Câu chuyện ít người biết về những con đường thiên lý đầu tiên trên đất Sài Gòn

Đường thiên lý hay còn gọi là đường cái quan, đường quan lộ, đường quan báo là một con đường dài chạy dọc từ Bắc xuống Nam Việt Nam. Con đường này chủ yếu được đắp vào đầu thế kỷ XIX.

Thùy Nguyễn
07:00 20/12/2021 Thùy Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Hệ thống đường bộ nước ta dưới thời phong kiến đã tương đối phát triển. Thời nhà Lý, các đường cái quan đã được chia thành các “cung”, có trạm cùng phu trạm canh gác để chạy công văn. Sang thời Lê, triều định cho đắp đường Thiên Lý chạy thẳng từ Thăng Long tới Bình Định.

Thời vua Gia Long nhà Nguyễn, triều đình cho tu bổ lại con đường giao thông Bắc – Nam chạy dài từ Ải Nam Quan đến Hà Tiên. Cứ 30 dặm lại có 1 trạm để viên chức địa phương trông coi. 

cau-chuyen-ve-nhung-con-duong-thien-ly-dau-tien-tai-sai-gon-1
Đường Sài Gòn xưa

Thế kỷ XIX, đã có khoảng 133 trạm cùng 6000 cai đội và phu trạm phục dịch. Ty Bưu Chính quản lý và điều hành các trạm dịch vụ trên đường thiên lý còn Ty Thông chính sứ sẽ phân phát mệnh lệnh triều đình, nhận thu báo cáo tình hình về kinh đô. 

Ngoài những con đường cái quan chính yếu, đường cái quan thứ yếu nối với đường thiên lý Bắc - Nam đi tới những vùng dân cư xa xôi hơn. Ví dụ như đường từ Hà Hội qua Hải Dương, Quảng Yên rồi lên Lạng Sơn; đường từ Hà Nội qua Thái Nguyên tới Cao Bằng. Từ Hà Nội có đường đi Sơn Tây, Hưng Hóa. Từ đường thiên lý ở Ninh Bình có đường đi Nam Định phía đông, đường đi Ninh Biên châu phía Tây. 

cau-chuyen-ve-nhung-con-duong-thien-ly-dau-tien-tai-sai-gon-2
Bản đồ Sài Gòn được vẽ bởi Trần Văn Học năm 1815

Đường thiên lý ở Vinh có đường qua Trường Sơn tới Quy Hợp, tới Campuchia. Đường thiên lý ở Bình Định có đường qua Phù Ly, huyện Tuy Viễn Tây Sơn Thượng qua Trường Sơn sang Lào…

Dân cư thời đó được quản lý theo đơn vị hành chính. Trong đó, đơn vị hành chính cấp cơ sở là làng. Trấn là đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong trấn có thành và dinh. Đường cái quan nối thị tứ, thị trấn, thị xã hay các thành phố lại với nhau. Dù chưa phải là điểm dân cư đô thị nhưng ở thị tứ đã tập trung nhiều công trình mang tính đô thị phục vụ người dân. Ở đây có những dãy nhà tập trung của những người lao động, là tiền đề cho các điểm dân cư đô thị. 

Phần lớn các đường cái quan phát triển tự phát, ngày nay đã trở nên chật hẹp, dần không còn thích ứng khi các phương tiện giao thông cơ giới phát triển. Vì vậy, ngày nay con người phải mở những đường vòng để tránh chật chội, đông đúc và đảm bảo an toàn. 

cau-chuyen-ve-nhung-con-duong-thien-ly-dau-tien-tai-sai-gon-3
Ba đường Thiên Lý của Sài Gòn xưa

Tại Sài Gòn xưa, có 3 đường thiên lý đi 3 hướng khác nhau. Phía Bắc từ cửa Cấn Chỉ thành Bát Quái có đường đi bến đò Bình Đông, đi Biên Hòa ra miền Trung. Đường thiên lý về phía Tây từ cửa Đoài Duyệt – Thành Qui đến A Ba (Cao Miên), qua Tây Ninh sang Campuchia. Đường thiên lý về phía Nam từ cửa Tốn Thuận – Thành Quy (ở góc đường Lý Tự Trọng – Nam Kỳ Khởi Nghĩa), đến Thủ Đoàn, Trấn Định (nay thuộc Tiền Giang). 

Năm 1859, sau khi thực dân Pháp chiếm Sài Gòn đã tiến hành quy hoạch lại thành phố. Họ vẫn dựa vào những con đường thiên lý này để hình thành những ô phố vuông, phân chia mạng lưới giao thông. Những con đường mới ra đời, có cả lòng lề đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ riêng biệt, khác hẳn con đường đô thị thời phong kiến.

cau-chuyen-ve-nhung-con-duong-thien-ly-dau-tien-tai-sai-gon-4
Đường Nguyễn Trãi nối Sài Gòn và Chợ Lớn những năm 1900

Hai bên đường, nhà cửa được xây dựng với mật độ cao, đường đô thị ngoài chức năng giao thông còn giúp tạo cảnh quan, cung cấp điện nước, thông tin truyền thông… Một trong những con đường được Pháp làm từ rất sớm là đường số 12. Năm 1865, đường này được đổi thành đường rue del’Hooopital (đường Nhà Thương). Năm 1897, đường đổi thành đường Pasteur. Năm 1955, đường đổi thành Đồn Đất, ngày nay chính là con đường Thái Văn Lung. 

Người Pháp còn tổ chức nhiều đường phố lớn tại trung tâm Sài Gòn. Trong đó, phải kể đến những đại lộ như đại lộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi. Dọc theo những đại lộ này tập trung loạt công trình dịch vụ như cửa hàng, khách sạn, trung tâm thương mại… Điều này khiến Sài Gòn thành Hòn ngọc Viễn Đông nổi tiếng thời bấy giờ. 

Ngày xưa, đại lộ Nguyễn Huệ là con kênh Charner nối Dinh Đốc Lý (UBND TP.HCM ngày nay) với sông Sài Gòn. Sau này, người Pháp lấp lại thành đại lộ lớn với 4 làn giao thông, ngăn cách bởi hai dãy cây xanh. Trục chính có hàng cột điện chiếu sáng mang tới hình ảnh sang trọng, phồn vinh. 

cau-chuyen-ve-nhung-con-duong-thien-ly-dau-tien-tai-sai-gon-5
Đường Đồn Đất trước năm 1975, nay là đường Thái Văn Lung

Sau 200 năm hình thành và phát triển, đại lộ Nguyễn Huệ ngày càng thay đổi, trở thành con đường đẹp nhất Sài Gòn. Nơi đây diễn ra nhiều lễ hội văn hóa như lễ hội đường sách, lễ hội đếm ngược và đặc biệt là hội hoa xuân đường.

Trong quá trình hội nhập, đại lộ Nguyễn Huệ được cải tạo và nâng cấp thành đường đi bộ nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước 30/4/2015. Tất cả các hạng mục được xây dựng lại, từ đài phun nước, nhạc nước, đèn chiếu sáng, mặt đường, vỉa hè tới cây xanh. Con đường dài 670m, rộng 64m, kết nối đồng bộ với khu vực xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xem thêm: Những điều ít người biết về cái tên Sài Gòn: Hóa ra có nguồn gốc từ... thiên nhiên

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận