở bên kia đại dương, chị đã nhận nuôi 8 đứa trẻ mồ côi trưởng thành, giờ đều học đại học. Nữ bác sĩ cười, nói: "Tôi vui khi bây giờ có thêm hàng trăm đứa con khác ngay tại quê hương Việt Nam".
Nhờ sự giúp đỡ của chị, mái ấm Vinh Sơn 1 đã thoát cảnh khó khăn. Sơ Văn, người trực tiếp quản lý mái ấm kể, thi thoảng cũng có nhóm từ thiện đến thăm và tặng quà nhưng chỉ giải quyết được những thiếu thốn tạm thời. "Từ ngày mẹ Sâm xuất hiện, mọi việc lớn nhỏ của các con cô ấy đều giúp sức cáng đáng", sơ kể.
Nhớ lại lần đầu thăm nom những đứa trẻ ở mái ấm, chị giật mình khi thấy các em đầy vảy trắng trên đầu. Hỏi ra mới biết, do thiếu thốn, không có dầu gội, các sơ đành dùng bột giặt gội thay. Xót xa, chị tự đi siêu thị mua dầu gội, mua lăn khử mùi và những vật dụng cá nhân cho các con. Khi có người hỏi, chị không ngần ngại trả lời: "Đó là con tôi. Tôi muốn các con không những ăn no, học giỏi mà còn phải sạch đẹp".
Tuy ở phương xa, nhưng gần như mỗi tháng chị Di Ái Hồng Sâm lại lên đường trở về Việt Nam. Thậm chí, để hiểu hơn về các con, chị Sâm bảo tụi nhỏ viết thư gửi cho mình. "Con chào mẹ, con rất biết ơn vì để chúng con được gọi tiếng mẹ..."; "Mẹ ơi hôm nay con có chuyện giấu, con không dám nói mẹ, con nhớ mẹ con khóc á mẹ...". Đó là những lá thư đầu tiên, nét chữ nghuệch ngoạc nhưng khiến chị khóc.
Thương các con, lại muốn chúng có tương lai rộng mở, chị thường gọi điện tỉ tê qua video call mỗi ngày. Chị tự hào khoe: "Tôi kể chuyện về những tấm gương nghị lực cho con nghe và động viên chúng bằng những món quà. Từ 23 bàn tay học khá giỏi giơ lên, tháng sau tôi về đã là 33 đứa.
Các em nhỏ ở mái ấm nơi đây mỗi đứa một cảnh, đủ các độ tuổi. Đứa nào muốn gì, chỉ cần bày tỏ, chị đều hết lòng giúp đỡ. Nữ bác sĩ cho hay: "Mình cho con cá, cho cần câu và phải cho luôn chúng cách sử dụng cần câu", chị nói. Các con của mẹ Sâm chủ yếu là trẻ dân tộc Bana, cách sống rất đơn giản chỉ bằng lòng với "mỗi ngày tụi con lên rẫy, có sắn, gạo với khoai là đủ no, đủ hạnh phúc rồi, tụi con không cần chi nữa". "Lúc đó, mình gạt ngay suy nghĩ của các con và tìm cách làm tư tưởng để chúng nhìn về tương lai tốt hơn", người mẹ nuôi nhân ái kể.
Giờ đây, có không ít đứa trẻ đã lớn khôn, có công ăn việc làm đầy đủ. Thậm chí, có những người còn đi làm ở công ty của chị. Chẳng hạn như A Toản (21 tuổi), vốn là đứa quấn chị nhất, nay đã vào công ty chị Sâm làm việc. Toản nói: "Em sinh ra chưa đầy một tuổi đã mồ côi nên chưa bao giờ được cất tiếng gọi mẹ. Từ khi gặp mẹ Sâm, khát khao được gọi mẹ đã thành sự thật. Chỉ mong mỗi tháng đều gặp và ôm mẹ trong lòng".
Hồi tháng 11 vừa rồi chị về lại Mỹ, Toản mắt đỏ hoe ôm lấy chị, không muốn rời. Cậu bé có giọng hát rất hay, giỏi đàn ghita nên thường hát gửi tặng mẹ. "Những lúc công việc căng thẳng, mình nghe những đoạn video con hát mà thấy nhẹ lòng", chị nói.
Về phía chị Sâm, chị cho biết 90% lợi nhuận từ kinh doanh đều để làm từ thiện. Khi mở rộng kinh doanh, đầu chị chỉ nghĩ tới các con. Người phụ nữ nhân ái kể: "Tôi luôn nghĩ làm sao có đủ công việc để vừa có nguồn kinh phí lo cho con, vừa làm bến đỗ cho chúng sau này".
Khi bọn trẻ trưởng thành đi làm có thu nhập, chị thỏa thuận với các con dành 10% tiền lương để lo cho những em nhỏ sau mình. Chị nói, làm như thế để dạy cho bọn trẻ biết cách quan tâm đến người khác. "Không riêng tôi, mà các con tôi cũng sẽ được truyền tiếp về tình yêu thương giữa người với người".
Chị bảo, gặp các con cuộc đời chị có được những mảnh ghép hoàn thiện hơn và hữu dụng hơn trên thế gian này. Chị bày tỏ: "Sống là cho đi. Uớc mơ của tôi là nhìn thấy trẻ mồ côi có được hạnh phúc trong cuộc đời. Chị mong muốn nhiều người khác cũng hãy mở lòng để những đứa trẻ không còn bất hạnh".
Theo Minh Tâm/VnExpress
Xem thêm: Chuyện về "cụ ông thiên thần": Rong ruổi suốt 4000 đêm đi nhặt ve chai giúp học sinh nghèo
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận