Phong tục tập quán cưới hỏi thời "ông bà ta": Mừng đám cưới bằng câu đối, mâm cỗ đơn giản hóa

Thời nay và thời "ông bà ta" khác nhau rất nhiều. Không chỉ cách ăn mặc, giải trí, chuẩn bị lễ Tết, phong tục tập quán cưới hỏi cũng có nhiều điểm khác biệt.

Thùy Nguyễn
11:00 17/01/2022 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Những câu chuyện, dẫn chứng về đám cưới thời xưa chắc chắn khiến nhiều người hiện nay cảm thấy lạ lẫm.

Đám cưới hỏi ở Hà Nội xưa

Xưa kia, Hà Nội là kinh đô của nước ta. Nơi đây buôn bán phát triển, có nhiều cơ sở sản xuất hàng thủ công. Đây cũng là nơi tập trung tầng lớp thượng lưu và trí thức. Vì thế, việc cưới hỏi cũng có phần cầu kỳ và “sang chảnh” hơn rất nhiều. 

Trong lễ vật ăn hỏi mang sang nhà gái không thể thiếu cốm và hồng. Những gia đình khá giả còn có thêm con lợn sữa quay. Năm 1946, tục này đã bị bãi bỏ do bị phê phán và phong kiến.

tim-hieu-phong-tuc-tap-quan-cuoi-hoi-thoi-ong-ba-ta-1

Trong thập niên 20, trong lễ vật ăn hỏi còn có thêm thuốc lá điếu. Tại Hà Nội đã mời cưới hỏi bằng thiếp, kèm theo gói chè nhỏ và hạt sen. Được biết, người khởi xướng là ông Bạch Thái Bưởi khi tổ chức đám cưới cho con. Đây cũng là đám cưới đầu tiên tổ chức ở khách sạn thay vì ở nhà. 

Từ năm 1920 đến 1940, Hà Nội có thêm tục mừng cưới hỏi bằng đôi câu đối. Họ thuê nhà nho viết chữ, sau đó mang ra phố Hàng Trống để thuê thợ thêu. Đến những năm 1930, ô tô được dùng để thay thế cho xe song mã để đón và đưa dâu. Xe ô tô còn được trang trí thêm hoa và kết dây băng bằng lụa màu. Đi phía sau có cả đoàn xe tay của nhà trai và nhà gái. Thời điểm này, nhiều chú rể cũng chuyển sang mặc com lê thay vì áo dài lam đeo thẻ. Nhiều đám cưới cũng đã tiến hành chụp ảnh thẻ làm kỷ niệm. 

Trong tập quán cưới hỏi chắc chắn không thể bỏ qua cỗ cưới. Cỗ cưới Hà Nội rất được chú trọng. Với nhà giàu, mâm cỗ luôn đủ 4 bát và 6 đĩa, bởi họ quan niệm số 10 tượng trưng cho sự tròn trịa, đầy đặn cũng là lời chúc hạnh phúc tới cô dâu chú rể.

Trong đó, 6 đĩa gồm: đĩa thịt gà, đĩa thịt lợn, đĩa giò, đĩa chả quế, đĩa xôi gấc và đĩa nộm. Bốn bát được xếp 4 góc mâm gồm: Bát măng ninh chân giò, bát mọc thả nấm, bát chim bồ câu hầm hạt sen, bát mực nấu rối. Trong đó, bát mực nấu rối là kỳ công nhất, gồm su hào, cà rốt thái chỉ, trứng tráng thái chỉ, giò lụa thái chỉ, mực khô thái chỉ xào cháy cạnh. Một số mâm cỗ nhà khác còn có thêm chè kho hoặc hoa quả tráng miệng. 

Với nhà nghèo, cỗ cưới ít bát ít đĩa hơn nhưng không thể thiếu được món thịt gà luộc và xôi gấc. Năm 1932, phòng cưới xuất hiện ở Hà Nội, xuất phát từ nhu cầu của người nông thôn ra Hà Nội làm thuê và lấy nhau. Người đầu tiên có sáng kiến này là nhà Cả Tròn ở 21 phố Phùng Hưng. Nơi này cho thuê phòng cưới, chỗ ngủ với giường, chăn chiếu vô cùng lịch sự. 

Cưới hỏi thời đại mới và cưới hỏi thời chiến

Năm 1958, miền Bắc đi theo con đường XHCN. Từ đây, phong tục thách cưới, mâm cao cỗ đầy, đưa đón dâu bằng ô tô được cho là lối sống của chế độ thực dân, phong kiến nên bị loại bỏ. Khái niệm cưới thời đại mới ra đời, nghi lễ đơn giản hơn. Cỗ cưới cũng chỉ mời người thân mà thôi.

Nhiều gia đình sợ bị quy là thành phần tư sản hay tiểu tư sản thành thị nên cưới hỏi cũng chỉ làm cỗ nhỏ. Một số gia đình còn chỉ làm tiệc ngọt gồm bánh kẹo, thuốc lá và nước chè. 

tim-hieu-phong-tuc-tap-quan-cuoi-hoi-thoi-ong-ba-ta-2

Đến năm 1964, Mỹ tiến hành đánh phá miền Bắc. Đám cưới thời chiến cũng từ đó mà ra. Do kinh tế khó khăn, tiêu chuẩn cho một đám cưới hỏi chỉ là 2kg kẹp, 1 kg chè, 2 tút thuốc lá Tam Đảo hoặc Trường Sơn. Ngoài ra còn có 1 đôi chiếu cùng chiếc màn đôi bằng vải xô. Nhà trai chỉ hút thuốc cuộn, còn thuốc lá để mang sang nhà gái. Đám cưới chủ yếu đón bằng xe đạp. Chỉ một số ít người làm trong cơ quan, xí nghiệp mới có thể mượn ô tô đi đón dâu.

tim-hieu-phong-tuc-tap-quan-cuoi-hoi-thoi-ong-ba-ta-3

Đặc biệt, đám cưới nào cũng có phông, chữ lồng tên cô dâu và chú rể cùng đôi chim câu mớm mỏ được cắt bằng giấy. Đám cưới thời chiến luôn treo thêm băng rôn trên tường là khẩu hiệu: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” và “Thắm tình Tổ quốc, đẹp tình ta”. Khi đó, chú rể chủ yếu mặc quần âu, áo sơ mi trắng sơ vin, đi dép xăng đan. Cô dâu thì mặc áo dài. Nhưng cũng có người mặc áo sơ mi trắng cùng quần lụa. 

Xem thêm: Chuyện lạ lùng trong đám cưới chấn động thành Thăng Long của Công chúa câm và con trai Thái úy

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận