Trèo cây mất tuổi – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Lúc nhỏ mẹ hay mắng “Trèo cây coi chừng mất tuổi”, nghe liền sợ lắm. Lớn lên mới biết đó chỉ là cách nói khéo để bọn nhỏ chúng tôi khỏi trèo cây kẻo bị ngã.

Trèo cây mất tuổi – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm

Lúc nhỏ mẹ hay mắng “Trèo cây coi chừng mất tuổi”, nghe liền sợ lắm. Lớn lên mới biết đó chỉ là cách nói khéo để bọn nhỏ chúng tôi khỏi trèo cây kẻo bị ngã.

Tôi vẫn nhớ ngày nhỏ có lần than thở với bà nội rằng: “Con ước chi con mau lớn nội ơi, con không muốn làm con nít chút nào”. Nội xoa đầu tôi cười móm mém: “Mồ tổ bây! Làm người lớn cực lắm!”.

Tôi nghe nhưng không đồng tình với nội, tại tôi thấy con nít làm gì cũng bị ràng buộc, mất tự do, đâu có được theo ý mình. Đang làm việc này cái lại bị kêu đi làm việc khác, rồi còn suốt ngày bị rầy la, ép buộc, thậm chí còn bị đòn nếu cãi lại nữa.

Vì muốn làm người lớn nên tôi trông đến tết lắm. Tết ở quê ngày trước rộn ràng lắm, khác hẳn mọi ngày, đã vậy còn có những bữa ăn ngon thay cho những hôm ăn cơm độn khoai với canh rau, cá khô. Tết còn được mặc đồ mới, cái mùi vải mới thiệt thơm làm sao, khác hẳn với bộ đồ cũ vá năm bảy lớp ngày thường. Đã thế tết ra chợ còn có biết bao nhiêu là lễ hội với các trò chơi náo nhiệt. Tết được đốt pháo với nghe tiếng pháo nổ đì đùng, còn được nhận tiền lì xì từ mọi người, thích ơi là thích.

Gần tết cây vú sữa nhà ngoại tôi có rất nhiều trái chín. Nghe ngoại bảo cây vú sữa ấy cũng được 40-50 tuổi rồi, cây to, cao, tán rộng che phủ nửa khoảng sân nhà. Trái không lớn lắm nhưng khi chín lại rất thơm và ngọt. Hồi nhỏ mỗi khi ăn vú sữa thì bà ngoại lại để sẵn một cái đèn dầu để mấy đứa cháu lấy dầu hôi “xử lý” các vết mủ bị dính trên tay, trên miệng. Có năm, tôi bắt chước cậu Út bắc thang leo lên hái vú sữa chín bị mẹ bắt gặp, thế là mẹ la ngay: “Tết nhất, con nít không được trèo cây, bị mất tuổi đó!”. Chẳng những không được trèo cây vú sữa mà trèo hái keo, hái táo, hái dừa… tôi đều bị mẹ la cây giống hệt.

Tôi không phải đứa trèo leo giỏi, nhưng cũng chẳng phải là đứa nhát gan nên cũng thích trèo cây lắm. Nhưng khi nghe mẹ nói trèo cây bị mất tuổi tôi đâm nhát hẳn vì sợ bị mất tuổi thì sẽ lâu trở thành… người lớn.

Sau này lớn lên tôi mới hiểu ra câu mẹ nói trèo cây mất tuổi nghĩa là trèo cây mà lỡ có té là cả nhà năm đó mất tết, mà không có tết thì lấy đâu ra tuổi. Thực ra đó chẳng qua là một lời cảnh báo gắn với ngày tết thay vì phải dùng những từ “ám thị” về tai nạn nạn, mất mát,.. vốn không nên dùng trong những dịp đầu năm mới. Năm mới người ta hay chúc nhau thêm tuổi mới, rồi có tục mừng tuổi, như vậy thêm một năm, thêm một tuổi là niềm vui, sự may mắn nên ai cũng tránh để bị… mất tuổi!

Càng lớn tôi lại ước chi câu cảnh báo ngày trước của mẹ là sự thật. Tôi sẽ trèo thường xuyên để cái tuổi trung niên của mình… đứng lại, tóc thôi bạc và thôi rụng nữa. Và cũng vậy, các con tôi sẽ mãi ở tuổi thanh xuân, hồn nhiên, đầy mơ mộng…

Nhưng mà thôi, ai rồi cũng phải lớn lên, trưởng thành rồi già đi dù có muốn hay không thì điều đó vẫn cứ diễn ra, vẫn cứ lặp lại. Ngày xưa, tôi mong được làm người lớn để khỏi bị rầy la, để được làm theo ý của mình nhưng sau này khi lớn lên, tôi mới thấy bà nội nói đúng, làm con nít mới thiệt sung sướng. Là con nít đâu cần phải lo toan bao nhiêu điều của cuộc sống, từ cơm áo gạo tiền đến công danh, địa vị, cạnh tranh, ganh đua giữa đời. Nên tôi vẫn nhắc lại lời dặn của mẹ ngày xưa: “Trèo cây mất tuổi” với các mình để răn chúng không nghịch ngợm leo trèo trong dịp tết. Để rồi lớn lên một chút, chắc chúng cũng nghĩ như tôi, rằng nếu thực sự “mất tuổi” thì tốt biết chừng nào!

Xem thêm: Anh nghĩ em sợ ly hôn – Câu chuyện nhân văn đáng ngẫm