Thần kỳ chuyện hồi sinh của Trạng nguyên tiết nghĩa vang danh lịch sử Việt Vũ Duệ
Vũ Duệ là Trạng nguyên thứ 18 của nước ta, không chỉ nổi tiếng bởi tài năng, khí tiết mà còn ở giai thoại hồi sinh thần kỳ.
Vũ Duệ (武睿) vốn tên là Vũ Nghĩa Chi, sau vua Lê Thánh tông cho đổi tên là Vũ Duệ. Ông nổi tiếng thông minh, từ năm 7 tuổi đã đọc thông, viết thạo nên được mệnh danh là "Thất Tuế Thần Đồng". Năm 1490, khi ấy Vũ Duệ 22 tuổi đã thi đỗ Trạng nguyên, cùng khoa với Ngô Hoán (đỗ Bảng nhãn) và Lưu Thư Ngạn (đỗ Thám hoa). Ông làm quan suốt nhiều đời vua, giữa các chức Tỉnh ý bỉnh văn công thần, Lại bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ, Nhập thị kinh diên, hàm Thiếu bảo, tước Trình Khê hầu.
Chuyện hồi sinh kì lạ năm 4 tuổi
Vũ Duệ là người làng Trình Xuyên, xã Trình Xá, huyện Sơn Vi, phủ Thao Giang, thừa tuyên Sơn Tây (nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ). Tương truyền rằng, năm ông lên 4 tuổi, Vũ Duệ không may mắc bệnh đậu mùa rồi chết. Cha mẹ bấy giờ rất đau xót, nhưng nhà nghèo nên chỉ có cái chiếu cói bó xác con lại, đặt ngoài hiên để mang đi chôn.
Bỗng nhiên, không rõ từ đâu có một con chó xuất hiện, chạy tới nằm bên thi thể ông. Người nhà định đem xác Vũ Duệ đi chôn thì con chó ấy sủa vang, đuổi cắn khiến gia đình vô cùng bối rối. Tối hôm đó, trời bỗng nổi gió, mưa như trút nước. Mưa vừa ngớt, bỗng có tiếng trẻ con khóc lớn, người nhà chạy ra, vô cùng kinh ngạc khi thấy Vũ Duệ sống lại.
Sử gia Lê Quý Đôn đã ghi lại trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục như sau: "Trạng nguyên Vũ Duệ người xã Trình Xá, huyện Sơn Vi, lúc lên 4 tuổi bị bệnh đậu chết cứng, người nhà bó thây bằng chiếu cói, bỏ ở ngoài hè, có con chó nằm bên cạnh để giữ, mỗi khi người nhà muốn ra lấy đem đi chôn liền bị con chó ấy cắn, không ai dám đến gần, họ lấy làm quái lạ, chần chừ đến tối, gặp trận mưa to, ông được sống lại, cất tiếng khóc, người nhà lại đem vào nuôi. Có lẽ bệnh đậu nóng quá, gặp được hơi mưa nên giải được nọc độc".
Cái chết kì bí của Trạng nguyên
Sau khi đỗ Trạng nguyên, Vũ Duệ được triều đình giao cho giữ chức Tản trị thừa tuyên sứ ty, Tham chính xứ Hải Dương. Sau đó, ông được vua Lê Chiêu Tông thăng chức Lại bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ nhập thị Kinh diên, hàm Thiếu bảo, tước Trình Khê hầu, ban phong là Trinh ý công thần.
Sinh thời, Vũ Duệ làm quan trải 6 triều vua từ Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông. Ông là người sống ngay thẳng, thông thái, luôn hết lòng để giúp dân, giúp nước. Sau này, Mạc Đăng Dung thao túng triều đình, lập bè kết đảng, có ý nhòm ngó ngôi vua. Nhiều kẻ xu thời liền ngả theo với hi vọng có được địa vị, bổng lộc lớn, riêng Vũ Duệ vẫn giữa khí tiết năm xưa, theo phò vua Lê.
Năm 1522, vua Lê Chiêu Tông vì lo sợ thế lực họ Mạc mà bí mật thoát khỏi Thăng Long, chạy vào Thanh Hóa. Vũ Duệ cùng Lại bộ thượng thư Ngô Hoán và môn đồ là Nguyễn Mẫn Đốc đuổi theo vua Lê Chiêu Tông, nhưng đến cửa biển Thần Phù (gần Thanh Hóa) thì mất liên lạc, không thấy vua đâu. Vũ Duệ liền đeo ấn Ngự sử, quay mặt về Lam Kinh bái lạy lăng miếu nhà Hậu Lê rồi tự tử để tỏ lòng trung nghĩa. Về sau, tới nhà Lê trung hưng, triều đình cho lập đền thờ và phong ông là thượng đẳng phúc thần.
Về cái chết của ông, sử sách có ghi nhiều điểm khác biệt. Bộ "Lịch triều hiến chương loại chí", mục Nhân vật chí viết: "Năm Nhâm Ngọ (1522), Chiêu Tông phải vào Thanh Hoa, ông theo vua đến Lam Sơn, mặc áo mũ lạy lăng miếu rồi lui ra tự vẫn chết. Sau, đời Trung Hưng lục và khen thưởng người tiết nghĩa, cho ông làm bậc nhất, truy phong phúc thần hạng trên, dựng đền cúng lễ".
Trong khi đó, "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" lại ghi: "Lại bộ thượng thư Đông các đạo học sĩ thị Kinh diên là Vũ Duệ và Lại bộ thượng thư là Ngô Hoán cùng với môn đồ là bọn Nguyễn Mẫn Đốc thống suất hương binh đi theo nhà vua, đến Thanh Hoa, đứt liên lạc, không biết nhà vua ở đâu. Họ đều hướng về lăng tẩm Lam Sơn, bái vọng, rồi tự vẫn cả".
Hầu hết các tư liệu đều chép Vũ Duệ tự vẫn, nhưng mỗi nơi lại ghi khác nhau. Chẳng hạn, "Ngự chế Việt sử tổng vịnh" của vu Tự đức ghi rằng sau khi bái lạy lăng miếu vua Lê, Vũ Duệ đã dùng dao đâm cổ tự tử. Trong sách có bài thơ vịnh về vị trạng nguyên này như sau:
Thuần mỹ cô ngâm khốc tịch dương,
Nan tương bút lực cự phong mang.
Chính quan nhất bái Lam Sơn hạ,
Thiểu đáp thù tri tinh tự chương.
(Thuần mỹ riêng ngâm khóc tịch dương,
Khôn đem ngòi bút chống phong mang.
Áo khăn bái lạy Lam Sơn điện,
Tên nọ nào hay được vẻ vang.)
Tiến sĩ triều Mạc Hà Nhiệm Đại trong tác phẩm vịnh sử "Khiếu vịnh thi tập" cũng có bài thơ về Vũ Duệ:
Tuổi trẻ đỗ đầu các khoá thi,
Danh nho sự nghiệp thật là kỳ.
Trung, trinh Thiếu Bảo lòng như thép,
Không phụ Thuần Hoàng đoán tự xưa.
60 năm sau, nhà Lê đánh đuổi họ Mạc, khôi phục lại thành Thăng Long. Lúc này, vua cho đúc lại ấn Ngự sử nhưng mãi không được, mới nhớ ra năm xưa Vũ Duệ đeo ấn mà nhảy xuống biển tự tự. Vua sai người lặn xuống cửa biển Thần Phù, truy tìm ấn quả cũ. Khi lặn xuống, người ta vô cùng kinh ngạc khi thấy Vũ Duệ vẫn mũ áo chỉnh tề, cổ đeo túi ấn, ngồi xếp bằng dưới đáy biển tựa như còn sống.
Vua Lê lấy làm lạ, nghĩ rằng khí tinh anh của ông đã giúp ông giữ lại vẻ ngoài như thế, liền sai người làm lễ cúng bái, vớt xác Vũ Duệ khâm niệm trọng thể. Sau đó, thi hài ông được đưa về làng Trịnh Xá an táng, vua cho xuống chiếu lập đền thờ, đặng phong làm Thượng đẳng phúc thần. Ở đền thờ Vũ duệ phía ngoài cổng có 3 chữ "Tiết nghĩa từ", phía trong có bức hoành phí ghi "Vương thất huân lao", đều do vua Lê Huyền Tông ban tặng. Vì thế, người dân gọi đền thờ ông là "Trạng nguyên tiết nghĩa từ" (Đền thờ Trạng nguyên tiết nghĩa).
Về cái chết kì lạ của vị trạng nguyên này, sách "Tang thương ngẫu lục" có ghi như sau: "Gặp khi trong nước có nhiều biến cố, ông theo vua Chiêu Tông chạy vào Thanh Hóa. Quyền thần Mạc Đăng Dung đem quân đón về, ông mắng chửi tàn nhẫn rồi mang cả quả ấn Ngự sử gieo mình xuống cửa bể Thần Phù tự tử.
Khi tiên triều Trung Hưng, ấn Ngự sử đúc mãi không thành, bèn sai phường chài lặng xuống cửa bể ấy mò tìm. Người lặn xuống thấy ông vẫn đội mũ mặc áo như đang sống. Tính từ khi ông mất, đã hơn 60 năm. Bấy giờ mới đưa [thi hài] về huyện Sơn Vi an táng".
Giai thoại thuần phục voi trắng của nữ tướng Bùi Thị Xuân văn võ song toàn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận