Phật dạy: Trồng cây xanh để có bóng mát, đem lại cuộc sống thanh bình, thịnh lạc cho muôn loài
Trong cuộc đời Đức Phật - có bốn sự kiện trọng đại đều diễn ra tại rừng cây. Trước hết, Ngài được sinh ra ở rừng cây. Theo tục lệ của đất nước Ấn Độ thời bấy giờ, gần đến ngày sinh nở, Hoàng hậu Maya phải về quê của mình ở Devadaha. Nhưng khi đoàn người đi đến vườn Lâm Tỳ Ni thì Hoàng hậu lâm bồn.
Đức Phật đã ra đời trong hoàn cảnh như thế. Hình như Ngài từ chối cung vàng điện ngọc để được ra đời nơi rừng cây xanh mát. Đến khi Thành Đạo, Ngài cũng ở dưới cội cây Bồ đề. Lần thuyết pháp đầu tiên của Ngài lại diễn ra tại vườn Nai. Nơi ấy có những chú nai chạy tung tăng, gần gũi với con người.
Những lần sau, thỉnh thoảng Ngài cũng thuyết pháp trong giảng đường nhưng lần thuyết pháp đầu tiên đã diễn ra dưới rừng cây. Cuối đời, Ngài lại viên tịch tại rừng cây. Tuy Ngài không nói nhưng bốn sự kiện lớn trong cuộc đời Ngài đã để lại cho những người đời sau một thông điệp quan trọng.
Thông điệp đó là gì?
Trước hết, chúng ta phải thừa nhận rằng, Đức Phật có những lời dạy mà Ngài không nói thành lời. Nếu có đủ trí tuệ, chúng ta sẽ nhìn ra được những lời dạy đó qua chính cuộc đời Ngài. Ở đây, chúng ta chỉ nói đến hai điều quan trọng mà Ngài để lại.
Thứ nhất là Thiền định. Trước khi nhập Niết Bàn, Ngài chỉ im lặng, nằm nghiêng và bắt đầu nhập xuất từng mức định. Chúng ta không ai biết nhưng những vị Thánh Tăng biết. Lúc ấy, Ngài Anurudha nói cho mọi người biết: Đức Thế Tôn vừa nhập Sơ thiền, Đức Thế Tôn vào Nhị thiền, Đức Thế Tôn vào Tam thiền, Đức Thế Tôn vào Tứ thiền,
Đức Thế Tôn trở lại Tam thiền, Nhị thiền, Sơ thiền, Đức Thế Tôn lại nhập Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Đức Thế Tôn vào Niết Bàn.
Tại sao Ngài không nhập thẳng vào Niết Bàn như các Thiền sư mà phải nhập xuất nhiều mức định như vậy? Phải chăng, đó là lời dạy cuối cùng cực kỳ quan trọng mà Ngài muốn gửi lại cho hậu thế? Phải chăng Ngài muốn những đệ tử của mình phải thực hiện được việc xuất nhập các mức thiền định một cách tự tại như thế?
Nghĩa là Phật dạy người tu thiền muốn vào mức thiền nào phải vào được mức thiền đó. Làm chủ được như vậy, tự tại được như vậy là chúng ta đã thực hiện thành công lời dạy của Ngài. Nếu không, dù học hết bao nhiêu tạng kinh điển, dù có thể giảng pháp thao thao bất tuyệt, dù có thể ra nước ngoài tu học lấy được bằng Tiến sĩ, chúng ta vẫn chưa hiểu, chưa làm tròn được di ngôn không lời cuối cùng của Đức Phật.
Vì vậy, khi còn trẻ, chúng ta phải vừa học vừa cố gắng tu. Khi lớn lên, phải vừa làm việc đạo để tạo công đức vừa nghiên cứu, nhưng phải cố gắng tinh tấn tu tập Thiền định để có thể xuất nhập các mức thiền một cách tự tại như hoài bão, như thông điệp quan trọng mà Đức Phật đã để lại cho chúng ta trong giờ phút cuối cùng thiêng liêng của cuộc đời mình.
Thông điệp quan trọng thứ hai chúng ta có thể hiểu được qua bốn sự kiện trọng đại trong đời Ngài. Đó là việc Ngài sinh ra, thành Đạo, giảng Pháp lần đầu tiên và viên tịch đều ở tại rừng cây.
Phải chăng, vì hiểu giá trị kín đáo mà lớn lao ẩn trong sự sống của cây rừng nên Phật dạy chúng ta phải yêu quý thiên nhiên, phải gần gũi với thiên nhiên? Vào thời Đức Phật, điều này không quan trọng lắm vì lúc đó rừng cây chưa bị tàn phá.
Nhưng bây giờ, khi rừng cây bị tàn phá quá nhiều, điều này đã trở nên bức thiết. Hiểu thâm ý của Ngài và thực hiện lời dạy ấy, chúng ta sẽ thấy những lợi ích lớn lao mà rừng cây đem lại cho sự sống của con người.
Bởi vậy, dù sống trong thời đại mà khoa học kỹ thuật có những tiến bộ không ngừng, chúng ta vẫn nhớ thông điệp không lời mà Đức Phật để lại. Phật dạy khoa học kỹ thuật hiện đại có thể giúp con người xây dựng những ngôi nhà lớn, có thể đem lại cho cuộc sống con người đầy đủ tiện nghi, nhưng chúng ta cố gắng đừng xa rời thiên nhiên. Lúc nào chúng ta cũng giữ sự gắn bó với cây xanh để có thể tìm ra được những điều quý giá từ nơi ấy.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận