Câu đố Tiếng Việt: Vì sao người ta nói nghèo rớt mồng tơi? - Ai nghĩ "mồng tơi" ở đây là rau thì "sai bét" nhé

Từ 'mồng tơi" trong câu "nghèo rớt mồng tơi" không phải là tên của loại rau như chúng ta thường nghĩ đâu nhé.

Minh Hằng
14:08 03/06/2022 Minh Hằng
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trong cuộc sống hàng ngày, người ta thường dùng câu "nghèo rớt mồng tơi" để chỉ những người đang trong hoàn cảnh khó khăn, túng bấn tiền bạc. Về sau, câu nói được đọc chệch theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như: "Nghèo sập giàn mồng tơi", "Nghèo rớt cái hột mồng tơi", "Nghèo không còn cái hột mồng tơi để mà rớt",…

Nhưng tại sao khi nói đến nghèo, người ta lại nhắc đến từ "tơi"? Có phải chữ "tơi" khiến mọi người liên tưởng đến tả tơi, nên nó được dùng để chỉ người nghèo. Và từ "mồng tơi" này rốt cuộc có phải chỉ loại rau mà chúng ta hay dùng để nấu ăn không?

cau-do-tieng-viet-vi-sao-nguoi-ta-noi-ngheo-rot-mong-toi-1
Ảnh minh họa

Thực tế, "mồng tơi" không phải tên của loại rau mà là tên của một bộ phận trong chiếc áo tơi (một loại áo khoác hờ để tránh mưa được ghép từ nhiều lớp lá). Trong cuốn Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam của Viện Ngôn ngữ học giải thích: Mồng tơi (mùng tơi) là phần trên của áo tơi dùng để che mưa nắng. Từ này hiện vẫn được dùng ở một số tỉnh miền Trung.

Mồng tơi thường được kết dày bằng các dọc lá tốt nên khi tơi rách thì mồng tơi vẫn còn nguyên. Áo tơi mà rớt mồng tơi là rách nát hoàn toàn, không thể che mưa nắng được nữa. Người mà dùng loại áo tơi này hẳn là rất nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Mặc áo vá một mảnh vải thôi cũng đã thấy nghèo khó rồi, huống gì là rách đến tận mồng tơi.

Cũng có ý kiến cho rằng, câu "nghèo rớt mồng tơi" là đọc chệch của "nghèo rớt vành tơi". Vành tơi chính là một bộ phận của áo tơi.

Tóm lại, từ "mồng tơi" trong câu "nghèo rớt mồng tơi" không phải là loại rau mồng tơi như mọi người vẫn nghĩ. Ở đây, từ "mồng tơi" là bộ phận của chiếc áo tơi.

Qua câu "nghèo rớt mồng tơi", chúng ta lại càng thấy được sự phong phú và giàu đẹp của Tiếng Việt. Nhiều từ có cách phát âm giống nhau nhưng nghĩa của nó lại không hề liên quan với nhau. Đó chính là từ đồng âm khác nghĩa.

Đọc thêm: Câu đố tiếng Việt: Bí nào mà ai cũng muốn có cho riêng mình nhưng cũng thích chia cho người khác? - Đáp án siêu đơn giản

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận