Có một bếp chay 0 đồng của cụ bà U80 còng lưng nấu ăn cho người nghèo ấm áp như thế

4 năm qua, bếp chay 0 đồng của ngoại My, một cụ bà U80 luôn bập bùng lửa, đem tới những suất cơm ngon lành cho người nghèo.

Chi Nguyễn
2 ngày trước Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Bà Nguyễn Thị My (73 tuổi) và ông Trần Văn Hồng (88 tuổi) là những người mở ra bếp chay 0 đồng tại số 207 Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh, TP.HCM). 4 năm qua, bếp chay 0 đồng của họ liên tục hoạt động, mang tới những suất cơm ấm bụng cho người nghèo.

Nhớ lại khoảng thời gian đầu mở bếp, ngoại My cho biết khi lên Sài Gòn trị bệnh vào năm 2019, để tiện việc thăm khám, bà thuê căn nhà nhỏ để ở. Dịch Covid-19 bùng phát, nhìn thấy nhiều người khó khăn, thiếu thốn, ngoại My thương quá bèn rút hết tiền tiết kiệm để nấu cơm từ thiện.

"Ngoại rút hết 80 triệu đồng, nào hết tiền thì mình về quê", ngoại My cười tít mắt nhớ lại quyết định "liều lĩnh" của mình. Vì thương vợ nên ông Hồng cũng xiêu lòng trước sự quyết tâm của ngoại My, thoắt một cái đã 4 năm, ông bà gắn bó với mảnh đất duyên nợ này.

bep-chay-0-dong-cua-cu-ba-u80-cong-lung-nau-an-cho-nguoi-ngheo
bep-chay-0-dong-cua-cu-ba-u80-cong-lung-nau-an-cho-nguoi-ngheo

Vừa đưa ra khỏi lò, ông Hồng cẩn thận xới những khay cơm bốc khói nghi ngút: “Mỗi ngày ông bà phát từ 200 đến 250 phần cơm miễn phí. Có người tới mà đã hết cơm rồi thì ông vào nhà lấy phần cơm mà bà chừa sẵn cho luôn”, ông tâm sự. 

Để nấu hàng trăm suất cơm mỗi ngày, ngoài vợ chồng ngoại My, nhiều cô chú tình nguyện viên cũng tìm đến hỗ trợ. Mỗi người một việc, người múc cơm, người chia đồ ăn, người đóng hộp di chuyển ra bàn phía trước... tạo nên dây chuyền phối hợp vô cùng ăn ý. Chẳng mấy chốc, chiếc bàn inox trước cửa đã chất cao cả trăm phần cơm một cách ngay ngắn.

Tuy là cơm 0 đồng nhưng các món rau củ được ngoại My chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Ban đầu chỉ có 2 vợ chồng làm âm thầm nên khá vất vả, cũng không thể nấu được nhiều suất cơm giúp đỡ bà con nghèo. Nhờ có sự chia sẻ của mạng xã hội, mọi người truyền tai nhau nên tình nguyện viên đến bếp hỗ trợ ông bà ngày một đông, từ đó giúp cho việc phân chia và sắp xếp công việc cũng hiệu quả hơn. Mặc dù đứng bếp khá vất vả, lại phải thức khuya dậy sớm, lọ mọ chuẩn bị từng thứ nhưng ngoại My không hề thấy mệt mỏi. Trái lại, ngày nào cơm hết sớm, ngoại càng mừng vì mình làm thêm được một việc ý nghĩa.

bep-chay-0-dong-cua-cu-ba-u80-cong-lung-nau-an-cho-nguoi-ngheo
bep-chay-0-dong-cua-cu-ba-u80-cong-lung-nau-an-cho-nguoi-ngheo

Để kịp nổi lửa vào sáng sớm, nhiều loại rau củ đã được sơ chế từ chiều hôm trước. Vào mùng 1 và 15 âm lịch (rằm), bếp ăn thậm chí phải hoạt động xuyên đêm để làm thêm hàng chục phần đồ chay bán cho khách. Bằng việc bán bánh mì bì chay, bún chay và mắm thái (làm từ đu đủ) đồng giá 15.000 đồng/phần, ngoại My cùng với các tình nguyện viên cố gắng kiếm thêm chút tiền để tự túc một số chi phí. 

Ngoại My chia sẻ nhiều lúc làm việc mệt mỏi và muốn đóng cửa bếp từ thiện. Thế nhưng, cứ thấy gương mặt hạnh phúc của người lao động khi nhận cơm chay 0 đồng, cụ bà U80 lại quyết tâm làm việc tử tế.

Từ tấm bảng nhỏ “Cho cơm từ thiện - Cơm rau quả 0 đồng”, giờ đây quán cơm chay của ngoại My đã nâng cấp thành “Bếp 0 đồng - Nghĩa tình mặt trận” do Ủy ban MTTQVN quận Bình Thạnh chứng nhận. Không chỉ riêng các cô chú tình nguyện viên, người dân xung quanh bếp từ thiện ai cũng mong vợ chồng ngoại My luôn mạnh giỏi, để tiếp tục nấu cơm và san sẻ gánh nặng mưu sinh cho thật nhiều bà con hơn.

Theo Tri thức & cuộc sống

Xem thêm: Ấm lòng những tình nguyện viên nhận sửa xe miễn phí cho bà con vùng lũ

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận