5 chân lý cuộc đời nhất định phải thấu hiểu trước tuổi 30: Đừng tự cao nghĩ mình xuất chúng phi thường
Bước sang độ tuổi 30 quan trọng, nhất định phải thấu hiểu 5 chân lý cuộc đời này, nếu không về sau khó mà thành công được.
Giai đoạn hoàng kim tối quan trọng của đời người là từ năm 20-30 tuổi. Có điều, thời gian này thường bị chúng ta bỏ lỡ, rồi cứ thế mà chật vật, khó khăn, đi đường vòng mãi mới có đôi chút thành tựu.
Có hai nguyên nhân, một là vì có rất nhiều kiến thức xã hội họ không được dạy khi còn đi học; hai là khi bước vào xã hội, chúng ta vẫn mang theo tâm thái và tư duy của học sinh để nhận biết về một thế giới hoàn toàn khác so với khuôn viên trường học, khó tránh khỏi việc gặp phải rất nhiều ổ gà.
Sau cùng, trước khi bước sang độ tuổi 30, hãy nắm chắc 5 chân lý này:
Nghĩ mình khác biệt, nhưng thực tế chỉ là người bình thường
Nhiều người trẻ, gồm cả tôi, khi mới bước ra khỏi xã hội luôn cảm thấy mình thật đặc biệt. Có điều, bạn tưởng mình xuất chúng phi thường, nhưng thực tế hầu hết chúng ta đều bình thường mà thôi. Bước sang tuổi 30, phải chấp nhận hiện thực rằng mình chỉ là một người bình thường, đừng mong đợi một tài năng bẩm sinh chưa được khám phá nào đó của mình, mà nên dựa vào học tập và siêng năng để đạt được tiến bộ.
Tự tin mù quáng vào khả năng bản thân, cho rằng người giàu đều xấu xa, kẻ giỏi giang đều kiêu ngạo là suy nghĩ sai lầm. Hạ thấp cái tôi xuống, miệt mài học tập, rèn luyện, may ra mới đổi đời.
Hiểu bản thân thật rõ, đừng miễn cưỡng làm thứ mình không thể làm
Albert Camus có câu nói rằng: "Phương thức thấu tình đạt lý nhất đó là đừng miễn cưỡng bản thân". Nói cách khác, sống ở đời, nên biết rõ bản thân muốn gì, giỏi cái gì mà tập trung phát triển, đừng ép mình phải làm thứ không thể.
Chúng ta có lẽ thường xuyên đối mặt với tình huống như này: dù đã tìm tòi, học hỏi nhưng dù có nỗ lực ra sao cũng không thể thành công. Nó nói lên một điều rằng có thể bạn không thích hợp làm việc này.
Khi năng lực không cho phép, hãy học cách từ bỏ. Nghĩ tới chi phí cơ hội đi, đừng dại tốn kém quá nhiều thời gian vào một thứ mình không thể làm được. “Từ bỏ” không có nghĩa là thất bại, nó chỉ đơn giản là bạn không hợp với chuyện đó thôi. Nhiều khi bạn không muốn từ bỏ, không phải vì bạn yêu thích nó tới nhường nào, mà chỉ vì bạn đã bỏ quá nhiều công sức cho nó và bạn cảm thấy tiếc công sức của mình mà thôi.
Học cách chịu trách nhiệm cuộc đời mình
Có nhiều người nói rằng, tôi luôn khích lệ người khác nỗ lực phấn đấu, vậy không nỗ lực là không được hay sao? Thực tế, tôi không tuyệt đối hóa chuyện đó, mà chỉ muốn giúp họ giữ được động lực mà thôi.
Chủ trương của tôi là: "Cuộc đời của bạn nên do bạn quyết định, chứ không nên bị người khác ràng buộc, chỉ cần bạn thích, và có thể tự chịu trách nhiệm được cho mình là được".
Nếu bạn quả thực không biết mình muốn gì, vậy thì trước tiên hãy lựa chọn giữa kiếm tiền và hạnh phúc gia đình cũng được, sau này nghĩ ra rồi lại bàn tiếp. Tuyệt đối đừng sống qua ngày trong sự mơ hồ hoang mang, hoặc không muốn làm gì, lãng phí thời gian.
Mở rộng quan hệ, nhưng đừng tốt bụng mù quáng
Con người ta muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng nếu muốn đi cho vững cho ổn định, hãy đi với nhiều người. Tất nhiên, hãy biết tôn trọng bản thân mình, đừng tốt bụng hi sinh mù quáng. Làm vậy, không phải ai cũng biết ơn bạn đâu, trái lại còn xem đó là đương nhiên. Một ngày nào đó khi bạn từ chối họ, họ sẽ cho rằng bạn xấu xa, keo kiệt, phủ nhận hết công sức của bạn mà thôi.
Nỗ lực làm người khác thích mình bao nhiêu cũng vô dụng, trong tay có nhiều quân bài quý giá, người khác tự nhiên sẽ thích bạn. Vì thế, cứ nỗ lực để biến mình trở nên ưu tú hơn, và rồi, mọi người tự nhiên sẽ yêu mến bạn mà thôi.
Tri thức là chìa khóa thay đổi vận mệnh
Quan sát vô số những người thành công, tôi nhận ra họ hầu hết là những nhân tài thích sự học hành, khám phá. Bất kể là ai, dù một ngày có bận rộn ra sao, họ cũng đều cố gắng dành ra một khoảng thời gian để học tập.
Nếu nói khỏe mạnh là “7 phần nhờ cơm”, vậy thì công việc của chúng ta cũng là “7 phần nhờ học hỏi”.
Tuổi càng lớn, kinh nghiệm càng nhiều, càng phát hiện ra nhận thức của bản thân với câu “tri thức thay đổi vận mệnh” là quá ít.
Đây cũng là lý do vì sao tôi luôn nói rằng hãy xem chuyện học hành là chuyện sống chết, hôm nay mệt rồi không học, ngày mai đón con muộn nên không học, ngày kia cãi nhau với vợ/chồng nên không học… đó cũng chỉ nói lên rằng bạn chưa nghiêm túc xem chuyện học hành là chuyện quan trọng và cần thiết.
Không có một hệ thống tri thức đủ lớn để hỗ trợ, tiềm năng phát triển của bạn không cần nghĩ cũng biết.
Hi vọng rằng những người trẻ có thể sớm ý thức ra được những kinh nghiệm này và nhanh chóng trưởng thành, chín chắn hơn!
Theo Trí thức trẻ
Xem thêm: 7 tuyệt chiêu lựa chọn trúng sản phẩm "vàng" khi khởi nghiệp: Đi đúng hướng, tiền đầy tay
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận