Bát khổ là gì và triết lý sâu sắc của Khổ

Bát khổ là tám nỗi khổ xét theo sự việc, hiện tượng, thuộc loại Khổ khổ trong Tam khổ, là một trong những khái niệm quan trọng của đạo Phật.

Chi Nguyễn
10:00 07/02/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Bát khổ là gì?

Bát khổ là tám nỗi khổ xét theo sự việc, hiện tượng, thuộc loại Khổ khổ trong Tam khổ. Quan niệm khổ đau trong đạo Phật chính là kim chỉ nam dẫn lối cho con người nhận thức được sự khổ, cũng là cách giải thoát họ khỏi những nỗi khổ mà từ khi mới thọ thai đến khi chết đi. 

bat-kho-la-gi-va-triet-ly-sau-sac-cua-kho
Bát khổ là tám nỗi khổ xét theo sự việc, hiện tượng, thuộc loại Khổ khổ trong Tam khổ.

Nhân sinh quan Phật giáo quan niệm, "Đời là bể khổ", tức là con người ai ai cũng phải chịu bát khổ, gồm:

Sinh khổ

Sinh khổ có nghĩa là con người khổ từ sự sinh sống. Người ta khổ từ khi còn chỉ là bào thai trong bụng mẹ, con phải nằm trong bụng mẹ chật hẹp, ấy là khổ. Mẹ mang nặng đẻ đau biết bao khổ sở, ấy là khổ. Sinh con ra thì bố mẹ vất vả lao động, nuôi lớn con thành người, ấy cũng là khổ. Khi trưởng thành phải làm việc kiếm tiền để sinh sống, ấy cũng là khổ.

Vì mới sinh ra đã phải nếm trải đau khổ, mới có câu thơ của Nguyễn Gia Thiều rằng: 

"Thảo nào khi mới chôn nhau

Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra

Khóc vì nỗi thiết tha sự thế

Ai bày trò bãi bể nương dâu".

Lão khổ

Lão khổ là sự khổ trong tuổi già, bởi khi đến tuổi già thì thân thể trở nên ốm yếu, bệnh tật, mắt mờ, tai điếc,... Dù khi trẻ có là một thanh niên cường tráng hay một thiếu nữ mạnh mẽ, uyển chuyển thì khi đối mặt với tuổi già cũng phải tuân theo quy luật vô thường. 

bat-kho-la-gi-va-triet-ly-sau-sac-cua-kho
Hồi trẻ tự lập việc gì cũng có thể làm nhưng khi già yếu phải nằm một chỗ, nhờ con cháu chăm lo, nuôi dưỡng, thậm chí còn bị con cháu xa lánh, hắt hủi, đuổi đi.

Khi già tâm trí lú lẫn, lẩn thẩn, khi hỏi ăn cơm chưa thì nói là chưa vì đã quên rồi, nặng tai nên hỏi chuyện A lại trả lời vấn đề B,... Hồi trẻ tự lập việc gì cũng có thể làm nhưng khi già yếu phải nằm một chỗ, nhờ con cháu chăm lo, nuôi dưỡng, thậm chí còn bị con cháu xa lánh, hắt hủi, đuổi đi. Chính hành động, thái độ thiếu cảm thông, xa lánh của người trẻ đã khiến người già chịu nhiều tủi nhục, khổ sở, vì thế, tuổi già vừa buồn tủi, vừa thật khổ sầu.

Bệnh khổ

Con người phải chịu đau đớn, khổ sở khi mắc bệnh, khổ về thể xác và tinh thần. Bệnh khổ có hai loại:

Thân bệnh: Thân bệnh là tất cả những chứng bệnh con người mắc phải, đều do Tứ đại (Địa - Phong - Thủy - Hỏa) không điều hòa mà phát sinh. Nếu mắc thân bệnh mà chữa trị tốn kém, không có tiền khám bệnh thì con người lại càng khổ hơn.

Tâm bệnh: Tâm bệnh là bệnh về tâm lý, tâm thần, là do trong lòng ôm ấp suy nghĩ bi ai, khổ não, tuyệt vọng mà sinh thành. Đau đớn ở thể xác có thể chữa khỏi, nhưng nỗi sầu đau ở tâm tư thì khó mà chữa trị được.

Tử khổ

Khi sắp chết thì con người sợ hãi, ngạt hơi, khó thở, khi chết đi thì thân xác phân hủy, hôi tanh, không còn hình thù. Tử khổ chính là như vậy, phàm là con người thì dù có là bậc đế vương, quý tộc hay phàm phu tục tử cũng phải trải qua cái chết, không ai có thể thoát khỏi bàn tay tử thần. Tử khổ có hai loại là:

Bệnh tử: Chết vì bệnh, mạng tận mà phải chết.

Ngoại duyên: Vì gặp ác duyên mà chết, chẳng hạn như bị tai nạn giao thông, bị chết đuối, bị lửa thiêu, bị sát hại,... mà chết.

Ái biệt ly khổ

Ái biệt ly khổ là khi yêu mà phải chia lìa thứ mình yêu, để cho tâm trí ngày ngày đem lòng thương nhớ, phải chịu khổ đời đời kiếp kiếp. Ái biệt ly khổ gồm hai loại:

bat-kho-la-gi-va-triet-ly-sau-sac-cua-kho
Ái biệt ly khổ là khi yêu mà phải chia lìa thứ mình yêu, để cho tâm trí ngày ngày đem lòng thương nhớ, phải chịu khổ đời đời kiếp kiếp.

Sinh ly: Khổ sinh ly là khổ vì phải chia lìa nhau khi còn sống. Hoàn cảnh chiến tranh là khi ta thấy rõ điều này nhất, khi chồng phải rời xa vợ đến nơi chiến trận, con xa bố, em mất anh,... người đi sầu thảm, kẻ ở nhớ thương. Hoặc khi hai người yêu nhau tha thiết, nay vì cha mẹ hai bên ngăn cấm mà phải chia lìa, suốt đời không thể quên nhau, cứ nhớ tới là tâm trí lại sầu não, trái tim lại đau đớn là vậy.

Tử biệt: Tử biệt là khổ vì phải chia lìa nhau khi chết, vì cái chết mà phải khổ đau. Người này tuổi còn xuân, mới cưới vợ đã mắc bệnh mà qua đời, con vừa sinh ra đã chẳng may bệnh rồi chết, hay các em bé mồ côi phải sống ở cô nhi viện vì cha mẹ qua đời,... Nỗi đau vì cái chết đem lại quả thực không gì kể xiết.

Sở cầu bất đắc khổ

Sở cầu bất đắc khổ hay cầu bất đắc khổ là con người khổ khi không toại nguyện vọng, khao khát, ước vọng của bản thân. Trong cuộc đời, con người có rất nhiều khát vọng, ươc mơ nhưng không phải lúc nào cũng thành hiện thức. Chẳng hạn, nghèo thì mong giàu, xấu xí thì mong xinh đẹp,... ngàn ước vọng cầu như thế nên nếu không toại thì tạo thành nỗi khổ. Con người ham muốn vô biên giới thành bản năng khó chối bỏ, nên cứ thế mà khổ mãi không nguôi.

Oán tắng hội khổ

Oán tắng hội khổ là sự khổ về oan gia hội ngộ, tức là con người phải tiếp xúc với thứ hoặc người mình không thích, ghét hận nên khổ. 

Không được ở bên với người mình yêu thương đã khổ, nhưng phải gần gũi, làm việc với người mình không ưa, oán hận, gây ức chế thì cũng khổ không kém. Hoặc chẳng hạn gia đình bất hòa, hay cãi cọ, mâu thuẫn, thì ấy cũng là đau khổ.

Ngũ uẩn khổ

Ngũ uẩn khổ hay ngũ uẩn xí thanh khổ, ngũ ấm thạnh khổ là sự khổ về năm ấm, tức là ngũ uẩn - sắc, thụ, tưởng, hành, thức trong cơ thể xung đột. Có thể hiểu, đây là nói về sự khổ của THÂN và TÂM.

Ngũ uẩn khổ bao quát chính 7 loại khổ trước, THÂN thì sinh lão bệnh tử, TÂM thì phiền não, lo âu, trăm điều uẩn ức.

Triết lý sâu sắc của Khổ

Khổ (chữ Hán: 苦, sa. duḥkha, pi. dukkha) là khái niệm quan trong trong nhà Phật, cũng là cơ sở của Tứ diệu đế. Khổ xuất phát từ ngũ uẩn, chịu quy luật của vô thường, con đường thoát khổ là Bát chính đạo.

bat-kho-la-gi-va-triet-ly-sau-sac-cua-kho
Khổ xuất phát từ ngũ uẩn, chịu quy luật của vô thường, con đường thoát khổ là Bát chính đạo.

Trong Tứ diệu đế, chân lý thứ nhất Khổ đế nói về tính chất của khổ như sau: "Sinh là khổ; già là khổ; bệnh là khổ; chết là khổ; lo lắng, than thở, buồn rầu, tuyệt vọng là khổ; không đạt gì mình ưa thích là khổ; nói tóm lại: mọi thứ dính líu đến Ngũ uẩn là khổ."

Phật giáo chỉ ra bản chất của khổ, giúp con người hiểu thế nào là khổ để không rơi vào trạng thái tuyệt vọng, để khi đối mặt với đau khổ trong cuộc sống hiện thực thì con người biết cách sống tích cực. Khổ đau của con người không có từ ngữ nào diễn tả hết, ngoại trừ câu nói đúc kết rằng: "Đời là bể khổ".

Bên cạnh Bát khổ còn vô số nỗi khổ khác đang chi phối kiếp này của chúng sinh, tạo ra nỗi khổ không cùng. Nỗi khổ mênh mông ấy tuy có khác biệt, nhưng đều chung một gốc là bởi sự vô mình. Tức là vì vô minh, vì ngu si, không rõ chân tướng về thế giới và chính thân mình mà khổ.

bat-kho-la-gi-va-triet-ly-sau-sac-cua-kho
Bên cạnh Bát khổ còn vô số nỗi khổ khác đang chi phối kiếp này của chúng sinh, tạo ra nỗi khổ không cùng. Nỗi khổ mênh mông ấy tuy có khác biệt, nhưng đều chung một gốc là bởi sự vô mình.

Đức Phật vì không thể nhìn chúng sinh chịu khổ, nên Ngài đã xuất gia, tìm ra phương pháp tu tập chân chính để con người có thể giải thoát khỏi nỗi khổ về vật chất và tinh thần. Ngài đã ngộ ra rằng, nguyên nhân của mọi sự khổ đau là do vô minh mà thành.

Người Phật tử phải thành tâm tu tập Phật pháp, như thế mới biết dùng trí tuệ suy tư, nhận thức bản chất khổ đau, nhìn ra chân tướng vạn pháp, chuyên tâm tu hành theo triết lý cao đẹp của nhà Phật. Như thế nỗi khổ mới tiêu hao dần, khiến cho tâm thanh tịnh, đạt được hạnh phúc an yên, đến khi an lạc tuyệt đối Niết Bàn.

Tứ đại giai không trong đạo Phật

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận