Những điều ít người biết về cái tên Sài Gòn: Hóa ra có nguồn gốc từ... thiên nhiên
Hơn 300 năm hình thành và phát triển, Sài Gòn vẫn ẩn giấu nhiều điều bí ẩn mà mọi người chưa khám phá hết, bao gồm cả tên gọi địa danh như ngày nay.
Không ít người tò mò về tên gọi Sài Gòn. Theo như tác giả tập sách Tạp ghi Việt Sử Địa (tập 3, NXB Trẻ) Nguyễn Đình Đầu, cái tên Sài Gòn xuất hiện từ rất sớm. Có lẽ, tên này đã xuất hiện từ cuối thế kỷ 16 hoặc đầu thế kỷ 17, từ những ngày đầu lưu dân Việt Nam tới khẩn hoang vùng đất này.
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hầu: “Hiện mới nhận diện được hai chữ Hán Nôm Sài Gòn, mà Lê Quý Đôn đã ghi trong Phủ biên tạp lục viết năm 1776. Trong đây đã kể lại biến cố: Tháng 4 (1672), Nguyễn Dương Lâm chia quân làm hai đạo nhân đánh úp lũy Gò Bích, chặt đứt bè nổi và xích sắt, tiến thẳng vào thành Nam Vang.
Nặc Đài chết, Nặc Thu ra hàng. Tháng 7 rút quân về lập Nặc Thu làm chính quốc vương đóng ở Cao Miên, Nặc Nộn làm Thứ trưởng Quốc vương đóng ở Sài Gòn, hàng năm triều cống” (Lê Quý Đôn toàn tập, trang 62).
Từ đó có thể thấy, hai chữ Hán Nôm Sài Gòn đã xuất hiện từ năm 1776. Tức là, cái tên Sài Gòn ít nhất đã tồn tại từ đó đến nay, chưa từng thay đổi.
Sài Gòn là nơi có nhiều củi gòn
Theo tác giả Gia Định thông chí, Sài là mượn tiếng viết theo chữ Hán, có nghĩa là củi gỗ, còn Gòn là tiếng miền Nam chỉ cây bông gòn. Cái tên này phát sinh do người Cao Miên từng trồng quanh những đồn đất xưa của mình nhiều cây bông gòn. Đến ngày nay, dấu vết vẫn còn tìm thấy ở chùa Cây Mai và các vùng lân cận.
Dù có nhiều giả thuyết về cái tên Sài Gòn nhưng theo ông Nguyễn Đình Đầu, chỉ có 3 giả thuyết là đáng tin cậy. Đặc biệt là giả thuyết thứ nhất, Sài Gòn bởi Đề Ngạn (người Hoa đọc Tai - Ngon). Họ cho rằng, người Hoa xây Chợ Lớn từ năm 1778, sau đó đặt tên thành phố là Tai - Ngon. Sau này, người Nam bắt chước lại và phát âm thành Sài Gòn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã bác bỏ quan điểm này. Cũng theo ông Đầu: “Trên báo Le Courrier de Saigon số ra ngày 20.1.1868 lại nêu giả thuyết: Tên Sài Gòn có lẽ biến đổi từ chữ Kai – gòn, tên gọi loại cây sản xuất ra bông gòn. Cây gòn, có rất thường ở Nam Kỳ, hay được dùng làm hàng rào cây tươi. Vào thời kỳ người Nam chiếm đóng xứ này, dân đó có một đồn lũy với đặc thù ấy, bởi thế có tên gọi Sài Gòn”.
Theo Phủ Biên Tạp Lục (Lê Quý Đôn, viết năm 1776), năm 1674 Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh Chúa Nguyễn đánh Cao Miên, phá vỡ lũy Sài Gòn. Tức là, Sài Gòn đã có từ trước khi người Hoa đến Chợ Lớn, đây cũng là lần đầu tiên hai từ này xuất hiện trong tài liệu Việt Nam.
Cống phẩm của phía tây
Còn theo học giả người Pháp Louis Malleret, cái tên Sài Gòn có nguồn gốc từ tiếng “Tây ngòn”. “Tây ngòn” phát âm theo giọng của người Hoa thành Sài Gòn. Từ này có nghĩa là Tây Cống hay cống phẩm của phía tây.
Giả thuyết của ông Malleret dựa theo dữ kiện lịch sử do Trịnh Hoài Ðức ghi chép lại. Thời điểm Campuchia bị phân ra cho hai nhà nước, cả 2 vua đều phải nạp cống phẩm cho chúa Nguyễn ở Prei Nokor.
Tuy nhiên, theo ông Vương Hồng Sển, từ “Tây Cống” chỉ được người Hoa dùng sau này. Trước kia, vùng Chợ Lớn được gọi là Sài Gòn. Đến khi người Pháp chiếm các tỉnh Đông Nam Bộ đã gọi vùng Bến Nghé là Sài Gòn. Với họ, tên Bến Nghé quá khó đọc.
Có quá nhiều tranh luận về cái tên Sài Gòn. Tuy nhiên, nhiều học giả nhận định, cái tên Sài Gòn không rõ thực hư càng khiến nó thêm huyền bí, hấp dẫn. Quả thực, hơn 300 năm qua, Sài Gòn chưa bao giờ hết hấp dẫn và tò mò với nhiều người.
Xem thêm: Trại tạm cư Phạm Thế Hiển, Sài Gòn năm 1968: Nơi ấm tình đồng bào giữa thời loạn lạc
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận