Dàn ý đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ về tính trung thực
Dàn ý đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ về tính trung thực giúp học sinh hiểu hơn về khái niệm này, từ đó biết cách lập dàn ý với dạng bài tương tự.
Trung thực là đức tính thật thà, ngay thẳng, nói đúng sự thật và không làm sai lệch sự thật. Người có tính trung thực là người tôn trọng sự thật, tôn trọng lẽ phải và công lý. Đức tính này của họ được thể hiện qua cách sống ngay thẳng, thật thà, dám nhận lỗi khi mắc khuyết điểm.
Dàn ý đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ về tính trung thực mẫu 1
Mở bài
Giới thiệu về vấn đề nghị luận xã hội đó chính là tính trung thực.
Thân bài
Giải thích khái niệm: Tính trung thực là sự thật thà, nói và tôn trọng sự thật, làm theo sự thật, không gian dối hay gian xảo. Người có đức tính trung thực luôn luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lí và lẽ phải, không làm sai lệch sự thật để mang lại lợi ích riêng cho bản thân.
Phân tích vấn đề: Người có tính trung thực là người tôn trọng sự thật, lẽ phải, làm đúng và nói đúng những gì xảy ra. Họ không giấu giếm, bao che cho người có hành vi gian dối, sẵn sàng đứng lên tố cáo để bảo vệ lẽ phải. Người có tính trung thực sẽ được mọi người yêu quý, tin tưởng và tín nhiệm. Người trung thực cũng sẽ có thêm những đức tính quý báu khác như thẳng thắn, cương trực. Trong xã hội, nếu ai cũng trung thực thì cuộc sống sẽ vô cùng tươi đẹp.
Chứng minh vấn đề nghị luận xã hội: Lấy dẫn chứng về con người có tính trung thực để minh họa.
Phản đề: Nêu thực trạng vẫn có những con người gian dối, chối bỏ sự thật vì lợi ích cá nhân. Có cả những người sống trong dối trá và ảo tưởng.
Kết bài
Nêu tóm tắt ý nghĩa của tính trung thực. Rút ra bài học và liên hệ bản thân.
Dàn ý đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ về tính trung thực mẫu 2
Mở bài
Giới thiệu về vấn đề nghị luận xã hội đó chính là tính trung thực. Học sinh có thể mở trực tiếp hoặc gián tiếp tùy năng lực.
Thân bài
Giải thích vấn đề: Tính trung thực là sự thật thà, nói và tôn trọng sự thật, làm theo sự thật, không gian dối hay gian xảo.
Phân tích vấn đề: Nêu biểu hiện của những người có tính trung thực. Họ là người tôn trọng sự thật, lẽ phải và công lý; luôn nói đúng, làm đúng những gì xảy ra; không bao che, giấu diếm cho hành vi gian dối; sẵn sàng tố cáo để bảo vệ lẽ phải.
Sau đó, nêu lợi ích và ý nghĩa của tính trung thực. Người có tính trung thực sẽ được mọi người yêu quý, tin tưởng và tín nhiệm. Người trung thực cũng sẽ có thêm những đức tính quý báu khác như thẳng thắn, cương trực. Trong xã hội, nếu ai cũng trung thực thì cuộc sống sẽ vô cùng tươi đẹp.
Chứng minh vấn đề: Lấy dẫn chứng tiêu biểu, gần gũi về tính trung thực.
Phản biện vấn đề: Trong cuộc sống vẫn có những người gian dối, chối bỏ sự thật để trục lợi cá nhân. Cũng có người sống trong dối trá, ảo tưởng. Những người này đáng bị xã hội chỉ trích, lên án.
Kết bài
Khái quát ý nghĩa và tầm quan trọng của tính trung thực; rút ra bài học và liên hệ bản thân.
Bài mẫu đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ về tính trung thực
Trong những đức tính tốt đẹp của con người, trung thực là điều được mọi người yêu thích nhất. Trung thực là sống ngay thẳng, thật thà, tôn trọng sự thật và lẽ phải, luôn nói và làm đúng những gì đã xảy ra. Người trung thực giúp tạo được niềm tin, lòng tin với mọi người, xây dựng các mối quan hệ bền vững.
Một thái độ ứng xử tích cực, cái nhìn lạc quan cùng các thói quen lành mạnh mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để đưa bạn đến thành công. Quan trọng, bạn phải là người chính trực và có tính trung thực. Để thành công, con người phải cần đến những mối quan hệ xã hội. Tính trung thực chính là yếu tố giúp tạo nên mối quan hệ lâu dài. Đây cũng là thái độ ứng xử cao nhất của sự tôn trọng với những người xung quanh. Nếu từng đọc câu chuyện “Ba chiếc rìu”, bạn sẽ thấy ngay tính trung thực là đức tính quý giá, giúp “anh nông dân” có được cuộc sống thoải mái, thanh thản và hạnh phúc.
Có thể nói, tính trung thực là cầu nối đưa con người tới thành công. Bởi nó chính là nền tảng cơ bản để duy trì các mối quan hệ. Một xã hội toàn những con người trung thực sẽ vô cùng phát triển và tốt đẹp.
Xem thêm: Dàn ý đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ về lòng dũng cảm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận