Chàng khuyết tật bén duyên với tranh gạo, dạy nghề cho người đồng cảnh ngộ
Đam mê hội họa, anh chàng khuyết tật Cao Văn Tuân đã mày mò học làm tranh gạo, sau đó còn dạy cho người đồng cảnh ngộ.
Anh Cao Văn Tuân (SN 1987, Thanh Hóa) vốn sinh ra khỏe mạnh như nhiều bạn đồng trang lứa. Thế nhưng, khi mới hơn 1 tuổi, anh bị ngã từ trên võng xuống, khiến một bên chân vĩnh viễn bị tật từ đó.
Dù khiếm khuyết một phần cơ thể, nhưng vượt qua mặc cảm, Cao Văn Tuân luôn chăm chỉ, nỗ lực trong học tập. Năm 2009, anh tốt nghiệp ngành Hán Nôm, khoa Ngữ Văn, trường Đại học Khoa học Huế. Đáng nói, vì là người khuyết tật, anh gặp khó khi xin việc, liên tục bị từ chối.
Đang lúc bế tắc, anh được một người bạn tặng cho 1 bức tranh bằng cát để động viên. Cũng nhờ đó, mà anh nảy ra ý tưởng làm tranh bằng nguyên liệu khác không phải là cát để thêm phần độc đáo. Chưa kể, anh còn nhận ra rằng, những nguyên liệu thân thiện với môi trường càng ngày càng được ưa chuộng.
Nghĩ là làm, chàng trai trẻ bắt đầu thử nghiệm với nhiều vật liệu khác nhau để gắn lên những bức tranh, cuối cùng anh Tuân chọn hạt gạo làm nguyên liệu chính cho dòng sản phẩm của mình. Và rồi năm 2010, những bức tranh gạo rang của chàng trai Thanh Hóa ra đời.
Ban đầu, anh làm để tặng người thân, bạn bè là chính. Phát hiện nhiều người yêu thích loại tranh này, anh sản xuất số lượng lớn để bán ra thị trường. Quy trình để hoàn thiện một bức tranh gạo được, người nghệ nhân phải trải qua rất nhiều bước. Đặc biệt, người thợ phải thật sự tập trung và có tính kiên trì. Nếu không có được hai điều này, bức tranh sẽ bị phá nét và không có hồn.
Gạo dùng để làm tranh phải là hạt to dài, đủ ngày, không phải gạo chín ép. Gạo phải thật chất lượng, nếu không bức tranh sẽ không bền, dễ hỏng. Sau khi chọn được nguyên liệu, khâu rang gạo được xem là quan trọng nhất. Tranh gạo đặt tính chất tự nhiên lên hàng đầu nên không được sử dụng màu nhuộm, vì vậy để tạo ra màu sắc tự nhiên, người thợ phải rang gạo hoàn toàn thủ công để tạo ra những mẻ gạo với màu sắc đậm, nhạt khác nhau...
Giờ đây, làm đã quen tay, mỗi bức tranh chỉ tốn 2-3 ngày cặm cụi làm.Nếu là bức trnah phức tạp, cầu ký, anh Tuân làm trong 2-4 tuần. Qua bàn tay khéo léo của anh, những hạt gạo như được "thổi hồn" để trở thành những bức tranh mang đậm chất nghệ thuật với chủ đề thiên nhiên, phong cảnh, con người, tranh thư pháp…
Vào năm 2014, anh Tuân tham gia Hội người khuyết tật Thanh Hóa. Tại đây, nhiều người khiếm khuyết giống như anh cũng có mong muốn được học hỏi nghề làm tranh gạo. Chàng trai xứ Thanh đã không ngần ngại bỏ thời gian, công sức truyền nghề miễn phí cho người khuyết tật và người dân có nhu cầu học.
Không những dạy trực tiếp cho các học viên, nhiều người ở xa còn nhờ anh chỉ dẫn qua online. Đến nay, anh đã dạy nghề làm tranh gạo cho hơn 50 người, trong đó còn có một số người không khuyết tật nhưng có hoàn cảnh khó khăn muốn có công việc làm thêm.
Anh tâm sự: "Mỗi học viên để làm được một bức tranh gạo phải học khoảng 3-4 tháng. Lúc đầu, học viên đến học lẻ tẻ, dần dần họ đến đông hơn". Sau khi đào tạo đội ngũ học viên này thành thạo việc, anh tiếp tục tạo công ăn việc làm cho họ bằng cách nhận hàng đặt rồi gửi cho các học viên làm.
Bản thân anh có thu nhập khá từ việc làm tranh gạo, mỗi tháng kiếm về 8-10 triệu. Chưa kể, vào các dịp lễ Tết, người dân mua nhiều, thu nhập có thể cao hơn. Anh còn tạo công ăn việc làm cho 20 học viên, thu nhập khoảng 2,5 triệu - 4 triệu đồng/người/tháng tùy theo năng suất làm việc.
Năm 2016, anh Cao Văn Tuân được tham dự Hội nghị tuyên dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V và được nhận Bằng khen của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam; Bằng khen của Liên hiệp hội người khuyết tật Việt Nam. Chàng trai Thanh Hóa cũng được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tặng Bằng khen trong Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" do đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội tại địa phương. Hiện nay, anh Tuân là Giám đốc HTX tranh đồ mỹ nghệ Tâm Phát, Phó Chủ nhiệm CLB thanh thiếu niên khuyết tật khởi nghiệp và phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Hiện nay, anh Tuân là Giám đốc HTX tranh đồ mỹ nghệ Tâm Phát, Phó Chủ nhiệm CLB thanh thiếu niên khuyết tật khởi nghiệp và phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Theo báo Dân Trí
Xem thêm: Chuyện chàng thanh niên khuyết tật hăng hái hiến máu gần 30 lần
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận