Gò Công cùng câu chuyện thuở khai hoang: Nơi phụ nữ nắm quyền

Phần lớn đất đai ở Gò Công do phụ nữ nắm quyền sở hữu. Họ còn nắm cả ​quyền quản trị kinh tế gia đình, khác hẳn so với nơi kinh đô xa xôi.

Thùy Nguyễn
07:00 13/12/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Dựa theo cách tổ chức hành chính của nhà Thanh, năm 1834, vua Minh Mạng đổi tên “trấn” thành tỉnh, lập thêm tỉnh mới An Giang. Khi đó, Tân Hóa (phần đất thuộc tỉnh Gò Công sau này) dù nằm sát Định Tường nhưng lại được sáp nhập vào tỉnh Gia Định.

Năm 1862, vua Tự Đức phải cắt phân nửa Nam Kỳ “nhường” cho Pháp, trong đó có Gò Công. Năm năm sau, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây còn lại, chia Nam Kỳ thành những đơn vị hành chính nhỏ hơn để tiện kiểm soát. Sau này, Pháp đổi “Sở tham biện” thành “hạt” rồi “tỉnh”. Tỉnh Định Tường cũ tách ra thành 3 tỉnh Tân An, Gò Công và Mỹ Tho.

Vị trí địa lý của Gò Công

Gò Công có vị trí hiểm yếu, giao thông trắc trở, sông rạch chằng chịt cùng rừng rậm hoang vu. Gò Công nằm lọt trong lưu vực sông Vàm Cỏ, nép mình trên biển Đông Hải với gần 30km đường biển. Gò Công được ngăn cách với Bến Tre bởi hai công Cửa Tiểu và Cửa Đại. 

go-cong-cung-cau-chuyen-thuo-moi-khai-hoang-2
Hình ảnh Gò Công năm 1920

Diện tích tỉnh Gò Công khoảng 600km2. Hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây  phát nguyên từ biên giới Campuchia - Việt Nam, chạy qua Đồng Tháp Mười. Đến Bần Quỳ thuộc Cần Đước (Vĩnh Long), hai con sông hợp lại, chảy qua Gò Công và Vàm Láng, sau đó ra cửa Soài Rạp. 

Xưa kia, mỗi lần qua miếu Bần Quỳ khi xuôi ngược Sài Gòn về miền Tây rất hay bị cướp chặn đường. Thế kỷ 19, một nữ tướng cướp nổi danh còn được gọi “Bà Nở” về hùng cứ nơi đây. “Bà Nở” nghe nói là con gái Quản Xô, cựu nghĩa binh thất trận. Hai bên bờ sông Vàm Cỏ còn in dấu vết chân của nghĩa quân Trương Công Định và Thủ Khoa Huân.

Tại đây, còn có loạt địa danh khác dựa theo sự kiện lịch sử cũng như những chiến công của nghĩa quân kháng Pháp thời điểm cuối thế kỷ 19. Trong đó phải kể đến gồm: Vàm Bao ngược, Trường Bình, đám lá tối trời, đồn Kiểng Phước… Người xưa khi tới vùng đất mới thường chọn nơi đất cao để lập nghiệp. Thế nên, loạt cái tên ra đời như Gò Khổng Tước, Gò Tre, Gò Sơn Quy, Gò Tre, Gò Cát, giồng Tháp, giồng ông Huê, giồng ông Nâu… 

go-cong-cung-cau-chuyen-thuo-moi-khai-hoang-5
Hình vẽ miêu tả một trận đánh của Pháp vào Gò Công năm 1863

Cái tên Gò Công còn nhắc lại sự tích cũng như một địa thế hiển nhiên “Gò đất cao ráo, có nhiều chim công làm ổ, sinh sôi nảy nở từ thế hệ này qua thế hệ khác”. Thời điểm đó, Gò Công còn hoang vu và chưa được khai phá. Những rừng cây ngập mặn dọc theo bờ biển từ Vàm Láng xuống Tân Thành, Cửa Tiểu… Người dân từ miền ngoài tới đây đã tìm nơi cao ráo, khu vực sông sâu nước chảy để phá rừng làm rẫy, dựng nhà sinh sống. 

Khi đó, Gò Công chưa có đường bộ. Phương tiện di chuyển chính là thuyền, tam bản, xuồng ba lá và ghe chài bởi nơi đây toàn là sông nước. Không lâu sau, vua Tự Đức cho đắp “con đường sứ” nối từ Gia Định xuống giồng Sơn Quy. Nhờ con đường này, nhiều công văn, tin tức liên lạc được giữ gìn. Sau này, nó trở thành liên tỉnh lộ 5 nối Gò Công với Chợ Lớn.

Câu chuyện thuở khai hoang

Bản đồ hành chính Nam Kỳ năm 1939 thì Gò Công có 5 tổng và 40 làng. Đầu thế kỷ 20, tại Gò Công có nhiều chợ đầu mối giao thông đường thủy và nhiều cửa hàng buôn bán cố định. Từ năm 1897, chợ tỉnh lỵ Gò Công đã xuất hiện. Pháp mở trường tổng ở tỉnh lỵ cùng 4 tổng khác đặt ở các làng  Tân Niên Tăng, Tăng Hòa, Vĩnh Lợi và Đồng Sơn.

go-cong-cung-cau-chuyen-thuo-moi-khai-hoang-4
Vua Thành Thái đến thăm Gò Công năm 1897

Năm 1939, Gò Công bắt đầu phát triển các chợ, phố xá buôn bán, hàng hóa đa dạng dồi dào. Năm 1955, Gò Công sáp nhập vào tỉnh Định Tường, đến năm 1963 thì tách riêng, trở thành tỉnh cũ như dưới thời Pháp thuộc, gồm 4 quận là Hoà Tân, Hoà Lạc, Hoà Đồng, Hoà Bình.

Thời người dân mới vào khai hoang lập nghiệp, Gò Công chỉ là sình lầy, rừng bụi hoang vu. Khu trũng thấp ở giữa các giồng đất để khai phá làm rẫy, làm ruộng. Chỗ nhiều cỏ, lác, bùn, lầy gọi là “thảo điền”. Mưa lâu mới có thể cày ruộng, cày phải lùa trâu đực, móng chân cao mới không bị mắc lầy. 

Khi ấy, phần lớn đất đai Gò Công do phụ nữ giữ quyền sở hữu. Họ còn nắm quyền quản trị kinh tế gia đình. Những năm nửa đầu thế kỷ 20, Gò Công vẫn là một vùng đất biệt lập xa xôi, địa thế cách trở. Mọi sự giao thông đều phải vận chuyển bằng đường thủy, ngoại trừ “con đường sứ” được lập dưới thời nhà Nguyễn. 

go-cong-cung-cau-chuyen-thuo-moi-khai-hoang-3
Một công trình ở Gò Công hồi đầu thế kỷ 20

Hồi đó, đường thủy rất phức tạp. Các ghe chở gạo, chở cá hay chở củi từ Gò Công phải qua Vàm Bao Ngược, sau đó qua Cần Giuộc mới tới Chợ Lớn. Còn nếu từ Mỹ Tho đi Gò Công cũng phải qua sông Cửa Tiểu vào Vàm Giồng, tới rạch Vểnh Lợi rồi qua rạch Gò Công. 

Thập niên 1930, đường bộ nối các tỉnh và Chợ Lớn với Gò Công đều phải qua bắc. Gò Công chưa bao giờ phát triển được như Mỹ Tho, Cần Thơ vì nằm chệch thủy trình về miền Tây cũng như quốc lộ số 4.  

Con đường quan trọng nhất từ Yên Luông Đông xuống chợ phải qua một cây cầu bắc ngang con rạch nhỏ. Theo thời gian, con rạch dần cạn và phải lấp đi để mở rộng châu thành. Từ đó, nơi đây có tên gọi là “đường kinh lấp”.

Kinh Chợ Gạo được đào dưới thời của viên viên Thống đốc người Pháp có tên Dupré, là đường thủy chiến lược từ sông Cửa Tiểu qua sông Vàm Cỏ. Kinh Chợ Gạo thay thế kinh Bảo Định vừa hẹp vừa cạn, giúp rút ngắn thủy trình chuyên chở lúa gạo từ miền Tây về Chợ Lớn. 

Để hoàn thành kinh Chợ Gạo, người dân phải vét 1 triệu m3 đất, đào ròng rã hai tháng rồi đắp đất sang hai bên bờ cho xe cộ đi lại. Chỉ sau 2-3 năm, số lượng lúa gạo chợ lên Sài Gòn tăng mạnh. Cuối thế kỷ 19, mỗi ngày có tới cả trăm ghe chài qua kinh Chợ Gạo, hoạt động mua bán vô cùng sôi nổi…

Xem thêm: Phong thủy Gò Công: Nơi hội tụ cuối cùng của sơn thủy, vùng đất sản sinh ra 2 bà hoàng nổi tiếng trời Nam

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận