Khám phá ngôi làng cổ 700 tuổi: Đông ấm hạ mát, lại còn có suối nước khoáng trị bệnh
Nhìn từ xa, Kandovan gồm nhiều ngôi nhà được đục trong vách đá hình nón với những chỏm nhọn nhấp nhô, giống như một tổ ong khổng lồ. Đây là ngôi làng trên vách đá duy nhất trên thế giới có người sinh sống.
Với hàng loạt ngôi nhà san sát nhau có hình dáng như chiếc tổ ong khổng lồ, ngôi làng Kandovan đem lại cho người ta cảm giác đang ở thế giới thần tiên xa xôi nào đó. Những ngôi nhà được chạm khắc hoàn toàn bằng tay trên những mỏm đá núi lửa cứng đã gây tiếng vang trên toàn thế giới và được ghi danh vào danh sách Di sản Quốc gia của Iran, làm vô số du khách mê mẩn bởi kiến trúc độc đáo.
Sự kết hợp hoàn mỹ giữa thiên nhiên và con người
Ngôi làng cổ Kandovan nằm ở phía Tây Bắc của Iran, cách thành phố Tabriz 60km về phía Tây Nam. Nơi đây được biết đến như là một trong những ngôi làng kỳ lạ nhất thế giới. Với tuổi đời ít nhất 700 năm và là nơi sinh sống của gần 1000 người, Kandovan hiện là điểm tham quan nổi tiếng của Iran.
Hình ảnh làng Kandovan nhìn từ xa
Có rất nhiều giả thuyết đã được đặt ra về cách mà ngôi làng bí ẩn này được xây dựng, trong đó câu chuyện nổi tiếng nhất kể rằng khi quân đội Mông Cổ xâm lược Iran, những người dân đã tìm cách tháo chạy đến nơi an toàn để bảo vệ mạng sống, và họ đã chuyển đến vùng đất xa xôi giữa những ngọn núi cao này. Những ngọn đồi liền kề nhau được tạo nên bởi dung nham phun trào từ ngọn núi lửa Sabalan gần đó, vậy nên mọi người đã bắt đầu chạm khắc và tạo nên những ngôi nhà cho riêng mình.
Để lý giải về cái tên Kandovan của mình, người dân địa phương cho rằng cái tên này có nguồn gốc từ tiếng Ba Tư, ‘Kanto’ có nghĩa là tổ ong do hình dáng đặc biệt của những ngôi nhà tại đây, chúng được sắp xếp nằm san sát nhau như một tổ ong khổng lồ mà thiên nhiên đã ban tặng của ngôi làng này.
Làng Kandovan nổi tiếng với kiến trúc đá lạ thường, là kết quả của hoạt động núi lửa kết hợp nghệ thuật làm nhà trong đá.
Nhiều yếu tố tác động như: sau đợt phun trào của núi lửa Sahand (hiện nay ngọn núi lửa này đang ngủ đông), mưa, nắng, gió… khiến những mảnh vỡ, tro và dung nham núi lửa đông cứng lại với nhau thành những hang động nhỏ mà con người có thể sống được.
Mỗi một mỏm đá hình dạng tổ ong được gọi là một Karan, mỗi Karan có từ 2 đến 4 tầng, chiều cao khoảng 40 mét. Tầng dưới cùng là nơi mà người dân dùng để nhốt gia súc, tầng 2 là không gian phòng bếp đầy đủ và tiện nghi, phòng thứ ba là nơi mọi người dùng để tiếp khách và bạn bè, còn phòng cuối cùng cũng là phần cao và hẹp nhất là nơi dùng để chứa thực phẩm. Không giống như những ngôi nhà nông thôn điển hình, thức ăn tại nơi đây được trữ ở nơi cao nhất để tránh ẩm thấp.
Một điều thú vị khác về những Karan này là không có cầu thang bên trong ngôi nhà, vậy nên nếu muốn lên tầng cao hơn, người ta phải sử dụng các bậc thang ngoài trời. Những ngôi nhà ở Kandovan được xây dựng trên độ dốc 70 độ vậy nên có thể dễ dàng bắt gặp những bậc thang bằng đá hoặc gỗ khắp làng. Bên cạnh đó, để đảm bảo bên trong nhà có đủ ánh sáng và thông gió tốt, người dân đã chạm khắc những ô vuông nhỏ và che chúng bằng tấm kính đủ màu đóng vai trò như cửa sổ.
Ngôi làng cổ kính nhưng sống động
Tuy có đặc trưng khí hậu là mùa đông kéo dài và lạnh giá, nhưng người dân ở đây lại có thể thích nghi rất tốt. Nguyên nhân là do những ngôi nhà mà họ xây dựng rất mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, vậy nên không ngoa khi nói rằng đây là những ngôi nhà tiết kiệm năng lượng nhất trên thế giới.
Cư dân tại đây đa số sinh sống nhờ nông nghiệp, chăn nuôi ong hoặc gia súc. Nhờ thời tiết thích hợp và thảm thực vật phong phú dưới chân dãy núi Sabalan và Sahand, mật ong tại đây được đánh giá là có chất lượng hoàn hảo.
Đừng nghĩ rằng cuộc sống ở đây rất khó khăn, bởi họ có đầy đủ những tiện nghi như bất kỳ vùng nào khác trên thế giới: không gian làm việc, cửa hàng, trường học, nhà tắm công cộng, nhà máy và thậm chí là nhà thờ được xây dựng tại vách đá to nhất tại đây.
Mặc dù trên thế giới có 2 ngôi làng vách đá khác có cấu trúc tương tự là Cappadocia ở Thổ Nhĩ Kỳ và Manitou Cliff Dwellings ở Mỹ, Kandovan vẫn là ngôi làng đặc biệt nhất. Không giống như 2 ngôi làng còn lại, Kandova và ngôi làng vách đá duy nhất trên thế giới có người sinh sống, và dân số tại đây là 670 người.
Gần đây, dân số đã tăng lên và nhiều ngôi nhà thông thường đã được xây dựng tại khu vực phía nam, nhưng những vách đá lịch sử vẫn vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp nơi đường chân trời.
Kiến trúc độc đáo không phải là điểm thu hút duy nhất của nơi đây. Do đặc điểm địa chất mà có một số suối nước nóng tự nhiên đã hình thành, với tỷ lệ ô nhiễm khoáng thấp và có khả năng điều trị bệnh.
Ngoài ra, du khách cũng có thể dạo bộ trên những cung đường dài chạy qua thung lũng tốt tươi và tận hưởng thời tiết dễ chịu, trò chuyện với những cư dân thân thiện, ngắm nhìn toàn cảnh hoàng hôn lộng lẫy trong khi thưởng thức món mật ong tuyệt vời và trái cây tươi ngon. Tất cả những điều trên đã khiến Kandovan trở thành một trong những địa điểm du lịch đáng ghé thăm nhất ở vùng Tây Bắc Iran.
Vậy nên nếu bạn có kế hoạch đến thăm Tabriz, hãy thêm ngôi làng Kandovan vào lịch trình của mình, và nhớ rằng mùa xuân và mùa hè là thời điểm mà khí hậu dễ chịu nhất tại đây.
Đọc thêm: Công cuộc khám phá thế giới bằng ô tô đầy ngoạn mục suốt 22 năm của gia đình Zapp
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận