Những vị quan "lạc lối" vì ham ăn [Kỳ 1]: Mất phần quả muỗm, Cự Đà phản vua
Sử Việt chép rằng, có nhiều vị quan vì quá coi trọng miếng ăn mà vô tình dẫn đến hại thân. Một ví dụ điển hình nhất chính là câu chuyện Cự Đà mất phần quả muỗm.

Sử chép, vào cuối tháng 12 năm Đinh Tỵ (1257), quân Mông Cổ bị dẹp tan, đuổi về nước. Dân ta mỉa mai gọi chúng là "giặc Phật dù trước đó sức mạnh như tằm ăn rỗi ùa vào nước Nam.
Tuy lúc này chưa định công ban thưởng như vua Trần Thái Tông cũng có một việc làm khiến người đời sau còn nhớ mãi, để khắc cốt ghi tâm rằng: Việc dù nhỏ, nếu không để ý có thể sinh họa to, tàn lửa không dập tắt gặp rơm sẽ bén thành đống lửa lớn. Về sau người dân đúc kết thành câu: "Cự Đà không được ăn muỗm".
Chuyện như sau: Một lần nọ vua Trần Thái Tông ban quả muỗm (có tài liệu chép là quả xoài, quả am la) cho những người hầu cận. Nhưng Nội quan chia không biết sao lại thiếu của Tiểu hiệu Hoàng Cự Đà. Muỗm ngoài chợ Đông, chợ Tây của Thăng Long chẳng thiếu gì. Nhưng đây là lộc vua ban, mà quan viên xưa nay thì “một miếng giữa đàng hơn cả sàng xó bếp”, nghĩ mình bị khinh rẻ, Cự Đà từ đó ôm mối hận trong lòng.
Khi quân Mông Cổ đánh tới Đông Bộ Đầu, Cự Đà ngồi thuyền nhẹ chạy trốn trước. Linh từ quốc mẫu (bà Trần Thị Dung - vợ thái sư Trần Thủ Độ) đưa Hoàng Thái tử Hoảng và cung phi, công chúa cùng vợ con các tướng lánh xuống mạn Hoàng Giang, khoảng ngã ba Tuần Vường (thuộc huyện Lý Nhân, Hà Nam bây giờ). Cự Đà gặp Hoàng Thái tử từ hạ lưu đi thuyền ngược lên, Đà lánh sang bờ sông bên kia, thuyền chạy rất gấp. Quan quân gọi lớn: "Quân Mông Cổ ở đâu".
Cự Đà trả lời rồi rong thuyền đi thẳng: "Không biết, đi mà hỏi những người ăn muỗm ấy".

Thắng quân Mông Cổ, Hoàng Thái tử Hoảng xin với vua khép Cự Đà vào cực hình để răn những kẻ làm tôi bất trung. Vua Trần Thái Tông suy nghĩ hồi lâu rồi nói: "Cự Đà tội đáng giết cả họ, song đời xưa đã có chuyện Dương Châm (*) không được ăn thịt dê, đến nỗi làm quân nước Trịnh bị thua. Việc Cực Đà là lỗi ở ta, tha cho hắn tội chết, cho phép hắn đánh giặc chuộc tội".
May có lời vua, không thì chỉ vì quả muỗm mà Cự Đà rơi đầu vì “ghen ăn, tức uống” rồi.
(*) Dương Châm: Theo Tả truyện, Dương Châm là người đánh xe cho Hoa Nguyên nước Tống. Tống và Trịnh sắp đánh nhau, Hoa Nguyên nước Tống làm thịt dê cho binh sĩ ăn, nhưng không cho người đánh xe Dương Châm dự. Khi đánh nhau, Dương Châm nói: Thịt dê hôm trước là quyền ở ngài, đánh nhau hôm nay là việc của tôi, rồi đánh xe chạy theo quân Trịnh, nước Tống do vậy bị thua.
Đọc thêm
Cờ bạc giống như một loại chất gây nghiện, nó gieo ảo tưởng giàu sang khiến vua u mê, quan lại bỏ bê công việc... Kết cục khuynh gia bại sản, vua mất ngôi, vương hầu xóa tên khỏi sổ tôn thất, thậm chí có kẻ mất mạng.
Dù đã bày ra mưu hay trong trận Bạch Đằng năm Mậu Tuất (938) nhưng tên tuổi của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập không được ghi chép nhiều. Sử cũ chỉ có vài dòng nên hậu thế không biết nhiều về ông.
Lịch sử phong kiến Việt Nam đã ghi nhận nhiều tấn bi kịch rúng động mà cho đến giờ khi nhắc lại ai ai cũng "nổi gai ốc".