Phong thủy Gò Công: Nơi hội tụ cuối cùng của sơn thủy, vùng đất sản sinh ra 2 bà hoàng nổi tiếng trời Nam

Nhắc đến nơi "đất lành chim đậu" thì không thể không kể đến vùng Gò Công - nơi sinh ra 2 bà hoàng nổi tiếng trời Nam: Hoàng Thái hậu Từ Dũ và Hoàng hậu Nam Phương.

Đỗ Thu Nga
09:00 16/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Gò Công - Nơi hội tụ cuối cùng của sơn thủy 

Thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) nằm cách TP Hồ Chí Minh khoảng 70km. Nơi đây là quê hương của những người đẹp, mà sau đó đã trở thành Hoàng hậu như Nam Phương, Từ Dũ hoặc đệ nhất phu nhân như bà Đoàn Thị Giàu, Nguyễn Mai Anh.

Sở dĩ vùng đất này có tên là Gò Công là vì xưa kia có nhiều chim công đến đây sinh sống. Người Khmer gọi là Aih Amrak (nghĩa là con công), người Việt gọi theo tiếng Hán Việt là “Khổng Tước khâu”, sau này gọi là Gò Công.

Xét về mặt phong thủy, địa thế nơi đây hết sức đặc biệt. Gò công là nơi cuối cùng của dãy Trường Sơn và sông Cửu Long. 

Phong-thuy-dac-biet-cua-Go-Cong-noi-san-sinh-2-ba-hoang-trieu-Nguyen-4
Thị xã Gò Công

Dãy Trường Sơn xuất phát từ cao nguyên Thanh Tạng; qua Vân Nam, Thượng Lào rồi vào miền Trung Việt Nam, kéo dài đến miền Nam và kết thúc ở Gò Công.

Gò Công có sông Tiền Giang, chính là một nhánh sông Cửu Long, bắt nguồn từ Tây Tạng đi qua 6 nước là Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, điểm cuối đổ ra biển ở cửa Đại và cửa Tiểu (đều thuộc Gò Công). Chính vì vậy, Gò Công là nơi hội tụ cuối cùng của sơn thủy.

Tại Gò Công có một cái gò hình dạng mai rùa nên vào thời nhà Nguyễn được đặt tên là "Sơn Quy", người dân quen gọi là Gò Rùa. Có truyền thuyết nói rằng, nước trong Gò Rùa mỗi lần thay đổi thì ắt có nhân vật đặc biệt nào đấy vừa xuất sinh hay có một biến cố lớn sắp xảy ra.

Ai là người khai hoang đất Gò Công?

Từ thế kỷ 16, chúa Nguyễn Hoàng bắt đầu khai hoang miền Nam, mở rộng bờ cõi nước Việt. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1755), quốc vương Cao Miên là Nặc Nguyên xin dâng 2 phủ là Tầm Bôn (tức Tân An, Long An ngày nay), Lôi Lạt (tức Gò Công, Tiền Giang ngày nay). Từ đó thêm nhiều người Việt đến khai phá vùng đất ở Gò Công.

Theo sách Nam Bộ xưa và nay, người tiên phong đến Gò Công là cụ Phạm Đăng Xương - nhà nho uy tín thời bấy giờ. Cụ là người vùng Phú Xuân (huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế). 

Cụ dẫn cả gia quyến đến đây sinh sống, chiêu mộ dân chúng khai hoang đất đai, mở rộng sản xuất. Đồng thời, cụ Đăng Xương còn mở lớp dạy học tạo ra thế hệ trí thức đầu tiên ở Gò Công. Người dân trong vùng kính trọng gọi cụ là "Kiến Hòa tiên sinh".

Phong-thuy-dac-biet-cua-Go-Cong-noi-san-sinh-2-ba-hoang-trieu-Nguyen-7
Mộ Phạm Đăng Hưng trong khu di tích Lăng Hoàng Gia ở thị xã Gò Công (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Sau này, con trai cụ nối nghiệp cha theo nghề dạy học, Các đời tổ tiên họ Phạm đều được chôn ở Gò Rùa, nhờ thế Phạm gia nhiều đời danh giá.

Đời sau có ông Phạm Đăng Hưng làm to đến quan Lễ bộ Thượng thư. Ông này luôn yêu thương, giúp đỡ dân chúng. Theo “di tích lịch sử dân tộc” thì người dân hay gọi ông là ông “Ba Bị” vì mỗi lần từ quê ra Huế ông luôn nhớ mang theo ba bị lúa giống để phân phát rồi hướng dẫn cho dân cách trồng tỉa.

Giai thoại về điềm lành ở đất Gò Công

Có giai thoại nói rằng, năm 1810, nước ở Gò Rùa bỗng trở nên ngọt lịm. Dân chúng lấy lạ liền gánh nước về uống và thấy càng ngày càng ngọt, uống vào thì thấy cơ thể sảng khoái, cảm giác khỏe khoắn hơn. Cây cối ở Gò Rùa cũng trở nên xanh tốt bất thường.

Chính vì lẽ đó mà dân gian vẫn lưu truyền câu ca: Điềm lành tuôn nước ngọt/Lại thêm phước đức vun cao Gò Rùa.

Phong-thuy-dac-biet-cua-Go-Cong-noi-san-sinh-2-ba-hoang-trieu-Nguyen-1
Những phù điêu trang trí theo phong cách phương Tây trước mộ ông Phạm Đăng Hưng

Cũng trong thời điểm đó, phu nhân của ông Phạm Đăng Hưng hạ sinh con gái, đặt tên là Phạm Thị Hằng. Ông Hưng mời các thầy địa lý giỏi về xem giúp thế phong thủy của tổ tiên ở Gò Rùa. Các thầy địa lý nói rằng, đây là nơi tốt. Song phía sau gò trống trải, hai bên không có gì ôm che, nên chỉ hưng vượng được một đời chứ không truyền đời.

Đồng thời các thầy địa lý dựa vào cuộc đất Gò Rùa mà cho rằng họ Phạm sẽ phát về phái nữ từ lúc trẻ đến trung niên, hậu vận trắc trở và buồn lo.

Đất Gò Công sinh 2 bà hoàng nổi tiếng trời Nam

Hoàng thái hậu Từ Dũ

Bà Hoàng đầu tiên sinh ra ở mảnh đất Tiền Giang là bà Từ Dũ, tên thật là Phạm Thị Hằng. Bà sinh năm 1810 tại thị xã Gò Công, con gái ông Phạm Đăng Hưng. Từ nhỏ bà đã nổi tiếng xinh đẹp, thông minh, hiếu thuận, ham học. 

Năm 14 tuổi bà được cha đưa ra Huế hầu con trai Minh Mạng (sau này là vua Thiệu Trị). Một năm sau, bà sinh con gái đầu lòng. Năm 1829, bà sinh được con trai, sau này thành vua Tự Đức. Hai mươi năm sau bà được con trai tôn làm Hoàng Thái hậu.

Phong-thuy-dac-biet-cua-Go-Cong-noi-san-sinh-2-ba-hoang-trieu-Nguyen-1
Tượng bà Từ Dũ ở bệnh viện Từ Dũ TP.HCM

Năm 1883, vua Tự Đức qua đời, để lại di chiếu tôn bà làm Từ Dũ Thái hoàng Thái hậu. Bà mất vào năm 1902, hưởng thọ 92 tuổi, trải qua 8 đời vua triều Nguyễn. Bà được ngợi ca là bà hoàng tài đức vẹn toàn, yêu nước thương dân, sống giản dị, khiêm tốn.

Vua Tự Đức còn viết cuốn sách "Từ Huấn Lục" ghi lại những lời mẹ dạy. Trong đó có chuyện bà thẳng thắn phê phán nạn tham ô chức quyền trong triều chính và các địa hạt, đồng thời cũng là người rất trân trọng các bậc trung thần.

Nam Phương Hoàng hậu

Nam Phương Hoàng hậu là bà Hoàng thứ 2 sinh ra ở đất Gò Công. Bà tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan (tên thánh Marie Thérèse), sinh năm 1914. Bà là con đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào, cháu ngoại của ông Lê Phát Đạt - tức Huyện Sỹ, người giàu có nhất miền Nam xưa.

Phong-thuy-dac-biet-cua-Go-Cong-noi-san-sinh-2-ba-hoang-trieu-Nguyen-9

Năm 12 tuổi, bà được cha mẹ gửi sang Pháp học tại trường Couvent des Oiseaux, trường nữ danh tiếng ở Paris thời bấy giờ. Khi tốt nghiệp trở về nước Việt, bà nổi tiếng khắp Nam Kỳ bởi vẻ đẹp "chim sa cá lặn". Có tài liệu chép rằng, ở bà toát lên vẻ đẹp truyền thống vừa hiện đại nên nhiều lần được vinh danh tại các cuộc thi sắc đẹp. Bà 3 lần thi Hoa hậu Đông Dương - cuộc thi sắc đẹp số 1 tại Việt Nam thời đó. 

Và cuộc đời bà có thay đổi lớn kể từ sau khi gặp vua Bảo Đại. Vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn say mê bà từ cái nhìn đầu tiên. Vào năm 1934, hôn lễ của bà vua Bảo Đại được tổ chức tại Huế. Khi đó, vua 21 tuổi, bà 19 tuổi.

(Theo Một thế giới, Pháp luật Việt Nam)

Xem thêm: Giai thoại huyền bí về cuộc đời cụ Tả Ao - “thánh phong thủy” thay đổi được thiên mệnh

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận