Cung phi Bạch Ngọc cùng công lao to lớn với nhà Hậu Trần và khởi nghĩa Lam Sơn

Sau khi lên ngôi vua lấy hiệu là Lê Thái Tổ, Lê Lợi ban thưởng cho cung phi Bạch Ngọc nhưng bà từ chối, trở về quê nhà đến chùa Am làm nơi tu hành.

Thùy Nguyễn
15:00 03/11/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cung phi Bạch Ngọc có tên thật là Trần Thị Ngọc Hào, người làng Tri Bản, huyện Thổ Hoàng (nay là xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). 

Sinh thời, bà là người đức hạnh, đoan trang. Đến tuổi cập kê, bà được tuyển vào cung làm phi tần của vua Trần Duệ Tông, được gọi là cung phi Bạch Ngọc. Sau này, bà lên làm Hoàng hậu, sinh hạ cho Trần Duệ Tông một công chúa là Trần Thị Ngọc Hiền hay còn gọi là công chúa Huy Chân. 

Cuối thời Trần, vua không còn dùng niềm tin tín ngưỡng, phẩm hạnh đạo đức để trị vì giang sơn nữa. Nhà Trần cũng vì thế mà ngày càng suy sụp, quan viên tham ô, đất nước ngày càng đi xuống.

Dưới thời vua Trần Nghệ Tông, vua nước Chiêm là Chế Bồng Nga chiếm đánh Đại Việt, cướp bóc của cải khiến nhân dân lầm than. Sau này, em trai vua Nghệ Tông là Duệ Tông lên ngôi. Ông dù có chí hướng nhưng lại là người háo thắng, chỉ mải mê đánh quân Chiêm mà quên vấn đề trị quốc.

cung-phi-bach-ngoc-tro-giup-nha-hau-tran-va-khoi-nghia-lam-son-2
Chùa Am

Thời điểm đó, ông “ngự giá thân chinh” chỉ huy 12 vạn quân đánh nước Chiêm, bỏ qua mọi sự nguyên ngăn của quan quân, vua Duệ Tông điều binh không tính toán, sau này bị trúng gian kế của đối thủ. Kết cục, ông bị tử trận nơi sa trường, quân đội nhà Trần cũng thất bại thảm hại. 

Cùng gia tộc âm thầm rời khỏi triều đình

Cung phi Bạch Ngọc vô cùng đau buồn trước tin vua Duệ Tông qua đời. Thượng Hoàng Nghệ Tông cho con thứ của vua Duệ Tông là Trần Nghiễn lên ngôi Vua, lấy hiệu Giản Hoàng Đế. Chế Bồng Nga tiếp tục mang quân tiến đánh Đại việt, triều Trần phải mang của cải trốn khỏi kinh thành.

Mặc hoàng thân quốc thích phản đối, thượng hoàng Nghệ Tông nhất mực tin dùng Hồ Quý Ly. Năm 1387, Hồ Quý Ly được phong làm Đồng bình chương sự (tức Tể tướng). Giản Hoàng Đế cùng tâm phúc của mình tìm cách diệt trừ Hồ Quý Ly. Khi biết chuyện, Hồ Quý Ly tâu lên Thượng hoàng Nghệ Tông khiến Giản Hoàng Đế bị truất ngôi, ép phải thắt cổ; các tướng tâm phúc cũng bị hại theo.  

Tháng 1/1395, Thượng hoàng Nghệ Tông mất, Hồ Quý Ly nắm giữ quyền triều chính. Nhận thấy tình hình không ổn, cung phi Bạch Ngọc bàn với 2 anh trai là Trần Đạt và Trần Duy, dẫn con gái và 572 người trong gia tộc âm thầm rời khỏi kinh thành đến Đức Quang, lộ Nghệ An. Cung phi Bạch Ngọc cũng chính thức từ bỏ ngôi vị, lấy tên là Trần Thị Ngọc Hào. Sau chuyến hành trình 50 ngày vất vả, những người còn lại trong đoàn dựng trại ở một ngọn núi nơi thâm sơn cùng cốc thuộc dãy Trà Sơn.

Khai phá vùng đất hoang

Vùng đất bà Ngọc Hào cùng đoàn người dừng chân là nơi hoang sơ chưa ai khai phá. Bà cho mọi người làm đất cải tạo thành ruộng vườn, gọi thêm nhiều người đến làm ruộng và sinh sống. Từ 500 người, số lượng nhanh chóng tăng lên 3000 người khai hoang, lập làng xóm. Trai tráng rèn vũ khí, luyện võ còn phụ nữ thì làm lụng, biến vùng đất Hương Sơn, Hương Khê và Đức Thọ thành nơi rộng lớn, đất đai màu mỡ.

cung-phi-bach-ngoc-tro-giup-nha-hau-tran-va-khoi-nghia-lam-son-1
Cung phi Bạch Ngọc ở chùa Am cho tới khi qua đời

Bà Ngọc Hào và con gái Ngọc Hiền dựng lên hai ngôi chùa Diên Quang (chùa Am) và Tiên Lữ (chùa Lã), ẩn đi thân phận của mình. Từ đó, người dân gian chỉ nhớ đến tên Ngọc Hào và Ngọc Hiền, không còn cung phi Bạch Ngọc và công chúa Huy Chân nữa. 

Năm 1400, Hồ Quý Ly soán ngôi nhà Trần, lập ra nhà Hồ. Chỉ 7 năm sau, hai cha con Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt giữ, chiếm lấy vùng Giao Chỉ.

Trợ giúp nhà Hậu Trần và khởi nghĩa Lam Sơn

Sau khi nhà Hồ sụp đổ, nhân dân cả nước vùng dậy chống quân Minh. Trong đó, mạnh nhất phải kể đến khởi nghĩa nhà Hậu Trần. Mẹ con bà Ngọc Hào đã ủng hộ lương thực, của cải và góp nhiều sức cho nhà Hậu Trần. Tuy nhiên, vua Trùng Quang bỏ qua quá nhiều cơ hội, nội bộ nhà Hậu Trần còn lủng củng. Đến năm 1414, vua Trùng Quang cùng loạt tướng bị bắt, phải nhảy xuống biển.

Biến chuyện của mẹ con bà Ngọc Hào, quân Minh tiến hành cướp bóc, quấy phá và cho người theo dõi. Bà buộc chuyển gia tộc mình về tận sông Ngàn Sâu, thuộc đất Thịnh Quả, gần dãy núi Thiên Nhận. Năm 1424, khởi nghĩa Lam Sơn vùng lên, giành lại được Nghệ An.

Khi phát hiện ra trang trại của bà Ngọc Hào, tướng quân Bùi Bị đã mời bà đến yết kiến chủ tướng Lê Lợi. Ngọc Hiền khuyên mẹ ủng hộ Lê Lợi, vậy là hai mẹ con cùng đến gặp mặt, ủng hộ toàn bộ tiền và lương thực và để nhiều người trong trang ấp gia nhập nghĩa quân. 

Đặc biệt, bà Ngọc Hào còn gả con gái Ngọc Hiền cho Lê Lợi làm thiếp. Hai người trong trang ấp của bà là Nguyễn Thời Kính và Phạm Quốc Trung sau này cũng lập được công trạng.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua lấy hiệu và Lê Thái Tổ. Nhớ đến công lao của những người đã cùng mình nếm mật nằm gai trong 10 năm kháng chiến gian khổ, vua đã định công phong tước, cấp tiền tài bổng lộc, ban nhiều hậu đãi. Riêng đối với bà Bạch Ngọc, Lê Thái Tổ định tìm danh hiệu đẹp để tôn phong. Tuy nhiên, bà từ chối mọi phần thưởng, trở về quê nhà đến chùa Am làm nơi tu hành. 

Bà Ngọc Hào sống thọ hơn 100 tuổi, mãi đời vua Lê Thánh Tông mới qua đời. Nhiều người ở vùng bà khai hoang lập đất tôn thờ bà làm Thành hoàng. Các triều đại nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn đều có sắc phong cho bà.

Xem thêm: Cây thị trên 700 tuổi gắn liền với nhiều truyền thuyết về thời khai sinh lập quốc của vua Lê Lợi

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận