Thầy Chu Văn Sơn bình giảng về bài thơ "Vội vàng"

Thầy Chu Văn Sơn có nhiều bài bình giảng về Thơ mới được đánh giá là đặc sắc, rất "đáng giá". "Vội vàng" là một trong số đó.

Đỗ Thu Nga Theo dõi
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cái động thái bộc lộ đầy đủ nhất thần thái Xuân Diệu có lẽ là vội vàng. Ngay từ hồi viết "Thi nhân Việt nam", Hoài Thanh đã thấy "Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt". Cho nên, đặt cho bài thơ rất đặc trưng của mình cái tựa đề Vội vàng, hẳn đó phải là một cách tự bạch, tự hoạ của Xuân Diệu. Nó cho thấy thi sĩ rất hiểu mình.

Thực ra, cái điệu sống vội vàng cuống quýt của Xuân Diệu bắt nguồn sâu xa từ ý thức về thời gian, về sự ngắn ngủi của kiếp người, về cái chết như là kết cục không thể tránh khỏi mai hậu. Sống là cả một hạnh phúc lớn lao kì diệu. Mà sống là phải tận hưởng và tận hiến ! Đời người là ngắn ngủi, cần tranh thủ sống. Sống hết mình, sống đã đầy. Thế nên phải chớp lấy từng khoảnh khắc, phải chạy đua với thời gian. ý thức ấy luôn giục giã, gấp gáp.

Bài thơ này được viết ra từ cảm niệm triết học ấy.

Thông thường, yếu tố chính luận đi cùng thơ rất khó nhuần nhuyễn. Nhất là lối thơ nghiêng về cảm xúc rất "ngại" cặp kè với chính luận. Thế nhưng, nhu cầu phô bày tư tưởng, nhu cầu lập thuyết lại không thể không dùng đến chính luận. Thơ Xuân Diệu hiển nhiên thuộc loại thơ cảm xúc. Nhưng đọc kĩ sẽ thấy thơ Xuân Diệu cũng rất giàu chính luận. Nếu như cảm xúc làm nên cái nội dung hình ảnh, hình tượng sống động như mây trôi nước chảy trên bề mặt của văn bản thơ, thì dường như yếu tố chính luận lại ẩn mình, lặn xuống bề sâu, làm nên cấu tứ của thi phẩm. Cho nên mạch thơ luôn có được vẻ tự nhiên, nhuần nhị. Vội vàng cũng thế. Nó là một dòng cảm xúc dào dạt, bồng bột có lúc đã thực sự là một cơn lũ cảm xúc, cuốn theo bao nhiêu hình ảnh thi ca như gấm như thêu của cảnh sắc trần gian. Nhưng nó cũng là một bản tuyên ngôn bằng thơ, trình bày cả một quan niệm nhân sinh về lẽ sống vội vàng. Có lẽ không phải thơ đang minh hoạ cho triết học. Mà đó chính là cảm niệm triết học của một hồn thơ.

Mục đích lập thuyết, dạng thức tuyên ngôn đã quyết định đến bố cục của Vội vàng. Thi phẩm khá dài, nhưng tự nó đã hình thành hai phần khá rõ rệt. Cái cột mốc ranh giới giữa hai phần đặt vào ba chữ "Ta muốn ôm". Phần trên nghiêng về luận giải cái lí do vì sao cần sống vội vàng. Phần dưới là bộc lộ trực tiếp cái hành động vội vàng ấy. Nói một cách vui vẻ : trên là lý thuyết, dưới là thực hành ! Điều dễ thấy là thi sĩ có dụng ý chọn cách xưng hô cho từng phần. Trên, xưng "tôi"- lập thuyết, đối thoại với đồng loại. Dưới, xưng "ta"- đối diện với sự sống. Trình tự luận lí có xu hướng cắt xẻ bài thơ. Nhưng hơi thơ bồng bột, giọng thơ ào ạt, sôi nổi như thác cuốn đã xoá mọi cách ngăn, khiến thi phẩm vẫn luôn là một chỉnh thể sống động, tươi tắn và truyền cảm.

[...]

Là người đã tiếp thu ở mức nhuần nhuyễn phép "tương giao" (Correspondance) của lối thơ tượng trưng, Xuân Diệu đã phát huy triệt để sự tương giao về cảm giác để cảm nhận và mô tả thế giới, trước hết là thời gian và không gian. Có những câu thơ mà cảm giác được liên tục chuyển qua các kênh khác nhau. Thời gian được cảm nhận bằng khứu giác :"Mùi tháng năm" - thời gian của Xuân Diệu được làm bằng hương - chẳng thế mà thi sĩ cứ muốn "buộc gió lại" ư - hương bay đi là thời gian trôi mất, là phai lạt phôi pha! Một chữ "rớm" cho thấy khứu giác đã chuyển thành thị giác. Nó nhắc ta nhớ đến hình ảnh giọt lệ. Chữ "vị" liền đó, lại cho thấy cảm giác thơ đã chuyển qua vị giác. Và đây là một thứ vị hoàn toàn phi vật chất : "vị chia phôi" ! Thì ra chữ "rớm" và chữ "vị" đều từ một hình ảnh ẩn hiện trong cả câu thơ là giọt lệ chia phôi đó. Giọt lệ thường long lanh trên khoé mắt người trong giờ phút chia phôi. Giọt lệ thành hiện thân, biểu tượng của chia phôi. Vì sao thời gian lại mang hương vị - hình thể của chia phôi ? ấy là những cảm giác chân thực hay chỉ là trò diễn của ngôn ngữ theo kịch bản của phép "tương giao" ? Thực ra cái tinh tế của Xuân Diệu là ở chỗ này đây. Thi sĩ cảm thấy thật hiển hiện mỗi khoảnh khắc đang lìa bỏ hiện tại để trở thành quá khứ thật sự là một cuộc ra đi vĩnh viễn. Trên mỗi thời khắc đều đang có một cuộc ra đi như thế, thời gian đang chia tay với con người, chia tay với không gian và với cả chính thời gian. Tựa như một phần đời của mỗi cá thể đang vĩnh viễn ra đi. Từng phần đời đang chia lìa với cá thể. Cho nên thi sĩ nghe thấy một lời than luôn âm vang khắp núi sông này, một lời than triền miên bất tận :"than thầm tiễn biệt". Không gian đang tiễn biệt thời gian ! Và thời gian trôi đi sẽ khiến cho cái nhan sắc thiên nhiên diệu kì này bước vào độ tàn phai. Một sự tàn phai không thể nào tránh khỏi!

thay-chu-van-son-binh-giang-ve-bai-tho-voi-vang-0

Và, một điều rất đáng nói đã bộc lộ đây đó trong thi phẩm này là : do dùng tuổi trẻ để đo đếm thời gian, nên ở Xuân Diệu đã xuất hiện một ý niệm thời gian khá đặc biệt, đó là thì sắc. Thời gian được nhìn ở phía nhan sắc, gắn với nhan sắc của sự vật. Vì thế mà với hồn thơ này, thời gian, về thực chất không có ba thì phân lập rành rẽ với quá khứ - hiện tại - tương lai, mà chỉ có hai thì luôn tranh chấp và chuyển hoá thôi đó là thời tươi và thời phai. Nó không phải là hai mùa. Không phải Xuân Diệu lược qui bốn mùa vào hai mùa. Mà là hai thì của mỗi một tạo vật thiên nhiên. Thời tươi : vạn vật thắm sắc, thời phai : vạn vật phôi pha, phai lạt. Vật nào trong trần thế này cũng trải qua hai thì ấy. Tất cả những ý niệm thời gian khác như năm tháng, mùa vụ, phút giây... dường như đều tan trong cái ý niệm thì sắc tổng quát đó. Mà ta thấy ở đây, nó hiện diện trong sự đối lập của "độ phai tàn"(thời phai) và "thời tươi" :

- Chim rộn ràng chợt dứt tiếng reo thi

Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa.

- Cho no nê thanh sắc của thời tươi.

Có thể nói ý niệm thì sắc này đã chi phối toàn bộ nhỡn quan Xuân Diệu đối với việc cảm nhận vẻ đẹp của thế giới trong sự trôi chảy vô thuỷ vô chung của nó.

Thế đấy, không thể buộc gió, không thể tắt nắng, không thể cầm giữ được thời gian, thì chỉ có một cách thực tế nhất, khả thi nhất là chạy đua với thời gian, là tranh thủ sống :

Chẳng bao giờ ! Ôi chẳng bao gì nữa...

Mau đi thôi ! mùa chưa ngả chiều hôm

Đến đây, phần luận giải của tuyên ngôn Vội vàng đã đủ đầy luận lí !

Phần cuối của bài thơ là lúc tuyên ngôn được hiện ra thành hành động, ấy là Vội vàng trong hình thái sống của cái tôi cá nhân cá thể này. Bài thơ được kết thúc bằng những cảm xúc mãnh liệt, bằng những ham muốn mỗi lúc mỗi cuồng nhiệt, vồ vập. Đó là cả một cuộc tình tự với thiên nhiên, ái ân cùng sự sống. Chỉ có thể diễn tả như thế, Xuân Diệu mới phô diễn được cái lòng ham sống, khát sống trào cuốn của mình :

Ta muốn ôm :

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,

Cho no nê thanh sắc của thời tươi ;

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !

Nếu chọn một đoạn thơ trong đó cái giọng sôi nổi, bồng bột của Xuân Diệu thể hiện đầy đủ nhất, thì đó phải là đoạn thơ này. Ta có thể nghe thấy giọng nói, nghe thấy cả nhịp đập của con tim Xuân Diệu trong đoạn thơ ấy. Nó hiện ra trong những làn sóng ngôn từ đan chéo nhau, giao thoa, song song, thành những đợt sóng vỗ mãi vào vào tâm hồn người đọc. Câu thơ Ta muốn ôm chỉ có ba chữ, lại được đặt ở vị trí đặc biệt : chính giữa hàng thơ, là hoàn toàn có dụng ý. Xuân Diệu muốn tạo ra hình ảnh một cái tôi đầy ham hố, đang đứng giữa trần gian, dang rộng vòng tay, nới rộng tầm tay để ôm cho hết, cho khắp, gom cho nhiều nữa, nhiều nữa, mọi cảnh sắc mơn mởn trinh nguyên của trần thế này vào lòng ham muốn vô biên của nó. Cái điệp ngữ :"Ta muốn" được lặp đi lặp lại với mật độ thật dày và cũng thật đích đáng. Nhất là mỗi lần điệp lại đi liền với một động thái yêu đương mỗi lúc một mạnh mẽ, mãnh liệt, nồng nàn : ôm - riết - say - thâu - cắn. Có thể nói, câu thơ " Và non nước, và cây, và cỏ rạng" là không thể có đối với thi pháp trung đại vốn coi trọng những chữ đúc. Thậm chí, đối với người xưa, đó sẽ là câu thơ vụng. Tại sao lại thừa thãi liên từ "và" đến thế ? Vậy mà, đó lại là sáng tạo của nhà thơ hiện đại Xuân Diệu. Những chữ "và" hiện diện cần cho sự thể hiện nguyên trạng cái giọng nói, cái khẩu khí của thi sĩ. Nó thể hiện đậm nét sắc thái riêng của cái tôi Xuân Diệu. Nghĩa là thể hiện một cách trực tiếp, tươi sống cái cảm xúc ham hố, tham lam đang trào lên mãnh liệt trong lồng ngực yêu đời của thi sĩ !

Câu thơ :

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi

cũng tràn đầy những làn sóng ngôn từ như vậy. Từ "cho" điệp lại với nhịp độ tăng tiến, nhấn mạnh các động thái hưởng thụ thoả thuê : chếnh choáng - đã đầy - no nê. Sóng cứ càng lúc càng tràn dâng, cao hơn, vỗ mạnh hơn, đẩy cảm xúc lên tột đỉnh :

- Hỡi Xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !

Ta thấy Xuân Diệu như một con ong hút nhuỵ đã no nê đang lảo đảo bay đi. Lại thấy thi sĩ như một tình lang trong một cuộc tình chếnh choáng men say.

Sống là hạnh phúc. Muốn đạt tới hạnh phúc, phải sống vội vàng. Thế là, Vội vàng chính là cách duy nhất để đến với hạnh phúc, là chính hạnh phúc và dường như cũng là cái giá trả cho hạnh phúc vậy ! Xuân Diệu quả đã mang trong mình nguồn sống trẻ. Xuân Diệu là thi sĩ của nguồn sống trẻ. Ta hiểu vì sao, khi Xuân Diệu xuất hiện, lập tức thi sĩ đã thuộc về tuổi trẻ!

(Bài viết của thầy Chu Văn Sơn - In trong Phân tích và bình giảng tác phẩm văn học lớp 11, nhiều tác giả, NXB GD, 2007)

Xem thêm: “Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người..."

Đọc thêm

Trước đây người ta chỉ gọi Xuân Diệu là thi sĩ của tình yêu chứ đâu có gọi là "ông hoàng thơ tình". Vậy danh hiệu này bắt nguồn từ đâu?

Danh hiệu 'ông hoàng thơ tình' của Xuân Diệu bắt nguồn từ đâu?
0 Bình luận

Đêm ấy, chàng thi sĩ đến bên vợ và ôm chặt nàng trong vòng tay, âu yếm hôn nàng, nồng nàn, cuống quýt... Nhưng lại đột ngột dừng lại, bỏ ra ngoài phòng.

Người vợ duy nhất của 'ông hoàng thơ tình' Xuân Diệu và đêm tân hôn kỳ lạ
0 Bình luận

Khi cô bé nhân viên ở sân bay Nội Bài gọi mình là chú, Xuân Diệu nhăn mặt nói như dỗi: "Này, nhà thơ làm có tuổi mà chú với cháu...".

Nhà thơ Xuân Diệu: 'Nhớ nhé, nhà thơ không bao giờ có tuổi'
0 Bình luận


Bài mới

Tình anh em – Câu chuyện nhân văn cảm động

Qua câu chuyện của bố và chú tôi nhận ra rằng, chỉ cần mình đặt cái tôi xuống một chút thì mọi tổn thương trong các mối quan hệ đều được chữa lành và tình anh em cũng thế.

Diệu Nguyễn
Diệu Nguyễn 8 giờ trước
Trưởng công an xã xây nhà cho dân bằng tiền tiết kiệm

Thương cho cảnh khó khăn của bốn bà cháu phải sống trong căn nhà dột nát, trưởng công an xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, Gia Lai đã tự bỏ 60 triệu tiền tiết kiệm để hỗ trợ.

Diệu Nguyễn
Diệu Nguyễn 15 giờ trước
Thắng đời 2 - 0: Jenny Huỳnh vừa đỗ đại học top 1 nước Mỹ, vừa đỗ đại học top 1 Trung Quốc 

Jenny Huỳnh vừa trở thành sinh viên trao đổi tại ĐH Bắc Kinh sau 2 năm theo học tại  Đại học Stanford, ngôi trường xếp hạng 6 thế giới (theo xếp hạng của QS World University Ranking 2025).

Đỗ Thu Nga
Đỗ Thu Nga 4 ngày trước
Cổ nhân nói: 4 người này ở cạnh sẽ quyết định sự thành bại của đời bạn

Những người xung quanh có ảnh hưởng khá lớn đến mỗi chúng ta. Vậy nên cổ nhân đã đúc kết và chỉ ra 4 người ở cạnh sẽ quyết thành bại của đời bạn. Đó là ai?

Cổ nhân dạy: “Thiên hạ mạc nhu nhược vu thủy, nhi công kiên cường giả, mạc chi năng thắng”

Câu nói trên của cổ nhân mang ý nghĩa, thiên hạ không có thứ gì có thể mềm yếu như nước, nhưng khi dùng để tấn công kẻ mạnh thì lại cũng không có gì có thể thắng được nước.

Người xưa nói: Bát đại kỵ trước cổng nhà, không lụi bại cũng lao đao

Khi nắm rõ được phong thủy cổng nhà, bạn sẽ biết vì sao người xưa nói: "Bát đại kỵ trước cổng nhà, không lụi cũng bại". 

Chọn chung cư có 5 'tầng vàng': Cuộc sống dễ chịu, giá trị tăng dần theo thời gian

Chọn được căn hộ chung cư ở tầng phù hợp sẽ giúp cho gia đình bạn có cuộc sống thoải mái. Về lâu về dài còn tăng giá trị bất động sản.

Về đây bố nuôi – Câu chuyện nhân văn cảm động

Trải qua nhiều bão tố cuộc đời, nó vẫn vững vàng bước tiếp vì nó biết đằng sau luôn có bố dõi theo với lời khẳng định chắc nịch: “Về đây bố nuôi!”.

Nhớ bát canh chua ngoại nấu – Câu chuyện nhân văn cảm động

Từ ngày ngoại mất, chúng tôi cũng ít về quê hẳn và cũng đã lâu anh em chẳng còn giành nhau chút canh chua còn dư trong bát như ngày còn được ở với ngoại.

Nhà đâu mà về - Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Mỗi khi nhìn mẹ, nghe mẹ nói "nhà đâu mà về" rồi nghĩ đến cảnh người ta có nhà, có quê để về mình thì không tôi lại xót xa, thương mẹ vô cùng.

Nam sinh 22 tuổi giành học bổng tiến sĩ tại 11 trường đại học Mỹ

Điểm học tập ấn tượng 3.99/4 cùng niềm say mê nghiên cứu giúp nam sinh Hà Hải Dương, 22 tuổi chinh phục 11 trường đại học, trong đó có 8 trường top đầu Mỹ.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 công bố đề thi minh họa kỳ thi riêng 2025

Năm 2025, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức kỳ thi độc lập để xét tuyển đại học. Đề minh họa của kỳ thi này vừa được nhà trường công bố.

Tri ân tới những “bóng hồng” lặng lẽ sau tiếng chổi tre

Dự án "Light - Ánh sáng đêm" được khởi xướng như một lời tri ân chân thành đối với những người phụ nữ thầm lặng, ngày đêm làm việc dưới ánh đèn đường để giữ gìn sự sạch sẽ, xanh tươi cho thủ đô Hà Nội.

Quản lý tài chính thành công với quy tắc 5 chiếc lọ của người Do Thái

Người Do Thái luôn dạy con cái của họ kỹ năng kiếm tiền và quản lý tài chính để có một tương lai tươi sáng. Và cách nọ quản lý tài nắm nằm ở quy tắc 5 chiếc lọ.

7 kiểu tiết kiệm mà người giàu sẽ không bao giờ làm nhưng người nghèo rất thích làm

Quản lý tài chính tốt sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Nhưng những hành động sai lầm có thể khiến bạn phải trải qua những ngày khó khăn, tiền bạc sẽ "không cánh mà bay".

Con dâu cũ – Câu chuyện nhân văn cảm động

Sau những chuyện đã xảy ra, tôi thấy mãn nguyện và nhẹ nhõm vô cùng khi được tận tay tặng quà, chúc phúc cho con dâu cũ của mình.

Đề xuất