Tôn kính Phật là sức mạnh ban đầu của mọi sự tu tập
Tôn kính Phật là công đức căn bản sinh ra mọi công đức khác, là tâm hạnh căn bản sinh ra mọi tâm hạnh khác. Là đệ tử Phật, chúng ta có tôn kính Phật thì mới dần dần đạt được những đức tính của Phật nơi tâm của mình như sự vô nhiễm, sự thanh tịnh và sự cao thượng...
Ta thấy việc tu dễ hay khó? Rất khó. Nhưng sức mạnh nào làm cho ta cứ phải mãi mãi bước đi trên đường tu tập? Sức mạnh nào làm cho ta nhìn được lỗi mình? Sức mạnh nào làm cho ta cứ phải sám hối, phải phát nguyện, phải tu tập mãi mãi?
Sức mạnh ban đầu tạo nên mọi điều tốt đẹp chính là lòng tôn kính Phật, không có lòng tôn kính Phật ta không có đủ sức mạnh để tiến tu bất cứ điều gì.
Người có lòng tôn kính Phật ít sẽ tu được ít. Người có lòng tôn kính Phật nhiều sẽ tu được nhiều. Người có lòng tôn kính Phật vô biên, thì chắc chắn sẽ phải tu cho đến đắc đạo, hoàn toàn viên mãn.
Vì vậy, ban đầu ta phải tu làm sao để được lòng tôn kính Phật vô biên trước. Mỗi ngày ta đều lạy Phật, ta đều tụng Kinh, nhưng mà có khi lòng ta hờ hững, hời hợt, cạn cợt. Đọc một lời kinh Phật chưa thấy xúc động, lễ Phật chưa có thiết tha tôn kính, thì phải biết rằng, cái sức mạnh tu hành của mình còn rất kém.
Chỉ khi nào mỗi một thời Kinh, đọc một lời Kinh Phật mà ta thấm thía xúc động, lạy Phật mỗi một lạy là tràn ngập lòng tôn kính thì biết rằng, sức mạnh đã đủ để đưa ta đi qua vô lượng kiếp luân hồi cho tới ngày viên mãn được Phật đạo.
Lòng tôn kính Phật là sức mạnh ban đầu của mọi sự tu tập. Nếu không có lòng tôn kính Phật, ta chỉ là thân phận cỏ rác, bọt bèo, vô nghĩa và mãi mãi trầm luân trong đau khổ mà thôi.
Nên ban đầu phải là lòng tôn kính Phật rồi sau đó mới nói tới chuyện tu hành. Mà cũng chính vì có lòng tôn kính Phật mà biết bao nhiêu cám dỗ, khó khăn, vất vả, nghịch cảnh của cuộc sống ta đều vượt qua hết.
Nếu thiếu lòng tôn kính Phật thì giống như một khúc bè trôi trên sông mà như Đức Phật nói: chiếc bè tấp vào bờ là kẹt ở đó luôn, dính vào một hòn đảo kẹt ở đó luôn, không bao giờ ra được tới đại dương. Thấy có sự cám dỗ là dừng lại để hưởng thụ, thấy có nghịch cảnh là thoái tâm lùi bước liền, không bao giờ tiến tu được.
Còn khi mà ta có lòng tôn kính Phật tột độ rồi, thì có cám dỗ, có động tâm, có nghịch cảnh khó khăn ta vẫn vượt qua và đi tới để cho chiếc bè đó trôi mãi, thể nhập vào đại dương Phật Đạo mênh mông bao la. Tất cả đều bắt đầu bằng lòng tôn kính Phật trước.
Có một câu chuyện đẹp về ý nghĩa này. Đôi vợ chồng nghèo gặp một vị Alahán có dung mạo rất đẹp. Họ phát tâm cúng dường vị Alahán một xấp vải để thay thế tấm y rách rưới tả tơi của ngài sau nhiều ngày tháng ẩn cư trong thâm sơn cùng cốc.
Vị Alahán bước vào bụi rậm để khoác lên tấm y mới và bước ra với dáng vẻ đường bệ bội phần. Người vợ buột miệng nói:
-Xin cho chúng con được dự vào quả vị như Ngài đã chứng!
Vị Alahán mỉm cười hứa khả và khẽ chào quay đi. Ngài biết mình đã chứng Alahán nhưng đôi vợ chồng kia không biết. Dù thế nào thì lời nguyện đó cũng sẽ thành tựu trong đời vị lai.
Không ngờ khi ngài mỉm cười thì dung mạo càng đẹp hơn nữa. Khi ngài đi rồi thì người vợ khen mãi:
-Trời ơi, ngài đẹp như một tài tử!
Người chồng gật đầu đồng ý.
Nhiều kiếp trôi qua đến khi Phật Thích Ca xuất hiện thì đôi vợ chồng kia cũng tái sinh sau đó không lâu. Người vợ sinh trong gia đình gánh hát nên làm nữ tài tử đi hát từ vùng này sang vùng khác. Người chồng mê cô đào hát nên trốn nhà đi theo. Họ có với nhau một mụn con. Người chồng thường bị nói xa nói gần là vô tích sự vì thật sự anh không biết biểu diễn như vợ. Tự ái, anh học trình diễn và cũng trở thành tài tử.
Một lần đang biểu diễn đu quay trên cây sào cao 20 thước, anh chợt nhìn thấy đức Phật từ xa đi đến với oai nghi trầm hùng rực rỡ nên anh giữ bất động để ngắm Ngài.
Phật cũng thấy nhân duyên của anh đã chín muồi, nên hướng về anh đọc một bài kệ với nội dung xem cuộc đời cũng là một trò xiếc mà người trí phải biết thoát ra. Anh chứng đạo ngay đó và bay xuống đảnh lễ Ngài.
Người chồng xuất gia, và người vợ cũng xuất gia theo rồi cũng chứng đạo luôn, đúng như lời nguyện kiếp xưa mà họ đã mong muốn. Dĩ nhiên ta cũng biết là họ cũng phải đã từng có nhiều kiếp tu hành thật sự chứ không phải chỉ do nhân duyên cúng dường xấp vải.
Câu chuyện trên cho chúng ta một minh họa sinh động về sự thành tựu những tính chất giống như vị thánh mà mình đã tôn kính.
Nếu muốn thoát khỏi ái dục thì sự tôn kính Phật cũng giúp chúng ta nhẹ nghiệp ái dục, xóa bỏ dần nhiễm ô, ích kỷ tầm thường của con người và chỉ nguyện sống vì mọi người.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận