Xuất gia tu hành thực hiện bồ tát hạnh

Bồ tát hạnh là phải xả thân giáo hóa chúng sinh không mệt mỏi. Bồ tát được phiên âm qua trung gian chữ Hán rồi sang chữ Việt của từ tiếng Phạn Bodhisatva, có nghĩa là một hữu tình có trí giác. Nghĩa của từ vựng thì đơn sơ nhưng giá trị của Bồ tát thì rất lớn lao trong đạo Phật.

Hoài Lương
07:09 17/07/2021 Hoài Lương
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Người hướng về quả vị Phật

Trong các kinh điển Nguyên Thủy, nhất là các tập Bổn sinh kể về các tiền kiếp của Phật, ta thấy lúc đó Phật được gọi là Bồ tát. Nhiều kiếp vất vả lăn lộn trong sinh tử gieo duyên hóa độ chúng sinh, cuối cùng Bồ tát ra đời trong cung vua Tịnh Phạn rồi xuất gia tu hành thực hiện bồ tát hạnh mà thành tựu Phật quả.

Trên nguyên tắc, Phật vẫn cho mình là một Alahán như những Alahán khác, chỉ khác là Phật vượt hơn các vị Alahán đệ tử ở công lao khai sáng, trí tuệ, thần thông, dung mạo, công đức,… Nhưng càng về sau, nhiều luận bản xuất hiện và làm cho khoảng cách giữa Phật và Alahán càng cách xa trời vực. Thậm chí nhiều luận bản còn có ý chê bai quả vị Alahán là kém cỏi. Đây là điều rất trái ngược với quan điểm ban đầu của Phật.

Xuat-gia-tu-hanh-thuc-hien-bo-tat-hanh-04
Một vị Bồ tát trải qua vô số kiếp vừa tu hành vừa hóa độ chúng sinh sẽ lần lượt tiến lên nhiều quả vị trước khi xuất hiện ở kiếp cuối cùng thành tựu Phật quả

Trong nhiều kinh Nikaya, Alahán là một thánh hoàn hảo, đầy lòng từ bi thương yêu chúng sinh nhưng dấu kín trong phong cách trầm mặc hiền lành. Sau này, những luận bản của Đại thừa cho Alahán là khô khan, thụ động, hễ nhập Niết bàn xong là hết chuyện. Nhưng câu chuyện về ngài  HƯ Vân mộng lên cung trời Tusita (Đẩu suất) thấy ngài Ananda đang phụ giúp Bồ tát Di Lặc giáo hóa Thiên chúng lại mở ra một cách hiểu về Alahán khác đi.

Vì không vừa ý với bốn quả Thánh, nhiều luận bản Đại thừa đã thiết lập thêm nhiều quả vị phức tạp cho Bồ tát. Một vị Bồ tát trải qua vô số kiếp vừa tu hành vừa hóa độ chúng sinh sẽ lần lượt tiến lên nhiều quả vị trước khi xuất hiện ở kiếp cuối cùng thành tựu Phật quả. Theo kinh Hoa Nghiêm thì Bồ tát sẽ trải qua 52 quả vị gồm Thập Tín, Thập trụ, Thập Hạnh, Thập  HỒI  HƯớng, Thập Địa, và hai quả vị cuối là  Đẳng giác và  Diệu giác.

Ai cũng đồng ý về tính cách của Bồ tát là phải xả thân giáo hóa chúng sinh không mệt mỏi theo tinh thần bồ tát hạnh. Riêng vấn đề phải bàn là mức độ chứng ngộ của Bồ tát khi đó là như thế nào.

Nhưng dù sao thì Nam tông hay Bắc tông đều phải nhất trí ở chỗ Bồ tát là người hướng đến quả vị Đại giác của Phật, có nghĩa phải là người khai sáng một tôn giáo giải thoát vào một thời điểm nào đó, ở một hành tinh nào đó, chứ không phải là người đệ tử được hướng dẫn bởi một đạo sư đi trước.

Còn kinh điển Đại thừa thì đông nghịt những vị Bồ tát trong mười phương thế giới với vô số hạnh nguyện khác nhau mặc dù cùng có chung tâm nguyện độ sinh.

Những người có tấm lòng bao la

Thật ra trong đạo Phật, người ta hiểu từ Bồ tát với nghĩa khá rộng, không hẳn chỉ là những vị Bồ tát thần thông quảng đại ẩn hiện khắp nơi trên cõi cao vời, mà còn là những người có tấm lòng độ lượng nhân ái sống giữa cuộc đời thực tế này. Chính vì ý nghĩa rộng lớn của Bồ tát như vậy nên tinh thần bồ tát hạnh là hình ảnh của đạo Phật thật gần gũi đẹp đẽ và sống động,

Một người được gọi là Bồ tát sẽ là người thương yêu mọi người chung quanh mình, sẵn lòng giúp đỡ khi có thể, dường như chẳng bao giờ thấy giận ghét ai. Những tâm hạnh như thế rất phù hợp với tiêu chuẩn của một vị chứng thánh quả Tu đà hoàn trở lên.

Nhưng nếu vị Bồ tát đó lại có thêm dấu hiệu là người có đạt được khả năng tâm linh gì đó thì càng khiến cho mọi người tin tưởng đây là vị Bồ tát đích thực. Dù sao, trước hết Bồ tát được đòi hỏi phải là người có tấm lòng bao la nhân ái, còn tiêu chuẩn về thần thông tâm linh thì tính sau.

Xuat-gia-tu-hanh-thuc-hien-bo-tat-hanh-03
Một người được gọi là Bồ tát sẽ là người thương yêu mọi người chung quanh mình, sẵn lòng giúp đỡ khi có thể, dường như chẳng bao giờ thấy giận ghét ai.

Bồ tát phải là người thông cảm và xoa dịu nỗi đau của mọi người chung quanh mình một cách thực tế cụ thể.  Chúng sinh trên đời phải chịu vô vàn khổ đau, từ những chuyện lớn lao cho đến những  chuyện vặt vãnh. Nhiều chuyện phiền toái vặt vãnh của chúng sinh nghe rất buồn cười. Chúng sinh sẵn sàng buồn khổ vì những chuyện mà Bồ tát thấy là vặt vãnh không đáng, nhưng Bồ tát vẫn lắng nghe và tìm cách giúp đỡ chứ không cười cợt khinh khi.

Tuy nhiên, Bồ tát khác với một nhà chuyên làm từ thiện ở chỗ, nhà từ thiện chỉ chuyên đi tìm những kẻ đau khổ để giúp đỡ như cứu trợ vật thực, chăm sóc người mắc bệnh phong, chăm sóc trẻ em mồ côi. Còn Bồ tát thì âm thầm giúp cho chúng sinh biết tội phước nhân quả để chúng sinh tự mình tạo ra phước cho chính mình, tạo nên phẩm giá cho chính mình mà không cần nhờ ai giúp đỡ nữa. Thoạt nhìn bên ngoài thì một nhà làm từ thiện có vẻ  nổi bật hơn, dễ được nhiều người biết hơn. Nhưng nói về hiệu quả lợi ích lâu dài thì chính những vị Bồ tát âm thầm giúp chúng sinh có trí tuệ mới là công lao to lớn đối với thế giới.

Bồ tát cũng khác với một người thích làm phước để cầu phước . Người làm phước mà cầu phước thì nhìn bên ngoài cũng giúp đỡ mọi người, nhưng bên trong lòng ích kỷ càng lúc càng lớn. Còn Bồ tát thì giúp đỡ chúng sinh chỉ vì lòng thương yêu vô điều kiện. Vì vậy, để gọi một người là Bồ tát, ta phải hiểu động cơ thật sự của việc làm từ thiện của người đó, không phải thấy ai tốt tốt cũng gọi là Bồ tát.

Bồ tát Tu đà hoàn

Theo Nikaya, một vị chứng quả Tu đà hoàn (Sotapatti) sẽ phải trở lại cõi người nhiều lần trước khi chứng quả Giải thoát Alahán tối hậu. Trong thời gian tái sinh nhiều lần ở cõi người, vị Tu đà hoàn mang theo tấm lòng vị tha do đã phá trừ được kiết sử thân kiến (nghĩa là ích kỷ), để sống một đời tận tụy giúp đời giúp người. Vừa có nguồn gốc thánh quả, vừa sống đời hy sinh tận tụy, vị  Tu đà hoàn này thật sự có tâm hạnh của Bồ tát.

Vị Bồ tát Tu đà hoàn như thế đã tích lũy công đức dần dần và gột rửa nghiệp chướng từ từ. Vị đó vẫn còn phải chịu nhiều thăng trầm trong cuộc sống vì đôi khi đã chấp nhận có thái độ cứng rắn khi phải bảo vệ điều thiện cho thế gian. Nhưng thánh quả của quá khứ luôn hiện diện trong nội tâm sâu thẳm khiến cho vị đó đi đúng hướng và công đức tăng lên mãi. Vị đó luôn khát khao tu tập thiền định, và nhiều khi không lệ thuộc vào sự hướng dẫn của thầy tổ do vị đó đã có mầm mống chứng ngộ của quá khứ.

Có khi vị Bồ tát Tu đà hoàn leo lên tới tột đỉnh vinh quang ở ngôi vị quốc vương, nhưng cũng có lúc phải chịu lang thang đày đọa. Nhưng tuyệt đối vị đó không bao giờ bị rơi vào ba nẻo ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Khuynh hướng vị tha, khát khao lẽ phải, ước mơ siêu thoát luôn thúc đẩy vị đó hướng thượng chứ không chìm trong sự tầm thường của thế nhân. Đôi khi vị đó vẫn còn có thể có lỗi lầm, nhưng rồi cuối cùng vị đó vẫn tự mình tìm cách vượt ra khỏi.

Có thể nói Bồ tát Tu đà hoàn là hình ảnh cảm động nhất vì vị đó phải cực khổ phấn đấu rất nhiều chứ không được dễ dàng tự tại như những Bồ tát cao siêu khác.

Bồ tát thị hiện

Bồ tát thị hiện là hàng Bồ tát có thánh vị cao, có phước đầy đủ ở cõi trời, không bị ràng buộc bởi cõi người, nhưng thấy mình có duyên để làm được việc tốt đẹp cho Phật pháp, cho thánh vị cao, có phước đầy đủ ở cõi trời, không bị ràng buộc bởi cõi người, nhưng thấy mình có duyên để làm được việc tốt đẹp cho Phật pháp, cho chúng sinh ở cõi người nên phát nguyện sinh về cõi người trong một thời điểm nào đó.

Bồ tát thị hiện được tự do chọn cha mẹ, dòng dõi để sinh vào. Nếu là Bồ tát mức độ chứng ngộ chưa siêu việt thì các ngài chấp nhận cách ấm vô minh, nghĩa là khi mới xuất thai, tạm thời quên nguồn gốc thần thánh của mình. Sau đó vài năm, khi tuổi lớn, bộ não phát triển, tâm linh khai mở, trình độ tâm chứng tự nhiên phục hồi sau một thời gian tu tập, Bồ tát sẽ nhớ lại nguồn gốc cũng như hạnh nguyện mang theo về cõi người của mình.

Bồ tát thị hiện thì tự tại hơn Bồ tát Tu đà hoàn vì trình độ tâm chứng cao hơn, công đức lớn hơn, vì vậy, dễ dàng thực hiện hoài bão của mình hơn.

Xuat-gia-tu-hanh-thuc-hien-bo-tat-hanh-02
Bồ tát thị hiện là hàng Bồ tát có thánh vị cao, có phước đầy đủ ở cõi trời, không bị ràng buộc bởi cõi người

Nhiều thiền sư dị thường như ngài Phổ Hóa, Đạo Tế, Diệu Thiện (chùa Kim Sơn), Minh Không (Việt nam)… đều có thể xem là Bồ tát thị hiện. Hình ảnh sư huynh Ngọc lam trong truyện Thoát vòng tục lụy của sư Tinh Vân cũng tiêu biểu cho hàng Bồ tát thị hiện.

Nhiều vị Bồ tát không nhất thiết phải xuất hiện trong đạo Phật. có khi các ngài hiện thân trong một tôn giáo khác để chính đổn tôn giáo đó về gần với chánh đạo hơn. Những vị đó cũng có thần thông phi thường, có đạo hạnh siêu thoát, và đạo lý luôn luôn phù hợp với Phật pháp, dù đang hiện tướng của một tôn giáo khác.

Cũng có khi Bồ tát thị hiện vào ngôi nhân vương, quan tướng, hào phú, triết gia, anh tài… để thực hiện những tâm nguyện của mình. Nhưng thường thì các vị giấu giẹm thân phận mình rất kỹ, khó ai biết được nguồn gốc thần thánh của các ngài. Triết gia Socrate (469 – 399 BC) của thành Athenes, Hy Lạp cổ là một điển hình. Những triết lý của ông rất phù hợp với Phật pháp. Ông có thể nhập định trong tư thế đứng một ngày một đêm. Ông bình thản chấp nhận cái chết bức tử bằng thuốc độc. Nhà toán học Pythagore (582 – 500 bc), cùng thời đại với Phật, cũng ở Hy Lạp, đã dạy thiền định cho nhiều môn đệ, và có nhiều thần thông. Pythagore nói rất nhiều về luân hồi giống như đạo Phật.

Có một điều chúng ta cần phải nhớ, đó là Bồ tát không bao giờ sử dụng thần thông để thay đổi số phận của chúng sinh. Các ngài chỉ giúp cho chúng sinh biết gây tạo nhân lành để quả báo tự đến một cách vững bền ổn định. Bồ tát phải là người có trí tuệ hiểu rất sâu về  Nhân quả Nghiệp báo nên luôn dùng luật  NHÂn quả để điều chỉnh thân phận con người. Thần thông chỉ là sự cứu giúp tạm thời, không phải là vĩnh viễn.

Đại Bồ tát

Đó là những vị Bồ tát gần như Phật, hầu như không bao giờ trực tiếp hiện thân ở đời mà chỉ ở trên cõi trời, cõi thánh để quan sát và cứu độ thế gian. Trường hợp như Bồ tát Di lặc thị hiện làm Bố đại hòa thượng là hiếm hoi.

Xuat-gia-tu-hanh-thuc-hien-bo-tat-hanh-01
Bồ tát Quán Thế Âm cực kỳ được quần chúng ngưỡng mộ tôn thờ vì hạnh nguyện cứu giúp chúng sinh trong lúc nguy nan cấp bách

Ta có những vị Đại Bồ tát nổi tiếng như Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi, Phổ hiền, Địa Tạng, Đại Thế Chí vân vân… Riêng Bồ tát Quán Thế Âm cực kỳ được quần chúng ngưỡng mộ tôn thờ vì hạnh nguyện cứu giúp chúng sinh trong lúc nguy nan cấp bách. Thật sự rất nhiều, rất nhiều người gặp nạn niệm danh hiệu Quan Âm liền được thoát  khỏi vô cùng màu nhiệm.

Ta có thể thắc mắc tại sao thần thông của một vị  Bồ tát lại can thiệp vào  nghiệp của chúng sinh được. Thật ra những người lúc gặp nạn lại biết niệm Phật tức là đã có duyên với Phật Pháp,  ít ra trong đời cũng đã làm việc lành nào rồi. Khi gặp nạn biết kêu cứu Phật, chư Phật, chư Đại Bồ tát sẽ dùng thần thông cứu người đó qua nạn tai, cũng có nghĩa là cho chúng sinh đó mượn phước của mình, mà Bồ tát thì phước là vô hạn. Sau này người đó phải làm những việc phước để trả lại. Đó là lý do tại sao ta thấy có nhiều người làm phước rất nhiều mà không khá lên được chỉ bởi vì phải trả lại cho Phật. Người càng cầu xin nhiều chừng nào thì sau này khi làm phước  càng ít được hưởng phước chừng nấy.

Thật ra, các Bồ tát thì không có tên tuổi danh xưng, càng không còn phân biệt Bồ tát này Bồ tát khác. Chỉ có chúng sinh thích bày vẽ phân biệt cho phong phú đa dạng thì các Ngài tùy thuận mà thôi.

Tâm bồ tát trùm phủ pháp giới bằng lòng đại bi vô hạn, giống như ánh nắng mặt trời bình đẳng chiếu khắp vạn vật. Người quay lưng với ánh sáng thì mặt trời cũng không làm gì được. Cũng vậy, chúng sinh không hướng về chư Phật thì Phật cũng không làm gì được. Còn tất cả những chúng sinh nào biết hướng về Phật thì luôn luôn được sự gia hộ che chở của chư Phật. Tâm đại bi của Phật là một sự cảm ứng vi diệu và không bao giờ cùn tận mà chúng sinh sẽ được thấm nhuần tươi mát nếu có tấm lòng.

Chúng ta có thể hiểu vô biên hóa thân của  PHẬt hay chư Đại Bồ tát chính là tâm cảm ứng cùng khắp với tất cả chúng sinh, chứ không cần thiết phải hiện thân cụ thể.

Quả vị cả những vị đại Bồ tát như thế thật là không thể nghĩ bàn, cùng như Bồ tát  DI LẶC không khác gì Phật, nhưng vẫn ở tại cõi trời Đẩu suất để giáo hóa Thiên chúng chờ thời điểm xuất hiện ở cõi người để thành Phật quả.

Quán Thế Âm Bồ Tát là ai? Lịch sử cuộc đời về Quán Thế Âm Bồ Tát 

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận