Phật dạy: Bình an đến với mỗi người đều do nhân quả từ kiếp trước
Bình an đến với mình đều là do nhân quả từ kiếp trước. Bất kể là niềm vui hay nỗi buồn, ta không tìm cách từ chối hay né tránh, mà chỉ có thể chấp nhận.
Bình an trong cái vui, cái khổ là một khía cạnh đạo lí hơi khó hiểu. Từ trong vô lượng kiếp trước, vì ngu si, vô minh, chưa biết đạo nên chúng ta lỡ gây ra rất nhiều tội lỗi, nên kiếp này phải trả quả báo. Trả nghiệp là một điều không hề đơn giản, dễ chịu. Kể cả người biết đạo, khi trả nghiệp cuộc đời vẫn có thể khổ sở, bầm dập.
Khi đến với đạo, chúng ta được dạy 2 điều:
- Thứ nhất là lễ Phật, sám hối và làm nhiều việc thiện, tích phước để chuyển bớt nghiệp cũ.
- Thứ hai là tu tập để bình an, tự tại khi quả báo ập đến.
Đạo không bao giờ khuyến khích ta thoát nghiệp quá khứ chỉ bằng lời cầu xin. Vậy nên, ngoài việc khấn cầu, chúng ta phải hành động để giảm bớt cái nghịch cảnh, khổ đau cho bản thân.
Tuy nhiên, có một trường hợp ngoại lệ,
Khi ta rơi vào hoàn cảnh bế tắc, lời cầu xin vẫn linh ứng, đó là vì từ trước, ta đã làm rất nhiều phước hoặc tu hành nhiều kiếp. Còn bình thường, chúng ta cố gắng sống mạnh mẽ, không cầu xin, chỉ cố gắng làm phước thật nhiều mà thôi.
Trọng tâm của bài này không đi sâu vào việc làm phước mà chú trọng vào sự bình an, tự tại trước mọi hoàn cảnh.
Thông thường, khi bị rơi vào nghịch cảnh như nợ nần, oan ức,… mọi người thường chạy vạy, nhờ vả, cầu xin, cố gắng làm nhiều việc để thoát khỏi sự bế tắc đó. Tuy nhiên, chúng ta không ngờ rằng chính những việc đó lại khiến ta còn khổ hơn nữa.
Ngược lại, nếu ta yên lặng đối diện, chấp nhận, ôm lấy nghịch cảnh thì tự dưng lại hết khổ.
Đây là một điều rất lạ. Ví dụ, khi đối diện với cái đói, nhiều người đã đi vay mượn. Việc này khiến họ khổ hơn nữa vì vừa rơi vào cảnh đói, vừa rơi vào cảnh nợ nần lê thê. Họ không biết rằng nguyên nhân dẫn đến cái đói của kiếp này đến từ cái nghiệp của kiếp trước.
Phật dạy có thể, một kiếp nào đó ta đã từng làm cho một chúng sinh đói. Dù đó là sự vô tình, không phải ta ác nhưng nó đã tạo thành cái nghiệp, dẫn đến cái đói của kiếp này và giờ ta phải trả. Thế nên, ta đừng cố chạy vạy, cứ kiên nhẫn trả rồi khi cái nghiệp đi qua, hoàn cảnh sẽ thay đổi.
Ta không biết kiếp trước mình đã làm ra những chuyện sai trái gì nên không biết cái nghiệp nào sẽ đến với ta trong kiếp này và đến khi nào.
Vậy nên, Phật dạy thay vì ngồi chờ cái nghiệp đến, chúng ta tự động làm nhiều việc thiện, tự động bắt mình đối mặt với những nghịch cảnh trước. Nghĩa là, ta tự nguyện trả nợ cái nghiệp của kiếp trước.
Việc tự nguyện trả nghiệp giúp ta thấy vui vẻ, Phật dạy chủ động trong mọi tình huống nên không bị động, quá buồn khổ như việc bị trả nghiệp. Một khi cái khổ đã đến rồi, ta biết đó là cái nợ mình phải trả thì đừng than vãn, oán trách cuộc đời,
Hãy tự nguyện chấp nhận cái khổ thì mới nhanh hết khổ!
Ví dụ khi bị ai mắng thậm tệ, ta có 3 hướng xử lí.
- Một là tức giận, phẫn nộ rồi tìm cách chửi lại. Cách xử lí này bị Phật chê.
- Hai là coi lời mắng đó như gió thoảng qua tai, không thèm nghe.
- Ba là lắng nghe từng chữ, ôm và nhận lấy từng chữ. Là một người tu theo đạo Phật, làm theo những lời Phật dạy thì chúng ta phải đạt được mức độ thứ 3 trong việc xử lí tình huống này.
Kể về cuộc đời Đức Phật, lúc còn tại thế, có câu chuyện rằng: Khi Ngài cùng Tăng đoàn đến vân du xứ Kosambi. Suốt hành trình Ngài ôm bát khất thực đã bị người dân sống 2 bên đường bao quanh, bám sát, chỉ trỏ rồi buông những lời mắng chửi thô bỉ, khủng khiếp.
Những đệ tử đi theo Ngài rất xót xa. Không chịu nổi, Ngài A Nan đã khóc, nước mắt đầm đìa. Một tay Ngài gạt người này, một tay Ngài xô người kia ra vì sợ họ hành hung Đức Phật.
Trong lúc đó, Đức Phật vẫn thong thả ôm bình bát, lắng nghe từng lời chửi mắng.
Thái độ của Đức Phật khi ấy là bài học muôn đời cho chúng ta, để ta thấy người có đạo lực mạnh là người không né tránh, không chạy trốn mà chấp nhận đương đầu, đối diện, đón lấy nó. Ngược lại, người yếu đuối sẽ có 2 biểu hiện: Phẫn uất, đau khổ, xoay sở tìm cách chạy trốn và giả nai, giả điếc coi như không.
Chỉ có lắng nghe từng lời cho rõ, chấp nhận từng lời mắng chửi mới là một nội tâm mạnh mẽ, đúng bản lĩnh của người đệ tử phật. Do đó, ta phải tu sao cho đạt được mức độ mà khi nỗi khổ ập đến, ta lặng lẽ ngồi đối diện, chấp nhận nó.
Nhưng đây mới là thái độ với nỗi khổ, còn với niềm vui thì sao?
Chúng ta hay mừng khi vui hoặc may mắn. Tuy nhiên, người đệ tử Phật đừng khờ dại mà mừng. Hãy giữ cho lòng mình sự bình thản dù biết rằng không thể tránh được niềm vui hay sự may mắn tìm đến ta. Hãy lặng lẽ đối diện và diệt cái tâm vui mừng đi, nếu không cái phước sẽ cạn rất nhanh. Chỉ có sự bình thản, không mừng trước cái may mắn thì ta mới giữ được phước cho bền bỉ.
Lại thêm, khi niềm vui hay may mắn đến với mình, ta phải coi đó là trách nhiệm mà cuộc đời giao phó để cố gắng hoàn thành tốt công việc đó. Sống trên đời, vô số niềm vui hay nỗi khổ sẽ tìm đến ta. Chúng ta không thể thay đổi được điều đó nên hãy học cách chấp nhận để bình an ngay cả trong niềm vui hay nỗi khổ.
Tuy nhiên, để đạt được sức mạnh nội tâm khi gặp chuyện vui không mừng, gặp chuyện buồn không khổ thì buộc phải có thiền định.
Ta biết, Đức Phật đắc đạo nhờ công phu tọa thiền.
Suốt cuộc đời sau khi đắc đạo, Ngài đều ngồi thiền cả ngày lẫn đêm. Đó là bài học cho tất cả các đệ tử.
Với người mới bắt đầu thực hành thì việc ngồi thiền rất khó khăn, khổ sở. Nhưng qua 5 hay 10 năm, khi đã thuần thục rồi thì thiền mang lại một niềm hạnh phúc tột độ và nó trở thành điều không thể thiếu trong cuộc đời ta.
Lúc đó, ta có sức mạnh nội tâm, giúp ta biết đối diện, chấp nhận và ôm lấy niềm vui hay nỗi khổ, để lòng ta bất động, chứ không còn yếu đuối, than khóc khổ sở hay giả vờ không thấy như trước nữa.
Ngoài ra, nội tâm mạnh mẽ như vậy là kết tinh của cả một đời sống tràn đầy đạo đức chứ không phải chỉ ngồi thiền để né tránh cuộc đời. Tọa thiền là lúc tập hợp sự chuyên chú, còn vây quanh đó phải là một đời sống tràn đầy đạo đức.
Đồng thời, ta phải biết yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh; biết nhẫn nhục, khiêm tốn, lễ độ từng chút một. Phải làm được những điều tốt đẹp này mới kết tinh thành sự bất động lặng lẽ khi thiền. Từ sự bất động lặng lẽ đó, ta có sức mạnh nội tâm, vượt qua hết mọi khổ đau, mọi vui sướng trong cuộc đời.
Đến đây, chúng ta hiểu rằng không thể chạy trốn khỏi cái khổ để tìm hạnh phúc mà hạnh phúc là ta biết đón nhận, ôm lấy cái khổ trong mọi nghịch cảnh. Nó không phải là một hạnh phúc bình thường mà rất ý vị.
Ta thấy, hoa sen mọc lên từ bùn, ngọc quý được bao phủ bởi một lớp đá sần sùi. Cũng vậy, giữa đau khổ chập trùng, giữa vô số điều oan ức, khổ cực, ta biết chấp nhận và ôm lấy nó thì hạnh phúc sẽ bùng vỡ ra ngay trong những nghịch cảnh đó.
Từ đây ta biết, mọi việc đến với mình đều là do nhân quả từ kiếp trước. Bất kể là niềm vui hay nỗi buồn, ta không tìm cách từ chối hay né tránh, mà chỉ chấp nhận, đối diện và ôm lấy nó, ta mới có thể bình an và tìm được niềm hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận